Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 12 năm 2021 | 17:37

ĐBSH: Đẩy mạnh kết nối để rau vụ đông tiêu thụ thuận lợi

Vụ đông là vụ sản xuất quan trọng của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Dự kiến vụ đông 2021, lượng nông sản tiêu thụ lên tới gần 2 triệu tấn.  Bộ NN&PTNT và các địa phương đang chủ động đẩy mạnh các giải pháp kết nối nhằm bảo đảm tiêu thụ thuận lợi.

rau1.jpg
Các hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn ưu tiên tiêu thụ sản phẩm rau sạch cho các cơ sở sản xuất.

 

Hà Nội: Chủ động kết nối tiêu thụ thuận lợi rau vụ đông

Nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, thành phố Hà Nội đã điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng vụ đông phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng. Về cơ cấu giống, Hà Nội sử dụng các loại giống ngắn ngày, chất lượng cao. Diện tích cây trồng vụ đông các loại là hơn 30.000ha, trong đó, rau vụ đông là 14.849ha, sản lượng hơn 239.661 tấn.

Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, hợp tác xã có 250ha chuyên canh rau, trung bình mỗi ngày cung ứng ra thị trường 70-80 tấn. Hiện dây chuyền chế biến và các kho lạnh của hợp tác xã chưa đủ công suất bảo quản sản phẩm khi vào vụ thu hoạch. Do đó, hợp tác xã mong muốn được kết nối với nhiều nhà thu mua, phân phối để tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga cho biết, vụ đông 2021, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng hơn 11.000ha với các loại cây trồng chủ lực là khoai tây, ngô, bí xanh, cà chua...; năng suất hầu hết các loại cây trồng đều cao hơn cùng kỳ năm 2020. Hiện nay, tiêu thụ trong tỉnh là 70%, còn 30% tiêu thụ tại các tỉnh khác.

Tương tự, tỉnh Hải Dương cũng là địa phương có diện tích rau màu vụ đông lớn với hơn 20.000ha. Trong đó, 70% sản lượng hành, tỏi tiêu thụ trong nước, 30% xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc...

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, từ nay đến cuối vụ, khu vực Đồng bằng sông Hồng có gần 200.000ha rau màu các loại. Cùng với việc gia tăng diện tích sản xuất tập trung, quy mô lớn và đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các địa phương đã phát huy tối đa năng lực sản xuất, bảo đảm nguồn cung rau cho thị trường.

Nguồn cung rau, củ, quả vụ đông 2021 dồi dào, song nhiều địa phương lại đứng trước lo lắng về “đầu ra” cho sản phẩm. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt công tác kết nối, lo lắng này sẽ sớm được giải tỏa. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong năm 2021, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đáp ứng được 65% nhu cầu thị trường. Đây là cơ hội để các địa phương lân cận đưa hàng về thành phố, nhất là dịp cuối năm. Tăng cường kết nối tiêu thụ giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố chắc chắn sẽ giải tỏa một phần áp lực “đầu ra” cho sản phẩm vụ đông.

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) Nguyễn Thị Diễm Hằng thông tin, doanh nghiệp đang tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố cho hệ thống siêu thị NutriMart và luôn ưu tiên tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ và vừa... Tuy nhiên, nhiều địa phương có nguồn hàng lớn nhưng hệ thống sơ chế, chế biến chưa theo kịp năng lực sản xuất, do đó cần chủ động đầu tư sơ chế, đóng gói để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.

Một trong những kênh tiêu thụ được ưu tiên lựa chọn và đem lại hiệu quả cao trong điều kiện hiện nay là thương mại điện tử. Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) Phan Trọng Lê cho rằng, vấn đề quan trọng là nông sản phải có chất lượng cao và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, các địa phương cần lưu ý hợp tác, kết nối; nông dân thực hiện các phương pháp sản xuất nông nghiệp...               

Nam Định: Không cho đất nghỉ, nông dân phấn khởi thu hoạch vụ đông sớm

Những năm gần đây, cây vụ đông ở xã Yên Dương (Ý Yên) đã có thương hiệu, các loại rau màu đã trở thành cây trồng chủ lực ở các thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương.

