Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp người dân xã Ea Pô (Cư Jút - Đắk Nông) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Một trong những hộ đi đầu trong chuyển đổi hiệu quả này là gia đình ông Vũ Đại Dương.
Nhãn là loại cây quen thuộc đối với bà con nông dân nhưng để trồng được vườn nhãn tốt, cho hiệu quả kinh tế cao là điều không phải ai cũng làm được. Chúng tôi đến nhà ông Dương và được ông dẫn đi tham quan vườn nhãn có diện tích 2 ha của mình.
Ông Dương chia sẻ, cách đây 20 năm, hai vợ chồng ông từ Ninh Bình vào Đắk Nông lập nghiệp, mua được mảnh đất trên 3ha. Đất ở đây là loại đất đen pha cát, đá sỏi nhiều, chỉ phù hợp với các loại cây ngắn ngày như ngô, đậu các loại. Quanh năm làm lụng vất vả nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, cuộc sống gia đình luôn trong cảnh khó khăn.
Trong một dịp đến các vườn nhãn ở Hưng Yên tham quan, ông quyết định mua 50 gốc nhãn lồng về trồng thử. Sau 3 năm trồng, cây phát triển tốt và bắt đầu cho ra quả bói. Quả nhãn thơm ngon, cơm dày và ngọt. Nhận thấy cây nhãn phù hợp với khí hậu, đất đai địa phương, ông mạnh dạn mở rộng diện tích, đặt cây từ ngoài Bắc gửi vào để trồng hết diện tích còn lại. Ông chăm sóc nhãn rất cẩn thận, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về bón phân, tưới nước, làm mương tiêu, phòng trừ sâu bệnh..., vì vậy, vườn nhãn luôn phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Để thuận tiện trong việc chăm sóc, theo dõi sự sinh trưởng của cây trồng, vườn nhãn được ông phân lô, đánh dấu và ghi chép tỉ mỉ. Hiện, có lô nhãn đang trổ bông, có lô nhãn sắp được thu hoạch, có lô đang lên lộc,… nhưng cây nào cũng sum suê xanh tốt. Đặc biệt, ông còn áp dụng kỹ thuật xử lý cho ra trái rải vụ theo từng lô (xử lý cho ra hoa theo ý muốn), vừa để bán được giá, vừa có thể cung cấp trái cây cho thị trường quanh năm.
Giống nhãn này ít bị bệnh chổi rồng, loại bệnh hầu hết các loại giống nhãn khác đều nhiễm. Quả nhãn với đặc điểm vỏ mỏng, cơm dày, giòn, thơm, hạt nhỏ, vị ngọt vừa phải, được thị trường ưa chuộng, nên giá bán luôn đạt 25.000 - 30.000 đồng/kg. Trừ chi phí,1ha nhãn ông thu lãi khoảng 200 triệu đồng/vụ.
Không những hình thành được vườn nhãn tốt, đạt giá trị kinh tế cao cho gia đình, ông còn chiết cành, ươm giống để bán cây giống và tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân quanh vùng muốn trồng loại nhãn này phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài việc trồng nhãn cho thu nhập cao, gia đình ông Dương còn là hộ nuôi cá ao với các loại cá nuôi truyền thống như cá trắm cỏ, cá rô phi đơn tính,… hiệu quả, mỗi năm có thu hàng trăm triệu đồng từ 2 ao nuôi cá.
Theo bà Bùi Thị Hoa, khuyến nông viên xã Eapô, gia đình ông Dương là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của xã. Mặc dù cả hai ông bà đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn chăm chỉ, siêng năng làm kinh tế, đặc biệt ông Dương rất ham học hỏi, chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật.
Nhờ sự cần cù, chịu khó, cộng với tư duy dám nghĩ, dám làm, gia đình ông đã thành công trong chuyển đổi cây trồng phù hợp, mang lại hiệu qủa kinh tế cao từ việc trồng nhãn. Đây cũng là mô hình hay để nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng để chuyển đổi đối với những vùng trồng các loại cây chủ lực (như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su..) kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.