Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 6 năm 2021 | 21:38

Hòa Bình: Người dân lâm cảnh khốn cùng vì sai sót của thi hành án?!

Nhiều dấu hiệu bất thường của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kim Bôi (Hòa Bình) trong việc bán đấu giá, xử lý tài sản của người dân đã được Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình chỉ ra.

Tuy nhiên, với quyết định Giám định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội hủy bản án phúc thẩm đã khiến gia đình người phải thi hành án lâm cảnh trắng tay, mất nhà cửa.
 
1.jpg
Bà Lê Thị Lan bần thần đứng trước ngôi nhà của cả gia đình đã bị Chi cục THADS huyện Kim Bôi đem bán đấu giá.

 

 
Năm 2016, vụ việc gia đình bà Lê Thị Hiển (hiện đã mất) cùng các cháu nội tiến hành khởi kiện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kim Bôi với lý do có nhiều vi phạm khi kê biên, cưỡng chế, bán đấu giá tài sản chung của hộ gia đình ông Phạm Ngọc Sơn (con trai bà Hiển) và bà Lê Thị Lan (vợ ông Sơn), không chỉ nhận được sự quan tâm của dư luận mà còn lấy đi nước mắt của của nhiều người vì hoàn cảnh đáng thương của bà Hiển trong những năm tháng cuối đời và đàn cháu thơ dại sống cảnh mất đi mái ấm, nhà cửa không còn, không có nơi ăn chốn ở tử tế.
 
Theo đó, bà Lê Thị Hiển, con trai là ông Phạm Ngọc Sơn, vợ ông Sơn là bà Lê Thị Lan và các cháu Phạm Lê Dung, Phạm Lê Phương cùng chung sống tại ngôi nhà 3 tầng, diện tích 285,6m2, thửa đất số 102, Tờ bản đồ số 16, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh Hòa Bình cấp vào năm 2002, đứng tên hộ ông Phạm Ngọc Sơn.
 
Tuy nhiên, nguồn gốc đất do bà Hiển nhận chuyển nhượng của bà Nguyễn Thị Minh (đã mất). Trong các văn bản chuyển nhượng ghi ông Phạm Ngọc Sơn mua nhưng ông Sơn không ký tên, chỉ có bà Hiển ký tên và thanh toán tiền. Bà Hiển chỉ cho gia đình con trai sinh sống nhờ trên mảnh đất đó. Năm 2004, vợ chồng ông Sơn cùng các thành viên trong gia đình chung sức xây dựng một ngôi nhà 3 tầng trên thửa đất này. Một phần số tiền là của người thân vợ chồng ông Sơn, bà Lan cho các cháu Phạm Lê Dung, Phạm Lê Phương để xây dựng ngôi nhà.
 
Do cần tiền để làm ăn, vợ chồng ông Phạm Ngọc Sơn, bà Lê Thị Lan có vay nợ bà Nguyễn Thị Mai Chúc, do chậm trả nên bà Chúc khởi kiện ông Sơn, bà Lan ra Tòa. Quá trình giải quyết vụ án, bà Chúc có đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời và yêu cầu Tòa án nhân dân (TAND) huyện Kim Bôi ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp là nhà ở và quyền sử dụng đất đứng tên hộ ông Phạm Ngọc Sơn.
 
Ngày 23/2/2012, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Kim Bôi ban hành Quyết định thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND huyện Kim Bôi. Quyết định này sau đó đã được tống đạt cho ông Phạm Ngọc Sơn.
 
Sau đó, TAND tỉnh Hòa Bình tuyên xử Phúc thẩm buộc ông Sơn, bà Lan phải trả cho bà Chúc số tiền hơn 1,332 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Sơn, bà Lan còn phải có nghĩa vụ thi hành 4 bản án, quyết định dân sự khác đã có hiệu lực pháp luật là 3,945 tỷ đồng.
 
Do vợ chồng ông Sơn, bà Lan không tự nguyện thi hành án nên Cơ quan THADS đã tiến hành tổ chức định giá, bán đấu giá tài sản là ngôi nhà 3 tầng và đất ở nói trên vào ngày 21/6/2013. Người mua được tài sản là ông Nguyễn Quang Trung.
 
Do quá bức xúc, bất bình đối với việc làm của Chi cục THADS huyện Kim Bôi, ngày 26/10/2016, bà Lê Thi Hiển, 2 cháu Phạm Lê Dung, Phạm Lê Phương có đơn khởi kiện đến TAND huyện Kim Bôi, khởi kiện Chi cục THADS huyện Kim Bôi đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật khi kê biên, cưỡng chế, bán đấu giá tài sản chung của hộ gia đình ông Phạm Ngọc Sơn, các nguyên đơn có ý kiến trong gia đình không được biết, không được thông báo gì, Chi cục THADS huyện Kim Bôi định giá thiếu, sai nhiều tài sản. Như vậy đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
2.jpg
Trụ sở Chi cục THADS huyện Kim Bôi.
 
