Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 8 năm 2021 | 15:9

Hà Nam xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP

Đến nay, Hà Nam đã tổ chức đánh giá, phân hạng được 41 sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 23 sản phẩm đạt hạng 3 sao thuộc 22 chủ thể và có 37 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2021.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các cấp, các ngành của Hà Nam đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng nhiều hình thức thiết thực phù hợp, từ đó thu hút được nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia. Đến nay, Hà Nam đã tổ chức đánh giá, phân hạng được  41 sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 23 sản phẩm đạt hạng 3 sao thuộc 22 chủ thể và có 37 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2021.

 Mẫu mã sản phẩm OCOP được các cơ quan chức đánh giá rất cao

 

 

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, Hà Nam đã xây dựng và ban hành Quyết định 1939/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Chương trình OCOP được các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hà Nam đã sớm bổ sung nhiệm vụ, kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo, giao Sở Nông nghiệp & PTNT là cơ quan thường trực phối hợp với các Sở, ngành liên quan thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo đúng kế hoạch.
 
Các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP phần lớn là sản phẩm làng nghề, một số sản phẩm đã có tiếng trên thị trường như: Chuối ngự Đại Hoàng; Cá kho Nhân Hậu; bánh Đa nem làng Chều;... nên có nhiều thế mạnh, lợi thế.
 
Với đặc điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hà Nam có lợi thế riêng về phát triển sản phẩm OCOP như đã phê duyệt danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm rau, củ, quả, gạo chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ gạo đây là các mặt hàng truyền thống, dễ tiêu thụ như bánh đa nem làng Chều, bún, bánh tráng.... cùng với đó hệ thống các làng nghề, làng nghề truyền thống đa dạng, các sản phẩm cũng được ưu tiên phát triển theo các làng nghề.
 
Bên cạnh đó, Chương trình nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, bước đầu đã tạo động lực thúc đẩy cho các chủ thể tham gia thực hiện, nhằm phát triển sản phẩm của mình ngày một hoàn thiện hơn, đồng thời lựa chọn những ý tưởng sáng tạo để nâng cấp sản phẩm đạt chất lượng cao, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và nhân ra diện rộng…
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam, cho biết: Đây là Chương trình mới nên nhận thức của một số cán bộ, chủ thể sản xuất sản phẩm còn hạn chế, chưa đầy đủ, do đó việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện Đề án.
 
Thời gian qua, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất và kinh doanh mới chỉ tập trung sản xuất sản phẩm nguyên liệu chứ chưa chú trọng đến việc chế biến, bảo quản, xây dựng nhãn mác, thương hiệu, quảng bá sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, chất lượng nhiều loại sản phẩm chưa cao, không đồng đều, chưa được tiêu chuẩn hóa; mẫu mã bao bì, kiểu dáng còn sơ sài, thiếu tính thương mại; số lượng sản phẩm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu còn ít…

 

 Sản phẩm OCOP Cá kho Nhân Hậu.

 

 

Lãnh đạo chính quyền một số địa phương vẫn còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất; nhân lực thực hiện chương trình tại địa phương còn mỏng và yếu,...Chưa có nhiều hình thức tổ chức kinh tế tham gia vào chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; sản xuất vẫn chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ, manh mún; việc áp dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất còn hạn chế.
 
Các sản phẩm sản xuất tại các địa phương còn nhỏ lẻ, sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình chưa nhiều, chất lượng sản phẩm còn ở tầm địa phương, mẫu mã, bao bì sản phẩm chưa được hoàn thiện, tính cạnh tranh yếu, công tác quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm chưa được chú trọng. Chính vì vậy, khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường chưa được như mong đợi.
 
Hiện nay, Hà Nam vẫn chưa có chính sách hỗ trợ nâng cấp sản phẩm có tiềm năng để tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm quốc gia; các chủ thể chưa mạnh dạn, tích cực đầu tư nâng cấp sản phẩm, đồng bộ về quy mô để tham gia.
 
Chính vì thế, Hà Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tổ chức, điều hành, cho đến người dân để mọi người đều hiểu mục đích, ý nghĩa, cũng như khi tham gia được lợi ích gì, từ đó mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. Coi phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chuyên môn để xây dựng, thực hiện đề án, kế hoạch triển khai chương trình OCOP. Tập trung công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý chương trình OCOP các cấp; bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh cho chủ thể sản xuất.

 

Song song với đó, Hà Nam phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, trong đó, tập trung vào các dịp lễ hội của tỉnh, của Quốc gia. Phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn; tổ chức lựa chọn sản phẩm tiêu biểu tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.
 
Đồng thời, Hà Nam cần tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy suất nguồn gốc… cung cấp ra thị trường các sản phẩm đúng tiêu chuẩn, đủ về chất lượng sẽ tác động rất nhanh đến người tiêu dùng, đây là yếu tố chính để xây dựng được thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường.
 
Ngoài ra, để thúc đẩy chương trình OCOP trên địa bàn, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án OCOP giai đoạn 2021-2025 cùng với đó là các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất tham gia chương trình có đăng ký kinh doanh về mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ trong sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, an toàn thực phẩm, đăng ký thương hiệu… cũng như các chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn.
 
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top