Hội viên, nông dân thời nay cần có kiến thức trong sản xuất, thị trường, định hướng “đầu ra”, đặc biệt là chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm... và mong muốn Hội chú trọng thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản.
Tại Hội nghị giao ban Hội Làm vườn và Câu lạc bộ trang trại 7 tỉnh phía Bắc năm 2018, đại diện người làm vườn và trang trại các tỉnh cho rằng: Hội viên, nông dân thời nay cần có kiến thức trong sản xuất, thị trường, định hướng “đầu ra”, đặc biệt là chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm... và mong muốn Hội chú trọng thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản.
Mạo hiểm nhưng không “liều”
Thay mặt đoàn Tuyên Quang, mở đầu bài tham luận của mình, ông Nguyễn Văn Giàu (huyện Yên Sơn) cho biết: Tôi đã mạo hiểm nhưng không liều khi bắt tay vào mở rộng quy mô sản xuất. Bằng chứng là, khi xâm nhập thị trường thấy cây bưởi Diễn chín vào cuối năm, không những trái thơm ngon mà còn làm cây cảnh thế, cây bon sai chơi Tết khá đắt khách. Vì vậy, năm 2000, tôi đã mạnh dạn đưa 700 gốc bưởi Diễn, 400 cây cam Canh lên trồng ở khu đồi dốc 40 độ; mức khuyến cáo cho phép của tỉnh là 15 độ dốc trở lên mới được trồng keo, nay bưởi, cam đã lấn keo rồi. Hiện, tôi có 10ha bưởi Diễn, 6ha cam Canh, cam Vinh, thanh long, hồng. Các sản phẩm trên đã có chỉ dẫn địa lý, ngoài tiêu thụ trong tỉnh Tuyên Quang, khu vực phía Bắc, còn đưa vào miền Nam và đang phấn đấu xuất khẩu.
Để có được thành công như trên, ông Giàu chia sẻ: “Người làm vườn, dù mới vào nghề hay đã có thâm niên, đều phải có kiến thức, tích lũy kinh nghiệm. Có lần, tôi được một giảng viên chuyên ngành hướng dẫn canh tác, ông ấy nói, nhà nông cũng là nhà khoa học, họ chỉ thiếu lý thuyết thôi. Còn các nhà khoa học chỉ làm nhiệm vụ chuyển giao khoa học công nghệ. Song muốn làm nhà khoa học “chân đất”, nhà nông phải có đam mê, chịu khó mày mò, nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm mới truyền cho người khác được. Bản thân tôi khi đi giao lưu, cóp nhặt được những điều quý báu cũng sẵn sàng chia sẻ, để Hội của chúng ta ngày càng vững mạnh”.
Nắm bắt tốt thị trường: Thay vải bằng na
Ông Nguyễn Đức Bảy, xã Đông Phú (Lục Nam - Bắc Giang), cho biết, Lục Nam nằm sát Lục Ngạn nên người dân chỉ quen trồng vải. Tuy nhiên, vải Lục Ngạn đậm đà, ngon hơn vải Lục Nam, có thể do chất đất. Mặt khác, người dân Lục Nam khi thu hoạch phải vận chuyển bằng xe máy lên Lục Ngạn tiêu thụ, rất vất vả; ngoài xăng xe, còn phải trả tiền công thuê người hái 200.000đồng/tạ. Nhưng khi bán ra thị trường, thương lái trừ cành lá, nên chỉ còn 80kg, với giá 8.000-10.000 đồng/kg, thu nhập không cao và bấp bênh, thời gian thu hoach quả vải lại ngắn. Trong khi đó, ở địa phương có cây na dai cổ truyền, gần giống na Chi Lăng (Lạng Sơn), song có vị thơm, ngọt đậm, vỏ mỏng và dai hơn, quanh mắt na còn có phấn hồng nhạt.
Từ thực tế trên, cách đây 9 năm, ông Bảy đã quyết định thay 200 gốc vải bằng 600 gốc na. Cẩn thận hơn, trước khi bỏ vải, ông đã trồng thử nghiệm na, đến khi chặt vải thì na cũng vừa lớn và cho thu hoạch. Đặc biệt, na không phải đi bán như vải, thương lái đến lấy tại nhà với giá 20.000 đồng/kg, cao hơn vải, lại không mất tiền xăng xe, công thu hái. Doanh thu từ na bình quân đạt 300 triệu đồng/năm; nếu năm nào ra hoa sớm, thu hoạch được 2 vụ thì thắng to, đạt 500 triệu đồng/năm.
