Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2019 | 21:9

Hà Nội: Xử lý nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo''

Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 9661/SXD-TTr gửi UBND quận, huyện, thị xã về xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo).

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND, ngày 11-11-2016, của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng kết hợp chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở trên địa bàn thành phố. Trong đó, giao Sở Xây dựng đôn đốc các đơn vi tập trung xử lý.
 
Để nghiêm túc thực hiện kết luận của Thường trực HĐND Thành phố và chỉ đạo của UBND Thành phố về thực hiện kết luận chất vấn tại các kỳ HĐND khóa XV đối với công tác quản lý xử lý trường hợp nhà đất không đủ kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) khi thực hiện mở đường theo hoạch trên địa bàn Thành phố.
ảnh-minh-họa-1.jpg
Ảnh minh họa
Sở Xây dựng đề nghị, đối với UBND các quận còn tồn tại các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" chưa được xử lý, Chủ tịch UBND các quận tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phòng ban chức năng thống kê, rà soát các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo'' phát sinh trên các tuyến Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3 và các tuyến mới mở đang triển khai thực hiện trên địa bàn. Giải quyết và xử lý dứt điểm các trường hợp mới phát sinh theo Chỉ thị số 20/CT-UBND, ngày 11-11-2016, của Chủ tịch UBND Thành phố và đẩy nhanh tiến độ xử lý các trường hợp tồn tại. Các đơn vị khẩn trương tổng hợp tiến độ, kết quả xử lý cùng khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
 
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội có dự án đường quy hoạch đi qua: Chủ động thống kê, rà soát xây dựng phương án xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng; Thực hiện thu hồi các thửa đất ngoài chỉ giới để sử dụng vào mục đích công cộng nếu việc hợp thửa, hợp khối (sau 30 ngày) không thực hiện được theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND, ngày 06-6-2011, Chỉ thị số 20/CT-UBND, ngày 11-11-2016 của Chủ tịch UBND Thành phố.
 
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng trong việc phá dỡ toàn bộ, bộ phận kiến trúc công trình đã được đền bù, bao gồm cả phần công trình còn lại nằm ngoài chỉ giới để không phát sinh công trình "siêu mỏng, siêu méo''. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh các trường hợp công trình "siêu mỏng, siêu méo" trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.

Nha Trang: Yêu cầu dừng thi công các dự án xẻ núi làm biệt thự

Dự án Khu biệt thự Đường Đệ (TP. Nha Trang) từng bị Sở xây dựng Khánh Hòa xử phạt 35 triệu đồng.

Ngày 22/10, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết đã có văn bản gửi Công ty TNHH Tâm Hương (P. Vĩnh Hải, TP. Nha Trang), chủ đầu tư dự án khu biệt thự Đường Đệ, (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang), yêu cầu dừng thi công toàn bộ công trình.

 

dự-án-khu-biệt-thự-đường-đệ-đang-triển-khai-trên-núi-cô-tiên-nha-trang.jpg
Dự án khu biệt thự Đường Đệ đang triển khai trên núi Cô Tiên (Nha Trang): Nguồn - Báo Giao thông

Theo Sở Xây dựng, qua kiểm tra thực tế tại khu vực dự án, công ty đã tổ chức thi công xong phần thô và đang hoàn thiện 4 căn biệt thự. Công ty cũng tiến hành thi công xây dựng các công trình tại 5 lô đất khác.

“Sở Xây dựng sẽ tổ chức kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm về xây dựng theo quy định của pháp luật và báo cáo UBND tỉnh”, ông Trần Văn Thọ, PGĐ Sở Xây dựng cho biết.

Trước đó, vào cuối tháng 5 vừa qua, Sở Xây dựng cũng đã xử phạt chủ đầu tư dự án này 35 triêu đồng vì qua kiểm tra đơn vị này không gửi cơ quan về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định đối với 4 công trình nhà ở đã xây dựng tại dự án điều chỉnh, mở rộng Khu biệt thự Đường Đệ.

Liên quan đến nội dung này, nhiều cơ quan báo chí đã nhiều lần phản ánh, và UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu tất cả dự án thuộc núi này phải tạm dừng triển khai để đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu, hoàn thiện đồ án quy hoạch 1/2.000.

Hà Giang: Bộ VHTTDL từng cảnh báo về dự án trên Di tích Cột cờ Lũng Cú

Mới đây, dư luận lại xôn xao trước thông tin về một dự án khu du lịch tâm linh được xây dựng dưới cột cờ Lũng Cú (thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Dự án trên được UBND tỉnh Hà Giang trao Giấy chứng nhận đầu tư và khởi công công trình cho chủ đầu tư Tập đoàn Phúc Lộc vào ngày 22/6/2016.

Dự án khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú được quy hoạch với diện tích hơn 56 ha, bao gồm khu tâm linh, khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng, khu cột cờ, khu đặt đại tượng phật. Tập đoàn Phúc Lộc dự kiến đầu tư hơn 800 tỷ đồng vào dự án này.

Liên quan đến thông tin dự án, một lãnh đạo UBND xã Lũng Cú cho biết, hiện hạng mục chùa đã dựng được 6 đến 7 tòa nhà, cơ bản đã xong. Ngoài ra, con đường rộng 33m, dài 1,7km đi qua cánh đồng vào chùa cũng đã giải phóng mặt bằng, tôn mặt đường xong…

Vị lãnh đạo xã Lũng Cú cho hay, dự án được UBND tỉnh cho phép quy hoạch điểm mỏ khai thác vật liệu ngay tại chỗ.

