Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 8 năm 2022 | 9:1

Giò bê Chung Tài và hành trình vươn tới sản phẩm OCOP 4 sao

Về xã Hợp Thành (Yên Thành - Nghệ An), khi nhắc tới mô hình phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu ở địa phương, nhiều người đã ngợi khen, nể phục ông Lê Đình Chung.

Ông là chủ cơ sở sản xuất giò bê Chung Tài, giáo dân của xứ đạo Vĩnh Hòa làm kinh tế giỏi, sống tốt đời - đẹp đạo.

Xây dựng thương hiệu gắn liền với “chữ Tâm”

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất giò bê Chung Tài. Đón tiếp chúng tôi cũng là lúc ông Chung vừa hoàn tất khâu chuẩn bị nguyên liệu cho quá trình sản xuất giò bê. Sau chén chè xanh, ông trải lòng với chúng tôi về cái Duyên, cái Tâm với nghề làm giò bê.

Ông Chung chia sẻ: Gia đình vốn có nghề truyền thống làm bánh chưng và từng nổi tiếng một vùng. Nhưng sau này, nhu cầu về bánh chưng của người dân không nhiều, nghề làm bánh chưng không còn phù hợp nữa. Trong một lần tình cờ gặp lại người bạn ở Thanh Hóa và được người bạn chia sẻ về nghề giò bê. Tôi nhận thấy với nguồn nguyên liệu sản xuất giò bê rất dồi dào tại Nghệ An thì đây chính là cơ hội để chuyển nghề và làm giàu.

ảnh-3-giò-bê-chung-tài.jpgNhờ ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, quy trình đạt chuẩn, sản phẩm giò bê Chung Tài được người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng.

 

Sau thời gian dài suy nghĩ, ông quyết tâm “khăn gói” ra ngoại tỉnh học nghề. Chính những kiến thức đó đã tạo nền tảng để ông phối hợp nguyên liệu, sáng tạo nên sản phẩm mang hương vị đặc trưng riêng của giò bê Chung Tài.

Thời gian đầu khó khăn, cơ sở sản xuất thủ công, mỗi ngày chỉ sản xuất lẻ tẻ để cung ứng cho vài mối quen. Nhưng nhờ quy trình sản xuất sạch sẽ, chất lượng lại có hương vị thơm ngon nên được mọi người tin dùng và tìm đến mua. “Tiếng lành đồn xa”, thị trường ngày càng rộng mở cũng là lúc cơ sở quyết định đầu tư hoàn thiện nhà xưởng, khu sản xuất, máy móc hiện đại như máy cắt thịt, máy xay da bê, máy hấp,… để kịp cung ứng cho khách hàng. Ngoài ra, ông còn đầu tư kho cấp đông để bảo quản sản phẩm an toàn, giữ nguyên màu sắc, hương vị, tránh hư hỏng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

ảnh-2-giò-bê-chung-tài.jpg
Được làm từ 100% thịt bê tươi bởi thế thành phẩm vừa thơm ngon, ngọt mềm, hương vị đậm đà đặc trưng của các loại gia vị hòa quyện trong từng miếng giò bê.

 

Đến nay, gia đình ông Chung đã mở tới 4 xưởng sản xuất mới đủ sản phẩm cung cấp ra ngoài thị trường. Hàng năm, cơ sở sản xuất giò bê của gia đình cung cấp ra thị trường gần 300 tấn, doanh thu 60 - 70 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 40 nhân công với thu nhập 7,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, năm 2021, sản phẩm giò bê Chung Tài đã được tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Ông Chung cho biết: “Với 15 năm gắn bó với nghề giò bê, tôi hiểu được sự cạnh tranh và những yêu cầu khắt khe trong ngành kinh doanh thực phẩm. Không đơn giản như trước mà hiện nay khách hàng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, sản phẩm phải đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe, sản phẩm phải mới lạ… Chính vì nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, cở sở sản xuất luôn sử dụng nguyên liệu tươi mới và liên tục ra các mẫu mã mới, các dòng sản phẩm khác nhau để đáp ứng được thị trường”.

Sản phẩm giò bê Chung Tài của ông đã được phân phối trên toàn quốc, có mặt trong các hệ thống siêu thị. Đặc biệt, thông qua khâu trung gian, sản phẩm giò bê Chung Tài còn được xuất khẩu đi Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Lào...

Nhìn lại quá trình gắn bó với nghề, ông cho rằng, điều quan trọng nhất để thành công và khẳng định thương hiệu chính là: “Kinh doanh phải dựa trên chữ Tâm, phải mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng”.

