Hà Tĩnh là đơn vị đầu tiên thực hiện rút chuẩn đối với xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng có dấu hiệu chững lại, và không đáp ứng ngày càng cao của từng tiêu chí.
Chuyện từ những xã trong danh sách “báo động đỏ”
Tháng 10/2018, khi đoàn kiểm tra của tỉnh Hà Tĩnh về đánh giá lại kết quả XDNTM xã Hương Minh (huyện Vũ Quang) thì xã này được liệt vào danh sách thuộc diện chuyển biến chậm, một số tiêu chí chưa đạt chuẩn.
Ông Phạm Viết Danh, Trưởng thôn Hợp Trùa, cho biết: Ngay sau khi được đoàn kiểm tra chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, chúng tôi bắt tay vào hành động ngay và cố gắng khắc phục hết những tồn tại.
Theo đó, khuôn viên nhà văn hóa đã được mở rộng và xây tường rào, làm thêm cổng, bổ sung thêm hoa, cây cảnh và một số thiết bị; tất cả các công trình vệ sinh chưa phù hợp đã được di dời, chỉnh sửa; vườn mẫu, hàng rào xanh được bổ sung; đường điện thắp sáng làng quê đã phủ kín thôn với chiều dài hơn 2km... Đến nay, toàn xã đã thực hiện xong tiêu chí quy hoạch, số khu nghĩa trang tăng từ 2 lên 4 khu; làm mới gần 2km đường trục xã để toàn bộ 13,4km đều đạt chuẩn; làm mới thêm gần 2km đường trục thôn để nâng 11/12km đạt chuẩn; mở rộng, đắp mới thêm 2km đường nội đồng để 100% đạt chuẩn…
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Minh, cho biết: “Năm 2014, Hương Minh là xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của huyện Vũ Quang. Sau khi được đoàn liên ngành tỉnh kiểm tra và nghiêm túc nhắc nhở, lãnh đạo và người dân đã xốc lại tinh thần thực hiện tốt các phần việc, tiêu chí còn hạn chế và cập nhật các tiêu chí theo yêu cầu mới đã tạo được những chuyển biến rõ nét. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, đồng thuận trong thực hiện và quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân Hương Minh không để bị “tước” bằng đạt chuẩn”.
Còn ở xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà), sau khi đạt chuẩn (năm 2015), chính quyền và người dân có tư tưởng tự thỏa mãn, tự hài lòng với những thành tích đạt được nên công cuộc XDNTM trên địa bàn có dấu hiệu chững lại, thậm chí thụt lùi so với các địa phương khác. Nhưng sau khi đoàn kiểm tra “điểm mặt, chỉ tên” những mặt yếu, Thạch Văn đã có sự vào cuộc cao, đồng bộ và đạt kết quả tích cực.
“Theo đánh giá của đoàn liên ngành, Thạch Văn đạt 19/20 tiêu chí, còn tiêu chí khu dân cư mẫu, vườn mẫu đang được địa phương tích cực triển khai. Chính quyền và người dân sẽ quyết tâm để không bị thu hồi bằng đạt chuẩn NTM”, Chủ tịch UBND xã Thạch Văn Dương Văn Thái thông tin.
Kiên quyết thu hồi “danh hiệu”
“Kiên quyết thu hồi bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM đối với các xã có chuyển biến kém, số tiêu chí tụt giảm, chưa đạt yêu cầu theo chuẩn mới, nợ quá hạn lớn, sự hài lòng của người dân thấp….”. Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo NTM tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn trong cuộc họp Ban chỉ đạo NTM được các thành viên đồng tình cao.
Theo Văn bản số 3478/UBND-NL1 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc đánh giá, thẩm định mức độ đạt chuẩn NTM đối với các xã đạt chuẩn giai đoạn 2013-2015 chuyển biến kém, xem xét thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn gồm 7 xã: Cẩm Yên (Cẩm Xuyên); Thạch Văn (Thạch Hà); Đức Thủy, Thái Yên (Đức Thọ); Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh); Gia Phố (Hương Khê) và Hương Minh (Vũ Quang).
Từ câu chuyện các xã NTM đứng trước nguy cơ rớt chuẩn và quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh trong việc rà soát, đánh giá tại 7 xã nằm trong diện “báo động đỏ”, nếu không có sự khắc phục kịp thời, sẽ bị thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn, càng cho thấy sự quyết liệt trong XDNTM ở Hà Tĩnh.
Thực tế cho thấy, từ khi có chủ trương soát xét, đánh giá, đặc biệt là sau khi đã thu hồi bằng công nhận NTM đối với 2 xã Thiên Lộc và Kỳ Bắc vào cuối năm 2017, các xã đạt chuẩn đều tiếp tục củng cố và nâng cấp các tiêu chí.
Điều đáng mừng là, khi có áp lực “báo động đỏ”, nhiều xã có khối lượng tăng thêm cao, cập nhật kịp thời yêu cầu theo chuẩn mới để thực hiện đảm bảo yêu cầu. Một số xã đã có nỗ lực cao, kết quả đạt tốt, phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu và đã đạt được kết quả khá rõ.
“Các tiêu chí XDNTM Hà Tĩnh đặt ra cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Do đó, việc thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn là một trong những chế tài răn đe các địa phương khác phải làm NTM thực chất, đảm bảo tính bền vững. Đối với NTM, chúng tôi xác định chỉ cần tiến chậm, hoặc không tích cực phấn đấu cũng là thụt lùi so với phong trào chung. Đây là bài học cho các xã đã đạt chuẩn không được chủ quan, lơ là, chững lại và tự bằng lòng với chính mình”, ông Lê Đình Sơn cho biết thêm.
Đến nay, Hà Tĩnh có 158/229 xã đạt chuẩn NTM, tỉnh đang trong giai đoạn XDNTM theo hướng chiều sâu và bền vững. Chính vì vậy, nếu xét về thực chất quá trình tụt chuẩn về cơ bản không phải sụt giảm về các tiêu chí mà phần lớn do quá trình nâng cấp, hoàn thiện chưa đáp ứng các tiêu chí ngày càng cao của Hà Tĩnh. Từ việc cán đích theo Quyết định 491 trước đây so với việc áp chuẩn từ Quyết định 1980 của Chính phủ, nhất là đòi hỏi cao của Quyết định 73 hay 05 của UBND tỉnh Hà Tĩnh sau này. Tất cả là một quá trình không hề đơn giản, chỉ cần một chút tâm lý hài lòng, sự thỏa mãn là sẽ rớt chuẩn ngay. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho thấy tính bền vững và thực chất của Hà Tĩnh trong câu chuyện này. Sau hơn một năm ròng rã khắc phục khó khăn, vượt qua dư luận để ban hành chế tài “rút thẻ đỏ” với xã “rớt” tiêu chí, phong trào NTM Hà Tĩnh đang tiếp tục trở thành “địa chỉ đỏ” để nhiều địa phương trên cả nước lựa chọn tham quan, học tập kinh nghiệm.
Kinh nghiệm từ Hà Tĩnh cho thấy, XDNTM muốn thành công phải có sự quyết tâm, kiên trì, không có sự chậm trễ và trì trệ; phải gắn trách nhiệm, vai trò người đứng đầu để tập hợp quần chúng, huy động sự tham gia của lực lượng số đông. Và như vậy, việc đạt chuẩn NTM chỉ là cột mốc khởi đầu cho cả chặng đường tiếp theo. Quá trình củng cố, nâng cấp NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu sẽ là đích đến lâu dài trong lộ trình nâng cao mức sống cho cư dân nông thôn.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.