Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 1 năm 2020 | 14:16

Hà Tĩnh với khát vọng tỉnh nông thôn mới trước năm 2025

Với cách làm sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của nhân dân, Hà Tĩnh đã đạt kết quả toàn diện, bền vững với nhiều dấu ấn rõ nét trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Trước ngưỡng cửa xuân mới Canh Tý 2020, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trò chuyện với ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG về XDNTM Hà Tĩnh.

 

tr20.jpg
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, kiểm tra mô hình trồng cam của hộ ông Lê Hồng Điệp ở thôn Hồng Sơn, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc.

 

Thưa ông, ông có thể chia sẻ những thành quả nổi bật về Chương trình MTQG XDNTM Hà Tĩnh đạt được trong chặng đường 10 năm qua?

Có thể khẳng định, Chương trình MTQG về XDNTM trong chặng đường 10 năm qua ở Hà Tĩnh đã đạt được thành tựu nổi bật, toàn diện, nông thôn có sự thay đổi lớn cả về lượng và chất, có ý nghĩa lịch sử, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh với tốc độ khá nhanh và có tính bền vững cao.

Đến nay, các chỉ tiêu về XDNTM đều đạt trước thời hạn 2,5 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020, đã có 201 xã đạt chuẩn (chiếm 88% tổng số xã);  12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM (Nghi Xuân, Can Lộc đạt chuẩn NTM; TP.Hà Tĩnh và TX. Hồng Lĩnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM); 3 huyện có 100% số xã đạt chuẩn NTM (Vũ Quang, Đức Thọ và Lộc Hà); tỷ lệ hộ nghèo còn 5,82%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 30,5 triệu đồng (năm 2010 đạt 12,7 triệu đồng, năm 2015 đạt 20 triệu đồng).

Đời sống nhiều mặt của người nông dân từng bước được cải thiện và nâng cao, bộ mặt nông thôn nhiều địa phương thực sự khởi sắc. Xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu trở thành phong trào thiết thực, lan tỏa rộng khắp, hình thành những vùng quê “trù phú - an lành”, xanh - sạch - đẹp, đáng sống hơn, góp phần XDNTM bền vững.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo và có những thành công bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng rãi; các sản phẩm tham gia chương trình phát triển tốt và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu... Đã có trên 140 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất đăng ký tham gia Chương trình.

 

tr20a.JPG

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Hà Tĩnh được tập trung chỉ đạo và có những thành công bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng rãi.

 

Kết quả đánh giá đợt 1 năm 2019, có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, 01sản phẩm được công nhận đạt 4 sao và 08 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao. Đợt 2 dự kiến có thêm 63 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, 02 sản phẩm 4 sao, 61 sản phẩm 3 sao, nâng tổng số sản phẩm đạt chuẩn OCOP lên 72 (3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 69 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao).

Được biết, Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn Hà Tĩnh để xây dựng thí điểm Bộ tiêu chí quốc gia về tỉnh NTM. XDNTM ở Hà Tĩnh có nét đặc trưng gì mới so với các địa phương khác, thưa ông?

Hà Tĩnh trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, cùng với tiếp cận thực hiện các tiêu chí cấp xã, tỉnh đã tiếp cận và ưu tiên XDNTM từ cộng đồng thôn, xóm (điển hình là khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu); khơi dậy và tạo động lực cho người dân và cộng đồng phát huy vai trò chủ thể của mình. Tỉnh đã bổ sung một số nội dung vào Bộ Tiêu chí phù hợp với địa phương, đảm bảo tính chiến lược lâu dài (giao thông, thu nhập, y tế...); ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách tạo động lực cho người dân và toàn xã hội; hình thành bộ máy chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình chuyên trách, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Trong thực hiện Chương trình, Hà Tĩnh đã sớm có quan điểm “nâng đầu, đỡ cuối”, có hỗ trợ các xã đạt chuẩn để đạt mục tiêu nhưng quan tâm cao đến các xã khó khăn thuộc nhóm yếu hơn với mục tiêu góp phần rút ngắn khoảng cách giữ nông thôn và thành thị, giữa các xã với nhau.

Hà Tĩnh thực hiện xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu với các nội dung thực hiện ở cấp thôn, tạo động lực rất lớn, huy động được nguồn lực cũng như sự sáng tạo của người dân và cộng đồng dân cư tham gia, bởi lợi ích thiết thực mang lại gắn với người dân, bất kể gia đình, thôn xóm nào cũng có thể thực hiện được. Chính vì vậy, huy động được tối đa sự vào cuộc của người dân, từ đó quyền chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư được phát huy một cách cao nhất.

Việc tổ chức đánh giá lại các xã đã đạt chuẩn thể hiện sự nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn NTM, mang lại cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho người dân. Năm 2017, Hà Tĩnh mạnh dạn rút bằng đạt chuẩn của 02 xã chuyển biến kém đã có tác dụng rất tích cực không chỉ ở trong nhóm xã phải kiểm điểm mà kể cả các xã khác. Từ đó tất cả các xã tập trung nâng cao mức độ đạt chuẩn và chất lượng của các tiêu chí theo yêu cầu mới, nâng cao hơn nữa mức độ thụ hưởng của người dân trong XDNTM.

Để huy động tối đa các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước, tỉnh đã phân công cho các cơ quan, đơn vị nhà nước đóng trên địa bàn và có thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đỡ đầu, tài trợ cho các xã trong quá trình XDNTM. Các tổ chức, cá nhân tài trợ không chỉ bằng vật chất mà còn hướng dẫn, tư vấn cách thức triển khai thực hiện, góp phần huy động được nguồn lực lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM.

Hà Tĩnh phấn đấu đạt tỉnh NTM trước năm 2025. Ông có thể cho biết định hướng cơ bản của Hà Tĩnh giai đoạn tới là gì?

Để đạt được mục tiêu này, Hà Tĩnh tiếp tục tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tự lực, tự cường, khơi dậy sức mạnh từ nhân dân, với định hướng: Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có kinh tế, văn hóa phát triển, môi trường sống tốt, an bình, thích nghi với biến đổi khí hậu; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ từng bước hiện đại; an ninh chính trị, văn hóa xã hội đảm bảo; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao hơn bình quân các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ; người dân được nâng cao cả về thể chất, vật chất và tinh thần; phát huy cao những phẩm chất, cốt cách con người xứ Nghệ, nâng cao chỉ số hạnh phúc.

Trên cơ sở đó, tỉnh dự thảo bộ tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM với một số nội dung chủ yếu như: 100% số huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; có huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tối thiểu 30% tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có tối thiểu 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Có quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt; hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối từ tỉnh đến xã và kết nối trong khu vực; Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt hạng I, các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh đạt hạng 3 trở lên, có kết nối liên thông giữa các tuyến từ cấp huyện đến tỉnh và một số bệnh viện Trung ương; có các vùng sản xuất hàng hóa tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh, có nhà máy chế biến nông sản chủ lực của tỉnh, mỗi xã có ít nhất một sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, mỗi huyện có sản phẩm đặc trưng đạt 4 sao, toàn tỉnh có tối thiểu 50 sản phẩm đạt 4 sao và có sản phẩm đạt 5 sao; thu nhập bình quân đầu người tối thiểu bằng 1,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người khu vực Bắc Trung Bộ; tỷ lệ hộ nghèo dưới 2% (trừ các đối tượng BTXH, tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%); chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt tối thiểu 60 điểm trở lên; chỉ số hài lòng người dân (SIPAS) đạt trên 90%...

Trân trọng cảm ơn ông!

Chúc Hà Tĩnh sớm đạt được mục tiêu đề ra.


 

Trà Giang (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top