Ngoài ra, là giáo dân nên ông Chung luôn lấy phương châm “sống tốt đời đẹp đạo”. Những năm qua, không chỉ bằng năng lực và tâm huyết của mình, ông đã vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, mà còn là người luôn gương mẫu, nhiệt tình đi đầu trong các phong trào ở cơ sở... Với những kết quả đạt được, ông Chung vinh dự trở thành một trong 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho nông dân Việt Nam tham gia “Hội nghị Thủ Tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022”.

3.jpg
Bằng chứng nhận của UBND tỉnh Nghệ An đối với sản phẩm đạt 4 sao trong chương trình OCOP.

Hành trình vươn tới OCOP 4 sao

Vừa kiểm tra các khâu sản xuất, ông Chung vừa chia sẻ: “Một điều mang lại sự khác biệt của giò bê Chung Tài là được làm ra từ thịt me (Nghệ An gọi bê là me) của vùng núi miền Tây xứ Nghệ. Với tập quán chăn thả tự nhiên, không sử dụng cám tăng trọng, thịt me ở đây ngọt, ít mỡ, săn chắc, cộng với công thức chế biến riêng đã tạo nên hương vị hấp dẫn cho món đặc sản này”.

Để có được mẻ giò chất lượng thơm ngon, ngoài bí quyết riêng thì điều kiện quan trọng nhất là phải có được nguyên liệu thịt bê ngon. Giò được chế biến từ thịt đùi, ba chỉ nguyên miếng của con bê  dưới 1 năm tuổi, ướp với gia vị 7 - 8 tiếng đến khi tất cả nguyên liệu được hoà quyện, dậy mùi, sau đó đưa vào lò hấp cách thủy, để nguội và khâu cuối cùng là cho giò vào trong tủ đá để cấp đông. Đặc biệt, ngay từ đầu, cơ sở giò Chung Tài tuân thủ quy trình “3 không”: không sử dụng chất bảo quản, không hàn the, không phụ gia tạo vị - tạo màu. Vì vậy, sản phẩm giò bê của gia đình ông Chung màu sắc hồng tự nhiên, vị ngọt đậm đà, mùi thơm đặc trưng. Riêng khâu bảo quản, cơ sở sử dụng máy hút chân không nên hạn sử dụng tối đa lên đến 40 ngày.

“Khi đã có thị trường tiêu thụ rộng mở hơn, lượng đơn hàng tăng thì mình phải nghĩ đến “đường dài”, phải có hướng sản xuất “chuẩn” hơn, máy móc cũng cần hiện đại hơn thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở mới ngày càng phát triển. Ngoài đầu tư hoàn thiện nhà xưởng, khu sản xuất, máy móc hiện đại như máy cắt thịt, máy xay da bê, máy hấp, thì nhu cầu của khách hàng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng nên chúng tôi đã chủ động làm giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận VSATTP, theo định kỳ gửi mẫu đi phân tích, kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn xây dựng bộ nhận diện thương hiệu riêng cho sản phẩm giò bê như bao bì, nhãn mác, mã quét QR Code, mã vạch, có logo của cơ sở sản xuất”, ông Chung chia sẻ.

Nhờ đầu tư bài bản, sản phẩm của cơ sở được người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng; khẳng định được chỗ đứng tại địa bàn trong nước và nước ngoài.

Năm 2021, vượt qua nhiều sản phẩm tiêu biểu từ các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh, sản phẩm giò bê Chung Tài đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An xếp hạng 4 sao về chất lượng theo các tiêu chí của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Đây vừa là niềm tự hào rất lớn cũng chính là “đòn bẩy” để cơ sở phát triển sản xuất, mở rộng thị trường khi có bộ nhận diện thương hiệu riêng như tem sản phẩm có đánh dấu 4 sao OCOP, mã quét QR Code… Đồng thời, nhận được cơ hội tham gia vào các chương trình hội chợ tại các tỉnh thành lớn; có điều kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đưa sản phẩm giò bê Chung Tài ngày càng vươn xa.

Ông Nguyễn Sỹ Chương, Chủ tịch Hội Nông dân Yên Thành - đánh giá: “Xuất phát điểm là hộ sản xuất nhỏ nhưng với sự năng động nắm bắt thị trường, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư từ nguồn nguyên liệu chất lượng tại địa phương, gia đình ông Lê Đình Chung đã xây dựng thành một cơ sở sản xuất giò bài bản. Từ khi đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP, giò bê Chung Tài được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao, không chỉ có mặt trên trên thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu đi nước ngoài,”.

Không thỏa mãn với những gì đạt được, thời gian tới, ông Chung sẽ huy động thêm vốn mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư thêm hệ thống máy móc nhằm “nâng tầm” chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay để mở rộng quy mô sản xuất là mặt bằng xây dựng nhà xưởng. Vì vậy, ông rất mong chính quyền địa phương tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về khâu mặt bằng để gia đình sớm có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top