Với hoạt động đa dạng, hiệu quả, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Hội Làm vườn đã có nhiều chương trình phối hợp quan trọng, thực sự là “cánh tay nối dài” cho chỉ đạo của ngành Nông nghiệp và PTNT.
Hai đơn vị đã cùng xây dựng được tiếng nói chung và có nhiều đóng góp quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.
PV Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xung quanh vấn đề này.
Ông có thể đánh giá vai trò của hoạt động khuyến nông trong công tác phát triển nghề vườn thời gian qua?
Trong tái cơ cấu nông nghiệp, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo các địa phương đều đánh giá hoạt động khuyến nông luôn bám sát mục tiêu tái cơ cấu toàn ngành.
Chúng ta biết, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã rất thành công cả về vĩ mô, cân đối giữa trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Trong kim ngạch xuất khẩu có những điểm sáng, đặc biệt là trong chuỗi ngành hàng phục vụ tái cơ cấu, mục tiêu chúng ta đặt ra rất hiệu quả. Trong đó có rau quả, đây chính là kết quả của sự thay đổi định hướng chuyển đổi của quá trình tái cơ cấu, mà bây giờ chúng ta thấy trong sản xuất, trước đây chúng ta nói khái niệm vườn tạp thì nay gần như không còn vườn tạp. Điều này là nhờ các hoạt động của công tác khuyến nông và Hội Làm vườn. Rất nhiều dự án, rất nhiều các hoạt động đào tạo thông tin tuyên truyền đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ. Thay vào chuyện vườn tạp, đã định hướng tạo một chuỗi ngành nghề mới, trong đó có ngành nghề rau quả, chính nhờ sự thay đổi đó đã tạo ra nghề gọi là nghề làm vườn.
Hiện nay, người sản xuất đã sản xuất rau quả theo hướng hàng hóa, trước đây nền tảng sản xuất rau quả tự cấp, tự túc. Đây là một thành công rất lớn và chính đó là động lực quyết định tạo ra các chuỗi sản phẩm, chuỗi ngành hàng.
Tôi cho rằng, vai trò của Hội Làm vườn, khuyến nông đã lan tỏa. Người nông dân nay được xem như những nghệ nhân, từ khâu chọn giống, kỹ thuật làm vườn…, rất nhiều quy trình công nghệ người nông dân đã tiếp thu được và đưa vào sản xuất.
Trong một quá trình rất ngắn, nghề làm vườn đã bứt phá trở thành một chuỗi ngành hàng, đặc biệt, trong năm khó khăn như năm 2020 này, còn nổi lên như điểm sáng trong bức tranh sản xuất và xuất khẩu.
Vai trò của khuyến nông là chuyển giao tiến bộ về kỹ thuật, tiến bộ về tổ chức sản xuất đến với hộ và nhóm hộ nông dân. Hoạt động khuyến nông là quá trình thuyết phục, đào tạo làm thay đổi nhận thức và kỹ năng sản xuất nông nghiệp của nông dân bằng nhiều hình thức như: xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo tập huấn, tuyên truyền thông qua báo hình, báo nói, báo viết và tư vấn trực tiếp cho nông dân.
Các hoạt động kinh tế VAC sẽ có hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần nếu đưa công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi. Mối quan hệ mật thiết giữa công tác khuyến nông và Hội Làm vườn ngày càng hiệu quả, nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị lợi nhuận cao.
Qua chuyển giao kỹ thuật làm vườn cũng tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch về cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tích cực và hiệu quả, phát huy được tiềm năng kinh tế vườn, giúp nông dân vươn lên làm giàu.
Cụ thể là nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả hoặc đất lúa đan xen vườn cây ăn trái sang lập vườn chuyên canh hoặc xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp mà vườn đặc sản là xương sống kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học, lắp đặt hầm ủ biogas hoặc mở rộng ngành nghề nông thôn... Trong lập vườn chuyên canh ngày nay, nông dân đoạn tuyệt với tập quán canh tác kiểu cũ, thay vào đó, chuyển đổi sang trồng cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh như: Xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, bưởi da xanh, thanh long,... với sự ứng dụng đồng bộ những giải pháp kỹ thuật từ quy hoạch vườn, chọn giống sạch bệnh đến chăm sóc, xử lý thu hoạch rải vụ,... Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế vườn mang lại cao gấp nhiều lần, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, nông dân giàu lên, nông thôn, nông nghiệp đổi mới và đạt tiêu chí nông thôn mới.
Sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông và Hội Làm vườn trong việc tuyên truyền, tập huấn các biện pháp kỹ thuật và canh tác thể hiện ngày càng rõ nét. Xin ông cho biết, các hoạt động phối hợp mang đến hiệu quả như thế nào cho người sản xuất?
Trung tâm Khuyến nông đã kết hợp với rất nhiều đơn vị. Đã làm khuyến nông phải xác định công nghệ đến từ đâu, và chúng tôi xác định công nghệ đến từ các viện, trường, doanh nghiệp, ngoại nhập và từ người sản xuất được tích lũy, nâng lên, được quy trình hóa trở thành công nghệ đầu vào cho khuyến nông.
Chỉ khi chúng ta có công nghệ đầu vào tốt thì mới có sự phối hợp tốt với các đơn vị, đặc biệt là các hội, trong đó có Hội Làm vườn. Vì sự lan tỏa, sự đồng điệu trong việc đưa công nghệ vào, chúng tôi đánh giá rất cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Hội Làm vườn, gần như chung tiếng nói, sau khi chúng tôi có bộ công nghệ như vậy đã được minh chứng, phù hợp. Thông qua mạng lưới khuyến nông kết hợp với hội viên của Hội Làm vườn. Hội viên Hội Làm vườn lại nằm trong các hội rất khác nhau như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…
Vai trò Hội Làm vườn có điểm khác biệt, đó là trong quá trình có sự sáng tạo và điều chỉnh. Trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với Hội Làm vườn tổ chức những diễn đàn, lớp đào tạo, các dự án để xây dựng các mô hình, rất hiệu quả, tính lan tỏa cao, gần sát với thực tiễn và có sáng tạo, có điều chỉnh.
Hội Làm vườn có những chuyên gia rất giỏi, ở địa phương là những người rất sát thực tiễn, người sản xuất là những người có kỹ năng tốt. Trong Hội Làm vườn có phân cấp rất rõ và sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cho nên khi chúng tôi làm việc cùng Hội, luôn có sự phối hợp hiệu quả và gần gũi. Từ đó mang đến sự thành công lớn cho người sản xuất.
Trong giai đoạn phát triển công nghệ 4.0, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế vườn. Hoạt động khuyến nông đã giúp nông dân tiếp cận thuận lợi hơn tiến bộ kỹ thuật, từ đó chủ động áp dụng vào sản xuất. Ông có thể nói rõ hơn về việc triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nghề vườn?
Nói công nghệ 4.0 là một tiến bộ của nhân loại, nhưng để ứng dụng từng việc một không hẳn là dễ. Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh những quy trình công nghệ, ứng dụng công nghệ 4.0 để thể hiện nó. Ví dụ các kỹ thuật cần đến sự minh họa, cần đến hiện thực hóa, cần đến hình ảnh hóa thì chúng ta sẽ xây dựng những clip có sự tham gia từ chuyên gia đến nghệ nhân, đến trực tiếp với các hình ảnh minh họa. Sau đó, người dân chỉ cần mất 5-7 phút qua clip đó có thể học hỏi, thực hiện được các thao tác công nghệ khó.
Về kỹ năng, chúng tôi ưu tiên sử dụng kỹ năng của các nghệ nhân. Ví dụ cắt tỉa, các biện pháp xử lý mà có hình ảnh trực quan làm thế nào để hiện thực hóa, thậm chí không cần trình bày giảng giải.
Sử dụng đội ngũ chuyên gia, ví dụ chúng tôi nhờ các đội ngũ chuyên gia tạo các clip hướng dẫn đến người làm vườn.
Hiện nay, chúng tôi cũng đang xây dựng thêm các ứng dụng (app), ứng dụng công nghệ qua app, để vừa khai thác thông tin vừa giải đáp, và có thể xử lý một số tình huống ví dụ các loại sâu bệnh, chỉ cần tương tác 2 chiều có thể xử lý hoàn toàn qua mạng được.
Khó khăn trong công tác khuyến nông cho người làm vườn hiện nay là gì, thưa ông?
