Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 7 năm 2017 | 1:39

Gặp những thương binh làm kinh tế giỏi

Sau chiến tranh, những thương, bệnh binh trở về đời thường với một phần cơ thể bị thương tổn, không ít người phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống. Trong hoàn cảnh ấy, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã tạo cho họ động lực vươn lên, tích cực tham gia lao động sản xuất, công tác xã hội, đóng góp trí tuệ, công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Chuyên gia về gia súc

Ông Nguyễn Văn Hồng chăm sóc đàn bò.

Sinh ra trong khói lửa chiến tranh, sống sót qua bom đạn chiến trường, người lính Cụ Hồ năm xưa  - ông Nguyễn Văn Hồng, thương binh 2/4, ngụ tại Tổ dân phố 6, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) luôn cảm nhận rõ ý nghĩa của từng phút giây được sống trong hòa bình.

Ông Hồng sinh năm 1952, tại Đức Thọ (Hà Tĩnh). Vừa tròn 20 tuổi, ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại nước bạn Lào. Trải qua bom đạn, sốt rét, đói cơm, thiếu muối nhưng ông vẫn thấy còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã ngã xuống cho ngày hòa bình. Năm 1976, ông xuất ngũ, trở về quê hương với 2 vết thương do mảnh bom găm.

Sức khỏe giảm sút, sản xuất nông nghiệp khó khăn, kinh tế gia đình ông khá chật vật. Năm 1995, ông quyết định bán toàn bộ gia sản ở quê để vào lập nghiệp tại phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột). Với số tiền ít ỏi, ông chỉ mua được 3 sào đất cằn. Đất xấu, cây cà phê không phát triển được, ông phải theo đoàn đào giếng thuê để kiếm sống qua ngày. Những ngày đi làm, ông nhận thấy khu vực này cỏ mọc hoang nhiều, người chăn nuôi lại ít. Hơn nữa, việc chăn nuôi sẽ tạo thêm nguồn phân chuồng để cải tạo đất. Sẵn vốn kiến thức thú y học được ở quê, ông quyết chăn nuôi bò.

Vốn ít, ông chỉ mua được 1 bò mẹ và 1 bê con. Có nguồn thức ăn dồi dào và được chăm sóc, phòng bệnh chu đáo, đàn bò luôn khỏe mạnh và dần sinh sôi. Sau một thời gian nhân đàn, ông nhận thấy nhu cầu về bò thịt cao liền chuyển hướng sang chăn nuôi bò vỗ béo. Cứ khoảng tháng 4 (âm lịch) hằng năm, ông đi khắp vùng lân cận thu mua bê gày (ông gọi là bê khung) về vỗ béo. Để đàn bò lớn nhanh, ông kết hợp giữa nuôi nhốt và nuôi thả. Đến cuối năm, những con bê gày trở thành những con bò mướt mát, mập mạp, ông bắt đầu xuất chuồng để phục vụ thị trường Tết.

Ông Hồng nhớ lại: Năm 2013 - 2014, đàn bò nhà ông lên đến 18 con. Chỉ riêng bán bò vỗ béo, ông thu được 285 triệu đồng, lãi ròng khoảng 180 triệu đồng.

Song song với nuôi bò, ông phát triển đàn dê để tận dụng thức ăn và công chăm sóc. Mỗi ngày, sau khi chăn bò về, ông tiếp tục chăn dê, chặt lá cho dê ăn. Ông nói: Hai mô hình này nếu nuôi kết hợp thì rất hiệu quả bởi nguồn thức ăn cho dê đa dạng, cỏ dê ăn thừa có thể tận dụng cho bò ăn.

Sau năm 2014, dê giống sốt giá, ông giảm dần số lượng bò vỗ béo, tập trung phát triển đàn dê. Ngoài ra, ông nuôi thêm một bò đực giống để phối tinh và nhận điều trị bệnh cho gia súc của bà con trong vùng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi, ông lo cho các con ăn học và lập nghiệp.

Vượt khó thành công

Ông Lại Thanh Lãng (khu Hoà Tháp, phường Đông Mai, TX.Quảng Yên, Quảng Ninh) là thương binh hạng 3/4 và bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Dù tuổi cao (65 tuổi), sức khoẻ có phần giảm sút nhưng ông vẫn luôn giữ vững phẩm chất người lính Cụ Hồ, là gương sáng cho con cháu và những người xung quanh về phát triển kinh tế gia đình.

Ông Lại Thanh Lãng làm giàu với mô hình nuôi gà công nghiệp.

Khu trang trại của gia đình ông Lãng tại khu Hoà Tháp nằm sát một quả đồi và khá biệt lập với khu dân cư. Trên 9.000m2 đất đồi, gia đình ông tích cực cải tạo, xây dựng khu chăn nuôi gà công nghiệp và trồng cây ăn quả. Hiện, trang trại của gia đình ông trồng hàng chục gốc vải, 200 gốc na cùng nhiều loại cây ăn quả khác như nhãn, hồng, đào và duy trì đàn gà thịt 5.000 con đang ở độ xuất chuồng.

