Liên quan đến việc một số hộ dân tự ý san lấp, làm đường, phân lô, bán nền đất ruộng tại cánh đồng Ia Chor xã Ia Der, huyện Ia Grai (Gia Lai) yêu cầu khắc phục hiện trạng ban đầu xong trước ngày 15/6.
Danviet.vn thông tin, tại công văn số 547/UBND-TNMT ngày 22/5 về việc khắc phục việc đổ đất, san gạt trên đất trồng lúa, UBND huyện Ia Grai nhận định, hành vi san lấp đất ruộng của ông Nguyễn Công Tiến và Phạm Minh Sỹ (đều trú tại tổ 3, phường Thống Nhất, TP.Pleiku, Gia Lai) làm biến đổi địa hình, thay đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, là hành vi hủy hoại đất, thuộc những hành vi nghiêm cấm cần phải xử lý theo đúng quy định.
Nhằm trả lại nguyên trạng ban đầu, UBND huyện yêu cầu ông Nguyễn Công Tiến và ông Phạm Minh Sỹ phải thực hiện các biện pháp khắc phục hiện trạng ban đầu toàn bộ diện tích đã đổ đất san lấp, hoàn thành trước ngày 15/6.
Nếu quá thời gian quy định trên mà không thực hiện, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp UBND xã Ia Der hoàn thiện hồ sơ, thực hiện quy trình thu hồi đất.
Về lý do không xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tiến và ông Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Der Đặng Lương Minh Điệp cho biết, căn cứ Nghị định 102/2014/NĐ - CP, tại thời điểm kiểm tra, chỉ thấy những cá nhân này đổ đất, san lấp ruộng chứ chưa xây nhà trái phép, tức là hành vi thay đổi hiện trạng đất. Do vậy chính quyền không phạt vi phạm hành chính mà buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Được biết, sau khi mua lại ruộng của một số hộ dân tại cánh đồng Ia Chor (xã Ia Der), ông Nguyễn Công Tiến và ông Phạm Minh Sỹ đã tiến hành đổ đất, san lấp mặt bằng, mở đường nhằm phân lô bán nền. Hành vi này đã bị UBND xã Ia Der lập biên bản đình chỉ thi công, báo cáo UBND huyện Ia Grai chỉ đạo xử lý.
Đắk Lắk: Doanh nghiệp “cố tình” xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp?
MOITRUONG.NET.VN đưa tin, cử tri phường Khánh Xuân và phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột bức xúc khi một công trình quy mô đầu tư nhiều tỷ đồng, với thời gian dài xây dựng lâu nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn sự việc.
Đây là sự việc bất thường, vì người dân nghèo tại địa phương xây dựng căn nhà nhỏ trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng (đất nông nghiệp) đã bị chính quyền cưỡng chế gây dư luận không tốt và đặt câu hỏi tại sao Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thanh Thảo làm được việc chưa được cấp phép nhưng vẫn xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp và đất rừng?
Ngoài ra, người dân nơi đây cho rằng, lãnh đạo địa phương làm ngơ để công trình thuộc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thanh Thảo được hoàn thiện trái phép nhiều hạng mục như khu nhà hàng, nhà sàn, khu karaoke, khu chòi câu cá trên đất rừng và đất nông nghiệp.
Theo người dân, công trình Khu Du lịch Đồi Trầm T và T xây dựng trên diện tích đất của phường Khánh Xuân và phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột quản lý.
Trước đó, năm 2005, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thanh Thảo được cấp đất rừng để trồng cây dó bầu, nhưng trồng không hiệu quả nên chuyển sang nuôi heo, thả cá. Một thời gian sau, công ty xây dựng thêm nhiều hạng mục và chuyển đổi thành khu du lịch sinh thái.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân, xác nhận, phường đang quản lý 20 hecta trên diện tích đất của Khu Du lịch Đồi Trầm T và T.
“Việc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thanh Thảo xây dựng các hạng mục công trình tại khu du lịch sinh thái hay chưa thì phường chưa nắm rõ. Nhưng trước đó, Khu Du lịch Đồi Trầm T và T của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thanh Thảo xây dựng trái phép thuộc UBND phường Thành Nhất quản lý thì đã bị lập biên bản, xử phạt 1,5 triệu đồng”, ông Chung cho hay.
