Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 5 năm 2020 | 23:4

Hành lang đê đang bị các cá nhân chiếm dụng nhiều năm không bị xử lý?

Bến bãi vật liệu xây dựng; Nhà hàng quán bia; công trình xây dựng… tất cả đề lấn chiếm hành lang đê điều nhiều năm và đều không hề được phép, nhưng tại sao vẫn có thể vô tư hoạt động.

Điển hình như vụ việc tại xã Hòa Tiến (Yên Phong, Bắc Ninh), người dân bức xúc phản ánh, trên đoạn đê hữu Cà Lồ qua địa bàn thôn Yên Tân (Hòa Tiến) có một bãi tập kết cát sỏi không phép nhiều năm nay, lấn chiếm hành lang đê điều, hành lang thoát lũ, gây ảnh hưởng môi trường nhưng không hề bị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm.
 
Về phía chính quyền địa phương, ông Trần Văn Học (Phó chủ tịch UBND xã Hòa Tiến) thừa nhận, bãi đất này có tên là Bãi Vuông, được thôn Yên Tân ký hợp đồng giao khoán cho ông Đinh Văn Kỳ (SN 1987, trú trong xã) trồng cây hằng năm.
 
Tuy nhiên kể từ khi được giao đất, ông Kỳ đã không trồng cây mà san gạt mặt bằng làm bãi tập kết vật liệu. Kể từ đó đến nay, cơ quan chức năng huyện Yên Phong và xã Hòa Tiến đã rất nhiều lần đến làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính ở bãi cát không phép này.
 
Các hành vi vi phạm được xác định gồm khai thác tập kết cát sỏi trái phép, xây dựng công trình trái phép trên đất đê điều gây ảnh hưởng đến hành lang đê điều, ảnh hưởng dòng chảy và hành lang thoát lũ, lấn chiếm đất đai.
 
Được biết, mặc dù đã bị lập biên bản xử phạt hành chính và yêu cầu tháo dỡ, di dời công trình vi phạm nhiều lần nhưng đến nay, bãi cát không phép và công trình xây dựng vẫn ngang nhiên tồn tại.
một-góc-bãi-tập-kế.jpg
Một góc bãi tập kết kinh doanh VLXD trái phép của ông Đinh Văn Kỳ nhìn từ bên kia sông Cà Lồ (Vũ Tiến, Cường Thanh - Sức khỏe Cộng đồng)
Ông Học cũng thừa nhận việc tồn tại bãi cát trái phép đã gây bức xúc lâu nay trong nhân dân. Trong buổi làm việc, ông Học nhận trách nhiệm thuộc về UBND xã Hòa Tiến.

“Chủ bãi cát này có mối quan hệ với một cán bộ ở Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bắc Ninh, nên cũng trông vào đó để xin làm thủ tục cấp phép”, ông Học phân trần sự khó khăn trong việc xử lý bãi cát đối với chính quyền địa phương.

Đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Phong thông tin với báo chí, việc xử lý thuộc trách nhiệm của cơ quan liên ngành. Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ tham mưu. Trách nhiệm chủ yếu thuộc về phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng Công an huyện. Quyết định xử phạt phải do Chủ tịch UBND huyện ban hành.

Qua đó có thể thấy được sự thờ ơ của cơ quan chức năng, phòng ban chuyên môn đã không thực sự có trách nhiệm, dẫn đến những vi phạm như trên. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cần sớm lập đoàn thanh kiểm tra và xử lý nghiêm minh những cơ sở vi phạm nêu trên.

Công trình xây dựng lấn đê!?

Thời gian gần đây, nhiều người đi trên hệ thống đê Đông đoạn qua địa phận thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn- không khỏi ngạc nhiên trước việc một số chủ nhà hàng, quán nhậu dựng bảng hiệu như cổng chào nằm ngang phía trên thân đê. Ngoài ra, chủ nhà hàng, quán nhậu còn chiếm dụng nhiều diện tích đất trong phạm vi hành lang đê xây dựng nhà để xe.

Tại thôn Vinh Quang 2 và thôn Dương Thiện (xã Phước Sơn), nhiều hộ dân vô tư tập kết vật liệu, xây dựng các công trình nhà ở nằm sát thân đê và trong phạm vi hành lang bảo vệ đê Đông. Đáng nói, dường như chính quyền địa phương chưa có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn nên hoạt động xây dựng diễn ra khá công khai.

Qua đó, không riêng xã Phước Sơn, tại các xã Phước Thuận, Phước Hòa, Phước Thắng cũng xảy ra tình trạng một số cá nhân, hộ gia đình lấn chiếm nhiều diện tích đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ đê Đông để xây dựng công trình trái phép. Ông Nguyễn Văn Vinh, trú xã Phước Sơn, cho biết: "Một số hộ gia đình vô tư xây dựng công trình trong hành lang đê Đông nhưng lâu nay chẳng thấy ai bị xử lý. Nếu chính quyền địa phương và ngành chức năng không xử lý kiên quyết, dứt điểm thì số trường hợp vi phạm sẽ tăng thêm, bởi người dân thường "nhìn nhau" để lấn chiếm".