Hiện nay, chúng ta thì cần nhiều hơn nữa về phương pháp. Mặc dù thời gian vừa qua hệ thống khuyến nông phát triển rất tốt, song hệ thống chúng ta đang tổ chức lại, nhiều địa phương, nhiều tỉnh mất hệ thống
Thứ 2, chúng ta vẫn làm khuyến nông theo kiểu Việt Nam, vẫn cần phương pháp khuyến nông hiện đại hơn nữa. Hiện nay các viện, các trường nghiên cứu về phương pháp khuyến nông là không được chú trọng, mà chúng tôi cho rằng nhất là trong giai đoạn tới, khuyến nông cần phải đổi mới phương pháp.
Muốn đổi mới cần phải có những nghiên cứu, phải có tăng cường năng lực, đặc biệt phải lưu ý về hệ thống, đã là khuyến nông thì cần phải hệ thống, tức là, cần xuyên suốt từ Trung ương, địa phương và người dân, làm sao kết nối được với nông dân.
Chúng tôi đang tìm đối tác để đổi mới phương pháp tiếp cận khuyến nông trong thời đại mới, theo chuỗi giá trị, theo thị trường toàn cầu với một loạt các FTA được ký. Khuyến nông cần phải tăng cường năng lực theo hướng đó.
Để thực hiện hiệu quả công tác khuyến nông trong các mô hình kinh tế VAC, ông có đề xuất, kiến nghị gì?
Thực ra, định hướng lớn của công tác khuyến nông là làm sao cả xã hội cùng làm khuyến nông. Cho nên chúng tôi đang tăng cường hợp tác công - tư trong công tác khuyến nông. Thế nhưng, để làm được việc này thì vai trò của Nhà nước vẫn là chủ đạo. Chúng tôi cũng đang báo cáo và có lẽ phải có một đề án đổi mới hoạt động trong tình hình mới.
Ví dụ bây giờ người nông dân người ta rất cần có một đơn vị để tư vấn là sản phẩm định đi đến thị trường nào, sản xuất theo tiêu chuẩn nào. Hội Làm vườn cũng như khuyến nông sẽ là người thiết kế; người thi công chính là người nông dân, sản phẩm mới xã hội hóa nằm ở đấy; người giao dịch giữa doanh nghiệp với người sản xuất thông qua được một sự thiết kế như vậy thì giá trị sản phẩm sẽ được nâng lên. Tức là doanh nghiệp nào cũng muốn tôi mua được sản phẩm đúng mong muốn. Người sản xuất cũng mong muốn sản phẩm đáp ứng nhu cầu người mua. Những người hướng dẫn chính là khuyến nông và hội viên Hội Làm vườn. Họ chính là những người tư vấn thiết kế, nhưng bây giờ phải có cơ chế cho các đơn vị tư vấn thiết kế được hưởng giá trị của tư vấn thiết kế. Câu chuyện hợp tác công - tư mang lại hiệu quả cho các bên tham gia.
Một trong những hội nghề nghiệp gắn bó nhiều với khuyến nông chính là Hội Làm vườn. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch trong những năm tiếp theo, ngoài phối hợp mang tính chất truyền thống thì sẽ tăng cường hơn, nhất là tôi biết là Hội chuẩn bị tiến hành Đại hội và cũng sẽ có sự chuyển giao thế hệ. Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội để hai bên tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm, đặc biệt nâng tầm quan hệ dựa trên kết quả gắn bó trong giai đoạn vừa qua.
Trân trọng cảm ơn ông!.
Hệ thống khuyến nông hiện nay có mặt ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Tổng số người làm công tác khuyến nông khoảng 36 nghìn người, trong đó cán bộ khuyến nông là trên 15 nghìn người và cộng tác viên khuyến nông khoảng 21 nghìn người. Mạng lưới khuyến nông được tổ chức từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã và một số tỉnh miền núi có cộng tác viên đến cấp thôn bản. Đặc biệt, mạng lưới khuyến nông cấp cơ sở hàng ngày tư vấn, chuyển giao kỹ thuật mới đến với nông dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất của mỗi địa phương. Vận hành tốt hệ thống này trên cơ sở cập nhật công nghệ mới sẽ tạo ra sức mạnh rất lớn, nó được ví như cung cấp nhiên liệu cho cỗ máy khổng lồ sản xuất nông nghiệp của cả nước. |
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.