Hàng nghìn ha đất lâm nghiệp, đất rừng bị cá nhân lấn chiếm và phân lô, bán nền có dấu hiệu tham nhũng số tiền sai phạm hàng tỷ đồng… cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía cơ quan chức năng.
"Hô biến" đất rừng thành đất ở để phân lô bán nền
Liên quan vụ "hô biến" đất rừng thành đất ở để phân lô bán nền tại huyện Đắk Song (Đắk Nông) mà báo chí phản ánh thời gian qua. Được biết, UBND huyện Đắk Song, vừa ban hành quyết định số 1088 về việc thu hồi 906m2 đất có nguồn gốc đất lâm nghiệp cấp trái quy định cho cá nhân để phân lô, bán nền ở thôn 10, xã Nâm Njang để sửa sai.
Theo cơ quan chức năng, ngày 22/5/2019, UBND huyện Đắk Song ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Khương Thị Hồng (trú tại thị trấn Đức An, huyện Đắk Song) với diện tích 906m2 tại thửa đất số 120, tờ bản đồ số 30 thuộc thôn 10, xã Nâm Njang. Cùng ngày, bà Hồng làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Ngọc Bắc (cùng trú tại thị trấn Đức An) toàn bộ diện tích nói trên.
Ngày 23/5/2019, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đắk Song xác nhận vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Bắc. Thanh tra tỉnh Đắk Nông kết luận (tại Kết luận thanh tra số 99, về công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Đắk Song giai đoạn 2011-2019), hành vi này có biểu hiện lợi dụng người khác đứng tên thực hiện hồ sơ, thủ tục để hợp thức hóa quyền sử dụng đất cho ông Bắc.
Ngoài ra, Thanh tra cũng xác định, phần đất cấp cho bà Hồng có nguồn gốc trong phương án giao đất, giao rừng phòng hộ cảnh quan Quốc lộ 14, thuộc thẩm quyền Nhà nước quản lý.
Do đó, theo Thanh tra, việc UBND huyện Đắk Song công nhận quyền sử dụng đất như giao đất có thu tiền sử dụng đất (đối với 300m2đất ở nông thôn), công nhận quyền sử dụng đất như giao đất không thu tiền sử dụng đất (đối với hơn 606m2 nông nghiệp) cho bà Hồng là không đúng đối tượng, không đúng quy hoạch, không đủ điều kiện, không đúng mục đích sử dụng đất.
Như thông tin báo chí đã đưa thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Bắc nhận chuyển nhượng gần 78.000m2 đất tại thôn 10, xã Nâm Njang từ nhiều nguồn gốc khác nhau, gồm: đất ở, đất rừng, đất trồng cây lâu năm, đất quy hoạch làm các công trình trọng điểm… Sau khi được UBND huyện Đắk Song đồng ý chuyển đổi sang đất ở nông thôn hơn 15.000m2, ông Bắc đã tách thành 63 thửa (dạng phân lô, bán nền) để bán. Ông này cũng đã nộp hơn 1,2 tỷ đồng tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh Đắk Nông xác định, UBND huyện Đắk Song đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Bắc, trong đó nhiều héc-ta đất có nguồn gốc từ đất rừng, quy hoạch rừng phòng hộ, đất quy hoạch đường đường cao tốc Bắc-Nam. Ngoài ra, ông Bắc đã tự ý làm đường để phân lô bán nền, xây dựng nhà trái phép.
Hành vi này của ông Bắc diễn ra suốt thời gian dài, nhưng các cơ quan thẩm quyền ở Đắk Song không sớm phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trên cơ sở này, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã ban hành văn bản, kiến nghị khởi tố chuyển Công an tỉnh điều tra, xử lý hành vi lấn chiếm đất đai, làm nhà trái phép, san ủi, hủy hoại đất công do Nhà nước quản lý đối với ông Bắc.
Liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở huyện Đắk Song (theo Kết luận Thanh tra số 99), Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Nông đã kỷ luật khiển trách các ông Nguyễn Xuân Thanh, nguyên Phó bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện; ông Nguyễn Văn Phò, Chủ tịch UBND huyện.
Đất rừng tiếp tục bị lấn chiếm
Trong tháng 9 và tháng 10.2021, đội 12/TTg của Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng (Đội 12) có 2 báo cáo số 813/BC-12/TTg và 918/BC-12/TTg về kết quả phối hợp tuần tra, truy quét ngăn chặn tình hình phá rừng, lấn chiếm, tái lấn chiếm đất rừng trái phép trên lâm phần do Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh quản lý.
Theo đó, báo cáo số 813 thực hiện theo kế hoạch số 726/KH-12/TTg ngày 23.8.2021 về kiểm tra lâm phần tại 4 xã Tà Hine, Ninh Gia, Ninh Loan, Phú Hội thuộc lâm phần do Công ty Sài Gòn – Đại Ninh quản lý, Đội 12 xác định có xảy ra các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Cụ thể, tại xã Tà Hine xảy ra 21 vị trí tái lấn chiếm đất rừng với tổng diện tích 28.571m2. Đội 12 phối hợp Công ty Công ty Sài Gòn - Đại Ninh, UBND xã Tà Hine giải tỏa 6 vị trí với tổng diện tích 7.071m2. Còn lại 15 vị trí với tổng diện tích 21.500m2 do Công ty Công ty Sài Gòn - Đại Ninh không có đủ lực lượng, công cụ để tiến hành giải tỏa nên tổ công tác không tiến hành giải tỏa.
