Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 11 năm 2021 | 9:58

Hậu quả khôn lường từ việc phá rừng, khai thác gỗ trái phép

Mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt trước tình trạng khai thác gỗ trái phép trong rừng phòng hộ… Tuy nhiên, về thực trạng thì việc khai thác trái phép rừng đầu nguồn vẫn tiếp tục diễn ra với quy mô lớn hơn, tiềm ẩn những hậu quả khôn lường.

Khai thác gỗ trái phép… có dấu hiệu không dừng lại
 
Từ trung tâm hành chính xã Sơn Long, di chuyển dọc theo đường Trường Sơn Đông khoảng 2 km, rồi men theo đường mòn do người dân tự mở vào rừng keo cũng chừng đó quãng đường sẽ có biển báo phân định ranh giới rừng phòng hộ đầu nguồn ghi rõ “Cấm chặt, khai thác, lấn, chiếm rừng…”. Người dẫn đường cho biết, đây mới là cửa rừng thôi, phải mất vài tiếng nữa mới có thể tiếp cận được vị trí “lâm tặc” cưa hạ gỗ. Chúng tôi lại mò mẫm đường đi, vượt dốc cao để tiếp tục cuộc hành trình mặc cho vắt rừng liên tục bám vào thân mình.
 
Không khỏi bất ngờ khi chứng kiến cảnh tượng hàng chục cây dổi, thông nàng có đường kính lần lượt từ 80-100 cm bị các đối tượng dùng cưa lốc cưa ngã, nằm la liệt. Người chỉ đường cho hay, cây gỗ phải trải qua thời gian hàng chục thậm chí hàng trăm năm tuổi gốc mới to như vậy.
 
Xen lẫn với những gốc mà Kiểm lâm đã đánh số trước đó là những gốc có vết cưa còn khá mới, thân cây đã bị xẻ thành nhiều phách, phần lớn được tuồn ra khỏi rừng, nhìn chẳng khác gì một “đại công trường”. Số bột cưa, gỗ bìa còn sót lại, vương vãi khắp nơi chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
 
Theo lời Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt, tình trạng khai thác gỗ trái phép trong rừng phòng hộ đầu nguồn diễn ra từ nhiều năm nay. Vài năm về trước, các đối tượng hoạt động ngang nhiên, rầm rộ, triệt hạ quy mô lớn, còn giờ khi bị “động” chúng liền thay đổi cách thức khai thác và ngày càng tinh vi hơn thậm chí tỏ ra hung hăng, liều lĩnh, sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng đang thi hành công vụ.
một-gốc-cây-lớn-vừa-bị-đốn-hạ.jpg
Một gốc cây lớn vừa bị đốn hạ. Ảnh: TTXVN
Vì vậy, công tác tuần tra, truy quét, phát hiện, bắt giữ gặp rất nhiều trở ngại. Ông Đỗ Thanh Vượt cho biết, các đối tượng thường chở gỗ đi tiêu thụ vào khoảng 2-3 giờ và ít khi chở với khối lượng lớn, chỉ 2- 3 tấc/lần. Khi lực lượng tại chốt gác phát hiện, chúng sẽ rồ ga, phóng rất nhanh.
 
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây Trương Quang Học thông tin, Hạt thường xuyên phân công lực lượng mật phục trong rừng phòng hộ để theo dõi, phát hiện, truy bắt các đối tượng khai thác gỗ trái phép. Tuy nhiên, các đối tượng chuyển sang hoạt động vào ban đêm, cho người cảnh giác, báo tin cho nhau để chạy trốn khi thấy kiểm lâm. Do vậy, lực lượng chức năng nên đến nơi các đối tượng đã vận chuyển gỗ đi hết.
 
