Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 4 tháng 9 năm 2022 | 15:38

Đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết, nâng cao giá trị nông sản

Để đẩy mạnh các chuỗi liên kết, các địa phương cần hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp vào phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản.

 

t1-dinh-lienket-tieuthu-sanpham.jpg
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong ảnh: Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai). 

 

Hà Nội: Cần sớm tháo gỡ khó khăn tạo đà liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản

Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội xây dựng được 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, số lượng chuỗi liên kết tăng rất chậm, mà nguyên nhân được cho là những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các mô hình liên kết chưa áp dụng được vào thực tế. Khó khăn, bất cập này cần được nhanh chóng tháo gỡ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) là mô hình hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Hiện nay, hợp tác xã có 15 phụ nữ tham gia liên kết sản xuất với các sản phẩm chủ lực là bưởi Diễn, rau xanh, lúa hữu cơ… Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến Vũ Thị Huyền cho biết: Do mới thành lập, nguồn vốn hạn chế, giá cả vật tư "đầu vào" thiếu ổn định nên hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Hợp tác xã mong muốn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chuỗi liên kết nhưng chưa thể tiếp cận.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), trong giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các chuỗi thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân tham gia, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, đến năm 2021 có 13 chuỗi ngừng hoạt động và chỉ thêm 17 chuỗi được thành lập mới. Như vậy, đến nay, Hà Nội có 145 chuỗi đang hoạt động, cho thấy tốc độ gia tăng các chuỗi ở mức rất thấp.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, chính sách hỗ trợ có nhiều nhưng chưa phù hợp khi áp dụng vào thực tế. Cụ thể, Trung ương và thành phố đều có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các mô hình liên kết chuỗi, như: Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và Nghị quyết số 10/ 2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 của HĐND thành phố Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội. “Chúng tôi đã triển khai các bước thẩm định dự án/kế hoạch liên kết chuỗi của các đơn vị gửi về Sở NN&PTNT đúng lộ trình, nhưng gặp nhiều vướng mắc nên đến nay Hà Nội chưa hỗ trợ được dự án, kế hoạch liên kết nào...”, ông Nguyễn Văn Chí thông tin.

Ngoài ra, trong 145 chuỗi được hình thành theo 7 hình thức liên kết chuỗi quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP có 46 chuỗi liên kết theo hình thức “chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”. Kiểu liên kết này không bền vững do hợp đồng liên kết dễ bị phá vỡ (khi giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường; khi giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì doanh nghiệp không thu mua sản phẩm của người sản xuất dẫn đến liên kết chuỗi bị phá vỡ). Từ năm 2020 đến cuối năm 2021 đã có 13 chuỗi liên kết bị rơi vào tình huống này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm chủ chuỗi liên kết còn lúng túng, khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn quỹ ưu đãi của thành phố cũng như các ngân hàng thương mại.

Thị trường tiêu thụ mở rộng, nhu cầu thực phẩm, sản phẩm nông sản giá trị cao ngày càng gia tăng đã thúc đẩy phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Đây là điều kiện thuận lợi để thành phố Hà Nội kiểm soát, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường và ổn định khâu tiêu thụ, từ đó tăng sức cạnh tranh cho nông sản của Thủ đô.

Trước những vướng mắc trong chính sách hỗ trợ các mô hình liên kết chuỗi, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đề nghị Trung ương và thành phố sớm sửa đổi những điểm chưa hợp lý để tránh thiệt thòi cho đơn vị tham gia chuỗi. Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Khảm đề nghị thành phố hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng các liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ mới trong quản lý sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý đất, bảo vệ cây trồng để phát triển nông nghiệp sinh thái.

Để đẩy mạnh các chuỗi liên kết, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, Sở NN&PTNT đang rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất Trung ương và HĐND thành phố Hà Nội sửa đổi, bổ sung nội dung còn thiếu và nội dung chưa phù hợp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp vào phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị Quỹ hỗ trợ phát triển thành phố và các ngân hàng thương mại có chính sách ưu đãi đối với các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, trong đó chủ chuỗi liên kết được vay vốn đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng thực tiễn của sản xuất và nhu cầu thị trường...

