Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 4 năm 2019 | 13:41

Khánh Hòa chuyển đổi cơ cấu: Tăng diện tích cây ăn quả

Trồng cây ăn quả, nâng cấp quy mô chăn nuôi đang là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi được nhiều nông dân ở Khánh Hòa lựa chọn.

1.jpg
Nông dân Ninh Hòa chuyển từ cây mía đường sang trồng bưởi da xanh.

 

Năm 2019, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi 777ha cây trồng, hỗ trợ phát triển chăn nuôi tập trung đối với hơn 34.000 con gia súc, gia cầm và hỗ trợ 1 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Tổng kinh phí thực hiện cho hoạt động này gần 43,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 18,7 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân.

Tập trung trồng cây ăn quả

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2019, các địa phương trên toàn tỉnh đăng ký chuyển đổi 777ha cây trồng. Trong đó, huyện Khánh Sơn có diện tích chuyển đổi lớn nhất, 317,5ha. Diện tích kém hiệu quả đang được người dân đặc biệt chú trọng chuyển sang trồng sầu riêng. Dự kiến năm nay, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ cho nông dân Khánh Sơn hơn 9,2 tỷ đồng để chuyển sang trồng mới  262ha sầu riêng, 50ha bưởi da xanh và 5ha mía tím. Vụ sầu riêng năm 2018, Khánh Sơn thắng lớn cả về năng suất và giá bán, 1ha sầu riêng cho thu nhập bình quân 200 - 400 triệu đồng. Đó là cú huých giúp cho người dân mạnh dạn hơn trong quá trình chuyển đổi.

Năm 2019, nông dân huyện Vạn Ninh chuyển đổi 230ha, trong đó chủ yếu là chuyển sang trồng cây ăn quả. Theo ông Đỗ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn: “Xã vừa đón nhận bằng công nhận xã nông thôn mới vào cuối tháng 2. Vấn đề là làm sao để duy trì được thành quả đó, đặc biệt là tiếp tục nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân. Trong những năm qua, người dân trong xã đã trồng thử nghiệm nhiều loại cây ăn quả và một số cây tỏ ra thích hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nơi đây. Vì vậy, sau quá trình tìm hiểu, lựa chọn, năm 2019, người dân sẽ chuyển 30ha đất đồi, vườn tạp, rẫy tạp… sang trồng mít, bưởi, dừa, xoài, bơ, chuối. Ngoài ra, còn chuyển 35ha đất hàng năm kém hiệu quả sang trồng bắp (ngô) cao sản làm thức ăn chăn nuôi”.

Ở xã Vạn Phước, địa thế trải dài từ biển lên núi. Ở phía biển, hoạt động nuôi trồng thủy sản tương đối phát triển; còn ở phía đồi núi, gần hồ chứa nước Hoa Sơn, tạo điều kiện cho nông dân chuyển sang trồng cây ăn quả. Năm nay, toàn bộ 49ha chuyển đổi cây trồng của xã tập trung vào các loại cây: bưởi, sầu riêng, mít, xoài, bơ, dừa.

Nâng tầm quy mô chăn nuôi

Được hỗ trợ chăn nuôi tập trung, thị xã Ninh Hòa là địa phương có nhiều mô hình đăng ký chuyển đổi nhất của Khánh Hòa. Có đến 6 xã của địa phương này đăng ký nâng cấp hệ thống chuồng trại, trang thiết bị, con giống để chăn nuôi gà, heo tập trung. Điều kiện để được hỗ trợ là 1 mô hình 100 con heo hoặc 30 con bò hoặc 4.000 con gà trở lên.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, tổng đàn gà của địa phương hiện đạt gần 1 triệu con. Những năm qua, hoạt động chăn nuôi, đặc biệt là nuôi gà, đã có bước chuyển dịch từ quy mô nông hộ, nhỏ lẻ sang trang trại, gia trại. Từ trước đến nay, hình thức chăn nuôi gà quy mô nhỏ lẻ (khoảng 20 - 30 con) ở địa phương khá phổ biến. Tuy nhiên, gần đây, hình thức nuôi gà kinh doanh đã chuyển sang gia trại, trang trại. Những cơ sở này được người nuôi đầu tư mạnh mẽ về chuồng trại, con giống, thức ăn, quy trình, công nghệ nuôi…

Chẳng hạn như trang trại chăn nuôi khoảng 9.000 con gà của ông Trần Văn Hiếu ở Ninh Ích, hay như đàn gà hàng chục nghìn con của Tổ hợp tác gà nòi thương phẩm Ninh An…, chủ các mô hình này đã đầu tư hàng tỷ đồng vào việc nâng cấp chuồng trại, con giống, thức ăn… đạt chứng nhận  an toàn vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Chính vì thế, áp dụng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp mà tỉnh Khánh Hòa đang triển khai, nông dân Ninh Hòa đăng ký chuyển sang chăn nuôi gà quy mô lớn, chủ yếu hơn 5.000 con/trại với tổng đàn hơn 30.000 con trong năm 2019.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa, trên cơ sở đăng ký của các địa phương, sở đã tổng hợp, rà soát và lập kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2019, tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thực hiện để sớm đạt được mục tiêu đặt ra.

 

 

Hồng Đăng
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top