Khi xem những hình ảnh thực tế từ hiện trường do phóng viên cung cấp ông Học nhận định, các thân gỗ bị cưa hạ chủ yếu được người dân lấy về làm nhà, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng là khai thác gỗ để bán. Liên quan tới vấn đề này, theo ông Đỗ Thanh Vượt, nếu lấy gỗ về làm nhà, bà con chỉ cần khai thác những cây gỗ nhỏ gần bìa rừng, còn nằm sâu trong rừng, chỉ “lâm tặc” mới dám làm.
 
Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây đã phát hiện 23 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; trong đó đã xử lý 4 vụ với 4 đối tượng phá rừng trái pháp luật; tịch thu hơn 24 mét khối gỗ xẻ và hơn 3,6 mét khối gỗ tròn.
 
“Chi cục chưa có báo cáo chính thức bằng văn bản về vụ khai thác gỗ trái phép trong rừng phòng hộ đầu nguồn xã Sơn Long từ Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây; chỉ ghi nhận ban đầu có khoảng 20 cây gỗ bị cưa hạ. Thời gian tới, Chi cục sẽ chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây kiểm tra hiện trường, thống kê khối lượng gỗ bị thiệt hại để có cơ sở đánh giá quy mô, mức độ mà có hướng xử lý đối với các cá nhân liên quan", ông Phạm Duy Hưng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm Lâm Quảng Ngãi cho biết.

Rừng bị hủy hoại

Ngoài việc chặt hạ cây rừng tự nhiên, lấn chiếm đất để trồng keo, nhiều cây rừng có đường kính lớn 60-70 cm trong vùng lõi rừng khu di tích cũng bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc.

Rừng Di tích lịch sử Hội trường Mùa Xuân nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia - căn cứ của tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng theo Quyết định số 68/2008/BVHTTDL ngày 22/8/2008.

Từ tỉnh lộ DT 643, di chuyển khoảng 500m sẽ đến cổng Di tích lịch sử Hội trường mùa Xuân, thôn Phong Hậu, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa. Trên đường vào khu di tích, có thể dễ dàng nhận thấy một vạt rừng tự nhiên khoảng 2.000m vừa bị cưa hạ, một số cây to đã được đưa đi, cây nhỏ bị đốt trụi, nhiều diện tích cây rừng vừa lá đã bị đổi màu do lửa cháy lan.

Thực trạng, tại cánh rừng này chỉ cách đường vào khu di tích khoảng 300m, tiếp giáp với diện tích đất trồng cây keo của người dân. Rừng tự nhiên ngã đến đâu đã được trồng dặm cây keo non đến đó.

Ngoài ra, bằng thủ đoạn phát dọn những cây nhỏ, trồng cây keo, khoanh vỏ những cây lớn với mục đích cho cây chết khô tránh bị kiểm lâm phát hiện, khoảng 2-3 năm sau cây keo lớn, những cây to sẽ bị cưa hạ hoàn toàn, vạt rừng tự nhiên này đang bị chuyển đổi thành những rừng keo xanh tốt.

Bên trong khu di tích, khoảng 1km, tại tiểu khu 173 thôn Phong Hậu, xã Sơn Long xuất hiện nhiều con đường mòn. Để thuận lợi cho việc khai thác vận chuyển lâm sản, “lâm tặc” đã phát dọn những cây rừng còn nhỏ tạo thành đường mòn dẫn đến các khu vực khai thác lâm sản.

 

cây-rừng-có-đường-kính-lớn-mới-bị-cưa-hạ.jpg
Cây rừng có đường kính lớn mới bị cưa hạ.

Chỉ trong phạm vi khoảng hơn 500m, ghi nhận gần 20 cây rừng có đường kính lớn từ 40-70cm bị đốn hạ. Phần lớn các cây này bị cưa thành khúc còn nằm ở hiện trường, một số cây đã được xẻ gỗ vận chuyển ra khỏi rừng. Dấu vết tại hiện trường cho thấy “lâm tặc” dùng xe gắn máy độ chế, gắn dây cáp để tời kéo gỗ tập kết về khu vực suối Hội trường (theo tên gọi của người dân) để đưa ra khỏi rừng.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Long Đào Đức Hải, rừng thuộc Khu di tích lịch sử Hội trường Mùa Xuân có diện tích hơn 200ha là rừng tự nhiên có chức năng sản xuất. Một diện tích rừng nằm gần quần thể di tích được giao cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Sơn Hòa quản lý. Phần lớn diện tích rừng nằm trên địa bàn xã được phối hợp quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt.

