Bắc Giang làm khá tốt công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm, điển hình là tiêu thụ vải thiều. Giờ đây, tỉnh đang hỗ trợ, giúp doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ một số mặt hàng nông sản chủ lực.
Sản xuất theo hướng bền vững
Công ty CP Tư vấn XD và TM Toàn Cương (Công ty Toàn Cương), ở xã Quang Châu, huyện Việt Yên, thành lập năm 2002, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng; năm 2013, mở rộng sang trồng nấm cao cấp (đùi gà, hải sản, kim châm…) với tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng.
Trước khi sản xuất nấm, công ty đã tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường và xác định hướng đi là sản phẩm sạch, chất lượng cao - làm nấm cao cấp. Hiện, mỗi năm công ty cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn nấm tươi, trong đó, có 15 tấn nấm cao cấp; riêng Công ty CP Nấm Việt (TX. Tây Sơn, Hà Nội) tiêu thụ gần 12 tấn. Doanh thu đạt 1-2 tỷ đồng/năm.
Trong lĩnh vực trồng rau, củ, quả phải kể đến HTX Rau sạch Yên Dũng (thị trấn Neo, huyện Yên Dũng). HTX thành lập 2016, số vốn điều lệ hơn 2,7 tỷ đồng, với diện tích 30ha, sản lượng 3 vụ đạt hơn 1.000 tấn. Hiện, sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại các siêu thị, bếp ăn công nghiệp và là đơn vị liên kết của Tập đoàn T&T với chuỗi siêu thị Qmart.
Để có sản phẩm an toàn, trong quá trình sản xuất, HTX đã kiểm soát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, HTX đang liên kết hỗ trợ giống, kỹ thuật cho các hộ dân trồng dưa và rau ăn lá, sau đó thu mua lại sản phẩm đưa đi tiêu thụ.
Ông Bùi Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh doanh HTX, cho biết, thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, HTX được quan tâm hỗ trợ 1 container để bảo quản rau, 1 bộ sục rửa ozon, tổng giá trị hơn 50 triệu đồng. Hiện, sản phẩm của HTX không đủ cung cấp cho thị trường.
Sự quan tâm kịp thời
UBND tỉnh Bắc Giang (Sở Công Thương chủ trì) đang thực hiện đề án: Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đối với mỳ Chũ, nấm ăn, thịt lợn sạch và rau an toàn. Việc xây dựng 4 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm hình thành liên kết sản xuất, hợp tác kết nối tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nâng cao giá trị sản xuất.
Tham gia thực hiện đề án, các doanh nghiệp được hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư trang thiết bị, được đi học hỏi kinh nghiệp, trao đổi với các đối tác tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngày 12/9/2018, ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) dẫn đầu đoàn của Sở cùng các doanh nghiệp có buổi làm việc với Công ty CP Nấm Việt tìm cách liên kết, tiêu thụ các sản phẩm của Bắc Giang.
Theo ông Phương, sản phẩm sản xuất ra bán cho ai, phân cấp ở thị trường nào thì hầu hết các HTX không nắm được. Các sản phẩm nấm của bà con hiện tiêu thụ ở siêu thị rất khó, bán ở chợ là chính nên giá trị kinh tế không cao, đặc biệt, còn có tình trạng ép giá.
“Do đó, Sở đã trực tiếp đưa các doanh nghiệp sản xuất nấm đến Nấm Việt trao đổi để biết được họ đang gặp khó khăn ở đâu, cần phải tác động đến chỗ nào? Ngoài ra, Bắc Giang còn có một số sản phẩm như: mỳ Chũ, rau sạch, thịt lợn sạch mong muốn sẽ cung cấp cho thị trường Hà Nội”, ông Phương cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty CP Nấm Việt, cho hay, đối với sản phẩm nấm, nếu đoàn quyết tâm làm thì công ty cam kết tiêu thụ trung bình 200kg/ngày. Về sản phẩm mỳ Chũ, công ty đang có hướng sản xuất ra sản phẩm mỳ nấm. Lượng hàng bên công ty đang thiếu, các doanh nghiệp không đáp ứng kịp vì nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch rất lớn.
Làm việc với đoàn của Sở Công Thương Bắc Giang, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart), cho biết, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, chúng tôi mong muốn khai thác được nhiều nguồn hàng để khách hàng có nhiều lựa chọn. Nếu các sản phẩm của Bắc Giang đã làm quy chuẩn rồi thì nên đưa vào các kênh siêu thị tiêu thụ để nâng cao giá trị. Hiện, mỳ Chũ của Bắc Giang đang bán rất tốt tại Fivimart nhưng phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, thời điểm Tết bán nhiều lại có mưa nên sản phẩm ít. Hiện, Fivimart quan tâm đến bưởi da xanh của Bắc Giang nhưng phải mua qua trung gian.
Có thể nói, Bắc Giang đang đi đúng hướng, giúp đưa các mặt hàng nông sản chủ lực tiêu thụ một cách bền vững thông qua chuỗi liên kết sản xuất (doanh nghiệp trong tỉnh), tiêu thụ (hệ thống siêu thị), lúc này Nhà nước đóng vai trò là khâu trung gian, đấu nối.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.