Năm 2015, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Thái Bình đã phát triển được 51 câu lạc bộ (CLB) chuyên ngành VAC (tăng 2 CLB so với 2014) để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đây là hướng đi tất yếu khi Việt Nam tham gia TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hoạt động.
Các cá nhân nhận bằng khen và kỷ niệm chương từ TƯ Hội Làm vườn VN.
Các CLB mới được thành lập là: CLB chăn nuôi lợn xã Duyên Hải, CLB thủy sản xã Độc Lập (Hưng Hà); CLB chăn nuôi gia cầm xã Thụy Duyên (Thái Thụy); CLB nuôi động vật quý hiếm xã Vũ Lăng (Tiền Hải), câu lạc bộ nuôi ba ba gai xã An Bình (Kiến Xương), chi hội chuyên nuôi cá xã An Quý (Quỳnh Phụ),...
Năm 2015, HLV tỉnh đã kết nạp mới 1.576 người, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 35.490 người. 100% cơ sở Hội duy trì quản lý xây dựng quỹ Hội với tổng số quỹ lên đến 1.971 triệu đồng, 246/277cơ sở Hội có quỹ. Các đơn vị Hội có số quỹ cao là HLV huyện Quỳnh Phụ (336 triệu đồng), Thái Thụy (304 triệu đồng), Tiền Hải (527 triệu đồng)... Các cơ sở Hội có mức quỹ hội/hội viên cao được duy trì tốt như: Bách Thuận (Vũ Thư), Bình Định (Kiến Xương), Thụy Duyên (Thái Thụy), Hồng Lĩnh (Hưng Hà)...
Hiện, toàn tỉnh có 800 trang trại quy mô lớn và trên 22.000 hộ chăn nuôi đạt quy mô gia trại. Hoạt động Hội ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và dịch vụ VAC của các cấp Hội đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất VAC nói riêng sang sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường và hội nhập, nâng cao đời sống người dân nông thôn, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Từ thực tế sản xuất, nắm bắt được nhu cầu phát triển kinh tế VAC của các địa phương, nhiều cơ sở Hội đã tổ chức sản xuất cây - con giống, cung ứng vật tư, phân bón và thức ăn chăn nuôi cho hội viên và nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 88 cơ sở Hội có tổ chức dịch vụ VAC với lượng cây giống được cung ứng ra thị trường trên 500.000 cây các loại; trên 400.000 con giống gia súc, gia cầm và hàng triệu con giống thủy sản các loại, hàng trăm tấn vật tư, dụng cụ nghề vườn phục vụ cho sản xuất VAC... Tuy nhiên, lượng cây - con giống của các cơ sở Hội cung ứng ra vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các cấp HLV trong tỉnh Thái Bình đã chủ động phối hợp với các đơn vị của ngành nông nghiệp, Hội Nông dân, các hợp tác xã,... tổ chức 395 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng vụ xuân, công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, trồng và chăm sóc cây hòe nếp cho trên 24.697 lượt người tham dự.
Nhìn chung, trong năm 2015, hoạt động của HLV Thái Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Tuy nhiên, hiện nay tổ chức Hội, nhất là cấp cơ sở, đang gặp nhiều khó khăn như không có kinh phí, cơ sở vật chất để hoạt động, sản phẩm đầu ra của các trang trại gặp khó khăn khi tiêu thụ… Vì vậy, để Hội ngày càng vững mạnh, hoạt động của Hội phải tiếp tục đổi mới, phát triển theo hướng bền vững, ổn định và có định hướng.
Năm 2016, HLV tỉnh tiếp tục tuyên truyền, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh để thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào phát triển kinh tế ở nông thôn, góp phần tích cực tái cơ cấu, nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp.
Với những thành tích đã đạt được, HLV Thái Bình vinh dự được Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam tặng Kỷ niệm chương cho 50 cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong phong trào làm kinh tế VAC và tặng Bằng khen cho 7 tập thể, 4 cá nhân có thành tích xây dựng tổ chức Hội và thúc đẩy phong trào kinh tế VAC.
Vân Anh - Hồng Hạnh
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.