Mặt khác, nếu vải phải phun các loại thuốc phòng trừ dịch bệnh, sâu đục quả vài lần/ tháng, thì na chỉ phun 1 lần phòng sâu đục quả/vụ.
Từ thành công của ông, nhiều người dân trong vùng đã làm theo, hiện, toàn xã có 250ha na dai. Không riêng Đồng Phú, xã liền kề Nghĩa Phương cũng là đất na, nhà vườn đã chuyển đổi được trên 300ha.
Thiếu kiến thức: Không giàu được
Ông Bùi Đức Long (Lục Ngạn - Bắc Giang) cho hay, năm 2003, tình cờ đọc báo thấy người trồng cam Canh ở Hưng Yên có thu nhập cao, ông đã tiên phong đưa cây cam về Bắc Giang. Với diện tích 5ha, năm nhiều nhất thu hoạch 150 tấn cam. Ngày thường, giá bình quân 40 triệu đồng/tấn, dịp Tết Nguyên đán 50 triệu đồng/tấn. Năm 2017, thu nhập từ cam mang về cho gia đình ông 6,5 tỷ đồng.
Song, theo ông Long, làm kinh tế VAC phải tính “đầu ra” và nắm vững kỹ thuật. Bởi cây cam đã đến lúc phải thay thế thì cần chặt bỏ, vì sau 15 năm liên tục cho quả, cây đã già cỗi, đất đai suốt thời gian dài không được nghỉ cũng cần cải tạo. Mặt khác, ở Bắc Giang, bà con đang chuyển từ trồng vải sang cam, mặc dù giá trị sản phẩm cao, nhưng cung quá cầu sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa.
Thực tế thấy, cây vải 5 năm không chăm sóc, khi cần hồi phục vẫn được, nhưng cây cam “bỏ bê” 1 tháng có thể hỏng.
“Đặc biệt, ngoài việc theo dõi “đầu ra”, người làm vườn còn phải am hiểu thực tế, ví như cây nhãn, nếu năm nay mất mùa, phần lớn sang năm sẽ được mùa. Vì vậy, nhà nông cần phải nắm bắt quy luật này, chăm sóc cây kỹ lưỡng, bài bản vụ sau. Chính vì những lý do trên, ở Lục Ngạn cũng chỉ được vài chục hộ giàu lên từ cây cam, còn lại vẫn nghèo. Nguyên nhân do nông dân đa phần thiếu kiến thức kỹ thuật, chưa chịu học hỏi, tìm tòi để biết cách chăm sóc cây. Sở dĩ, lúc đầu bà con thắng lớn vì mới trồng, độ phì nhiêu của đất còn cao, vài vụ sau, khoáng chất hết dần, sản phẩm cũng kém đi; thu hoạch càng kém, người dân càng ít đầu tư hơn, dẫn đến luẩn quẩn mãi như vậy”, ông Long chia sẻ.
Mặt khác, theo ông Long, việc bổ sung kiến thức cho người làm vườn, phải nhìn từ 2 phía. Một là, đội ngũ chuyên gia khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân còn nặng về lý thuyết. Đã có những hội nghị đầu bờ nhưng chất lượng chưa cao, trong khi bà con rất cần các lớp học đồng ruộng, theo kiểu cầm tay chỉ việc. Đội ngũ giảng viên phải nhiệt tình, tâm huyết, có kiến thức sâu rộng. Người làm vườn phải có sổ tay ghi chép nghiêm túc, đầy đủ.
“Ngoài kiến thức chăm sóc cây trồng, còn phải chú trọng nguồn phân bón, trang trại của tôi chủ yếu dùng phân chuồng ủ hoai mục; phân vi sinh chất lượng cao của các quốc gia có uy tín như: Bỉ, Nga, Malaysia… Ngược lại, đa số bà con trong vùng chưa chú ý lựa chọn phân bón của doanh nghiệp uy tín; có khi mua phải phân bón giả. Nông dân cứ thấy rẻ là mua, bón phân thấy cây không phát triển, càng bón nhiều, do vậy, cây càng không phát triển. Không ai ngoài Nhà nước phải điều tiết vấn đề này, phải có người tâm huyết, đầu tư thực sự cho nông dân và xử lý nghiêm những ai làm hại nông dân”, ông Long nhấn mạnh.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ từ hộ gia đình
Đến dự và tham quan mô hình vườn đồi với cán bộ, hội viên 7 tỉnh phía Bắc, GS.TS. Ngô Thế Dân, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, hoan nghênh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị giao ban Hội Làm vườn và Câu lạc bộ trang trại 7 tỉnh phía Bắc năm 2018.