Tại xã Phú Hội, diện tích đất rừng bị tái lấn chiếm hơn 36.000m2. Trong đó, tiểu khu 36A bị lấn chiếm 11.234m2 đất rừng, tiểu khu 350 bị lấn chiếm 18.800m2 đất rừng, tiểu khu 641 bị lấn chiếm 6.000m2 đất rừng. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng không xác định đối tượng vi phạm nên Công ty Sài Gòn - Đại Ninh chưa lập biên bản kiểm tra theo mẫu quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, lâm phần thuộc sự quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn xã này cũng xảy ra một vụ phá rừng trái nghiêm trọng với diện tích 6.400m2 thuộc tiểu khu 363B.
Trong khi đó, địa bàn xã Ninh Loan xảy ra một vụ chiếm đất rừng nhỏ với diện tích 639m2. Còn tại xã Ninh Gia không phát hiện vụ việc lấn chiếm, tái lấn chiếm, phá rừng nào.
Trong báo cáo này, Đội 12 nhận định lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh không đủ số lượng, không thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tái chiếm đất rừng vẫn xảy ra trên lâm phần do doanh nghiệp này quản lý mà chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn.
Đến cuối tháng 10/2021, Đội 12 tiếp tục có báo cáo số 918 thực hiện theo kế hoạch 798/KH-12/TTg tại 3 xã Tà Hine, Ninh Loan, Đà Loan thuộc lâm phần do Công ty Sài Gòn - Đại Ninh quản lý. Trong đó, lực lượng chức năng phát hiện tại tiểu khu 364 xã Tà Hine xảy ra 3 vị trí chiếm đất rừng với tổng diện tích 7.750m2, chủ yếu đã bị tác động để trồng cây cà phê, chuối vào khoảng trong tháng 6 và tháng 7.2021.
Địa bàn xã Đà Loan, lực lượng đội 12 phát hiện 5 vị trí bị chiếm đất với tổng diện tích 10.250m2, chủ yếu là để trồng cây cà phê từ thời điểm năm 2020 đến tháng 8.2021 nhưng không xác định được đối tượng vi phạm.
Do vậy, Đội 12 đề nghị UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng trên lâm phần được giao quản lý, không để tình trạng phá rừng, khai thác, lấn chiếm, tái lấn chiếm, san ủi đất rừng xảy ra mà không kịp thời kiểm tra ngăn chặn.
Đáng chú ý, từ 2 báo cáo 813 và 918, diện tích đất rừng bị lấn chiếm tại xã Tà Hine thuộc lâm phần được giao cho Công ty Sài Gòn - Đại Ninh quản lý là hơn 36.300m2; xã Phú Hội bị lấn chiếm hơn 36.000m2, một vụ phá rừng diện tích 6.400m2; xã Đà Loan bị lấn chiếm 10.250m2; xã Ninh Loan bị lấn chiếm 639m2.
Từ các vụ đất rừng bị lấn chiếm, tái chiếm, phá rừng xảy ra trên lâm phần do Công ty Sài Gòn - Đại Ninh quản lý, UBND huyện Đức Trọng yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, Hạt Kiểm lâm huyện và các xã liên quan thường xuyên tuần tra ngăn chặn, tổ chức lực lượng mật phục, điều tra các đối tượng vi phạm.
Liên quan đến báo cáo số 813, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã có phản hồi bằng văn bản số 1210 gửi lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, công ty cho rằng báo cáo này của Đội 12 không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến uy tín, gây khó khăn cho doanh nghiệp này trong công tác quản lý rừng.
Trong năm 2020, công ty đã phối hợp với lực lượng chức năng truy quét, giải tỏa 30ha đất rừng bị lấn chiếm, năm 2021 đã giải tỏa được 25ha. Các vị trí phá rừng, lấn chiếm, tái lấn chiếm đã được lực lượng bảo vệ rừng của công ty phát hiện, lập biên bản và báo cáo đầy đủ về vị trí - tọa độ - bản đồ - phần mềm gửi Hạt Kiểm lâm. Vì vậy, việc báo cáo cho rằng lực lượng chuyên trách của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh không đủ số lượng là thiếu cơ sở.
Sau khi kết thúc kế hoạch 726/KH-12/TTg, đoàn kiểm tra không tổng hợp số liệu và không lập biên bản thống nhất mà tự ý báo cáo lên UBND huyện Đức Trọng. Công ty Sài Gòn - Đại Ninh khẳng định đây là một việc làm hết sức tắc trách mà đoàn gán ép cho doanh nghiệp này.
Ngoài ra, trong văn bản, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh cũng cho biết chủ dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh đã tăng cường phối hợp tuần tra, phát hiện và báo cáo kịp thời cho UBND các xã liên quan và Hạt Kiểm lâm nhưng các đơn vị này không có biện pháp xử lý đối tượng vi phạm. Điều này dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, vào cuối tháng 10.2021, tại văn bản số 1976, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã thống nhất với số liệu mất rừng theo kết luận thanh tra số 2094/KL-UBND của tỉnh và đã chấp hành nộp đủ số tiền bồi thường vào ngân sách nhà nước. Với tổng số 257ha rừng bị mất tại dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, chủ đầu tư là Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã bồi thường khoảng 18,8 tỉ đồng.
Sở đề nghị Công ty Sài Gòn - Đại Ninh cam kết và thống nhất nếu kết quả kiểm kê tài nguyên rừng trong lần kế tiếp mà bị mất rừng thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.