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Định (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT) cho biết, đơn vị đang chuẩn bị sơ kết 3 năm triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP nhằm tổng hợp kết quả thực hiện của các địa phương, báo cáo Chính phủ điều chỉnh chính sách cho sát thực tiễn, thiết thực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân...

Thanh Hóa: Phát huy thế mạnh của hợp tác xã nâng cao giá trị nông sản

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.198 HTX tham gia trong chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Bên cạnh mở rộng các khâu dịch vụ để phục vụ sản xuất cho người dân, để nâng cao giá trị nông sản, các HTX đã chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật, đầu tư xây dựng nhà lưới, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

 

245d6155215t76003l0.jpg
HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, thị trấn Thiệu Hóa hỗ trợ, hướng dẫn người dân xây dựng nhà lưới trồng dưa Kim Hoàng Hậu.

 

Là địa phương có truyền thống sản xuất rau màu, song sản xuất nông nghiệp truyền thống gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, thiếu tính cạnh tranh... nên HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ sản xuất đất hai vụ lúa kém hiệu quả kinh tế sang trồng rau màu; khuyến khích và hỗ trợ các xã viên từng bước ứng dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất, như xây dựng nhà màng, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương... Với hệ thống tưới này, hiệu quả hấp thu phân bón lên tới 80%, từ đó năng suất, chất lượng rau, củ, quả tăng lên rõ rệt. Đến nay, đã có 16,7 ha rau màu được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, mang lại doanh thu từ 380 đến 400 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó xây dựng được 26.000m2 nhà màng, doanh thu khoảng 4 tỷ đồng/ha/năm.

Từ hiệu quả kinh tế bước đầu của mô hình sản xuất dưa công nghệ cao, HTX đã và đang vận động các xã viên mở rộng diện tích nhà màng, nhà lưới để đầu tư sản xuất các loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao, như dưa Kim Cô Nương, cà chua, dưa chuột baby... HTX đã chủ động liên kết với các viện nghiên cứu, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương cung ứng giống lúa lai, lúa thuần... phục vụ sản xuất cho nguời dân. Từng bước xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo quy trình canh tác an toàn kết hợp với bao tiêu sản phẩm như hoa, rau an toàn...

Ngoài việc hỗ trợ người dân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, HTX còn tham mưu cho UBND thị trấn Thiệu Hóa mở gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn; đưa sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương tham gia các hội chợ, quảng bá sản phẩm trên hệ thống phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa... nhằm hỗ trợ người dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa có 60 HTX dịch vụ nông nghiệp. Với mục tiêu đa dạng hóa khâu dịch vụ, nâng cao giá trị nông sản nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, các HTX đã đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm nông sản qua các website, hội chợ triển lãm thương mại, cửa hàng giới thiệu sản phẩm trong và ngoài huyện. Từ đó hình thành các mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm, tiêu biểu như mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ bắp cải, súp lơ xanh xuất khẩu với Công ty TNHH Nông nghiệp Kim Huy Việt Nam, mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu tại HTX sản xuất thương mại nông nghiệp sạch Hoằng Đạo, mô hình trồng khoai tây liên kết với Công ty CP Quốc tế An Việt...

Bên cạnh đó, các HTX còn là “cầu nối” để chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp lúa - cá, phát triển trang trại chăn nuôi tập trung... Các HTX cũng đã chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, như sản xuất lúa giống áp dụng quy trình khép kín, sản xuất trong nhà lưới, nhà màng, có hệ thống tưới phun sương nhỏ giọt tự động, nuôi trồng thủy sản áp dụng nuôi tôm công nghệ cao... Trong quá trình sản xuất, các HTX cũng đang hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư xây dựng nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, sản xuất chế phẩm sinh học EM.

Thời gian tới, các địa phương cần quan tâm phát triển đa dạng các mô hình HTX nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, các HTX cần đẩy mạnh vai trò là “cầu nối” tiếp thu, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, bảo vệ thực vật đối với cây trồng, góp phần đưa nông sản địa phương phát triển theo hướng bền vững, từ đó hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đăng ký, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản.

