Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 2 năm 2021 | 22:24

Đất nông nghiệp đang bị “biến dạng” khi cơ quan chức năng buông lỏng quản lý

Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp bị các cá nhân lấn chiếm, san lấp làm điểm tập kết, nhận trông giữ xe ô tô, bãi tập kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông thậm trí, đất nông nghiệp còn được sử dụng vào mục đích nhà hàng quán ăn, khu du lịch…

Đơn cử như vụ việc đang diễn ra “giữa ban ngày” tại một khu du lịch sinh thái mang tên Thiện Thảo Garden rộng gần 8ha, bỗng dưng được “mọc” lên trên đất trồng cây lâu năm với đầy đủ tổ hợp khách sạn, trung tâm hội nghị, trung tâm tiệc cưới, nhà hàng ẩm thực, nhà hàng hầm rượu, hàng chục căn homestay, bể bơi… Điều này khiến nhiều người ngỡ ngàng.
 
231aa55f601c8942d00d.jpg
Khu du lịch Thảo Thiện Garden (Ảnh: Doanh Nhân Việt Nam)
Được biết, đây là khu vườn sinh thái giải trí, thể thao liên hợp được hình thành trên khu vườn trái cây rộng gần 8ha, nằm ven với cầu Bình Lộc thuộc địa phận phường Bảo Vinh (TP Long Khánh) với nhiều hạng mục như: Khu hồ bơi tiêu chuẩn Quốc gia (chiều dài 25 m, rộng 6 đến 8 đường bơi); khu hồ bơi thiếu nhi với nhiều loại hình vui chơi giải trí dưới nước; khu hồ thiên nga (đạp vịt, du thuyền); khu hồ nước cạn, sân bóng đá mini, sân quần vợt theo tiêu chuẩn Quốc tế, cùng với khu khách sạn và nhà hàng.
 
Đây được xem là khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí thể thao có quy mô lớn nhất ở TP Long Khánh được đầu tư khép kín hoàn thiện. Đến đây, du khách có thể tận hưởng không gian nghỉ ngơi cùng gia đình, thoải mái rảo bước dưới hồ, đắm mình trong thác nước nhân tạo khá bắt mắt, khu nhà hàng ẩm thực, quầy giải khát, được bố trí xung quanh khuôn viên...
 
Tuy nhiên, theo tìm hiểu khu du lịch mang tên Thảo Thiện Garden tọa lạc trên khu đất trồng cây lâu năm rộng 78.419,5m2 thuộc tờ bản đồ số 2, phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai do bà Nguyễn Thị Nhung là chủ sử dụng. Mặc dù, hiện nay toàn bộ các khu đất này vẫn đang là đất nông nghiệp và chưa được chuyển mục đích sử dụng.
Cũng không có bất kỳ dự án Khu du lịch nào được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép đầu tư xây dựng tại đây.
 
Theo tìm hiểu được biết, tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai thì được biết Sở này không tham mưu cho UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch Thảo Thiện Garden tại Phường Bảo Vinh, TP Long Khánh. Và theo hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp không có thông tin đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH MTV Thảo Thiện Garden Đồng Nai như một số trang web du lịch quảng cáo. Tuy nhiên có thông tin đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH một thành viên Thảo Thiện Đồng Nai, đăng ký kinh doanh lần đầu năm tháng 3/2019 với ngành nghề kinh doanh như khách sạn, nhà hàng, karaoke, câu lạc bộ thể thao đại lý du lịch,... người đại diện theo pháp luật là bà Đặng Thị Thúy Hồng. Tháng 5/2019 thay đổi đăng ký kinh doanh lần 1, tháng 6/2019 tiếp tục thay đổi đăng ký kinh doanh lần 2 và đến tháng 8/2019 ghi nhận người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Nhung.
 
73b0fdf538b6d1e888a7.jpg
Khách sạn, nhà hàng được đầu tư bài bản (Ảnh: Doanh Nhân Việt Nam)
Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, ngày 29/1/2021 vừa qua, Sở đã phối hợp với cơ quan ban ngành tiến hành kiểm tra ra soát sai phạm tại Khu du lịch Thảo Thiện Garden theo đó: Khu đất xây dựng điểm du lịch sinh thái vườn bao gồm 12 thửa (thửa số 19, 24, 25, 28, 29, 35, 36, 37, 38, 163, 164, 165) cùng tờ bản đồ số 2 phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh thuộc quyền sử dụng của bà Nguyễn Thị Nhung tổng diện tích khoảng 91.690 m2.
 
