Lâu nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vựa trái cây chủ lực của cả nước. Trái cây ở vùng này có quanh năm với nhiều chủng loại đa dạng, tuy nhiên, do đầu ra không ổn định nên nhà vườn có thu nhập chưa cao.
Để ngành hàng trái cây phát triển bền vững thì việc liên kết các hộ dân để hình thành vùng sản xuất lớn là vấn đề cấp thiết...
Phát huy mô hình liên kết
Chúng tôi tìm đến Quới Sơn (huyện Châu Thành), một trong những xã canh tác bưởi da xanh khá nhiều của tỉnh Bến Tre. Ông Đào Văn Minh, Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất Bưởi da xanh Phú Thành (xã Quới Sơn), cho biết: “Mấy ngày nay, thương lái và doanh nghiệp tìm đến tận vườn thu mua bưởi da xanh với giá 30.000-40.000 đồng/kg (tùy loại). Giá bán tuy không cao nhưng cũng đảm bảo cho nông dân có lãi…”.
Đưa chúng tôi đi thăm khu vườn bưởi xanh rì của tổ hợp tác, ông Minh bộc bạch, đây là kinh tế chính - nguồn thu nhập chủ yếu của nhiều hộ ở nông thôn. Theo đó, để phát huy hiệu quả bưởi da xanh, từ năm 2006, được sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, ông Minh và hàng chục hộ xung quanh đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác sản xuất Bưởi da xanh Phú Thành. Từ đây, nông dân đã thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ… để cùng nhau liên kết sản xuất quy mô lớn hơn, có sự hỗ trợ kỹ thuật và canh tác theo tiêu chuẩn GAP; được doanh nghiệp hỗ trợ vật tư, nhất là được các cơ sở và doanh nghiệp xuất khẩu “đặt hàng” thu mua khi tới vụ thu hoạch.
“Chính từ hướng làm ăn bài bản này, mà 8 công (1 công Nam Bộ = 1.000m2) bưởi da xanh của gia đình luôn đạt chất lượng trái tốt và không lo đầu ra. Trong đó, có những năm (2016-2018), bưởi da xanh được giá 50.000-60.000 đồng/kg, giúp gia đình có nguồn thu gần 1 tỉ đồng/năm…”, ông Minh khoe.
Cũng theo ông Minh, từ thành công của tổ hợp tác, gần đây, nhiều thành viên tiếp tục tham gia HTX Bưởi da xanh Quới Sơn, cũng như HTX nông nghiệp tỉnh Bến Tre, bởi đây là hướng đi đúng.
Là doanh nghiệp nhiều năm gắn bó với trái bưởi da xanh vùng ĐBSCL, ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre), cho biết: “Để đảm bảo nguồn hàng quanh năm và nâng cao chất lượng trái cây, thời gian qua, cơ sở đã đầu tư, hợp tác với hơn 30 HTX và tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh ở ĐBSCL, Đông Nam Bộ... Qua đó, bình quân mỗi năm cơ sở thu mua hơn 15.000 tấn bưởi da xanh phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất sang nhiều nước trên thế giới. Cái lợi của việc hợp tác là doanh nghiệp có sản lượng ổn định để chủ động ký hợp đồng xuất khẩu, còn nông dân có nơi tiêu thụ thường xuyên không sợ ế, ép giá… Nhiều HTX và tổ hợp tác khi sản xuất bưởi da xanh theo “đơn đặt hàng” đạt năng suất 12-15 tấn/ha, đảm bảo thu nhập 400-450 triệu đồng/ha/năm trở lên”.
Cũng theo ông Hưng, cơ sở Hương Miền Tây vừa ký bao tiêu thêm khoảng 600ha bưởi da xanh ở Bến Tre sản xuất theo hướng GAP, có truy xuất nguồn gốc, có mã số vùng trồng… nhằm đáp ứng cho các thị trường xuất khẩu khó tính. Mô hình này tuy tốn kém chi phí nhưng thật sự cần thiết về lâu dài…
Ông Nguyễn Văn Triều, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Tâm (huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ), bộc bạch: “Thời gian qua, nhiều xã viên của HTX có thu nhập khá tốt nhờ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nhãn Ido. Hiện, HTX có 56 xã viên, với 120ha nhãn, trong đó có 24ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đối với xã viên có diện tích trồng nhãn lên đến vài hec-ta thì có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm không khó”.
