Trước tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, TBVTV giả, kém chất lượng đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt, trong lúc giá các vật tư sản xuất nông nghiệp tăng cao, lực lượng chức năng các tỉnh ở ĐBSCL đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn.
Nóng phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng
ĐBSCL là vựa lúa, vựa trái cây lớn của cả nước nên nhu cầu về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hàng năm rất lớn. Lợi dụng tình hình này nhiều đối tượng đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người sản xuất. Lực lượng chức năng các tỉnh đã ra quân bắt, xử lý nhiều vụ vi phạm.
Ngày 13/5, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục QLTT tỉnh Vĩnh Long) kiểm tra hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp ở xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ). Đoàn kiểm tra lấy mẫu lô hàng 60 bao phân bón trung lượng bón rễ Agri Zone để đánh giá chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm mẫu, lô hàng là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Sau khi thẩm tra và làm việc với chủ hộ kinh doanh, đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính. Ngày 23/5, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định xử phạt 65 triệu đồng đối với chủ hộ kinh doanh, đồng thời buộc tiêu hủy 60 bao phân bón nói trên.
Ngày 24/7, Công an thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đang tạm giữ hình sự đối tượng Vương Mạnh Giác, 46 tuổi, thường trú tại phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)”. Trước đó, qua tin báo của người dân, Công an thành phố Long Xuyên phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh tiến hành điều tra, xác minh.
Khi phát hiện Giác đang đưa lên xe ô tô hai thùng xốp bên trong có chứa 80 chai thuốc BVTV hiệu Filia và 40 chai BVTV hiệu Amistar top lực lượng đã tiến hành kiểm tra theo quy định. Làm việc với cơ quan Công an, Giác thừa nhận số thuốc BVTV trên là thuốc giả do Giác sản xuất, chuẩn bị chuyển lên xe giao cho khách thì bị bắt quả tang.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang, những tháng đầu năm 2022, Sở phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra 243 cơ sở. Qua đó, phát hiện và xử lý 80 đối tượng vi phạm, chủ yếu kinh doanh phân bón giả không có giá trị sử dụng, phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; phân bón không có quyết định lưu hành; phân bón, thuốc BVTV có nhãn ghi thông tin không đúng bản chất sự thật; kinh doanh thuốc BVTV không đủ điều kiện kinh doanh.
Đã xử phạt gần 1,5 tỷ đồng; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung buộc thu hồi tiêu hủy hàng hóa vi phạm (hàng giả, hàng ngoài danh mục) và đình chỉ lưu thông theo quy định pháp luật. Sở chuyển hồ sơ đến Công an tỉnh để điều tra, xử lý 2 vụ (2 tổ chức và 3 cá nhân) có hành vi vi phạm kinh doanh phân bón giả.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang vừa hoàn tất hồ sơ chuyển sang cơ quan công an đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vụ việc kinh doanh phân bón giả trên địa bàn đơn vị quản lý.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh B.P, địa chỉ tại xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành (Kiên Giang), do ông Đ.H.P làm chủ. Tiến hành lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu về chất lượng theo quy định. Kết quả thử nghiệm, tất cả các chỉ tiêu đăng ký đều không đạt chất lượng, dưới 70% so với tiêu chuẩn công bố áp dụng đã đăng ký theo Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
Sau khi hoàn tất hồ sơ, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 1780/QĐ-CHS chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD vì nạn phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng. Đứng trước lợi nhuận lớn, xuất hiện tình trạng sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cùng với không ít đại lý phân phối tiếp tay cho phân bón giả đã ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của nông dân.
Đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn
Để hạn chế tình trạng kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Quản lý thị trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác nắm bắt, xử lý thông tin, chú trọng việc phản ánh về chất lượng vật tư nông nghiệp, niêm yết giá...
Ngành nông nghiệp chủ trì, phối hợp ngành chức năng thực hiện thanh, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, kịp thời phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tiếp tục triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Quản lý thị trường; chủ trì, phối hợp các sở, ngành và địa phương thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra hoạt động buôn bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn; tiếp tục hướng dẫn cơ sở buôn bán vật tư nông nghiệp thực hiện kê khai giá theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Công an tỉnh An Giang với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389, trong đó chủ công là lực lượng Cảnh sát kinh tế đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trái phép các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc…
Công an tỉnh An Giang tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch liên ngành với 10 tổ công tác, gồm: lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Quân sự, Hải quan, QLTT và Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát trên khu vực biên giới thuộc các huyện An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên và TP Châu Đốc, phân công rõ trách nhiệm từng lực lượng hỗ trợ lẫn nhau chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Long An diễn ra mới đây, nhiều Đại biểu êu bức xúc về nạn phân bón giả và đề nghị cần xử lý nghiêm tình trạng này. Phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm môi trường mà còn gây thiệt hại nặng nề đối với đời sống kinh tế của người nông dân. Người nông dân đang trong tình cảnh "một cổ hai tròng", vừa phải chịu tác động của việc giá phân bón tăng cao, vừa phải đối mặt với nạn phân bón giả.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhìn nhận, thời gian qua việc quản lý, xử lý nạn phân bón giả chưa thật sự quyết liệt. Tới đây, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp các Sở, ngành địa phương, tăng cường tốt hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra. Kiên quyết xử lý triệt để tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn.
Tại TP. Cần Thơ, cử tri đề nghị tăng cường các biện pháp kiểm tra và xử lý triệt để tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng trên thị trường.
Trả lời nội dung này, UBND TP Cần Thơ cho biết, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 78 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Kết quả kiểm tra chất lượng, có 1/11 mẫu thuốc trừ bệnh, có 5/13 mẫu phân bón không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý theo quy định. Ngành Nông nghiệp đã ban hành 24 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền trên 239 triệu đồng và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định.
UBND thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục chỉ đạo và yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố thường xuyên có kế hoạch, phương án kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Ðồng thời, khuyến cáo bà con nông dân khi mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lựa chọn cơ sở buôn bán có uy tín, có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Trước phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, liên tỉnh; trà trộn hàng giả với hàng thật, hàng không đảm bảo chất lượng với hàng chất lượng, áp dụng khuyến mại, bán trả tiền sau cho các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng nông thôn. Ông Võ Hùng Hài, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang thông tin, Cục QLTT tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh phân bón, góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn chân chính và bảo vệ quyền lợi của người dân.
Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thời gian tới, giá phân bón có xu hướng tiếp tục giữ ở mức cao. Để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo nông dân cần đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ; ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm lượng phân bón sử dụng mỗi vụ nhằm giảm chi phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất xanh và sạch hơn.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.