Theo UBND phường Bảo Vinh báo cáo, các thửa đất trên được bà Nguyễn Thị Nhung nhận chuyển nhượng lại năm 2018. Các các thửa đất này trước đây là trại nuôi heo của bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh đã được xây dựng từ lâu, gồm có các hạng mục khu trại nuôi heo (gồm nhiều khu trại), nhà ở, nhà chứa cám, hồ chứa nước thải, hầm bioga, hồ nuôi cá sấu, mương tiêu thoát nước, nhà cho công nhân ở, nhà để nuôi chim yến và nhà chứa nông sản, phân bón, công cụ sản xuất,…
 
Qua kiểm tra, rà soát hiện trạng khu đất trên, đoàn kiểm tra ghi nhận:
 
Thửa đất số 19, tờ bản đồ số 2, diện tích 4.203 m2, có công trình: Hồ bơi, 10 căn nhà homestay.
Thửa đất số 24, tờ bản đồ số 2, diện tích 19.564 m2, có công trình: dòng suối nhân tạo, sảnh đãi tiệc hình tròn, sảnh đãi tiệc hình chữ nhật, 02 căn nhà cấp 4, đường bêtông ximăng.
Thửa đất số 25, tờ bản đồ số 2, diện tích 15.667 m2, có công trình: dòng suối nhân tạo, 03 căn nhà cấp 4.
Thửa đất số 28, tờ bản đồ số 2, diện tích 81,4 m2, có công trình: Nhà bảo vệ.
Thửa đất số 29 tờ bản đồ số 2, diện tích 10.447 m2, gồm có: hồ bơi, hồ nước nhân tạo, khu vực bán nước uống, khu ẩm thực hình tròn và sân khấu hát cho nhau nghe, khu ẩm thực.
2458541e915d7803214c.jpg
Homestay, nhà hội nghị, khu vui chơi
Thửa đất số 35, tờ bản đồ số 2, diện tích 16.551 m2, có công trình: Khu trò chơi trẻ em, khu sảnh đãi tiệc cưới, 01 phòng hội họp, sảnh bán nước uống.
Thửa đất số 36 tờ bản đồ số 2, diện tích 3.788,5 m2, gồm có khu giữ xe.
Thửa đất số 37, tờ bản đồ số 2, diện tích 4.436 m2, gồm có: Sân bóng đá.
Thửa đất số 38 tờ bản đồ số 2, diện tích 8.436 m2, gồm có: khu sảnh đãi tiệc cưới, khu nhà vệ sinh.
Thửa đất số 163, tờ bản đồ số 2, diện tích 3.763 m2. gồm có công trình: 01 Khách sạn, 03 phòng karaoke, 01 sảnh tiệc tròn, 01 hầm rượu.
Thửa đất số 164, tờ bản đồ số 2, diện tích 4.087 m2, hiện nay đang trồng cây.
Thửa đất số 165, tờ bản đồ số 2, diện tích 636m2, gồm có: đường giao thông nội bộ.
 
Trước đó vào ngày 27/1/2021, tại biên bản làm việc với Thanh tra Sở Xây dựng UBND phường Bảo Vinh và UBND TP Long Khánh cũng ghi nhận: UBND phường Bảo Vinh đã ban hành 6 Quyết định xử phạt về vi phạm lĩnh vực đất đai: Quyết định số 144/QÐ-XPVPHC ngày 5/11/2018, Quyết định số 40/QDXPVPHC; Quyết định số 41/QÐ-XPVPHC; Quyết định số 42/QÐ-XPVPHC; Quyết định số 43/QÐ-XPVPHC; Quyết định số 44/QD-XPVPHC cùng ngày 14/3/2019. Trong đó xử phạt hành vi sử dụng đất không đúng mực đích tại các thửa 29, 36, 37, 38, 163, 165 cùng tờ bản đồ số 2 với tổng số tiền phạt là 9.000.000 đồng, đồng thời đình chỉ việc sử dụng đất sai mục đích, yêu cầu bà Nhung (chủ khu đất) trả lại hiện trạng và sử dụng đúng mục đích.
 
Cũng từ tháng 3/2019, Công ty TNHH MTV Thảo Thiện Đồng Nai đã bị Phòng văn hóa và thông tin cùng đội kiểm tra 814 nhiều lần nhắc nhở yêu cầu không được tổ chức kinh doanh khi chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh. Và từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh hồ bơi với số tiền 37.000.000 đồng và yêu cầu không được tổ chức haotj động kinh doanh khi chưa đủ điều kiện.
 