 

nhà-hàng-quán-nhậu-ở-thôn-vinh-quang-2-dựng-bảng-hiệu-nằm-ngang-phía-trên-thân-đê-đông.jpg
Nhà hàng, quán nhậu ở thôn Vinh Quang 2 dựng bảng hiệu nằm ngang phía trên thân đê Đông.

Ông Tôn Kỳ Hải - Chủ tịch UBND xã Phước Sơn xác nhận: Chạy dọc theo hệ thống đê Đông qua địa bàn xã Phước Sơn có rất nhiều trường hợp xây dựng công trình nhà ở từ trước khi Luật Đê điều năm 2006 có hiệu lực thi hành nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Đối với các trường hợp mới phát sinh xây dựng gần đây, UBND xã đã tiến hành lập biên bản; trong đó có các chủ quán nhậu, nhà hàng tự ý dựng bảng hiệu nằm ngang phía trên thân đê.

"Riêng tại khu vực tràn Dương Thiện - nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê Đông, thuộc thôn Dương Thiện- trước kia UBND xã có tổ chức bán đấu giá đất cho một số hộ dân; hiện người dân đang xây dựng nhà. Tuy nhiên, việc này đã diễn ra cách đây rất lâu nên tôi không nắm rõ, UBND xã đang cho cán bộ chuyên môn rà soát lại để có hướng xử lý tiếp theo", ông Hải cho biết thêm.

Theo Phòng NN&PTNT H. Tuy Phước, bước đầu, Phòng xác định có 27 trường hợp ở các xã Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hòa, Phước Thắng xây dựng công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê Đông; những trường hợp này mới phát sinh thời gian gần đây. Phòng NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê chính xác số lượng các trường hợp xây dựng vi phạm.

Ông Phan Văn Khiêm- Trưởng phòng NN&PTNT H. Tuy Phước cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã rà soát, lập biên bản đối với các trường hợp xây dựng công trình trái phép, vi phạm hành lang bảo vệ đê Đông. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm; trường hợp không chấp hành thì ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo đúng quy định pháp luật. Quan điểm của huyện là phải ngăn chặn ngay từ đầu; xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm mới.

Có thể thấy, để hệ thống đê Đông không bị xâm hại, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong việc phát hiện, ngay chặn, xử lý những trường hợp xây dựng công trình trái phép. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm minh, kiên quyết tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm để răn đe, ngăn chặn ngay từ đầu.

Nhà hàng lấn chiếm hành lang thoát lũ sông Hồng

Liên quan đến sự tồn tại bất chấp pháp luật của nhà hàng “Làng Bia Quán Mộc” nằm trên địa bàn phường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) mặc dù đã được cơ quan báo chí đồng loạt phản ánh nhiều lần. Tuy nhiên, đến nay vẫn tồn tại và ngày càng hoạt động “rầm rộ”, điều này đã khiến cho cư dân đang sinh sống trên địa bàn hết sức bất bình.

Mặc dù, không được phép tổ chức hoạt động giải trí tại địa điểm này, nhưng chủ nhà hành Làng Bia Quán vẫn ngang nhiên đưa thợ vào sửa chữa từ năm 2019, mặc cho toàn bộ diện tích đất này nằm dưới chân cầu Chương Dương, sát mép sông Hồng, lấn chiếm và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ, đe dọa hành lang an toàn của cầu Chương Dương… Điều đặc biệt, đến nay (năm 2020) nhà hàng này vẫn ngang nhiên hoạt động kinh doanh mà chưa bị chính quyền địa phương và ngành chức năng xử lý.

 

g-dươn.jpg
Nhà hàng này nằm sát chân cầu Chương Dương chỉ vài mét, đe dọa hành lang an toàn của cầu. Ảnh: PV-KT

Theo người dân sinh sống gần nhà hàng, vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, bờ sông Hồng phía quận Long Biên thường bị sạt lở. Không hiểu sao nhà hàng này vẫn được xây dựng sát mép đê, ảnh hưởng đến dòng chảy. Không những thế, vào nhiều buổi sáng, nhà hàng còn “tạo ra” mùi mắm tôm thơm nồng “tra tấn” người đi qua cầu Chương Dương và bà con tổ 27.

Trên thực tế, nhà hàng “Làng bia Quán Mộc” được xây dựng bề thế với diện tích hàng trăm mét vuông. Tầng hai được thiết kế bắt mắt, thực khách vừa được thưởng thức ẩm thực, vừa ngắm cảnh sông Hồng. Dưới gầm cầu Chương Dương là khu vực nhân viên nhà hàng hướng dẫn cho khách để xe.

Liên quan đến vụ việc nêu trên, phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND quận Long Biên nhiều tháng này nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào.

Như vậy, mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho thuê đất nhưng Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ 234 vẫn ký Hợp đồng thuê nhà với Công ty TNHH Thương mại Thiên Phong. Sau đó, Công ty Thiên Phong lại cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Steak Way Việt Nam thuê lại, để sau đó, mọc lên nhà hàng “Làng Bia Quán Mộc” ngang nhiên hoạt động kinh doanh sát mép sông, ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ sông Hồng, đe dọa sự an toàn của cầu Chương Dương.

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top