Các nguyên đơn yêu cầu TAND huyện Kim Bôi: Hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Kê biên tài sản đang tranh chấp” do TAND huyện Kim Bôi đang áp dụng trong vụ án trước đây; Hủy quyết định thi hành án chủ động số 130/QĐ/CCTHA ngày 23/2/2012 của Chi cục THADS. Hủy toàn bộ những quyết định liên quan đến việc kê biên tài sản chung của các nguyên đơn; Hủy bỏ Hợp đồng bán đấu giá tài sản số 20/HĐBĐG ngày 13/5/2013 giữa Chi cục THADS và Trung tâm DVBĐGTS; Hủy bỏ Hợp đồng mua bán tài sản số 24/HĐMB ngày 21/6/2013; Hủy Quyết định số 02/QĐ-CCTHA ngày 13/12/2013 của Chi cục THADS về việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá và toàn bộ các quyết định cưỡng chế giao tài sản ngày 30/12/2016. Khôi phục nguyên trạng ban đầu cho các nguyên đơn.
 
Tại phiên xét xử Sơ thẩm ngày 21/8/2017, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa bà Đinh Lan Hương đã quyết định không chấp nhận toàn bộ nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Hiển, cháu Dung, cháu Phương. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu độc lập của ông Sơn, bà Lan.
 
Tuy nhiên, tại Bản án xét xử Phúc thẩm số 25/2017/DS-PT ngày 28/12/2017 của TAND tỉnh Hòa Bình, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã căn cứ các quy định của pháp luật tố tụng dân sự; Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Dân sự đã thảo luận và quyết định giải quyết vụ án: Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của các nguyên đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
 
Sửa toàn bộ bản án số: 04/2017/DS-ST ngày 21/8/2017 của TAND huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, chấp nhận 2/5 yêu cầu của nguyên đơn.
 
Xử: Hủy kết quả bán đấu giá tài sản để thi hành án do Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hòa Bình thực hiện ngày 21/6/2013; tuyên Hợp đồng mua bán tài sản số 24/HĐMB ngày 21/6/2013 giữa Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hòa Bình với ông Nguyễn Quang Trung là vô hiệu.
 
Các bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
 
Kết thúc phiên xét xử phúc thẩm, ngày 15/01/2018, Chi cục THADS huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình và ngày 09/01/2018, ông Nguyễn Quang Trung có đơn đề nghị xét lại bản án dân sự phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.
 
Ngày 31/10/2018, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã ký ban hành Quyết định số 31/2018/HN-DS kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 25/2017/DS-PT ngày 28/12/2017 của TAND tỉnh Hòa Bình.
 
Theo đó, TAND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Hòa Bình; đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ án dân sự phúc thẩm nêu trên. Giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Hòa Bình xét xử theo thủ tục phúc thẩm lại đúng quy định pháp luật. Tạm đình chỉ thi hành bản dân sự phúc thẩm nêu trên cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm
3.jpg
Báo cáo 499 CV-TA ngày 14/12/2018 giải trình vụ án dân sự phúc thẩm, đề nghị xem lại kháng nghị giám đốc thẩm của TAND tỉnh Hòa Bình đã chỉ ra nhiều sai phạm của Cơ quan THADS, cũng như quan điểm của VKSND các cấp đối với vụ án.

 

Ngày 14/12/2018, TAND tỉnh Hòa Bình đã có Báo cáo 499 CV-TA giải trình vụ án dân sự phúc thẩm, đề nghị xem lại kháng nghị giám đốc thẩm.

Trong báo cáo trên, TAND tỉnh Hòa Bình bày tỏ không đồng tình với Quyết định số 31/2018/HN-DS của TAND cấp cao tại Hà Nội và đưa ra một số ý kiến:

Thứ nhất, trong quá trình tác nghiệp, Chi cục THADS huyện Kim Sơn không tiến hành xác minh điều kiện thi hành án đúng quy định tại Điều 44, Luật THADS. Thực chất toàn bộ tài sản bị kê biên bán đấu giá không phải tài sản riêng của ông Sơn, bà Lan mà đây là tài sản chung hợp nhất của nhiều đồng sở hữu.

Thứ hai, Chi cục THADS huyện Kim Bôi, Trung tâm DVBĐGTS tỉnh Hòa Bình, Công ty tư vấn và thẩm định giá doanh nghiệp BCV có nhiều thiếu sót về trình tự, thủ tục kế biên, cưỡng chế thi hành án.

