Hội nghị “Triển khai giải pháp phòng chống hạn, mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cho cây ăn quả vùng ĐBSCL 2020 - 2021” diễn ra mới đây tại Tiền Giang đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ứng phó với hạn, mặn để phát triển nông nghiệp bền vững.
Nhiều vườn sầu riêng tại ĐBSCL có nguy cơ giảm năng suất và chết cây do thiếu nước tưới (Ảnh: Baocantho).
Hơn 11.000ha cây ăn quả bị mất trắng do hạn mặn
ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhất cả nước, có diện tích trên 410.000 ha, chiếm 39%. Tuy nhiên, những năm gần đây, vùng cây ăn quả chủ lực này đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), chỉ tính riêng trong mùa khô 2019 - 2020, toàn vùng có 6 tỉnh với tổng diện tích cây ăn quả bị thiệt hại do hạn, mặn lên đến trên 25.000 ha. Trong số đó, có gần 11.200 ha bị thiệt hại trắng.
Trong đó, tỉnh Long An diện tích bị hạn khoảng 2,5 nghìn ha, Tiền Giang, Vĩnh Long diện tích bị hạn mặn khoảng 8,8 nghìn ha, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng, diện tích bị hạn khoảng 13,8 nghìn ha.
Theo tính toán của các nhà khoa học, với kịch bản lượng mưa thấp hơn dự báo, mặn xâm nhập lớn nhất ở thời kỳ tháng 2, tháng 3/2021, hạn, mặn có khả năng ảnh hưởng đến gần 82.000 ha diện tích cây ăn trái.
Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, hiện nhiều bà con nông dân đang bắt tay vào việc khôi phục vườn cây ăn quả. Do vậy, cần phải có các giải pháp kỹ thuật phục hồi sinh trưởng, phát triển vườn cây ăn quả sau hạn mặn. Đồng thời, chuẩn bị tốt công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn (XNM) cho mùa khô 2020-2021 để giảm thiểu những thiệt hại ở mức thấp nhất có thể xảy ra.
Ồng Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, cây ăn quả là cây trồng dài ngày, vốn đầu tư lớn, hạn mặn ảnh hưởng rồi sẽ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng dai dẳng. Do vậy, cần thống nhất quan điểm căn cơ, không thể để hạn mặn ảnh hưởng sâu rộng hơn.
Theo Tổng cục Thủy lợi, mùa khô năm 2020-2021 dự kiến có thể xảy ra 2 kịch bản. Kịch bản 1, mưa trên lưu vực sông Mê Kông xuất hiện như dự báo của một số tổ chức khí tượng quốc tế khả năng xảy ra XNM ở mức nặng đến rất nặng. Phạm vi XNM 4 g/lít sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 55-65 km xuất hiện từ tháng 2, 3/2021. Với kịch bản này có khả năng ảnh hưởng đến gần 50.000 ha diện tích cây ăn trái.
Kịch bản 2, mưa trên lưu vực sông Mê Kông tiếp tục ở mức thiếu hụt như đã xảy ra từ đầu mùa mưa đến nay, khả năng xảy ra XNM ở mức rất nặng đến nghiêm trọng. Phạm vi XNM sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 60-70 km xuất hiện từ tháng 2, 3/2021, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20-25 km. Nếu kịch bản 2 xảy ra có khả năng gần 82.000 ha diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng đến.
Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các địa phương cần có bước chủ động chuẩn bị phòng chống hạn, mặn, bảo vệ vùng trồng cây ăn quả trong thời gian tới thông qua những giải pháp phù hợp, hiệu quả, đúc kết thực tiễn từ kinh nghiệm ứng phó, giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô 2019 - 2020.
Nhiều giải pháp chống hạn, mặn
Trước thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng trong mùa khô năm 2019 - 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định một số giải pháp quan trọng cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Trước mắt, các ngành và địa phương cần cập nhật liên tục diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông và ĐBSCL để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình hình xâm nhập mặn và đưa ra các giải pháp ứng phó.
Khẩn trương rà soát, đánh giá lại các công trình thủy lợi hiện hữu, lập kế hoạch đầu tư hoàn thiện, nâng cấp và sửa chữa những chỗ hư hỏng đảm bảo khả năng phòng chống thiên tai đồng thời nắm chắc diện tích vườn cây ăn quả, tuyên truyền trong nhân dân các biện pháp ứng phó, bảo vệ vườn cây.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đang được bàn giao tạm thời để vận hành trong mùa khô 2019 - 2020, như: Cống Âu thuyền Ninh Quới, Trạm bơm Xuân Hòa, các cống Tân Dinh, Bông Bót, Tân Định, Vũng Liêm, kênh Mây Phốp - Ngã Hậu, hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre.
Các tỉnh cần qua tâm triển khai các giải pháp rửa mặn, cải tạo đất, phục hồi vườn cây trước, trong và sau khi hạn, mặn, đảm bảo cây khỏe mạnh, đủ sức chống chịu vượt qua thời tiết khắc nghiệt.
Bộ Nông nghiệp và PTNT tích cực triển khai các biện pháp dài hạn để vùng trồng cây ăn trái ĐBSCL phát triển bền vững trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thủy văn, thiên tai hạn, mặn.
Trong đó, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch, đẩy mạnh việc chuyển đổi, bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với các tiểu vùng sinh thái đồng thời với đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp - nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.