Về Yên Dương những ngày này, trên khắp các xứ đồng của thôn Cẩm, Khả Lang, Trung, Vũ Xuyên… các loại su hào, bắp cải, xà lách, hành, tỏi, cải bó xôi phủ kín một màu xanh non, đầy sức sống báo hiệu vui lại thêm một vụ đông thắng lợi. Tại cánh đồng thôn Trung, chị Nguyễn Thị Ngát đang nhanh tay xếp những củ su hào bầu bĩnh, căng tròn lên xe chở về cho thương lái.

images1337499_untitled_1.jpg
Chị Nguyễn Thị Ngát, thôn Trung, thu hoạch lứa su hào sớm để xuất bán cho thương lái ở Hà Nội về đặt hàng.

 

Chị Ngát cho biết, vụ đông năm nay, thời tiết đầu vụ không thuận, mưa to kéo dài gây ngập úng, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Được UBND xã, HTX nông nghiệp khuyến cáo, động viên, gia đình tôi đã cố gắng trồng hết hơn 4 sào su hào, bắp cải. Sau những khó khăn đầu vụ, thời tiết, khí hậu dần “chiều lòng người”, các loại cây trồng vụ đông được tập trung chăm sóc nên sinh trưởng, phát triển tốt. Các trà rau màu sớm đã bắt đầu cho thu hoạch và được các thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng về tận ruộng thu mua với giá từ 5.000-5.500 đồng/củ su hào, cao gấp rưỡi so với vụ đông năm ngoái… 

Còn tại điểm tập kết rau của gia đình chị Trần Thị Loan ở thôn Cẩm, hàng chục chị đang cắt tỉa, làm sạch, đóng gói rau chờ xe của thương lái về lấy hàng. Chị Loan cho biết, hiện những loại rau màu vụ đông sớm như: su hào, bắp cải, hành hoa, súp lơ trắng, các loại rau thơm đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Điều đáng ghi nhận là chất lượng các loại rau màu của Yên Dương bảo đảm được các thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Nam Định... tin tưởng lựa chọn, đưa xe ô tô tải về tận ruộng thu mua nên bà con không lo ế hàng, lại giảm bớt công sức, thời gian, chi phí vận chuyển đi tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất.

Đồng đất Yên Dương chủ yếu là đất pha cát, đất thịt nhẹ, điều kiện tưới, tiêu thuận lợi, bà con nông dân luôn cần cù, chịu khó, giàu kinh nghiệm trong việc canh tác là tiền đề quan trọng tạo nên một vụ đông bội thu. Vụ đông năm nay, xã Yên Dương trồng gần 95ha rau màu các loại, trong đó có trên 60% diện tích là các giống cây rau màu sớm. Mặc dù bước vào sản xuất vụ đông gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng UBND xã Yên Dương đã chỉ đạo Ban Nông nghiệp xã phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn người dân chủ động lách thời tiết gieo trồng, chăm sóc cây rau màu theo quy trình hướng dẫn của ngành Nông nghiệp. Nhờ đó, toàn bộ diện tích rau màu vụ đông đều sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch với năng suất, chất lượng cao.

Chị Nguyễn Thị Hòa ở thôn Cẩm cho biết: Năm nay, phong trào trồng cây vụ đông ở thôn phát triển mạnh, nông dân chúng tôi không cho đất nghỉ. Gia đình tôi lên luống trồng su hào Hàn Quốc là giống có năng suất cao và đang được thị trường ưa chuộng nên dễ tiêu thụ. 40-45 ngày một lứa, trung bình mỗi sào su hào cho thu nhập 3,5-4 triệu đồng cũng được khoản thu khá. Cùng chung chia sẻ, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Dương, Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Ngoài việc khuyến cáo bà con lựa chọn các loại giống rau tốt, có thị trường tiêu thụ ổn định, tích cực tổ chức dọn vệ sinh đồng ruộng, làm đất bảo đảm kỹ thuật, Ban Nông nghiệp xã phối hợp với HTX thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, tăng cường cải tạo đất bằng phân hữu cơ, chú ý phòng, trừ các loại sâu bệnh trên rau màu như bệnh héo xanh, mốc sương mai, xoăn lá... Nhờ đó đến nay phần lớn diện tích cây trồng vụ đông sớm của các thôn đã cho thu hoạch, năng suất cao, bán được giá nên bà con rất phấn khởi. Cụ thể, giá bắp cải 12-13 nghìn đồng/kg, súp lơ trắng 22-25 nghìn đồng/kg... cao hơn từ 1,3-1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra với giá bán này người trồng rau có lãi từ 3,5-4 triệu đồng/sào/lứa.