Để nâng cao hiệu quả trồng nhãn, ông Triều cho biết, xã viên không chỉ quan tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mà còn chủ động nghiên cứu, xử lý cho cây ra trái rải vụ quanh năm để hạn chế tình trạng “rộ mùa, rớt giá”.
Thích ứng nhu cầu thị trường
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ, đến nay, thành phố có hơn 23.500ha cây ăn trái, với sản lượng hơn 168.250 tấn/năm. Nhiều diện tích vườn cây giúp nông dân đạt được mức lợi nhuận từ 200 đến 800 triệu đồng/ha/năm, thậm chí cao hơn. Các loại cây ăn trái được trồng ở Cần Thơ khá đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều cây ăn trái ngon, đặc sản như sầu riêng, vú sữa, nhãn, cam, bưởi, dâu Hạ Châu... mang lại giá trị kinh tế cao. Thành phố đã hình thành được nhiều vùng cây ăn trái tập trung chuyên canh như vùng trồng sầu riêng, vú sữa và dâu Hạ Châu tại huyện Phong Điền; vùng nhãn tại quận Ô Môn và huyện Thới Lai; vùng xoài ở huyện Cờ Đỏ...
Đồng thời xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nhiều loại cây ăn trái như cam xoàn và nhãn Ido (phường Thới An, quận Ô Môn); dâu Hạ Châu (xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền); sầu riêng xã Tân Thới và vú sữa Trường Khương A (thuộc xã Trường Long, huyện Phong Điền)... Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gắn tiêu thụ, tăng lợi thế cạnh tranh; ngoài ra còn gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ, cho biết: “Ngành nông nghiệp đang định hướng và hỗ trợ nông dân phát triển các vùng cây ăn trái chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Chú trọng mở rộng diện tích vườn cây đặc sản như sầu riêng, vú sữa, nhãn, xoài cát Hòa Lộc... Tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu cho trái cây và đẩy mạnh chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Đáng mừng là, thời gian qua, nhiều loại trái cây của Cần Thơ như sầu riêng, vú sữa... đã xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính, đặc biệt là châu Âu…”.
Mặt được là vậy, nhưng nhìn chung tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu trái cây ở ĐBSCL còn nhiều khó khăn như giá vật tư cao đẩy chi phí sản xuất tăng, trong khi giá bán lên xuống thất thường; việc phát triển các vùng chuyên canh lớn còn chậm, số lượng doanh nghiệp bao tiêu trái cây chưa nhiều, việc hình thành các HTX trái cây chưa như mong muốn; đầu ra của một số loại trái cây còn phụ thuộc thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường này gần đây giảm “ăn hàng” khiến kim ngạch xuất khẩu trái cây bị ảnh hưởng.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu lưu ý, thị trường Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều về chất lượng khi họ kiểm tra nghiêm ngặt về tiêu chuẩn sản phẩm. Do đó, chúng ta cần kịp thời thông tin đến nông dân, HTX biết và cần có sự phối hợp tốt từ các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, cũng như các bên liên quan trong chuỗi ngành hàng trái cây; từ đó ổn định tiêu thụ tại các thị trường truyền thống và mở rộng thêm thị trường mới...
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), năng lực chế biến trái cây ở nước ta còn hạn chế, khi chủ yếu xuất khẩu trái tươi; do đó nếu gặp khó khăn về xuất khẩu thì lập tức ảnh hưởng đến tiêu thụ trái cây của nông dân. Về lâu dài, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng chất lượng, giảm chi phí, tăng chế biến sâu và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc tăng cường liên kết giữa các bên liên quan trong chuỗi ngành hàng trái cây, nhằm sản xuất gắn chặt hơn nữa với nhu cầu thị trường...
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.