Ngày 19/1/2021, các ngành chức năng của TP Long Khánh tiếp tục kiểm tra và phát hiện cơ sở của bà Nhung tiếp tục xây dựng một số hạng mục mới tại các thửa 19, 28, 35, 24, 25 cùng tờ bản đồ số 2 và tiếp tục lập biên bản xử lý vi phạm hành chính theo quy định ...
Được biết, trong năm 2019, bà Nhung có đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất để làm điểm du lịch sinh thái vườn, tuy nhiên do chưa phù hợp với quy hoạch nên chưa thực hiện các thủ tục. Nhưng thay vì tuân thủ pháp luật, bà Nhung lại tiến hành xây dựng hàng loạt công trình như sảnh tiệc cưới, khách sạn, bể bơi, sân bóng đá…dưới chiêu bài xin cải tạo công trình cũ.
 
Điều khiến dư luận bức xúc đó là, thay vì xử lý vi phạm yêu cầu trả về nguyên trạng thì UBND TP Long Khánh lại có báo cáo UBND tỉnh đề nghị để Công ty TNHH MTV Thảo Thiện Đồng Nai tiếp tục phát triển kinh doanh nhằm phục vụ du lịch sinh thái vườn theo đúng quy định. Điều này đồng nghĩa với việc sai phạm sẽ được hợp thức hóa!? Mặc dù Sở Tại Nguyễn và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã cho biết theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 TP Long Khánh đã được UBND tỉnh phê duyệt thì khu đất trên có chức năng quy hoạch là đất ở, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm khác và trên đất có quy hoạch đường điện cao thế 500KV.

Trạm trộn bê tông ngang nhiên 'mọc' trên đất nông nghiệp?

Người dân tại xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, trạm trộn bê tông của công ty cổ phần Bê tông Tuấn Thịnh Phát ngang nhiên được xây dựng trên diện tích khoảng hơn 1 ha đất nông nghiệp và đã đi vào hoạt động được một năm nay.

Được biết, tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai được biết: Trạm trộn bê tông với quy mô lớn đã được xây dựng và hoạt động trái phép trên khu đất trồng cây hàng năm khác rộng khoảng 11.681,2m2 tại tờ bản đồ số 10, xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng do ông Nguyễn Mạnh Hà là chủ sử dụng bao gồm các thửa: thửa 173 (500,7m2); thửa 172 (504,4m2); thửa 171 (505,5m2); thửa 170 (506,6m2); thửa 169 (516,9m2); thửa 168 (516,9m2); thửa 167 (425,2m2); thửa 166 (543m2); thửa 165 (1.012,3m2); thửa 162 (603,5m2); thửa 163 (500,2m2); thửa 161 (495m2); thửa 160 (404,6m2); thửa 159 (392,8m2); thửa 157 (503,9m2); thửa 158 (513,7m2); thửa 156 (501m2); thửa 155 (457,2m2); thửa 154 (622,3m2); thửa 153 (478,5m2); thửa 101 (600,7m2) và thửa 164 (586,6m2).

e8b0f6453106d8588117.jpg
Mặc dù là khu đất nông nghiệp do cá nhân đứng tên chủ sử dụng nhưng một trạm trộn bê tông trái phép đã được xây dựng và đi vào hoạt động.

Mặc dù, các thửa đất nêu trên đều nằm trong quy hoạch đất ở tại nông thôn kết hợp trồng cây lâu năm và chưa được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Nhưng đến nay khu đất đã được quây tôn cao khoảng 2m bao quanh; bên trong xây dựng một trạm trộn bê tông quy mô lớn, tuy ở ngoài không hề treo biển hiệu nhưng trên những chiếc xe bồn vận chuyển tê tông tươi đi tiêu thụ lại ghi rõ Công ty cổ phần Bê tông Tuấn Thịnh Phát.

Tuy rằng không có biển hiệu, xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng trạm trộn bê tông trái phép này lại hoạt động rầm rộ với công suất lớn gồm 4 silo xi măng, hệ thống định lượng, hệ thống điều khiển, hệ thống kết cấu thép, máy trộn, phần còn lại của khu đất dùng bãi tập kết vật liệu xây dựng, nhà bảo vệ…

Qua trao đổi với đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, được biết, tại khu vực tờ bản đồ số 10 gồm 22 thửa đất nêu trên do ông Nguyễn Mạnh Hà là chủ sử dụng, chưa lập thủ tục xin cấp phép trạm trộn bê tông. Đến thời điểm hiện tại thì Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cũng chưa nhận được bất cứ hồ sơ nào của doanh nghiệp liên quan đến khu đất trên.