Chủ tịch Ngô Thế Dân đánh giá, nội dung giao ban hàng năm ngày càng phong phú, có tác dụng rõ rệt. Đáng biểu dương là Chủ tịch HLV Tuyên Quang, ông Lê Quang Đôn, người đã sáng lập ra hội nghị này. Hàng năm, các tỉnh thay nhau tổ chức họp mặt, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng cho địa phương mình và khu vực miền núi phía Bắc khá tốt. Tuy nhiên, hội nghị nên hướng hoạt động Câu Lạc bộ (CLB) trang trại đi vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ không phát triển trên diện tích rộng, mà nên làm từ từ, trong phạm vi hộ gia đình.
“Điều này còn khẳng định, hoạt động của Hội Làm vườn đã đi đúng hướng, lúc đầu chỉ là xóa đói giảm nghèo, nay nhiều hội viên trở thành chủ trang trại giàu có; kinh tế vườn cũng ngày càng phát triển và hướng tới bền vững khi sản xuất hữu cơ. Từ chỗ không được coi trọng, nay VAC đã được xem là kinh tế vườn, vườn đồi, vườn rừng. Và có thể khẳng định, đây là con đường làm giàu nhanh và bền vững nhất”, Chủ tịch Ngô Thế Dân nhấn mạnh.
Đặc biệt, Chủ tịch Ngô Thế Dân còn cho biết, bước sang giai đoạn mới, chúng ta chú trọng thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trước mắt, CLB trang trại mỗi địa phương cung cấp cho Trung ương Hội 1 sản phẩm hữu cơ, để Hội giới thiệu cho các đối tác có nhu cầu. Ví như, Sơn La đã đăng ký mật ong hữu cơ, sản phẩm lọt vào tốp này, giá sẽ cao gấp nhiều lần.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, Chủ tịch Hội Làm vườn Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Bái, cho biết: “Về nông nghiệp hữu cơ, Bắc Giang đã được đi học tập ở Ninh Bình do Hội Làm vườn Việt Nam giảng dạy. Tỉnh cũng đã tổ chức cho các chủ trang trại tham quan mô hình làm kinh tế VAC ở các tỉnh phía Nam. Nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả có thể học được từ các tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng. Thời gian tới, nếu các tỉnh bạn có nhu cầu, chúng tôi sẽ đăng cai và mời cùng tham dự, bàn bạc cách làm để ít nhất mỗi địa phương có một sản phẩm hữu cơ như kỳ vọng của Chủ tịch Hội. Trước mắt, Bắc Giang có thể chọn sản phẩm ở vùng rau an toàn Lục Nam, hiện đã có nhà máy chế biến, đóng hộp dưa bao tử”.
Sản xuất hữu cơ không những bảo vệ sức khỏe con người, côn trùng có ích, động, thực vật có trong thiên nhiên, mà còn góp phần cải tạo đất, nguồn nước và hệ sinh thái. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ không có hiệu quả tức thì, vì vậy, phải làm kết hợp, lấy cái nọ bổ trợ cái kia.
Hy vọng, với sự giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, qua nhiều năm gắn bó, hội viên, nông dân 7 tỉnh phía Bắc sẽ không đơn độc trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; từng bước sản xuất nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ sức con người và hệ sinh thái bền vững.
Đánh giá về Hội nghị giao ban Hội Làm vườn và Câu lạc bộ trang trại 7 tỉnh phía Bắc, ông Nguyễn Văn Bái, Chủ tịch Hội Làm vườn Bắc Giang, cho rằng: Đây là sân chơi bổ ích để các tổ chức Hội có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu mô hình mới, cách làm hay. Tuy nhiên, để hoạt động này hữu ích, nội dung giao ban cần cụ thể và phải mới. Nếu chỉ làm hình thức thì sẽ khó được địa phương hỗ trợ và tồn tại lâu dài. Theo chế độ luân phiên, Hội Làm vườn Tuyên Quang sẽ chủ trì tổ chức giao ban năm 2019 . Sau khi thăm mô hình, lãnh đạo HLV Việt Nam và cán bộ, hội viên 7 tỉnh phía Bắc dừng chân chia sẻ kinh nghiệm. |
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.