Nhãn được trồng ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.
Tăng diện tích trồng
Diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ đã liên tục tăng mạnh trong những năm qua và hiện đạt gần 25.000ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, năm 2018 thành phố có 18.291ha trồng cây ăn trái, đến năm 2019 đạt 20.125ha, năm 2020 đạt 21.623ha và năm 2021 đạt 23.416ha. Đến cuối năm 2022, diện tích trồng cây ăn trái ở TP Cần Thơ đạt 24.589ha, với sản lượng thu hoạch 194.507 tấn. Cây ăn trái được trồng tại thành phố khá đa dạng về chủng loại, với nhiều loại trái ngon, đặc sản. Trong đó, diện tích trồng nhiều nhất là các loại xoài, với 3.374ha, sầu riêng khoảng 2.965ha, nhãn 2.611ha, mít 1.962ha, mận 1.791ha, vú sữa 1.482ha, chanh 1.382ha, chuối 1.140ha, cam 1.068ha, bưởi 744ha, chôm chôm 392ha, ổi 314ha, măng cụt 300ha. Ngoài ra, diện tích trồng dừa là 1.534ha và các loại cây trồng khác là 4.241ha.
Thời gian qua, nhiều vườn cây ăn trái ngon, đặc sản đã giúp nông dân có được mức thu nhập rất cao, với từ 200-800 triệu đồng/ha/năm. Nông dân cũng xây dựng được nhiều mô hình trồng cây ăn trái gắn với phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần so với chuyên canh cây ăn trái. Dù vậy, sản xuất trồng cây ăn trái trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại nhiều nỗi lo về đầu ra sản phẩm trong tương lai. Nguyên nhân do nông dân còn trồng cây ăn trái chạy theo “giá cả” và theo “phong trào”, thiếu hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp và chưa có sự liên kết, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đặc biệt, nhiều loại cây ăn trái tiếp tục được nông dân mở rộng diện tích trồng rất nhanh, nhất là đối với cây sầu riêng do thấy sầu riêng bán được giá cao.
Ông Nguyễn Văn Lực ở ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, cho biết: “Tôi đã thu hoạch 4 công sầu riêng trồng được 7 năm tuổi, với năng suất đạt hơn 3 tấn/công và bán được giá từ 50.000-55.000 đồng/kg, tính ra tôi có lời khoảng 80 triệu đồng/công. Năm nay, hầu hết nông dân trồng sầu riêng đều trúng mùa và bán được giá cao nhờ sầu riêng được đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, việc nông dân tại nhiều địa phương trong nước đang đẩy mạnh trồng sầu riêng, tôi cũng lo cho giá đầu ra trái sầu trong những năm tới”. Trên thực tế, gần đây một số loại trái cây như xoài Đài Loan, mít Thái, cam sành, mận... cũng đã bộc lộ sự bấp bênh về giá cả đầu ra khi thời gian qua nhiều tỉnh, thành trong nước tăng diện tích trồng. Anh Võ Thành Tâm ngụ ấp 3, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Các năm trước, nông dân trồng xoài Đài Loan có thu nhập rất cao nhờ xoài thường xuyên bán được giá cao, nhiều thời điểm lên đến 30.000-45.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những tháng gần đây, người trồng xoài Đài Loan không còn có lời do giá xuống mức rất thấp, chỉ còn vài ngàn đồng trên mỗi ký. Nguyên nhân do nguồn cung trái xoài Đài Loan tăng mạnh, thị trường Trung Quốc lại không ăn hàng mạnh như các năm trước...”.
Để sản xuất bền vững
Bấp bênh về giá cả đầu ra của một số loại trái cây và tình trạng phát triển “nóng” diện tích trồng sầu riêng, thời gian qua Bộ NN&PTNT cùng ngành chức năng tại các địa phương đã hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ sản phẩm và tăng cường công tác thông tin, cảnh báo cho nông dân. Đặc biệt, Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT đã đề nghị các tỉnh, thành nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông. Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý; thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập chung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng...
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để sầu riêng và các loại cây ăn trái bền vững, từ nhiều năm qua TP Cần Thơ đã khuyến cáo bà con phát triển trồng cây ăn trái tùy loại theo các vùng có lợi thế và có điều kiện sản xuất, thổ nhưỡng phù hợp, không trồng tại những vùng điều kiện thích nghi không đảm bảo. Đồng thời, phát triển trồng theo định hướng tập trung, đảm bảo điều kiện cấp mã số vùng trồng. Khuyến cáo nông dân quan tâm liên kết với nhau và với các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để ổn định đầu ra. Ngành Nông nghiệp thành phố tích cực hỗ trợ, hướng dẫn trồng cây ăn trái theo hướng chất lượng, an toàn, đạt các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường. Hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng để phát triển xuất khẩu, cũng như phát triển các mô hình trồng cây ăn trái gắn với du lịch và khai thác đa giá trị. Tích cực mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Việc lập vườn cây ăn trái đang diễn ra rất nhanh và mạnh tại nhiều địa phương do nông dân nhận thấy đây là một trong những hướng đi cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để tránh rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nông dân cần quan tâm chọn trồng loại cây ăn trái phù hợp điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương gắn với liên kết các doanh nghiệp và nhà tiêu thụ để đảm bảo đầu ra. Hơn bao giờ hết, các cấp, các ngành chức năng cần làm tốt hơn công tác quy hoạch, định hướng trồng cây ăn trái dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng miền, địa phương, gắn với nhu cầu thị trường. Kịp thời xây dựng ngay các quy trình canh tác cụ thể đối với từng loại cây để nông dân áp dụng nhằm sản xuất ra các loại trái cây đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hỗ trợ, tạo gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi giá trị ngành hàng. Cập nhật thường xuyên, liên tục các thông tin về tình hình phát triển trồng cây ăn trái, thị trường tiêu thụ, kỹ thuật chăm sóc cây, cách phòng trị sâu bệnh… cho nông dân nắm. Cảnh báo kịp thời về những loại cây đang được nông dân trồng quá nhiều nhưng chưa rõ thị trường tiêu thụ ra sao...