Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 8 năm 2019 | 20:49

Phường Chương Dương: Nhiều công trình vi phạm hành lang thoát lũ

Báo Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh của bạn đọc về việc tại phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có một số công trình vi phạm hành lang đê, hành lang thoát lũ nhưng chưa bị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Cụ thể, Nhà hàng Kiều Gia (46 Chương Dương Độ, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kiều Gia thuê lại) được dựng trên một phương tiện thủy có diện tích 544m2 và "công trình nhà riêng" của Công ty CP Phụ tùng Hoàng Kim có dấu hiệu vi phạm hành lang thoát lũ.

00d2d9c0475ca302fa4d.jpgCông ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kiều Gia gửi văn bản tới UBND phường Chương Dương thông báo về việc công ty đã di chuyển toàn bộ vật liệu và ụ nổi chưa đăng ký, đăng kiểm ra khỏi bến thủy và địa phận phường Chương Dương.

20190813_152311.jpg
Tuy nhiên, đây là hình ảnh Nhà hàng Kiều Gia tại bến Chương Dương, phường Chương Dương chiều 13/8/2019.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hồng Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, cho biết, báo đặt vấn đề là đúng, nhiều nhà nổi tồn tại trên sông Hồng từ lâu. Tuy nhiên, trong mùa mưa lũ nhà nổi mà hoạt động, Chi cục sẽ yêu cầu di dời vì gây cản trở dòng chảy.

20190813_152756.jpg
Công trình nhà riêng kiên cố được cho là của Công ty CP Phụ tùng Hoàng Kim, chiều 13/8/2019 vẫn chưa di dời khỏi bến Chương Dương.

 

Theo ông Minh, Nhà hàng Kiều Gia trên giấy phép không phải là kinh doanh nhà hàng. Vi phạm về pháp luật giao thông đường thủy nội địa, có các dấu hiệu: Hết thời hạn giấy phép bến thủy nội địa; hợp đồng liên doanh liên kết không đúng quy định; không được phép hoạt động kinh doanh.

Ông Minh cho biết thêm, Công ty CP Phụ tùng Hoàng Kim xin bến thủy nội địa cấp phép neo tàu thuyền, hoán cải tàu thuyền để làm "công trình nhà riêng" sinh hoạt tại chỗ. Mùa khô không vi phạm nhưng vào mùa lũ nước lên, đương nhiên thuyền neo đậu sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy là vi phạm.

Cũng theo ông Minh, nhà nổi nói trên là vi phạm, chỗ ông Long (ông Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - PV) xử lý ráo riết, năm nào cũng xử lý nhưng nó vẫn tồn tại.  Nhà nổi nói trên phường Chương Dương đã yêu cầu di dời.

Liên quan tới các dấu hiệu vi phạm nói trên, Báo Kinh tế nông thôn đã đặt lịch làm và được ông Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm giao cho các bộ phận chuyên môn chuẩn bị tài liệu để làm việc với báo. Tuy nhiên, đến nay báo chưa có một buổi làm việc chính thức với UBND quận Hoàn Kiếm.

Đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm các vi phạm nói trên, đảm bảo an toàn cho đê điều và dòng chảy sông Hồng trong mùa mưa bão.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

Nghị định 132/2015/NĐ-CP ngày 25-12-2015 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa nêu rõ: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi dựng nhà, làm nhà nổi, xây dựng công trình khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền...

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top