Ông kể, ngay sau khi về hưu (năm 1999), ông bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Trung bình mỗi năm, gia đình  nuôi khoảng 4 lứa gà, mỗi lứa từ 3.000-5.000 con. Hệ thống chuồng trại được xây dựng kiên cố, đầu tư thêm hệ thống quạt thông gió và hệ thống làm mát để đảm bảo gà luôn mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Hiện, doanh thu từ trang trại đạt từ 200-300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Ông dẫn chúng tôi tham quan vườn, chỉ những chùm vải đang độ chín, hơn 200 gốc na cũng đang bắt đầu vào vụ quả lứa thứ 2... Các loại cây ăn quả ở đây mặc dù kỹ thuật chăm sóc không cầu kỳ, nhưng cơ bản đều thích nghi và phát triển rất tốt, đặc biệt là cây na. Vụ thu hoạch đầu tiên, 200 gốc na của gia đình ông Lãng cho trên 2 tạ quả. “Việc nhà nông nên vất vả lắm, lúc nào cũng quanh quẩn ở trang trại. Tuy nhiên, cũng nhờ đó mà mình thấy vui vì được lao động và có một chút thành quả, hỗ trợ kinh tế gia đình”, ông Lãng chia sẻ.

Gương điển hình cho bà con Khmer làm theo

Đến ấp Sóc Mới, xã Long Phú (Long Phú - Sóc Trăng) hỏi thăm ông Sơn Lộc ai cũng biết và khâm phục người thương binh chịu khó, giỏi làm kinh tế, gương điển hình cho bà con Khmer trong thôn, bản noi theo.

Ông Sơn Lộc rất tự hào với những bằng khen, giấy khen được các cấp trao tặng.

Năm 1984, chàng thanh niên Sơn Lộc tình nguyện nhập ngũ lên đường bảo vệ Tổ quốc. Trong lúc chiến đấu ở chiến trường K, ông bị trúng đạn của địch và con mắt trái vĩnh viễn không nhìn thấy gì. 

Sau 3 năm trở về quê hương, năm 1990, ông lập gia đình, cuộc sống càng thêm cơ cực. Được sự động viên của vợ và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, Sơn Lộc đã vượt qua những mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống.

Với 2 công đất ruộng, vợ chồng ông  lên kế hoạch 1 công trồng màu, 1 công trồng lúa. Ông chủ yếu trồng bắp cải, hành lá, bí đao, dưa leo… để lấy ngắn nuôi dài; đồng thời, kết hợp với nuôi heo nái và heo thịt.

Ông Sơn Lộc nhớ lại: “Những năm đầu lập gia đình, cuộc sống quá vất vả, cộng thêm thương tật nên người hay đau ốm, nhiều lúc muốn buông bỏ hết. Nhưng nghĩ đến gia đình, nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh để mình được sống thì những khó khăn trước mắt chả có nghĩa lý gì. Từ những suy nghĩ như vậy, tôi đã quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất của mình”.

Đến nay, gia đình ông đã có cơ ngơi khá giả với 4ha ruộng. Không chỉ là thương binh chịu khó, ông còn tích cực học hỏi, theo dõi thông tin, nắm bắt khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, hội thảo về trồng giống lúa cho năng suất, chất lượng cao.

Năm 2016, ông Sơn Lộc được UBND tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.

Chủ tịch Hội CCB gương mẫu

Ông Nguyễn Văn Cử ở xã Kỳ Hoa (TX. Kỳ Anh - Hà Tĩnh) từng là người lính chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Năm 1979, sau khi bị thương, ông được chuyển ra miền Bắc điều trị; năm 1982, ông trở về quê hương mang trong mình thương tật hạng 4/4.  

Ông Nguyễn Văn Cử chăm sóc đàn gà.

Nhà nghèo, đông con nên cuộc sống của gia đình ông càng trở nên túng bấn. Với phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, ông đã suy nghĩ phải làm gì để phát triển kinh tế gia đình.

Tận dụng lợi thế xã miền núi, ông xin địa phương cấp đất để phát triển kinh tế trang trại. Ngày ngày, như con ong cần mẫn, hai vợ chồng ông lên trang trại khai hoang, phục hóa. Buổi đầu, chưa có vốn liếng, gia đình ông thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày, nuôi gà, lợn để tăng thu nhập. Dần dần tích lũy được vốn liếng, ông đầu tư trồng keo tràm, nuôi trâu, bò và trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Giờ đây, sau hơn 20 năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, trang trại rộng trên 5 ha của người thương binh này đã trở nên trù phú với hàng chục con trâu, bò, hàng trăm con gà thả vườn cùng với các loại cây ăn quả cam, ổi, xoài; bao quanh khu trang trại là bạt ngàn keo tràm đang đến kỳ thu hoạch.

Điều đáng khâm phục ở thương binh Nguyễn Văn Cử là ông không những làm kinh tế giỏi mà còn nhiệt tình tham gia công tác ở địa phương. Ông là đại biểu HĐND xã Kỳ Hoa nhiều khóa liền và hiện là Chủ tịch Hội CCB xã.

Quỳnh Nga- Anh Tuấn - Trung Hiếu - Phương Thúy - Đinh Nga

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top