Lập nghiệp với 2 bàn tay trắng, nhờ năng động trong phát triển kinh tế, chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm, anh Hà Văn Triệu ở thôn Làng Ven, xã Minh Tiến (Lục Yên- Yên Bái) đã thoát nghèo, làm giàu từ mô hình chăn nuôi tổng hợp.
Anh Triệu cho đàn dê ăn.
Trước kia, gia đình Triệu rất nghèo, tài sản lớn nhất chỉ là mấy sào ruộng, dù cần cù, chăm chỉ làm ăn vẫn không đủ ăn. Vì thế, không lúc nào chàng trai trẻ không nghĩ đến cách thoát nghèo. Sau nhiều đêm trăn trở, tìm hiểu, nhận thấy khu vực đồi quanh nhà có nhiều loài cây dại phù hợp với chăn nuôi dê nên từ năm 2011 gia đình Triệu bắt đầu tập trung thực hiện mô hình này.
Ban đầu, Triệu chỉ nuôi vài con nhưng nhờ biết cách chăm sóc nên đàn dê của anh không ngừng sinh sôi, phát triển. Mỗi năm dê thường đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con, hiện đàn dê của gia đình đã lên đến 50 con. Theo kinh nghiệm của Triệu, việc nuôi dê không khó, bởi đây là loài động vật ăn tạp, sức đề kháng cao, chăn thả tự nhiên, thức ăn chủ yếu là cây cỏ, hoa lá ở rừng, không cần thức ăn tinh bổ sung, chuồng trại lại không đòi hỏi diện tích lớn nên chăn nuôi không vất vả và tốn kém như các mô hình chăn nuôi khác. Một con dê con nuôi dưỡng tốt, sau 10 tháng là bắt đầu sinh sản, mỗi năm, dê cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2-3 con, nuôi 7-8 tháng có thể đạt 30-35kg và bán với giá 100.000 - 120.000 đồng/kg nên thu hồi vốn nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ biết cách chăm sóc nên đàn dê của Triệu không ngừng phát triển, bình quân mỗi năm gia đình bán khoảng 30 con dê giống và dê thịt. Tính ra thu nhập từ đàn dê mỗi năm mang về cho gia đình anh hơn 40 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi dê của Hà Văn Triệu là điển hình trong phong trào thanh niên lập nghiệp ở thôn Làng Ven nói riêng và xã Minh Tiến nói chung. Triệu chia sẻ: “Trước đây, tôi từng đi học chuyên nghiệp nhưng gia đình quá khó khăn nên tôi mạnh dạn trở về quê hương phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi tổng hợp. Tôi nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên xã, gia đình cũng tạo động lực cho tôi phải cố gắng phấn đấu để vươn lên ổn định đời sống, tạo dựng được mô hình kinh tế vững chắc cho gia đình”.
Ngoài đàn dê, Triệu còn đầu tư chuồng trại nuôi gần 500 con gà, kết hợp nuôi bò nái và trâu sinh sản với số lượng 7 con, hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt. Không những làm giàu cho bản thân, Triệu còn vận động đoàn viên thanh niên trong thôn, xã chăn nuôi dê để thoát nghèo.
Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục mở rộng đầu tư, phát triển thêm đàn dê để nhân giống bán cho người dân, Triệu còn xây dựng kế hoạch cùng với Hội Liên hiệp thanh niên xã Minh Tiến truyền đạt lại kinh nghiệm cho đoàn viên thanh niên muốn thực hiện mô hình này.
Anh Nguyễn Đình Văn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Minh Tiến, cho biết: Hà Văn Triệu là đoàn viên thanh niên tiêu biểu trong phong trào thanh niên xung kích phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mặc dù gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn song anh đã biết tận dụng địa thế để phát triển chăn nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hội sẽ tuyên truyền và vận động đoàn viên thanh niên khác cùng áp dụng mô hình này”.
Thành công của Hà Văn Triệu trong chăn nuôi đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nhiều đoàn viên thanh niên trong xã học tập, noi theo.
Khắc Điệp
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.