Thời gian gần đây, lợi dụng dịch bệnh, một số đối tượng đã xâm hại rừng. Trong ngày 8/7/2021, qua kiểm tra tại khoảnh 6, tiểu khu 173, kiểm lâm địa bàn cùng cán bộ lâm nghiệp xã Sơn Long đã phát hiện có khai thác 6 cây gỗ lớn có đường kính từ 40-70cm, dài 15m thuộc chủng loại gỗ Giẻ và tạp, 2 cây đã bị xẻ ván vận chuyển khỏi khu vực, 4 cây còn tại hiện trường.

Mới đây, ngày 4/9, Ủy ban nhân dân xã Sơn Long tổ chức tuần tra tại tiểu khu V3.4 phát hiện 2.100m rừng nguyên sinh bị chặt hạ hoàn toàn. Vụ phá rừng này vi phạm điều 20 Nghị định 35/2019 của Chính phủ, địa phương đã lập biên bản tiến hành điều tra theo quy định.

Ông Đào Đức Hải cho biết thêm: Khó khăn hiện nay là phần lớn diện tích rừng thuộc di tích nằm trên địa bàn xã Sơn Long, những năm qua, Ủy ban nhân dân xã phối hợp với một cán bộ kiểm lâm địa bàn địa bàn quản lý, nhưng “lâm tặc” lợi dụng phá rừng vào ban đêm, trong khi lực lượng cán bộ xã mỏng, rất khó kiểm soát được các đối tượng phá rừng. Ngoài ra, diện tích rừng khu vực di tịch Hội trường Mùa Xuân vẫn chưa được cấp sổ cho cơ quan có trách nhiệm quản lý.

Theo ông Tạ Ngọc Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa, đơn vị đã biết thông tin về các vụ phá rừng và yêu cầu kiểm lâm địa bàn kiểm tra thực tế một số vị trí. Trong ngày 9/9, Kiểm lâm kết hợp chính quyền địa phương tiếp tục đi kiểm tra, thống kê diện tích rừng bị phá, có biện pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng tại khu vực này. Hiện diện tích rừng trên địa bàn rất lớn, trong khi chỉ có một kiểm lâm địa bàn quản lý rừng từ 2 đến 3 xã nên rất khó kiểm soát.

Trao đổi với báo chí về thực trạng rừng bị xâm hại tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện trong thời gian qua, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa, ông Nay Y Blung cho biết, trong thời điểm địa phương căng mình phòng chống dịch, các đối tượng đã xâm nhập khai thác rừng trái phép. Diện tích rừng thuộc Di tích lịch sử cách mạng Hội trường Mùa Xuân lâu nay được bảo vệ nghiêm ngặt để giữ gìn môi trường, cảnh quan, giá trị của di tích lịch sử cách mạng của Tỉnh ủy. Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hòa đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng.

Ngày 7/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hòa khẩn trương kiểm tra, xử lý thông tin người dân báo qua đường đây nóng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc rừng thuộc Di tích lịch sử Hội trường Mùa Xuân bị phá để làm rẫy.

Thời gian gần đây tại huyện Sơn Hòa đã xảy ra nhiều vụ hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng. Đặc biệt, thời điểm này Phú Yên đang bước vào mùa trồng keo, nhiều đối tượng sẵn sàng xâm lấn, phá bỏ diện tích rừng tự nhiên để trồng keo. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần tăng cường thêm nhân lực, bảo vệ nghiêm ngặt và ngăn chặn tình trạng phá rừng.