Theo chân đoàn xe vận chuyển bê tông tươi từ “trạm bê tông lụi” này nhận thấy, ngoài việc ngày đêm cày xới tung các cung đường, thì từng đoàn xe nối đuôi nhau vận chuyển bê tông từ trạm trộn bê tông lụi tới khu tái định cư Lộc An. Mới đây Thanh tra đội giao thông số 8 thuộc Sở GTVT Đồng Nai đã có biên bản làm việc với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai (Khu dân cư Lộc An) về việc tuyên truyền nhắc nhở nhà xe vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ công trình dự án Khu dân cư Lộc An không được lưu thông qua tuyến đường Long Đức - Lộc An do có biển hạn chế tải trọng, chỉ được lưu thông qua trên tuyến ngã 4 Lộc An vào tỉnh lộ 769 phục vụ cho dự án Khu dân cư Lộc An.

 

52ea541f935c7a02234d.jpg
Bê tông thừa được xả thẳng ra môi trường không hề thông qua thu gom xử lý

Có thể thấy ngoài việc cày xới các cung đường dẫn đến dự án Khu dân cư Lộc An thì từng đoàn xe tải chở đá, cát, xi măng cùng dàn xe bồn bê tông ra vào rầm rập, khói bụi bay mù mịt, nước mặt, cũng như nước rửa xe bồn bê tông chảy tràn ra đường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hàng ngày từng đoàn xe chở vật liệu xây dựng, xe bồn chạy ầm ầm cả ngày gây tiếng ồn lớn, từng đống cát, đá chất cao như núi không được che phủ, bụi bay khắp nơi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai 2013 về nghĩa vụ của người sử dụng, trong đó quy định người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích. Đồng thời điểm d khoản 1 Điều 57 Luật này cũng quy định trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại các thửa đất nông nghiệp nêu trên do ông Nguyễn Mạnh Hà là chủ sử dụng chưa được nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích, cũng như chưa có bất cứ dự án đầu tư xây dựng trạm trộn bê tông nào được phê duyệt trên khu đất trồng cây hàng năm này, nhưng chủ đất lại ngang nhiên biến đất nông nghiệp thành điểm xây dựng và hoạt động trạm trộn bê tông nhằm trục lợi bất chính.

Căn cứ quy định tại khoản 2 và điểm a, điểm b khoản 4 Điều 11 Nghị định 91/2019, người sử dụng đất tự ý chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; Buộc khôi phục lại tình trạng ba đầu của đất trước khi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được do thực hiện hành vi vi phạm.

Thiết nghĩ, chính quyền xã Lộc An và huyện Long Thành cần sớm có biện pháp xử lý nghiêm hành vi vi phạm nêu trên nhằm chấn chỉnh lại tình trạng xây dựng sản xuất, kinh doanh trái phép, đồng thời chấn chỉnh tình trạng sử dụng đất không đúng quy định, buộc chủ đất phải sử dụng đất theo đúng mục đích đã được nhà nước phê duyệt.

Đất nông nghiệp bị 'hô biến' thành bãi trông xe

Phản ánh của Bạn đọc về việc HTX Láng Thượng sử dụng hàng nghìn m2 đất nông nghiệp sai mục đích, thu lời bất chính.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, khoảng 4.000m2 đất nông nghiệp tại địa chỉ số 110-112 phố Chùa Láng (phường Láng Thượng) do HTX Láng Thượng quản lý hiện đang được cho doanh nghiệp thuê để kinh doanh, sử dụng đất sai mục đích.

Theo đó, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của HTX Láng Thượng cho Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ, sản xuất xanh Nguyên Minh (do bà Phạm Thị Thúy Hằng làm giám đốc) thuê để kinh doanh làm gara sửa chữa ô tô, bãi trông giữ xe ô tô và nơi trưng bày hoa cây cảnh.

 

7d79a72c616f8831d17e.jpg
Gara ô tô “mọc” trên đất nông nghiệp của HTX Láng Thượng (Theo: Đại đoàn kết)

Tại cổng mặt phố Chùa Láng, để che đậy các hoạt động sử dụng sai mục đích của mình, Công ty Nguyên Minh đã dựng các bức tường cao để che chắn cho hoạt động bên trong. Phần cổng vào giáp phố Chùa Láng, doanh nghiệp này cho dựng tấm biển nhà vườn Nguyên Minh chuyên cây cảnh, chậu cảnh.