Trong khi đó, một đại diện của Đồn biên phòng Lũng Cú cho hay, dự án này gồm ba hạng mục chùa, đền, đại tượng Phật nằm ở ba phía của cột cờ Lũng Cú, tạo thành thế chân vạc bao quanh cột cờ Lũng Cú. Ba hạng mục đều tựa lưng vào núi, quay mặt vào cột cờ quốc gia và mở đường đi tới cột cờ. Như vậy, ba hạng mục của dự án du lịch đã ôm lấy ba mặt của núi Rồng nơi có cột cờ Lũng Cú.

Về dự án này, Bộ VHTTDL từng có ý kiến yêu cầu bảo vệ nguyên trạng nhiều hạng mục di tích.

Ngày 17/4/2018, Bộ VHTTDL đã có văn bản nêu ý kiến của Bộ đối với Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, trong đó, nhấn mạnh, Cột cờ Lũng Có có giá trị nhiều mặt về lịch sử và danh lam thắng cảnh, bao gồm các yếu tố cần được bảo vệ như: Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng, 2 hồ nước (mắt Rồng) ở hai bên núi Rồng, cảnh quan núi Rồng và hệ sinh thái trên núi đá vôi... Vì vậy, để hạn chế tác động tới giá trị di tích Cột cờ Lũng Cú cũng như cảnh quan môi trường của di tích, Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú cần điều chỉnh và lưu ý: Trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú, cần lưu ý Không xây dựng các công trình và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu vực bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú; Bảo vệ nguyên trạng hai hồ nước, kết hợp chỉnh trang cảnh quan địa hình tự nhiên vốn có bao quanh hai hồ nước.

Cải tạo, chỉnh trang các công trình hiện có dưới chân núi, việc đầu tư, xây dựng công trình khu nghỉ (homstay) cần gắn với các buôn, bản dân cư hiện có, để khai thác thế mạnh của loại hình du lịch này, đồng thời qua đó điều chỉnh phạm vi việc xây dựng công trình mới ra khu vực bảo vệ II của di tích Cột cờ Lũng Cú.

UBND tỉnh Hà Giang cần xin thêm ý kiến của một số Bộ, ngành liên quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam...

Bộ VHTTDL cũng nhấn mạnh, phương án xây dựng Khu tâm linh chùa Lũng Cú nên tham khảo theo kiến trúc truyền thống.

 

xẻ-núi-xây-dựng-dự-án-khu-du-lịch-sinh-thái-văn-hóa-tâm-linh-lũng-cú-ảnh-tuoitrevn.jpg
Xẻ núi xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (ảnh Tuoitre.vn - Nguồn: Hà An - Báo Tổ Quốc)

Ngày 11/6/2018, Bộ VHTTDL tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang đề nghị lưu ý một số vấn đề khi xây dựng Dự án gồm: Bổ sung các giải pháp chỉnh trang cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú và cảnh quan tự nhiên vốn có bao quanh hai hồ nước tại di tích. Tổ chức cắm mốc giới các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Cột cờ Lũng cú theo quy định để đảm bảo giữ được không gian cảnh quan và các yếu tố cấu thành giá trị của di tích Cột cờ Lũng Cú. Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và đặc điểm văn hóa dân tộc đặc sắc của các bản làng dân tộc trong khu vực.

Bộ VHTTDL yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó, cần đề xuất được những giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh gây ảnh hưởng tới di tích Cột cờ Lũng Cú và hoạt động phát triển du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu và Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn.

Bộ VHTTDL cũng yêu cầu Dự án cần bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025 tầm nhìn 2030 và Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2030 để tính toán giảm quy mô xây dựng các công trình, đảm bảo bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi và cảnh quan môi trường tự nhiên.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) - ủng hộ việc cần phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng sâu, vùng xa của đất nước và nhìn nhận du lịch được xem là một giải pháp tương đối tốt trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo ông, chúng ta chưa chú ý đến phát triển theo chiều sâu, hướng tới sự phát triển hài hòa và bền vững.

"Việc xây dựng các khu du lịch sinh thái tâm linh theo hướng hoành tráng không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt - vốn đề cao sự hài hòa với tự nhiên; việc phá vỡ khung cảnh thiên nhiên, ảnh hưởng đến rừng là đi ngược lại quan điểm bảo vệ môi trường sinh thái hiện nay. Tôi rất mong chính quyền các địa phương hết sức cân nhắc khi triển khai các dự án du lịch sinh thái tâm linh ở địa phương mình" - ông Bùi Hoài Sơn góp ý.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy- Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cảnh báo thực trạng hiện nay ta đang phát triển du lịch văn hóa tâm linh nhiều quá. Các dự án du lịch tâm linh này lại không khai thác cái có sẵn trong cuộc sống, các di tích có bề dày lịch sử văn hóa mà lại "sáng tạo" cái mới.

Theo ông, Nhà nước rất cần xem lại việc phát triển ồ ạt các dự án du lịch văn hóa tâm linh như thế đã hợp lý chưa. Xây dựng đền chùa mới trên những cảnh quan danh thắng có phải là xu hướng nên khuyến khích không...

 

 

 

Hữu Thắng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top