Điều đáng ghi nhận là mặc dù năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, giá các loại vật tư tăng cao nhưng xã đã tích cực hướng dẫn nông dân đưa các giống rau màu là thế mạnh của địa phương, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện khí hậu diễn biến thất thường, kháng bệnh tốt, sinh trưởng và phát triển mạnh và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương vào gieo trồng. Đồng thời chủ động điều hành, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông ngay từ đầu năm, tích cực tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân, chú trọng hỗ trợ việc trông coi, bảo vệ mùa màng, chủ động tưới, tiêu, tổ chức diệt chuột tập trung để bảo vệ sản xuất.

Bên cạnh đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp cũng chủ động lựa chọn các đơn vị uy tín cung cấp giống rau màu cho bà con; đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất, nhất là khâu làm đất nên bảo đảm thời vụ gieo trồng theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rau màu. Ngoài ra, HTX Dịch vụ nông nghiệp còn liên kết với một số siêu thị, đại lý, cửa hàng nhận bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho các loại nông sản, tạo thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Chú trọng nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi, bảo đảm cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, phòng, trừ sâu bệnh phục vụ sản xuất. Tiếp tục quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng lớn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng phương thức sản xuất rau theo công nghệ Nhật Bản, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn… tạo tiền đề hình thành các chuỗi liên kết để bao tiêu và nâng cao giá trị nông sản cho nông dân.

Theo đánh giá của các tiểu thương kinh doanh rau, củ, quả, giá bán các loại rau màu vụ đông sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và ổn định trong thời gian dài. Vì vậy, UBND xã, HTX tiếp tục khuyến cáo bà con nông dân tiếp tục trồng các loại cây rau, màu ưa lạnh, nhất là bắp cải, súp lơ là các loại rau có thị trường tiêu thụ tốt để cung cấp cho thị trường.

Có thể nói, các loại rau màu vụ đông đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời tạo nguồn lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hưng Yên: Khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất vụ đông

Vụ đông năm nay mặc dù gặp không ít khó khăn do mưa lớn kéo dài gây ngập úng, một số diện tích cây vụ đông sớm phải trồng bổ sung. Không những thế, ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây khó khăn cho việc tiêu thụ nhưng nông dân trên địa bàn huyện vẫn nỗ lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất đề ra.

Xã Văn Nhuệ là một trong những địa phương nằm ở tốp đầu trong phong trào sản xuất vụ đông trên địa bàn huyện. Năm nay, xã có kế hoạch gieo trồng trên 50 ha rau màu vụ đông, trong đó, diện tích trồng ngô chiếm gần 90%. Nhanh tay tưới những luống ngô xanh mướt, bà Vũ Thị Sớm, thôn Văn Trạch cho biết: Năm nay, thời tiết đầu vụ đông khắc nghiệt với người nông dân. Sau khi xuống giống gieo trồng cây ngô theo lịch thời vụ thì gặp mưa to kéo dài làm cho nhiều diện tích ngô bị chết hoặc lay gốc… chúng tôi phải trồng bổ sung và tăng cường chăm sóc để cây phục hồi. Hơn nữa, giá bán các loại phân bón năm nay tăng gần gấp 2 lần so với năm trước, càng làm cho nông dân chúng tôi sản xuất khó khăn. Thời điểm này, ngô chuẩn bị cho thu hoạch, thương lái đã về đặt mua với giá trung bình 3,5 – 5 triệu đồng/sào, cao hơn 700 – 1,5 triệu đồng/sào so với vụ trước.

dsc_0974_result_20211214093543.jpg
Nông dân xã Đặng Lễ (Ân Thi) thu hoạch bí ngô.