Phần diện tích trưng bày hoa cây cảnh rất nhỏ, lèo tèo vài chậu cây. Còn diện tích lớn phía bên trong là xưởng sửa chữa xe ô tô và bãi trông giữ xe. Tại khu gara ô tô, khách ra vào sửa chữa, rửa xe tấp nập. Tại đây, các thợ sửa xe mặc áo có lô gô Gara ô tô Tâm Bình số 110 Chùa Láng.

Tại bãi trông giữ xe ngay sát đó, phóng viên ghi nhận có thời điểm cả trăm xe ô tô được đậu tại đây. Theo các nhân viên tại bãi trông xe, tại đây có dịch vụ gửi xe dài hạn theo tháng. Bình quân giá trông xe theo tháng tùy 1 triệu đến 2,5 triệu đồng tùy theo vị trí và tùy từng chủng loại xe. Như vậy, với giá trông giữ xe nêu trên, riêng bãi trông giữ xe này thu nhập hàng tháng cũng lên tới cả trăm triệu đồng.

Qua tìm hiểu, HTX Thương mại dịch vụ Láng Thượng trước đây là HTX nông nghiệp Láng Thượng. Từ những năm 1960, HTX quản lý một số quỹ đất, ao mặt nước tại phường Láng Thượng. Toàn bộ diện tích đất, ao đều do các xã viên đóng góp khi thành lập HTX. Đến năm 1985, HTX bàn giao một số diện tích đất cho nhà nước, còn lại khoảng 4.000m2 đất nông nghiệp. Sau đó, HTX Láng Thượng cho một số đơn vị cá nhân thuê sử dụng trái mục đích. Mặc dù, chính quyền phường Láng Thượng và quận Đống Đa đã nhiều lần lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ các hạng mục vi phạm, yêu cầu HTX sử dụng đất đúng mục đích nhưng các vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra.

Đại diện UBND Phường Láng Thượng, ông Huy (tổ thanh tra xây dựng) khẳng định, thời gian dần đây chưa phát hiện hành vi vi phạm trong sử dụng đất tại HTX Láng Lượng. Đồng thời, ông Huy quả quyết “anh dám khẳng định không có kinh doanh về trông xe, không một ngày nào là bọn anh không vào luôn, kiểu gì cũng phải kiểm tra. Xe để đấy là của con cái bà con xã viên”.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Quốc Sủng- Giám đốc HTX Láng Thượng cho biết, đã giao cho Phó Giám đốc làm việc. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Chí Dũng- Phó Giám đốc HTX Láng Thượng thừa nhận khu đất nông nghiệp của HTX đang được Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ, sản xuất xanh Nguyên Minh sử dụng làm gara ô tô và bán cây cảnh. Ông Dũng cũng thông tin, mỗi tháng, Công ty Nguyên Minh trả cho HTX khoảng 60-70 triệu đồng tiền mượn mặt bằng

Khi được hỏi về vấn đề có hay không Công ty Nguyên Minh làm bãi trông giữ xe trái phép, ông Dũng phủ nhận “Chỗ đấy không cho gửi xe, xe của mấy ông làm đường, xe của cán bộ công an phường gửi.”

Khi phóng viên hỏi về hợp đồng liên doanh liên kết và các giấy tờ liên quan thì ông Dũng cho hay, do ông Dũng mới được bầu làm phó Giám đốc HTX nên chưa nắm được các tài liệu. Phóng viên tiếp tục liên hệ lại với ông Nguyễn Quốc Sủng- Giám đốc HTX Láng Thượng thì vị giám đốc này liên tục cáo bận.

Tại một văn bản mới nhất, ông Nguyễn Quốc Sủng- Giám đốc HTX Láng Thượng cho biết, HTX có 152 thành viên lương bình quân thấp, chỉ khoảng 250.000 đồng/người/tháng.

Nếu thu nhập của bà con xã viên HTX thấp như vậy thì lấy tiền đâu ra mua xe ô tô, thậm chí hàng trăm xã viên mua xe ô tô và gửi tại khu đất HTX như đại diện cán bộ phường Láng Thượng nói.

Trước những bất thường nêu trên, đề nghị ngành chức năng quận Đống Đa và thành phố Hà Nội cần kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc sử dụng đất sai mục đích tại HTX Láng Thượng.

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top