Chiều 20/5/2019, ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, quan điểm của UBND thành phố là không có vùng cấm, đang tiến hành thành lập đoàn kiểm tra, nếu vi phạm sẽ xử lý đúng quy định của pháp luật.
Người dân phá rừng nuôi tôm ở Cà Mau: Chính quyền lúng túng
Daidoanket.vn phản ánh, người dân ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đang xôn xao trước việc nhiều hộ dân (trong đó có cán bộ xã) tự ý đào bới đất rừng để nuôi tôm công nghiệp. Chính quyền địa phương lúng túng trong việc ngăn chặn tình trạng này?
Mặc dù UBND tỉnh Cà Mau đã có chủ trương không quy hoạch và phát triển mới diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên diện tích rừng ngập mặn, vùng nuôi tôm sinh thái. Thế nhưng, tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân vẫn có nhiều hộ dân tự ý đào bới đất rừng – vùng nuôi tôm sinh thái để làm đầm nuôi tôm công nghiệp. Trong số hộ tự ý đào bới đất rừng, có phần diện tích đất do ông Nguyễn Tuấn Vũ đứng tên, hiện là Bí thư Xã Đoàn Tân Ân.
Theo tìm hiểu, khoảng tháng 5/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh này đã có văn bản số 1313/SNN-TS gửi các huyện có rừng ngập mặn như Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển và Phú Tân về việc nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trong rừng ngập mặn và vùng nuôi tôm sinh thái.
Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng việc quản lý quy hoạch nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ. Việc phát triển nuôi trong diện tích rừng ngập mặn và vùng nuôi tôm sinh thái còn xảy ra ở nhiều nơi, gây không ít khó khăn cho việc quản lý, bảo vệ rừng và tác động lớn đến hệ sinh thái rừng ngập mặn…
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân và Đầm Dơi không quy hoạch và phát triển mới diện tích nuôi thâm canh, siêu thâm canh trên diện tích rừng ngập mặn, vùng nuôi tôm sinh thái.
UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương như vậy, thế nhưng tình trạng người dân người dân tự ý đào bới đất trái pháp luật vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi. Thời gian qua, chính quyền địa phương một số nơi có xử phạt hành chính một số người phá rừng để nuôi tôm. Tuy nhiên dư luận cho rằng, việc lập biên bản các hộ vi phạm rồi xử phạt vi phạm vài triệu đồng không hiệu quả răn đe.
PV có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch UBND xã Tân Ân về tình trạng phá rừng nuôi tôm đang diễn ra trên địa bàn, ông Nam cho biết: “Sự việc đào bới đất rừng có xảy ra trên địa bàn xã hơn 1 tháng nay. Xã đã cử cán bộ xuống địa bàn lập biên bản sự việc và có báo cáo về huyện rồi…”.
Một hộ dân sống ở ấp Xẻo Mắm cho biết: “Khi mới xảy ra sự việc này, tôi thấy có cán bộ xã xuống lập biên bản, nhưng lập biên bản xong thì các hộ dân này vẫn đào bới đất để làm đầm tôm công nghiệp mà chưa thấy cơ quan chức năng xử lý. Đầm tôm của gia đình ông Vũ đang trong giai đoạn hoàn thiện khâu lắp đặt thiết bị” - một hộ dân cho biết. Ghi nhận của phóng viên, tại hiện trường, nhiều diện tích đất rừng – vùng nuôi tôm sinh thái bị đào bới, san lấp thành đầm tôm. Cơ giới thì vẫn hoạt động, nhưng không thấy bóng dáng của cơ quan chức năng.
Về việc có một cán bộ xã chiếm đất rừng để nuôi tôm, thì ông Nguyễn Phương Nam cho rằng, miếng đất đúng là của ông Vũ, tuy nhiên ông Vũ đã ủy quyền cho em ông ấy làm. Chúng tôi đã lập biên bản đào bới đất rừng, biên bản vi phạm hành chính và xử phạt đều là tên của em ông Vũ. Chứ nếu là tên ông Vũ thì cơ quan đã xử kỷ luật rồi.
Nhiều người dân còn cho rằng, chính quyền xã Tân An chỉ phạt hành chính rồi vẫn để cho các hộ dân này tiếp tục làm nên nhiều hộ dân sẵn sàng đóng phạt để lấn chiếm đất để nuôi tôm.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.