 

Ông Nguyễn Văn Phục, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Nhuệ, cho biết: Đến ngày 8/12, nông dân trên địa bàn xã đã hoàn thành 100% kế hoạch gieo trồng rau màu vụ đông. Vụ đông năm nay, nông dân gặp khó khăn “kép” do tình hình dịch bệnh, giá phân bón tăng cao. Tuy nhiên, với quyết tâm duy trì sản xuất vụ đông, tăng thu nhập cho người dân cũng như đối tượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xã đã triển khai chương trình hỗ trợ sản xuất vụ đông của tỉnh, huyện về các thôn, phối hợp với Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Ân Thi điều tiết nguồn nước, tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất vụ đông, hướng dẫn các thôn quy hoạch khu vực sản xuất rau màu vụ đông tập trung nhằm tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ và tiêu thụ nông sản. Theo đánh giá, giá bán các loại rau màu nói chung và ngô nói riêng trên địa bàn xã cao hơn vụ trước.

Tại các địa phương chuyên canh cây vụ đông sớm trên địa bàn huyện như các xã: Hồ Tùng Mậu, Đặng Lễ, Cẩm Ninh… sản xuất vụ đông năm nay cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư lớn hơn. Anh Đinh Công Lịch, xã Đặng Lễ chia sẻ: Gia đình tôi trồng 1 mẫu bí đỏ. Khi lúa uốn câu, gia đình tôi huy động nhân lực rẽ lúa trồng màu. Thời điểm thu hoạch lúa xong thì cây bí cũng dài từ 30 đến 40 cm. Tuy nhiên, giai đoạn cây bí phát triển gặp đợt mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh khiến nhiều luống bí của gia đình tôi bị úng, héo, kém phát triển và chết. Gia đình tôi phải huy động 2 máy bơm để tiêu úng cho cây bí. Sau đó, tiến hành trồng dặm thay thế cây chết, bón phân để cây phục hồi. Trung bình, mỗi sào trồng bí, phải chi phí thêm 1 – 1,5 triệu đồng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng theo đánh giá của người dân, từ đầu vụ đến đầu tháng 12, giá bán các loại rau màu cao hơn so với năm trước. Cụ thể, bí ngô bao tử có giá trung bình cả vụ 7 – 9 nghìn đồng/kg, bắp cải, su hào 10 – 15 nghìn đồng/kg…

Theo số liệu của phòng chuyên môn, vụ đông này, toàn huyện phấn đấu gieo trồng 950 ha rau màu vụ đông, đến ngày 8.12, nông dân trên địa bàn huyện đã gieo trồng được trên 870 ha rau màu vụ đông, đạt trên 91% kế hoạch. Để hoàn thành và vượt kế hoạch sản xuất vụ đông, ngay từ đầu vụ, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã xác định thuận lợi và khó khăn sản xuất vụ đông trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ đó, tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương tập trung sản xuất các loại rau màu năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ; tuyên truyền người dân chuyển hướng từ sản xuất theo kinh nghiệm sang áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật; vận động các điểm thu mua nông sản trên địa bàn huyện ưu tiên thu mua nông sản của nông dân địa phương. Các xã, thị trấn tạo điều kiện cho thương lái về địa phương thu mua nông sản, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bà Cao Thị Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Để tạo thuận lợi cho sản xuất vụ đông, huyện đã hỗ trợ chi phí mua giống để gieo trồng 150 ha ngô nếp HN88 cho các địa phương. Trong quá trình sản xuất, phòng phối hợp với các địa phương khuyến cáo người dân luân canh các loại rau ngắn ngày, đáp ứng nhu cầu của thị trường giai đoạn chuyển vụ nhằm tăng hiệu quả kinh tế; hướng dẫn người dân ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học nhằm giảm chi phí sản xuất, cải tạo đất,  bảo đảm chất lượng nông sản…

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Trần Thanh Nam, vụ đông là vụ quan trọng nhất của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với sản lượng gần 2 triệu tấn, chủ yếu là cây ngắn ngày. Để người tiêu dùng được thụ hưởng những sản phẩm chất lượng cao, người sản xuất được hưởng thành quả xứng đáng, các địa phương cần thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất, tiến độ thu hoạch và quảng bá, kết nối kịp thời với các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm lớn để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm./.

 

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top