Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 6 năm 2017 | 4:6

Hương An trên hành trình xây dựng đô thị loại V

Xã Hương An là đầu mối giao thông quan trọng của Quế Sơn (Quảng Nam), có Quốc lộ 1 đi qua, là điểm đầu của Tỉnh lộ 611 đi các huyện Nông Sơn, Hiệp Đức qua địa bàn Đông Phú, là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh quốc phòng của huyện. Với lợi thế này, chính quyền và nhân dân nơi đây đang hướng đến mục tiêu xây dựng Hương An thành đô thị loại V.

Ngã ba Hương An.

 

Hương An là khu vực giao thoa giữa các khu vực phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch lớn như Đà Nẵng, Khu kinh tế mở Chu Lai. Ra phía Bắc 8km là thị trấn Nam Phước, vào phía Nam 2km là thị trấn Hà Lam. Với lợi thế về giao thông, vị trí địa lý, Hương An hội tụ đủ mọi điều kiện để phát triển đô thị, nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Hiện, đô thị Hương An là trung tâm thương mại dịch vụ công nghiệp phía Đông của huyện Quế Sơn và của cụm động lực số 2 tỉnh Quảng Nam;  là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa - xã hội, đầu mối giao thông giao lưu kinh tế của các xã vùng Đông huyện Quế Sơn.

Từ những thuận lợi đó, trong thời gian qua, Hương An đã có những chuyển biến đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; cơ sở hạ tầng của xã được xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo tương đối đồng bộ theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng với tiến trình phát triển. Đặc biệt, trên địa bàn xã đang đầu tư xây dựng các tuyến đường, khu dân cư kiểu mẫu, nhiều dự án đầu tư xây dựng đang được triển khai như: Khu công nghiệp Đông Quế Sơn đang được xây dựng ngày càng hoàn thiện, Cụm công nghiệp Hương An với Khu liên hợp sợi - dệt - nhuộm - may với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Trong những năm qua, kinh tế của xã Hương An có bước tăng trưởng khá rõ nét. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã tuy không tăng đều hàng năm nhưng vẫn luôn đạt và vượt chỉ tiêu của Nghị quyết HĐND đề ra. Được sự quan tâm đầu tư có tập trung của tỉnh và huyện trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2013 - 2015 của xã đạt 16%. Thu nhập bình quân tính đến năm 2015 đạt 25,87 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,01%.

Kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ - công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế trên địa bàn. Mức độ đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thương mại - dịch vụ và công nghiệp tăng cao. Bên cạnh đó, nhân dân Hương An cũng tích cực chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng - vật nuôi từng bước đem lại hiệu quả, một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ như cơ khí, gò, hàn, xay xát, may mặc, vận tải và dịch vụ... phát triển. Hệ thống cơ sở hạ tầng: Giao thông nông thôn, điện, trạm y tế, trường học, chợ được đầu tư xây dựng kiên cố, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Theo ông Dương Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quế Sơn, Hương An đã được công nhận là xã nông thôn mới vào năm 2014. Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hương An đã có quy hoạch và định hướng phát triển thành đô thị. Do vậy, để nâng cao các tiêu chí đã đạt được trong việc thực hiện đề án xây dựng xã nông thôn mới, xây dựng và nâng lên chuẩn đô thị loại V là hướng đi phù hợp. Hương An cũng là trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ của huyện nên đáp ứng nền tảng của đô thị loại V và có nhiều tiềm năng, triển vọng để phát triển tốt trong tương lai gần, tạo ra sức lan tỏa cho các xã đồng bằng của huyện Quế Sơn.

Ông Hoàng cho rằng, với vị trí và vai trò quan trọng của Hương An đối với khu vực, nên việc xây dựng xã thành đô thị loại V là rất cần thiết. Được công nhận đô thị loại V, Hương An sẽ mở ra nhiều cơ hội để phát triển trên mọi lĩnh vực theo các tiêu chí phát triển cao hơn. Qua đó sẽ mang lại bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại và cuộc sống có chất lượng tốt, tiện nghi hơn cho nhân dân, đồng thời tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò chức năng là trung tâm kinh tế - công nghiệp - thương mại - dịch vụ của huyện và cả vùng, làm đòn bẩy cho quá trình phát triển kinh tế của địa phương.

Ngọc Lan

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top