Theo ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, những gì mình đang làm mà tốt cho người dân là đang học theo Bác.
Học Bác từ việc tăng gia sản xuất để cải thiện cuộc sống, nâng cao sức khỏe, hạn chế tệ nạn, làm giàu cho gia đình, cho xã hội.
Làm giàu từ kinh tế vườn
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Hiếu, Phó chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang, cho biết, những năm gần đây, Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm thực hiện phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phát triển VAC, tiến tới làm giàu từ kinh tế vườn.
Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang đã có những việc làm thiết thực như: tập trung hướng dẫn hội viên và nhân dân tích cực dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, cải tạo vườn tạp, vườn mẫu, vườn cây ăn quả, mở rộng quy mô trang trại, đầu tư vào nuôi, trồng các giống cây mới có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Trước đây, không ít hội viên, người làm vườn do chưa có kinh nghiệm, chưa tiếp cận được khoa học kỹ thuật và chưa tích cực áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nên chất lượng, sản lượng và giá trị mang lại chưa cao dẫn tới hiện tượng "trồng chặt, chặt trồng".
Trước thực trạng trên Hội đã tăng cường tuyên truyền, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các hình thức sản xuất an toàn, từ đó cho ra sản phẩm chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao.
Điển hình như: mô hình trồng bưởi (5ha), trồng ổi (2ha) của gia đình anh Nguyễn Văn Khánh, thôn Bãi Lời, xã Tam Dị (Lục Nam) theo hướng hữu cơ, hàng năm lãi 600 triệu đồng. Hộ ông Nguyễn Văn Báo (Quý Sơn-Lục Ngạn) thu nhập trên 5 tỷ đồng/năm; hộ ông Nguyễn Văn Ánh (Bảo Đài-Lục Nam) thu nhập 1,5-2 tỷ đồng/năm.
Ông Hiếu cho biết thêm, hiện HLV Bắc Giang có 52.000 hội viên, từ phát triển kinh tế VAC mà đời sống của gia đình hội viên có nhiều thay đổi. Có tới 30% số hội viên có thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Thời gian tới, Hội tiếp tục nhân rộng, lan tỏa các mô hình điển hình trong phát triển kinh tế vườn ra cộng đồng, từ đó sẽ có nhiều nhà vườn làm kinh tế giỏi, góp phần xây dựng thành công NTM.
Điểm sáng phát triển vườn mẫu
Mô hình vườn mẫu do Hội Làm vườn Việt Nam và Hội Làm vườn và Trang trại (HLV-TT) Hà Tĩnh đề xướng đã đạt được nhiều kết quả, là điểm sáng để các địa phương học tập, nhân rộng.
Nắm bắt chủ trương trong xây dựng NTM, HLV-TT Hà Tĩnh đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng mô hình vườn mẫu và sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong XDNTM”. Sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Hội thực hiện.
Hội đã tiến hành khảo sát sơ bộ mỗi huyện 10 mô hình kinh tế vườn, biên soạn các tài liệu, xây dựng tiêu chí vườn mẫu và tổ chức tuyên truyền, tạo nên phong trào mạnh mẽ xây dựng mô hình vườn mẫu và sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Do vậy, cuối năm 2013, mới chỉ có 28 vườn mẫu nhưng đến năm 2016, đã xây dựng được 250 vườn tại 50 xã NTM. Mô hình đã đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống, phù hợp với các tiêu chí NTM nên nhanh chóng được cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và nhân dân ủng hộ, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.
Việc triển khai mô hình vườn mẫu của HLV -TT Hà Tĩnh được thực hiện rất khoa học, từ thấp lên cao. Trước khi thực hiện mô hình, Hội hoàn thiện “Bộ tiêu chí vườn mẫu”, gồm 5 tiêu chí, xây dựng phương án và dự toán xây dựng mô hình, khảo sát các hộ đủ điều kiện thực hiện, cuối năm mới phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương phân loại vườn.
Đặc biệt, để đảm bảo tiêu chí: “Sản phẩm từ vườn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, Hội đã xây dựng mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, vườn mẫu áp dụng “4 không” trong trồng trọt (không phân hóa học và phân tươi, không chất kích thích tăng trưởng, không hóa chất bảo vệ thực vật, không biến đổi gen) và “4 không” trong chăn nuôi (không thuốc kháng sinh; không chất cấm, tăng trọng; không nuôi nhốt; không biến đổi gen).