Thứ ba, trong quá trình thẩm định, kê biên đấu giá tài sản, Chi cục THADS huyện Kim Bôi, Trung tâm DVBĐGTS tỉnh Hòa Bình, Công ty tư vấn và thẩm định giá doanh nghiệp BCV còn thẩm định, kê biên thiếu tài sản; không mô tả đặc điểm, chất lượng tài sản như đúng thực tế; thẩm định, kê biên không đúng với tài sản từ đó áp giá không chính xác đối với các hạng mục tài sản của hộ gia đình Sơn - Lan.

Thứ tư, Chi cục THADS huyện Kim Bôi không giải quyết khách quan, triệt để những yêu cầu khiếu nại của những người có liên quan đến tài sản thi hành án là bà Hiển, cháu Dung, cháu Phương.

Thứ năm, TAND cấp cao nhận định cho rằng ông Sơn, bà Lan phải thi hành 4 bản án, quyết định là đúng, nhưng chưa đủ vì ông Sơn, bà Lan còn là người được thi hành án. Quyết định dân sự số 11/2013 QĐST-DS ngày 4/4/2013 đã có hiệu lực pháp luật, ông Sơn, bà Lan còn được thi hành án đối với ông Nguyễn Đức Trường và bà Bùi Thu Huyền, trú tại Nam Thượng, Kim Bôi với số tiền 1,731 tỷ đồng nhưng Chi cục THA không thi hành.

Nhận định như Quyết định kháng nghị là không khách quan, không công bằng cho cả 2 bên.

Trong báo cáo nêu trên, TAND tỉnh Hòa Bình còn trích dẫn các quan điểm của VKSND tối cao, VKSND tỉnh Hòa Bình, VKSND huyện Kim Bôi trong quá trình giải quyết vụ án.

Tại Văn bản số 310/BC-VKS-DS ngày 19/7/2017 của VKSND huyện Kim Bôi khẳng định thông qua việc kiểm sát việc giải quyết việc giải quyết vụ kiện, VKSND huyện Kim Bôi nhận thấy Chi cục THADS huyện Kim Bôi, Trung tâm DVBĐGTS tỉnh Hòa Bình, Công ty tư vấn và thẩm định giá doanh nghiệp BCV đã có những sai phạm về kê biên, bán đấu giá.

Tại Quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm của VKSND huyện Kim Bôi, quan điểm của Kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm đều khẳng định các sai phạm của Chi cục THADS huyện Kim Bôi, đề nghị hủy hợp đồng bán đấu giá tài sản, hủy kết quả bán đấu giá tài sản, giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

Tại Công văn số 2625/VKSNDTC-11 ngày 06/7/2016, Viện KSNDTC nhận định: “...Trong vụ việc này, tài sản bị kê biên và bán đấu giá của vợ chồng Sơn, bà Lan được cấp cho hộ gia đình. Thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2002, khi đó hộ gia đình ông Sơn, bà Lan ngoài hai vợ chồng đã có hai cháu Phạm Lê Dung, Phạm Lê Phương. Như vậy, tài sản bị kê biên phải được coi là tài sản chung của hộ gia đình…”.

Thế nhưng, ngày 15/3/2019, tại phiên Giám đốc thẩm, ông Nguyễn Văn Sơn, Thẩm phán cao cấp - Chủ tọa phiên tòa đã Quyết định giám đốc thẩm hủy toàn bộ Bản án dân sự Bản án dân sự phúc thẩm số 25/2017/DS-PT ngày 28/12/2017 của TAND tỉnh Hòa Bình; Giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Hòa Bình giải quyết theo thủ tục phúc thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

TAND huyện Kim Bôi đã có thông báo về việc thụ lý vụ án do bản án dân sự sơ thẩm số số 04/2017/DS-ST ngày 04/2017/DS-ST ngày 21/08/2017 của TAND huyện Kim Bôi đã bị sửa toàn bộ và bản án dân sự phúc thẩm số 25/2017/DS-PT ngày 28/12/2017 của TAND tỉnh Hòa Bình đã bị hủy toàn bộ nên ngày 26/02/2021, TAND huyện Kim Bôi đã thụ lý vụ án dân sự số 02/2021/TLST-DS về việc “Tranh chấp hủy hợp đồng và kết quả bán đấu giá thi hành án dân sự”.

THADS là giai đoạn thực thi các bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan tài phán nhằm khôi phục  các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Nhưng trong vụ việc này, TAND tỉnh Hòa Bình và VKSND các cấp đã chỉ ra nhiều bất thường trong công tác thi hành án của Chi cục THADS huyện Kim Bôi.

Vụ án “Tranh chấp hủy hợp đồng và kết quả bán đấu giá thi hành án dân sự” của bà Lê Thị Hiển và các cháu nội là một vụ việc điển hình, do đó, dư luận đang mong chờ một bản án công tâm, khách quan của Hội đồng xét xử, đảm bảo sự thượng tôn của pháp luật, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên đương sự và các bên có liên quan trong vụ án.

 

 

 

 

 

Văn Minh
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top