Bắc Ninh: Phát triển nông nghiệp hữu cơ minh bạch và hiệu quả 

Thời gian qua, cùng với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ được ngành nông nghiệp Bắc Ninh áp dụng trong cả ba lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, bước đầu tạo ra các sản phẩm an toàn, có chất lượng cao. Nhưng để sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có thể phát triển đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

 

trang-trai.jpg
Trang trại sản xuất dưa theo hướng hữu cơ an toàn của ông Bùi Xuân Quế, xã Nhân Thắng (Gia Bình) đem lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

 

Từng nhiều năm “lăn lộn” với mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi, một trong những trăn trở lớn nhất của bà Vũ Thị Đông ở thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái (Thuận Thành) là vấn đề làm sao để vừa phát triển sản xuất vừa không gây ô nhiễm môi trường. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn, trực tiếp là Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tinh thần tích cực tìm tòi, sáng tạo, bà Đông đã tìm được lời giải cho “bài toán” phát triển chăn nuôi bền vững.

Theo đó, từ năm 2012 đến nay, bà mạnh dạn ứng dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu (EM) vào nhiều công đoạn trong quy trình chăn nuôi, tự tạo nguồn thức ăn có chất lượng. Đồng thời, sử dụng chế phẩm EM trộn với mùn cưa và một số thành phần khác để tạo thành đệm lót sinh học cho khu chuồng chăn nuôi, hạn chế tối đa lượng chất thải đưa ra môi trường. Nhờ đó, khu trang trại chăn nuôi tổng hợp rộng hơn 2ha của gia đình với ao cá; khu chuồng nuôi hơn 100 lợn thịt, lợn rừng và hàng nghìn con gà cùng khu giết mổ chế biến tập trung luôn bảo đảm tốt về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, năm 2014, sản phẩm thịt lợn, thịt gà của trang trại được tổ chức EMRO Nhật Bản công nhận đạt chuẩn Thực phẩm Hữu cơ an toàn. Các sản phẩm sau khi chế biến đều được đóng gói, dán nhãn mác xuất xứ rõ ràng và được thị trường ưa chuộng, dù giá thành có cao hơn. Đến nay, doanh thu từ trang trại đã mang về cho bà hàng tỷ đồng mỗi năm.

Cùng với trang trại Giang Nam, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình hữu cơ. Thống kê của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 29 cơ sở sản xuất rau, quả với tổng diện tích hơn 160 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, có 5 vùng sản xuất lúa quy mô gần 100 ha, 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 6 trang trại chăn nuôi được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Phạm Văn Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, sản xuất hữu cơ nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ngành, sự ủng hộ của nông dân. Bên cạnh các yếu tố đầu vào thuận lợi như vùng quy hoạch sản xuất tập trung, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm vi sinh có nguồn gốc hữu cơ khá đa dạng, được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp thì việc phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Bắc Ninh cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, trong giai đoạn đầu yêu cầu quản lý nghiêm ngặt ở tất cả các khâu tốn nhiều công lao động cho nên khó triển khai thực hiện trên diện rộng. Các chế phẩm hữu cơ có tác dụng chậm hơn so với hóa học dẫn đến năng suất cây trồng thấp, mẫu mã sản phẩm chưa đẹp… nên ít được người sản xuất, tiêu dùng quan tâm chú ý. Mặt khác, hiện nay trên thị trường sản phẩm thông thường và sản phẩm hữu cơ chưa có sự phân biệt rõ ràng, do vậy xuất hiện tình trạng thiếu minh bạch, lợi dụng để bán giá cao, làm mất niềm tin của người tiêu dùng.

Để khắc phục những hạn chế trong phát triển nông nghiệp hữu cơ thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh xác định rõ một số trọng tâm chính là: Lựa chọn các sản phẩm, vùng sinh thái phù hợp để quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; tiếp tục chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, giảm sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; coi sản xuất hữu cơ là một phương thức canh tác an toàn với con người; tăng cường công tác phối hợp các viện nghiên cứu, trường đại học… để phổ biến, tuyên truyền, tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ; gắn sản xuất nông nghiệp hữu cơ với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, sử dụng các loại vật tư xuất phát từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường; nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top