Dự án khởi công long trọng nhưng gần 2 năm sau mới ký hợp đồng BT. Tuy nhiên, mới có 3/9 dự án thành phần được ký hợp đồng và thi công nhưng đến năm 2023 mới hoàn thành.
Dư luận đặt câu hỏi: Dự án gần 10.000 tỷ đồng là con số thực hay chỉ là bánh vẽ?
Dự án 10.000 tỷ đồng...
Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ, lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu có 9 dự án thành phần, tổng đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng, do Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Ngày 25/12/2016, chủ đầu tư và chính quyền địa phương long trọng tổ chức lễ khởi công. Người dân địa phương ai cũng vui và tự hào vì sau khi hoàn thành, dự án sẽ làm thay đổi diện mạo của TP. Thái Nguyên nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung.
Tuy nhiên, dự án mang tính cấp bách, sau 3 năm khởi công, hiện vẫn đang dở dang, nhếch nhác, mất mỹ quan, nếu xảy ra lũ lụt, sẽ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng nhân dân sống dọc bờ sông Cầu.
Trước thực trạng trên, người dân nghi ngờ về năng lực tài chính của chủ đầu tư, hay đây chỉ là “bánh vẽ” của nhóm lợi ích?
Lách luật
Liên quan tới việc tỉnh Thái Nguyên đổi tên “Dự án” thuộc nhóm A thành “Đề án” thuộc nhóm B và chia nhỏ ra thành 9 dự án thành phần, nhiều ý kiến cho rằng, cách tỉnh Thái Nguyên lách luật vì dự án thuộc nhóm A chắc chắn Chính phủ sẽ không duyệt vì nguồn vốn quá lớn.
Ông Dương Đình Dân, Phó giám đốc Thường trực Ban Quản lý thực hiện dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bờ sông Cầu, cho biết, theo nguyên tắc cấp nào duyệt dự án thì cấp đó phải cấp ngân sách để xây dựng. Nếu để dự án nhóm A, chắc chắn Chính phủ sẽ không duyệt. Do vậy, tỉnh phải chia nhỏ để thuộc thẩm quyền của tỉnh và lấy kinh phí của tỉnh để thực hiện.
Cũng theo ông Dân, ngày 23/7/2018, Ban đã ký hợp đồng BT 3/9 dự án thành phần với chủ đầu tư gồm: dự án 1 trị giá hơn 1.400 tỷ đồng, dự án 4 giá trị 1.200 tỷ đồng, dự án 5 trị giá hơn 900 tỷ đồng. 3 dự án thực hiện từ năm 2018 đến năm 2023. 6 dự án còn lại chờ chỉ đạo của tỉnh.
Theo ông Dân, so với tiến độ, dự án có chậm nhưng chậm hẳn thì mình chưa biết. Thời gian thi công tối đa 5 năm, nếu chủ đầu tư làm cấp tập thì tỉnh lại không có tiền (quy bằng đất) trả cho nhà đầu tư.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, dự án cấp bách nhưng thi công kéo dài 5 năm liệu có hợp lý, ông Dân cho biết: Dùng từ cấp bách chưa hẳn là công trình cấp bách, công trình cấp bách phải có lệnh mà chủ tịch UBND tỉnh mới ra được lệnh. Đấy chỉ là cái tên, chứ công trình này không phải là công trình cấp bách.
Còn theo ông Lê Quang Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên, tỉnh dự định giao chủ đầu tư 378ha đất để nghiên cứu, lập quy hoạch nhưng chưa giao được vì Chính phủ có văn bản yêu cầu tạm dừng thanh toán quỹ đất theo hình thức BT chờ Nghị định mới của Chính phủ.
“Sau khi ký hợp đồng, chủ đầu tư đang tiến hành lập hồ sơ điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi và lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán. Từ tháng 11/2018, thành phố, Ban quản lý đã nhiều lần đôn đốc chủ đầu tư phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để sớm triển khai nhưng đến nay vẫn chưa xong”, ông Minh cho biết.
Ngày 18/3/2019, trong thông báo kết luận, ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho Sở Xây dựng đôn đốc chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh các dự án 1, 4, 5 trình thẩm định phê duyệt chậm nhất vào ngày 29/3/2019.
Vấn đề đặt ra là, tại sao dự án gần 10.000 tỷ đồng được khởi công từ cuối năm 2016 đến tận tháng 7/2018 mới ký hợp đồng BT? Là dự án cấp bách nhưng thực hiện tới 5 năm, tính từ thời điểm khởi công là 7 năm? Trong khi đó, 6/9 dự án còn lại không biết khi nào tỉnh Thái Nguyên mới ký hợp đồng triển khai thi công?
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.