Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 2 năm 2018 | 16:10

Hãy biến nông thôn thành vùng quê hạnh phúc

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, năm 2017, ngành nông nghiệp tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu, chạm vào nhiều mốc kỷ lục mới.

Đó là kết quả của quá trình nỗ lực tái cơ cấu mà ngành và các địa phương đang thực hiện. Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá:

 

tr6.JPG
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (ngoài cùng bên trái) khảo sát mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình).

 

2017 là năm đầy thử thách, đặc biệt là về thiên tai - năm có 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp. Nếu như năm 2016, tổng thiệt hại do thiên tai là 39.000 tỷ đồng thì riêng năm 2017 con số là 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, đó là cả hệ thống chính trị, cả Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ ban ngành, các tỉnh, thành phố, các thành phần kinh tế, bà con nông dân đã vào cuộc, tập trung chương trình phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, vượt khó đi lên với một kết quả khả quan, tốc độ tăng trưởng vào khoảng 2,94%, kim ngạch xuất khẩu 36,37 tỷ USD. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả khả quan, với 2.884 xã về đích.

Có thể nói năm 2017 là năm của rất nhiều kỷ lục, chúng ta có thể nhìn thấy mặt hàng rau quả, thủy sản đều vượt mốc năm ngoái. Theo Bộ trưởng, cơ sở nào để chúng ta đạt được điều này?

Năm 2017, xuất khẩu nông sản của chúng ta đã đạt được thành tựu lớn trong một thời gian không dài, thặng dư tuyệt đối của ngành nông nghiệp đã đạt con số 8,55 tỷ USD. Có nhiều mốc kỷ lục mới, thí dụ: ngành hàng thủy sản lần đầu tiên chúng ta vượt 8 tỷ USD, ngành gỗ lần đầu tiên cán mốc 8 tỷ USD, ngành rau quả đạt 3,6 tỷ USD, vượt lúa gạo. Tôi nghĩ, đây là thành quả của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp được thực hiện theo 2 nguyên tắc, một là phải xác định theo nguyên tắc thị trường; thứ hai, nguyên tắc thích ứng với biến đổi khí hậu, lựa chọn những đối tượng phù hợp, có dư địa từng vùng, từng miền để tập trung phát triển. Cụ thể, chúng ta đang hướng vào rau quả, thủy sản, lâm nghiệp, là những mặt hàng có thế mạnh. Chúng ta tập trung các biện pháp cụ thể trong tái cơ cấu, từ xây dựng vùng nguyên liệu, từ xử lý nút thắt hiện nay, yếu nhất là công tác chế biến cho đến công tác tổ chức, phát triển thị trường. Những kết quả ban đầu đó chứng minh rằng chúng ta đang lựa chọn hướng đi phù hợp.

Từ trước đến nay, chúng ta coi trọng mặt hàng lúa gạo nhưng trong năm 2017 chuyển sang thủy sản, trái cây, rồi  mới đến lúa gạo. Theo Bộ trưởng, chiến lược xoay trục này sẽ được tiếp bước như thế nào trong thời gian tới?

Rõ ràng đạt được kết quả ban đầu của giai đoạn vừa qua nói chung, đặc biệt năm 2017, nhưng chúng ta không được chủ quan, chúng ta phải tiếp tục làm sâu sắc hơn những tiềm năng đó, biến thành hiện thực bằng các hình thức tổ chức sản xuất và theo một nguyên tắc chung, đó là chuỗi giá trị tất cả các nhóm ngành hàng và đặc biệt phải tiếp tục chú ý hai nút thắt mà hiện nay chúng ta chưa làm tốt, đó là: khâu phát triển vùng nguyên liệu tập trung và xúc tiến mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, qua kết quả 2017 phải khẳng định là có những tiền đề tốt. Tôi lấy ví dụ 2 ngành thủy sản và trái cây. Riêng thủy sản, hiện nay 2 đối tượng chủ lực là con tôm và con cá tra, chúng ta đang rà soát lại tất cả từ khoanh vùng nuôi; riêng con cá tra hiện nay 5.100ha chúng ta đã định dạng cơ bản đến ao nuôi để khống chế không tăng diện tích nhưng đi sâu vào chuỗi giá trị.

Hay ngành hàng rau quả, chúng ta biết tiềm năng dư địa của thị trường thế giới còn rất lớn. Tổng thương mại về rau quả là 270 tỷ USD. Do đó, thị trường tiềm năng còn rất lớn. Nhưng rõ ràng muốn làm tốt khâu này thì chúng ta không chỉ chú ý đến quy hoạch sản xuất vùng nguyên liệu một cách ổn định, một cách tập trung mà quan trọng hơn nữa  là tập trung cho công tác chế biến. Trong tổng số 22 triệu tấn rau, củ, quả, chúng ta mới chế biến được 9%.

Năm 2018 sẽ tập trung nhiều hơn ở công tác chế biến, hiện đang khởi công 5-6 nhà máy ở 6 vùng kinh tế trọng điểm. Cùng với đó phải tập trung phát triển mạnh hơn về thị trường, không chỉ có thị trường truyền thống của chúng ta mà phải tiếp tục nghiên cứu, mở rộng hơn các thị trường mới, có tiềm năng.

Theo quan điểm của Bộ trưởng, trong thời gian tới, việc thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào phát triển khu vực nông nghiệp, tái cơ cấu ngành sẽ theo hướng nào?

Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp là huy động hình thức công tư. Chúng ta đã thực hiện hợp tác công - tư ở một số ngành hàng, kết quả cho thấy, chúng ta đang đi đúng hướng.