Kết quả trong 10 mô hình vườn mẫu kiểm nghiệm 12 mẫu rau, quả đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thu nhập từ trồng rau cao hơn 9,16 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Từ thắng lợi này, năm 2016, HLV -TT Hà Tĩnh được giao nhân rộng mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ cho 460 vườn.
Ông Nguyễn Văn Trung, thôn Tân An, Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, tâm sự, nhờ sự tư vấn hỗ trợ của HLV-TT Hà Tĩnh mà tôi quy hoạch vườn thành các khu vực, luống đất sản xuất riêng, với cơ cấu cây trồng hợp lý, sử dụng chế phẩm sinh học, xử lý môi trường tốt nên đều đặn chăm nhặt từ các loại rau, củ, quả mỗi năm gia đình cũng thu hơn 150 triệu đồng. Nếu tính cả nguồn thu từ cá, vịt, gà, bồ câu thì đạt 300 triệu đồng.
Từ 240 vườn mẫu, đến nay Hà Tĩnh đã xây dựng được trên 5.000 vườn mẫu, thu nhập bình quân đạt trên 55 triệu đồng/vườn. Vườn mẫu đã cho hiệu quả kinh tế cao nên tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ đối với người dân trên toàn tỉnh thi đua nhau vào cuộc xây dựng.
Số liệu điều tra 15 vườn mẫu cho thấy, bình quân diện tích là 2.520m2/vườn, thu nhập đạt 128 triệu đồng/năm (509 triệu đồng/ha). Nếu vườn mẫu sản xuất rau quả là chính có thể đạt 600 - 900 triệu đồng/ha/năm. Không những thế, những khu vườn mẫu được quy hoạch gọn gàng còn tạo thêm sức sống cho mỗi vùng quê, như một bức tranh Xuân tươi sáng.
Có thể nói, mô hình vườn mẫu mà HLV-TT Hà Tĩnh đề xướng, thực hiện là cách làm sáng tạo không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn tạo ra cảnh quan xanh, sạch, đẹp đầy sự sống. Đây cũng là những việc mà sinh thời Bác Hồ thường xuyên làm dù trong hoàn cảnh nào.
Học Bác từ những việc nhỏ nhất
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, bộc bạch, làm tốt những gì ở đời thường là làm theo Bác. Nói về Tết trồng cây mà Bác kêu gọi, Bắc Giang có hẳn chỉ thị của Tỉnh ủy về Tết trồng cây. Trồng cây tạo ra môi trường mới, tạo không gian xanh, chống ô nhiễm, tạo thêm giá trị kinh tế.
Học theo Bác bằng việc trồng, chăm sóc tốt những đường hoa ở các xã, huyện nông thôn mới, tạo ra miền quê văn minh, tươi đẹp. Hay đơn giản là học theo Bác thông qua việc vận động nhân dân tăng gia sản xuất, Bắc Giang làm rất tốt việc này.
Chỉ tính riêng giá trị mang lại từ trồng vải, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 1.000 hộ dân có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, hàng chục hộ thu nhập 500 triệu đồng, cá biệt có hộ thu nhập cả tỷ đồng. Hay việc phát triển cây có múi, những năm gần đây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, giá trị thu nhập trung bình 500-600 triệu đồng/ha, có hộ đạt 1,2-1,5 tỷ đồng/ha.
Ông Tùng nhấn mạnh, mọi người cứ nghĩ học ở Bác những gì cao xa. Nhưng theo tôi, những gì mình đang làm mà tốt cho người dân là mình đang học theo Bác. Hay đơn giản hơn, học Bác từ việc tăng gia sản xuất để cải thiện cuộc sống, tăng sức khỏe, hạn chế tệ nạn. Giờ đây, tăng gia sản xuất để làm giàu. Khi người dân giàu lên mới có điều kiện đóng góp cho xã hội, đóng góp cho xây dựng NTM.
Có thể nói, phong trào làm vườn nói riêng, phong trào phát triển kinh tế VAC nói chung theo gương Bác Hồ vĩ đại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ vườn tạp, trồng những giống cây chất lượng thấp, giá trị kinh tế không cao, nhà vườn, các địa phương đã cải tạo, đưa giống mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Kết quả là nhiều nhà vườn có thu nhập tiền tỷ, từ đó đóng góp rất lớn vào xây dựng NTM.
Hy vọng, phong trào làm vườn giỏi theo gương Bác Hồ vĩ đại tiếp được nhân rộng để có nhiều mô hình, nhiều nhà vườn có thu nhập tiền tỷ hơn nữa.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.