Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 5 tháng 9 năm 2020 | 10:0

Đắk Nông: Công ty Nam Tây Nguyên xây nhà nuôi yến trên đất lâm nghiệp

Một nhà nuôi yến “đồ sộ” xuất hiện trên đất lâm nghiệp nhận được sự bàn ra tán vào của nhiều người dân ở xã Quảng Trực (Tuy Đức – Đắk Nông).

Chủ rừng khẳng định đúng quy định?

Theo tìm hiểu của PV, công trình nhà yến xuất hiện trên đất rừng mà người dân đề cập nằm ở Lô a,b,c – khoảnh 2 – tiểu khu 1476, có diện tích khoảng 200 m2.

Nhà nuôi yến này được xây dựng vào cuối năm 2019, là sản phẩm của sự liên kết đầu tư giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên với HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Kim Ngọc (HTX Kim Ngọc). Theo đó, quy mô liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh rừng kinh tế kết hợp thí điểm xây nhà nuôi yến với tổng diện tích 27,7 ha, trong đó: trồng bơ + mắc ca 26,1 ha; diện tích còn lại xây nhà ở công nhân, nhà nuôi yến, hệ thống tưới tiêu, đường nội đồng. Thời gian liên kết từ năm 2019-2043. Vốn đầu tư giai đoạn thiết kế cơ bản khoảng 3,86 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên chiếm 17,54% tổng vốn đầu tư, số vốn còn lại do HTX Kim Ngọc huy động.

2.jpg
Quyết định phê duyệt phương án liên kết đầu tư giữa Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên và HTX Kim Ngọc.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên khẳng định, việc liên kết  xây dựng nhà nuôi yến trên đất lâm nghiệp được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và căn cứ cơ sở pháp lý đã ban hành. Cơ sở mà ông Bình đề cập được cụ thể ở Khoản 2, Điều 8, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp quy định: “Chủ rừng sử dụng tối đa 30% diện tích đất đã được giao, được thuê nhưng chưa có rừng để đầu tư phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, trong đó diện tích đất dành cho xây dựng hạ tầng (đường giao thông, công trình kiên cố, nhà máy) tối đa là 20%.

ne.jpg
Nhà nuôi yến của Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên tọa lạc trên đất lâm nghiệp.

 

“Căn cứ vào quy định trên, chúng tôi có quyền sử dụng khoảng 7ha (tức 30% của 27ha đất lâm nghiệp) để đầu tư theo quy định. Trong số 7ha đất này, chúng tôi được phép sử dụng 20% (1,4ha) cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, nhà máy gia công… Dựa vào cơ sở pháp lý đó, đơn vị đã xây dựng nhà quản lý bảo vệ kết hợp với công năng nuôi yến. Mô hình này cũng được ông Trương Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh vào tham quan. Năm 2020, đơn vị đã xây dựng xong phương án quản lý, bảo vệ rừng bền vững, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình nhà nuôi yến này ra toàn bộ diện tích của công ty nếu đáp ứng điều kiện và được cấp trên phê duyệt”, ông Bình cho biết thêm.

Xây nhà nuôi yến không phục vụ công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng là trái quy định

Trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, một giảng viên trường Đại học Lâm nghiệp cho biết: Theo quy định, đất lâm nghiệp chỉ phục vụ cho mục đích trồng rừng, đơn vị chủ rừng chỉ được phép xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ cho việc trồng rừng, phát triển rừng (diện tích xây tối đa không quá 20% trên tổng số 30% diện tích đất dùng để đầu tư phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp). Khi xây dựng, chủ đầu tư công trình có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, lưu hồ sơ.

Đối chiếu với quy định trên, việc Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên xây nhà nuôi yến trên đất lâm nghiệp là trái với các quy định đã ban hành. Hơn nữa, mô hình nuôi chim yến là hình thức kinh doanh khác, không được tính vào sản xuất nông nghiệp hay ngư nghiệp kết hợp.

Liên quan đến vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông đã ban hành văn bản yêu cầu, việc xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài đảm bảo các quy định hiện hành, cần phải đảm bảo các điều kiện sau gồm: Mục đích chính của xây dựng cơ sở hạ tầng phải phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và mục đích khác theo quy định; Diện tích đất xây dựng cơ sở hạ tầng không được vượt quá 20% trong 30% tổng diện tích của lô rừng; Đảm bảo các quy định về đất đai và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trao đổi qua điện thoại, đại diện HTX Kim Ngọc cho biết: “Chi phí xây dựng công trình nhà nuôi yến mà đơn vị liên kết với Công ty Lâm nghiệp Nam Tây khoảng 400 triệu đồng. Công trình này phục vụ mục đích nuôi chim yến, hằng ngày yến thải phân thẳng xuống nền nhà, mùi rất hôi thối. Nó chẳng khác gì cái chuồng gà, rất mất vệ sinh, con người không thể sinh sống phía dưới được. Cứ 2 tháng tôi lại phải tiến hành xử lý vệ sinh một lần”.  

Liên quan đến việc nuôi chim yến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành Thông tư số: 35/2013/TT-BNNPTNT, trong đó có một số quy định bắt buộc như: Chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nơi có cơ sở nuôi chim yến theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; Tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở để nuôi chim yến kể từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải phù hợp với quy hoạch hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Tuy nhiên, xác nhận với phóng viên, một lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức cho biết, đến thời điểm này, đơn vị chưa nắm thông tin việc Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên phát triển mô hình nuôi chim yến ở địa phương và đơn vị này cũng chưa khai báo gì với chúng tôi.

 

 

Trần Luật
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top