Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng lương ít ỏi, không đủ tiền mua đất làm nhà, ông Kiều Quang Long đã tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần thuê máy móc san gạt đất rừng, nhằm mục đích “biến đất công thành đất ông”.
Ý đồ bất thành
Sau khi Kinh tế nông thôn đăng bài viết: “Đắk Nông: Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên tùy tiện cấp đất rừng trái phép cho cán bộ”, ngay ngày hôm sau (24/7/2020), đại diện UBND xã Quảng Trực (Tuy Đức) phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Kiều Quang Long, vì có hành vi chiếm đất lâm nghiệp thuộc lô 2, khoảnh 3, tiểu khu 1459, với diện tích 350m2.
Điều đáng nói, người vi phạm là nhân viên của Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, công tác tại bộ phận Đội Quản lý bảo vệ rừng cơ động.
Anh Nguyễn Văn C., người dân xã Quảng Trực, cho rằng: Nếu sự việc không bị người dân, cơ quan báo chí phản ánh, ý đồ “biến đất công thành đất ông” của ông Long sẽ dễ bề trót lọt. Rồi sau đó, lại có thêm một nhà khác của nhân viên công ty này xuất hiện trên đất rừng như thời gian qua. Nhưng may là, sự việc không diễn ra như toan tính của người trong cuộc.
Sự việc bị bại lộ, ông Kiều Quang Long bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt từ 5-7 triệu đồng và bị công ty kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên được nhà nước giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, hơn ai hết, cán bộ, nhân viên của đơn vị này là người nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan đến Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp. Vì vậy, hành vi ngang nhiên múc đất rừng để làm nhà của nhân viên công ty này khiến dư luận không thể chấp nhận.
Việc san lấp, làm nhà trên đất rừng diễn ra tràn lan
Ngoài trường hợp “xà xẻo” đất rừng nói trên, PV còn ghi nhận nhiều căn nhà xuất hiện trên đất rừng do Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý. Chính người dân sống xung quanh và cả ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cũng thừa nhận có hơn 10 căn nhà được xây dựng trên đất rừng do nhân viên của công ty làm trước năm 2017.
Điều đáng nói, dù chưa được cơ quan có thẩm quyền đồng ý về mặt chủ trương, nhưng lãnh đạo công ty này đã “tùy tiện” phân lô, giải thửa cấp đất rừng cho nhân viên của mình. Đặc biệt, người có trách nhiệm biết việc này là sai, chưa đúng quy định nhưng vẫn làm liều. Theo người đứng đầu Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, việc phân lô, giải thửa này là sai nhưng rất nhân văn, vì anh em cán bộ, nhân viên của công ty có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, việc tạo điều kiện này là trách nhiệm của Ban lãnh đạo (?!)
Anh Trần Văn B., sau khi đọc bài viết (đăng ngày 23/7/2020), cho rằng: Việc nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên có thể thực hiện bằng nhiều cách, không nên lấy cớ khó khăn để “xà xẻo” vào đất rừng. Là đơn vị quản lý, bảo vệ rừng nhưng Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên lại để nhân viên đi “xà xẻo” đất rừng, làm nhà trên đất rừng như vậy là rất phản cảm. Tất cả đều là hành vi chiếm đất rừng trái phép cần phải được xử lý nghiêm.
Ngoài anh C., đọc giả B., nhiều đọc giả khác sau khi đọc bài viết: “Đắk Nông: Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên tùy tiện cấp đất rừng trái phép cho cán bộ”, rất ủng hộ, hoan nghênh Kinh tế nông thôn đã thông tin sự việc kịp thời để cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên Nguyễn Ngọc Bình thay vì cầu thị tiếp thu lại cho rằng, phóng viên dùng từ ngữ chưa thấu đáo, hình ảnh lấy từ vị trí khác, không cùng vị trí,… dễ làm người dân hiểu nhầm, dễ gây kích động (?!)
Qua các thông tin mà PV thu thập được có thể khẳng định: Việc phân lô, giải thửa của Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên là trái quy định của pháp luật; đề nghị công ty xử lý nghiêm tình trạng cán bộ hoặc người dân làm nhà trái phép trên đất rừng. Lãnh đạo Công ty nên thường xuyên tuyên truyền các quy định liên quan đến Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp đến toàn thể cán bộ, nhân viên nhằm tránh tình trạng tương tự có thể xảy ra.
Đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên khi tự ý phân lô, giải thửa đất rừng, rồi cho phép cán bộ, nhân viên làm nhà trên đất rừng mà cơ quan báo chí đã phản ánh.
Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.