Riêng ngành chăn nuôi hiện nay hầu như khu vực tư nhân đầu tư, các ngành hàng khác cũng vậy. Do đó, cần phải khẳng định, đầu tư hợp tác công tư đang là một xu hướng và là một giải pháp tạo động lực và quản trị xã hội với nền kinh tế thị trường. Muốn làm được như vậy, rõ ràng đòi hỏi: Phải có sự đổi mới chính sách. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo sửa Nghị định 210 và một loạt các chính sách, tạo dựng cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp bên ngoài yên tâm.

Ở đây, tôi xin nhắc, đặc biệt không chỉ các doanh nghiệp lớn, quan trọng hơn là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, huy động thêm nhiều vào vì chúng ta đang mong muốn chính đây mới là lực lượng nòng cốt, lực lượng chủ đạo để góp phần chuyển cơ cấu kinh tế hộ tự phát sang nền kinh tế tập trung hàng hóa, chuỗi giá trị.

 Chúng ta phải chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính và các rào cản thì các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cùng phải vào cuộc tháo gỡ; phải coi khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn nội thân của ngành mình, địa phương mình để vào cuộc; phải trân trọng, chia sẻ, tôn vinh, coi thành công của doanh nghiệp chính là thành công của chính quyền.

Từ những tiền đề chúng ta đạt được trong năm 2017, theo Bộ trưởng, định hướng tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm tới sẽ kiên trì như thế nào?

Như tôi vừa nói, tái cơ cấu nông nghiệp nguyên tắc chung là phải tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp tập trung chuỗi giá trị phản ánh đúng xu hướng lợi thế trên cơ sở nguyên tắc thị trường, trên cơ sở thích ứng cao với biến đổi khí hậu. Đó là những nguyên tắc trụ cột, từ nguyên tắc trụ cột này thì với ngành hàng quốc gia mang tính chất lợi thế, chúng ta phải tập trung sâu vào những khâu yếu của ngành hàng để tập trung vào. Thứ hai, mũi ngành hàng chủ lực cấp tỉnh phải khuyến khích mạnh, vì sao? Một quốc gia nông nghiệp, có tiềm năng lớn mà chỉ tập trung vào một số mặt hàng là không được, đất nước ta trải dài trên 15 vĩ độ, 63 tỉnh, thành, khu vực nào cũng có dư địa, lợi thế riêng về những nhóm mặt hàng nông sản có lợi thế riêng, vì thế các tỉnh cũng cần tập trung vào. Thí dụ như Bắc Giang, Lâm Đồng vừa qua, Đồng Tháp hay tỉnh xa xôi như Hà Giang cũng đã tìm ra lợi thế của mình để đi vào khai thác. Gần đây nhất là bài học kinh nghiệm của Sơn La, tỉnh rất điển hình chuyển rất nhanh từ cây ngô giá trị kém sang cây ăn quả, thành lập nhà máy chế biến, chuỗi xuất khẩu ở đấy rất tốt; thứ ba, phải chú ý đến sản phẩm nông nghiệp của vùng miền mang tính chất mỗi làng một sản phẩm, bởi vì chúng ta phải gắn kết tái cơ cấu nông nghiệp với tái cơ cấu kinh tế, cụ thể ở đây là giữa nông nghiệp với du lịch, dịch vụ, chúng ta phải khai thác tốt mảng này. Năm nay chúng ta đón 13 triệu khách du lịch nước ngoài, sang năm mục tiêu là 15 triệu. Như vậy, đây là dư địa rất lớn về xuất khẩu tại chỗ.

Trong tái cơ cấu nông nghiệp, chúng ta phải dựa vào những nền tảng của quá trình 3 năm vừa rồi đã thực hiện, đồng thời liên tục phải làm sâu sắc hơn, củng cố tốt hơn trên cơ sở tổ chức lại sản xuất của hộ nông dân. Những năm gần đây, chúng ta mỗi năm thành lập mới được gần 3.000 HTX kiểu mới, nhưng con số này còn thấp, tới đây, theo mục tiêu phấn đấu của nghị quyết của Quốc hội của Chính phủ, cố gắng từ nay đến năm 2020 chúng ta phải làm sao có khoảng 15.000 HTX kiểu mới. Chỉ có nông dân tổ chức vào các HTX kiểu mới, chỉ có nông dân từ trang trại chuyển lên thành doanh nghiệp nhỏ, từ doanh nghiệp nhỏ lên doanh nghiệp lớn liên kết với nhau, tạo thành phương thức tổ chức, sản xuất mới thích ứng với nền sản xuất tập trung hàng hóa theo chuỗi giá trị thì chúng ta mới thành công được. Do đó, có thể tin tưởng, với sự vào cuộc ráo riết của cả hệ thống chính trị, đặc biệt các địa phương, các thành phần kinh tế và bà con nông dân, chúng ta không chỉ theo định hướng đó một cách kiên trì mà quan trọng nhất là phát hiện ra thời cơ để tập trung đầu tư, ví dụ như thời cơ đến với chúng ta ngành hàng rau quả, ngành hàng thủy sản thì tập trung rất nhanh, đồng bộ để làm sao khai thác nhanh lợi thế. Một khi chúng ta đã thắng lợi bước đầu, nền tảng thì làm đà tốt cho cục diện sau này về phát triển hàng hóa cũng như khai mở, duy trì thị trường để làm sao với mong muốn cuối cùng là đem lại đời sống ấm no, ngày càng cao hơn cho người nông dân, xây dựng kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, xây dựng vùng nông thôn mới của chúng ta ngày một tươi đẹp, giàu bản sắc, trở thành vùng quê đáng sống.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Khánh Nguyên (ghi)

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top