Khởi tố vụ án hình sự

Vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Cơ quan điều tra Công an huyện Buôn Đôn để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua, lực lượng kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn phát hiện 3 bãi tập kết gỗ trái phép với hàng trăm cây gỗ dầu, cà chít, chiu liu… với khối lượng khoảng 27m3 gỗ từ nhóm III đến nhóm VIII nằm tại khoảnh 3, 4 Tiểu khu 462 thuộc đất rừng do Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk quản lý nằm trên địa bàn buôn Ea Ma, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Tại thời điểm này, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cũng đang triển khai dự án xây dựng chuồng voi sát với các bãi gỗ này, nhưng số gỗ trên ở đâu ra thì trung tâm không biết.

Anh Y Năm Mlô, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn đang làm nhiệm vụ trông coi bãi gỗ này cho biết: Bãi gỗ trái phép này nằm tại khoảnh 3, 4, Tiểu khu 462 do Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk quản lý. Gỗ tập kết tại đây gồm nhiều chủng loại như cà chít, dầu, chiu liu… với nhiều kích cỡ khác nhau, nhiều cây dài đến 4-5m, phần lớn có đường kính từ 25-30cm.

Tại các bãi tập kết gỗ này có một khoảnh rừng tự nhiên đã bị phá trắng, nhiều cây gỗ có đường chính khoảng 20-30cm nằm la liệt, chung quanh quanh còn nhiều đống gỗ, củi kích thước cây nhỏ hơn và được cắt ngắn chất thành từng đống ngay ngắn. Bao quanh khoảnh rừng bị phá và các bãi tập kết gỗ trái phép này là rừng khộp hàng trăm năm tuổi được tỉnh Đắk Lắk giao cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk quản lý nhiều năm nay.

 

76913cc9758b9cd5c59a.jpg
Bao quanh các bãi tập kết gỗ trái phép này là rừng tự nhiên hàng trăm năm tuổi do Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk quản lý.

Theo anh Lê Kinh Kiên, nhân viên Phòng Bảo tồn voi hoang dã, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, gần các khu vực bãi tập kết gỗ này, trung tâm đang triển khai dự án làm chuồng voi. Tuy nhiên, gỗ ở đâu được đưa về tập kết tại các bãi gỗ trái phép này và nằm ngay giữa lâm phần do Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk quản lý thì anh Kiên cũng như lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk không hề hay biết.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn H’Lan Niê Buôn Dap cho biết: Đến nay vẫn chưa thể khẳng định được có hay không việc lợi dụng triển khai dự án làm chuồng voi để khai thác và hợp thức hóa số gỗ khoảng 27m3 gỗ vừa được phát hiện tại Tiểu khu 462 thuộc lâm phần do Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk quản lý. Vì vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, số gỗ khoảng 27m3 này là hoàn toàn khai thác trái phép và người chịu trách nhiệm trước tiên là Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk vì không kịp thời phát hiện việc khai thác gỗ trái phép này và để số gỗ khai thác trái phép này tập kết trên đất rừng do trung tâm quản lý mà không khai báo cho các cơ quan chức năng.

Cũng theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn H’Lan Niê Buôn Dap, trong năm 2020 dự án làm chuồng nuôi voi được tỉnh Đắk Lắk phê duyệt trên diện tích 3,66 ha, trong đó có 3,21 ha đất rừng được phép khai thác trắng. Việc khai thác gỗ tận thu tại dự án được Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk bán đấu giá cây đứng cho một người tên Ngân ở thành phố Buôn Ma Thuột khai thác với khối lượng là 150 m3, có sự giám sát của Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, sự phối hợp của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk và đã hoàn thành khai thác trong tháng 6/2021. Vì vậy, toàn bộ 27m3 gỗ này là nằm ngoài số gỗ tận thu và được khai thác trái phép.

Ngay sau khi khởi tố vụ án, Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Buôn Đôn để tiếp tục điều tra làm rõ.

 

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top