Kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng. Hàng năm, bằng nguồn kinh phí được duyệt, Chi cục đã kiểm tra, lấy mẫu rau phân tích nhanh dư lượng thuốc BVTV thuộc gốc Carbamate và lân hữu cơ. Từ kết quả phân tích, Chi cục có kế hoạch tập huấn giúp các cơ sở và nông dân điều chỉnh quy trình sản xuất an toàn.
90% diện tích rau Lâm Đồng sản xuất theo mô hình nông hộ được thường xuyên kiểm soát dư lượng thuốc BVTV .
Khoảng 90% diện tích rau quy mô nông hộ
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng, với nhiều ưu thế về khí hậu, đất đai, Lâm Đồng phát triển mạnh nghề trồng rau, đặc biệt là rau ôn đới và á nhiệt đới. Những năm gần đây, mỗi năm diện tích gieo trồng rau của Lâm Đồng đạt hơn 60.000ha, sản lượng từ 2 triệu tấn trở lên. Trong đó, khoảng 48% diện tích gieo trồng các loại rau ăn lá (xà lách, bó xôi, cải bắp, cải thảo, cải ngọt, cải dưa, rau thơm, cần tây, hành poireau, đọt bí, đọt su su….); 20% rau ăn củ (khoai tây, cà rốt, hành tây, củ dền, su hào, củ cải, củ đậu….); 32% rau ăn quả (su su, cà tím, bầu, bí, cà chua, mướp đắng, dưa leo, đậu cove, đậu hòa lan, ớt ngọt, ớt cay,…).
Diện tích rau tập trung tại Đơn Dương (diện tích 23.000ha, sản lượng 800.000tấn), Đức Trọng (gần 20.000ha, sản lượng 688.000tấn), Đà Lạt (12.000ha, sản lượng 438.000 tấn) và Lạc Dương (4.000ha, sản lượng 140.000tấn); 70% sản lượng rau tiêu thụ ở thị trường TP.Hồ Chí Minh; còn lại 30% ở thị trường Hà Nội, các tỉnh Duyên hải miền Trung và phía Nam thông qua hệ thống chợ đầu mối.
Lâm Đồng hiện có gần 170 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận sản xuất rau tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích hơn 1.300ha, sản lượng gần 123.000 tấn/năm; riêng 33 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 202ha (sản lượng gần 7.200 tấn/năm).
“Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người sản xuất; đồng thời thúc đẩy kết nối giữa sản xuất với thị trường, tăng thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu rau, quả an toàn…”, Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng đánh giá.
Tuy nhiên, do 90% diện tích rau được canh tác theo quy mô nông hộ, trong khi phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần… liên kết sản xuất vẫn chưa chủ động kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, nên luôn đặt ra yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng. Năm vừa qua, chỉ có gần 20% doanh nghiệp, đơn vị kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thực hiện tự kiểm soát, lấy mẫu phân tích, ghi chép nhật ký đồng ruộng để thuận lợi khi truy xuất nguồn gốc.
Duy trì lấy mẫu kiểm tra
Xác định việc kiểm soát dư lượng thuốc BVTV là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng luôn bố trí cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất ghi chép nhật ký đồng ruộng, thực hành quy trình sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”.
Kết quả năm vừa qua, Chi cục lấy 550 mẫu rau trên 550 lô hàng (gần 435 tấn) tại cơ sở sản xuất VietGAP phân tích và đều đạt ngưỡng an toàn. Đó là các loại rau gồm: hành poireau, cần tây, cải thảo, hành tây, ớt ngọt, cải bắp, cà chua, đậu leo, đậu Hà Lan, khoai tây….
Đặc biệt, Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng đã hoàn thành công tác điều tra với những kết quả tích cực. Cụ thể, 100% hộ nông dân nắm được triệu chứng, nguyên nhân gây hại và biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây rau, hiểu biết về sự cần thiết sử dụng và bảo vệ thiên địch trong phòng trừ dịch hại, tuân thủ đúng thời gian cách ly của thuốc BVTV. Đồng thời quan tâm sử dụng các loại thuốc sinh học, giảm trung bình 2 - 3 lần sử dụng thuốc BVTV/vụ.
Trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng sẽ đẩy mạnh thanh - kiểm tra sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” và thu gom, tiêu hủy bao bì từ 1-2 lần/năm; thời gian cách ly của dư lượng thuốc BVTV 2 lần/vụ; 100% tổ chức, cá nhân sản xuất rau, dâu tây VietGAP không sử dụng thuốc ngoài danh mục, thuốc cấm sử dụng; chỉ sử dụng thuốc sinh học, thảo mộc, thuốc có độ độc thấp (nhóm 4) có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Để đạt mục tiêu vừa nêu, Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP; duy trì chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn với TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; hàng tháng lấy mẫu rau phân tích dư lượng thuốc BVTV, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong việc sử dụng thuốc BVTV không đúng quy định; tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau, sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, có độ độc thấp để phòng trừ các đối tượng dịch hại; phối hợp với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV khảo nghiệm tìm thuốc phòng trừ dịch hại trên cây rau chưa đăng ký trong danh mục.
Văn Việt
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.