Dự án Nhà máy Xi măng Nam Đông có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) “đắp chiếu” hơn 13 năm nay. Hàng chục hộ dân phải nhường đất cho dự án thì đang thiếu đất sản xuất nghiêm trọng.
Dự án nghìn tỷ chỉ để... chăn bò
Năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ký quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Đầu tư xi măng Nam Đông – Việt Song Long triển khai Dự án nhà máy sản xuất xi măng. Địa điểm thực hiện dự án thuộc hai thôn 3 và 5 thuộc xã Thượng Quảng. Để triển khai dự án, chính quyền địa phương đã thu hồi 40ha đất thổ cư, đất vườn của 40 hộ dân giao cho doanh nghiệp. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.437 tỷ đồng, cam kết hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2011.
Là xã miền núi kinh tế vô cùng khó khăn, chính quyền và nhân dân Thượng Quảng hết sức phấn khởi bởi dự án được kỳ vọng sẽ đem đến công ăn việc làm để thay đổi đời sống người dân. Vì vậy, 40 hộ dân thôn 3 và thôn 5 đã đồng ý di dời nhà cửa, vườn tược đến khu tái định cư cách đó không xa.
Sau khi được giao đất, chủ đầu tư đã xây dựng khu hành chính 2 tầng, nhà để xe. Nhưng hơn 10 năm nay, chủ đầu tư đã “biến mất”, để lại nhiều hệ lụy về môi trường và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương này.
Theo ghi nhận, đến giữa tháng 4/2021, khi chúng tôi có mặt tại thôn 3 và thôn 5, nhà máy chưa được xây dựng, khu nhà hành chính hoang tàn, xuống cấp, người dân không những chăn thả trâu, bò trong khu vực này mà còn đưa trâu bò vào nuôi nhốt. Tầng 1 khu nhà hành chính vì thế đầy ắp phân trâu, bò, nước phân chảy lênh láng khắp nơi.
Một diện tích rất lớn, rộng hàng chục hecta hiện cũng chỉ để cho trâu, bò gặm cỏ. Người dân tiếc đất, không có nơi sản xuất đã tự ý trồng keo nhưng chủ đầu tư yêu cầu chặt bỏ. Vì vậy, trên diện tích được thu hồi giao cho doanh nghiệp hiện nay hoặc bỏ hoang hoặc trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò.
Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, cho hay, chỗ đất dự án thu hồi đang bỏ hoang hiện dân cũng chỉ được trồng cỏ nuôi bò chứ không được trồng cây gì hết. Vừa rồi huyện cũng đã làm việc trực tuyến với phía chủ đầu tư và Sở Kế hoạch - Đầu tư nhưng cũng chưa đâu vào đâu. Biết là dân cũng cần đất sản xuất nhưng để thu hồi dự án thì huyện không quyết được.
Người dân “khát đất”
Như vậy, tính đến đầu năm 2022, dự án Nhà máy Xi măng Nam Đông đã hơn 13 năm “trùm mền”. Cũng trong chừng ấy thời gian, hàng chục hộ dân nhường đất cho dự án gặp nhiều khó khăn vì thiếu đất sản xuất.
Theo tìm hiểu của P.V, từ chính quyền đến người dân địa phương đều có chung mong muốn, nếu dự án không khởi động lại thì giao đất trở lại cho người dân để sản xuất, sinh sống; hàng trăm hecta đất dự án đã bỏ hoang quá lâu gây lãng phí rất lớn đến tài nguyên và kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường.
Ông Trần Oánh (xã Thượng Quảng) có 6.000m2 đất ở, đất vườn bị thu hồi để phục vụ dự án cho biết, những hộ dân sau khi bị thu hồi đất thì được cấp khoảng 2.000m2 đất ở, đất vườn tái định cư. Tuy nhiên, địa điểm mặt bằng khu tái định cư được đắp bằng đất đá lấy từ núi cao nên không thể canh tác; cây ăn quả trồng cả chục năm nay nhưng không thể phát triển. Nếu muốn trồng cây, trồng rau, người dân phải mua đất màu về đổ một lớp phía trên nhưng chẳng ai làm được vì không có tiền. Cùng với đó, nơi ở trong khu tái định cư chật hẹp, nguồn nước giếng bị nhiễm phèn nặng, đời sống quá cơ cực nên một số hộ đã chuyển đi sinh sống nơi khác.
“Người dân chúng tôi trước đây cuộc sống mưu sinh chủ yếu ở mảnh vườn đất của ông cha để lại, giờ bị dự án thu hồi bỏ hoang hơn 10 năm nay, thấy rất lãng phí. Nếu dự án không triển khai tiếp thì kiến nghị Nhà nước trả lại đất để người dân sản xuất, ổn định cuộc sống”, ông Oánh bức xúc.
Ông Đinh Hồng Lam, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng, cho hay, trước tình hình đất dự án nhà máy sản xuất xi măng đang bỏ hoang trong khi người dân thiếu đất sản xuất, chính quyền địa phương xã đã có văn bản kiến nghị cấp trên thu hồi đất giao cho dân. Qua các đợt tiếp tiếp xúc cử tri của Đại biểu HĐND huyện, cử tri cũng nêu kiến nghị về vấn đề này.
Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế: “Sở đang phối hợp với các sở, ban ngành liên quan làm việc với nhà đầu tư rà soát các nội dung liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh để tham mưu phương án xử lý phù hợp”.
Diện tích lớn đất nông nghiệp bị bỏ hoang trong khi người dân đang thiếu đất canh tác, chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án Nhà máy Xi măng Nam Đông cần sớm có giải pháp để tránh lãng phí tài nguyên, để người dân có đất sản xuất, ổn định cuộc sống.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.