Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2019 | 13:35

“Cái nôi” hái tiền của vùng ươm rau giống

Men theo con đường bên tay trái chợ Ái Nghĩa (Đại Lộc - Quảng Nam) có nhiều người bán các giống rau như bí đỏ, khổ qua (mướp đắng), bầu, cà chua, ớt...

Nghề ươm cây giống hoa, rau màu hoạt động quanh năm, nhưng vụ chính của nhiều hộ ở khu 8, thị trấn Ái Nghĩa bắt đầu từ tháng 9 âm lịch.

 

tr11t.JPG
Vợ chồng cụ Bùi Đình Chương và vợ là Lê Thị Ba đang chăm sóc rau giống.

 

“Cái nôi” vùng ươm rau giống

Bà Phan Thị Tâm (70 tuổi, trú tại khu 1, thị trấn Ái Nghĩa) cho hay, hằng năm, cứ vào tháng 9 âm lịch là bắt đầu ươm cây, đến tháng 10 âm lịch đã có cây giống mang ra chợ bán. Tùy theo từng loại mà mỗi cây giống có giá từ  khoảng 3.000 đồng trở lên. “Như tôi đây già rồi, mỗi mùa chỉ ươm khoảng 400 vỉ (trành), mỗi vỉ có khoảng 150 cây giống rau các loại”, bà Tâm chia sẻ.

Khu 8 được xem là “cái nôi” ươm rau giống với khoảng 50 hộ ươm giống để trồng và bán, trong đó nổi tiếng là hộ chị Đào Thị Hòa (ươm khoảng 1.000 vỉ), hộ ông Bùi Đình Chương (ươm khoảng 500 vỉ), hộ chị Nguyễn Thị Vạn (ươm 1.000 vỉ)…

Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan khu vườn ươm của ông Bùi Đình Chương (77 tuổi, nguyên là Chi hội trưởng Người Cao tuổi khu 8, thị trấn Ái Nghĩa) bởi, từ trong nhà ra tới hiên, sân, vườn bày kín những vỉ rau xanh tốt mỡ màng; có nơi xếp hai, ba tầng để chồng lên nhau.

Nói về quy trình ươm rau giống, ông Chương cho hay, mỗi năm nhà tôi ươm khoảng 500 vỉ. Giá bỏ sỉ cho bạn hàng cao nhất là hoa cúc vạn thọ, giá 100.000 đồng/vỉ; các loại như bí đao, dưa leo, khổ qua  40.000 đồng/vỉ; các loại khác khoảng 30.000 đồng/vỉ. Trừ chi phí, mỗi vỉ lãi trên 15.000 đồng. Cùng với trồng hoa, mỗi vụ hai vợ chồng ông thu nhập khoảng 15 triệu đồng.

Giống rau của gia đình ông được bán cho các bạn hàng về bán lẻ tại chợ ở xã Đại Thắng (Đại Lộc), chợ Đàng của huyện Quế Sơn (Quảng Nam), chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), chợ quê ở các xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Túy Loan (Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).

Bà Nguyễn Thị Vạn (62 tuổi, trú tại khu 8, thị trấn Ái Nghĩa) là  người ươm cây giống nhiều nhất ở khu 8 cho biết, từ tháng 9  âm lịch, bà bắt đầu ươm giống để bán. Từ nay đến Tết Nguyên đán là thời gian người dân trồng và từ dịp Tết trở đi sẽ thu hoạch hoa, rau màu. Các vụ phụ (từ tháng Giêng đến tháng 7 âm lịch), bà Vạn ươm khoảng 500 vỉ, mỗi vỉ khoảng 130 cây. Riêng vụ chính này, bà ươm hơn 1.500 vỉ, gồm ớt, dưa leo, mướp, cải, cà chua, cà tím, đu đủ, hoa cúc...

 

tr11tb.JPG
Bà Nguyễn Thị Vạn đang giới thiệu cây bí đỏ.

 

Với lượng giống ươm như vậy, bà Vạn phải thuê 3 nhân công phụ giúp để đủ số lượng giao cho khách hàng. Trung bình mỗi năm bà có thu nhập 50 triệu đồng từ nghề ươm giống hoa, rau màu; trong đó, vụ chính thu gần 30 triệu đồng.

Công phu, tỉ mỉ

Hỏi về quy trình ươm cây rau giống, ông Chương cho hay, trước hết phải làm bầu bằng lá chuối, xong cho vào bầu ba phần đất với một phần tro trấu và một phần phân chuồng hoai, sau đó xếp bầu vào vỉ tre, mỗi vỉ khoảng 100 bầu. Về giống, hạt giống được ngâm trong nước ấm, vớt ra rửa sạch để ráo, dùng khăn ẩm bọc lại và ủ kín ở chỗ ẩm trong vòng 24 giờ, sau ủ vào túi vải đợi khi hạt nứt vỏ thì gieo vào vỉ. Tất cả những vỉ này đều để trên giàn có mái che để chống mưa và lụt. Khi cây cứng cáp, dùng đũa để đưa vào bầu và đến khi xuất hiện 1 - 2 lá thật thì phun thuốc phòng bệnh như Rovral, Benlat C…

Về nguồn gốc nghề ươm cây giống hoa, rau màu ở khu 8 Ái Nghĩa, cụ Nguyễn Ngật (99 tuổi) cho hay,  bà con nơi đây từ xa xưa đã gắn bó với nghề trồng cây hoa, rau màu ở bãi bồi ven sông Vu Gia. Từ chỗ chuẩn bị cây giống cho gia đình mình, qua năm tháng, nhiều hộ trong làng đã đạt đến trình độ làm giống “chuyên nghiệp”, được nông dân ở địa phương khác biết đến. Những năm qua, ngoài nông dân Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Tiên Phước (Quảng Nam),  nhiều người khác ở Hòa Vang, Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) cũng tìm đến nơi này để mua cây giống.

Theo ông Chương cũng như nhiều người khác, nghề ươm cây giống cũng nhẹ nhàng và cho thu nhập khá. Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi người làm phải hết sức tỉ mẩn, cẩn thận và có trách nhiệm. Bởi chỉ cần một mùa cây giống kém chất lượng đưa ra thị trường là những vụ sau  không ai lấy giống của mình nữa. Nghề ươm rau giống cho thu nhập khá cao ở khu vực nông thôn và cũng nhờ có nghề này mà đời sống tinh thần và vật chất của người dân được nâng cao.

 

 

Tiên Sa
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top