Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 2 năm 2017 | 2:50

Kinh nghiệm nhân rộng mô hình khuyến nông ở Thái Bình: Làm tốt công tác tuyên truyền

Thời gian qua, hệ thống khuyến nông Thái Bình tham gia xây dựng một số loại mô hình trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, công nghệ sinh học, đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực.

Bà con nông dân tham quan mô hình trồng lúa do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình thực hiện.

Trong đó phải kể đến mô hình chuyển đổi giống cây trồng mới thay thế giống cũ, như các giống lúa BC15, BT7, T10, RVT, lúa Nhật (Japonica), hay Nhị ưu 838, D.ưu 527, Nam dương 99, Nam ưu 209, ZZD001… thuộc nhóm lúa lai; các cây màu có giống khoai tây Diamon, Solaza, Marabel, Atlantic; cây ngô có ngô nếp HN88, LVN4, LVN10, ngô đường Suger 75 và một số giống rau màu khác. Đây là những giống đã qua khảo nghiệm, hiện đang chiếm chủ đạo trong cơ cấu cây trồng của tỉnh.

Về giải pháp gieo thẳng, gieo sạ bằng công cụ sạ hàng, chỉ trong vòng 8 năm kể từ vụ xuân 2008 khi Trung tâm Khuyến nông Thái Bình xây dựng mô hình gieo sạ đầu tiên, đến nay, diện tích áp dụng đã lên đến gần 40.000ha vụ xuân và trên 20.000ha vụ mùa, chưa có một giải pháp kỹ thuật nào được nhân rộng và nhanh như thế, lợi ích mang lại hàng trăm tỷ đồng.

Trong chăn nuôi, các giống gia cầm mới như vịt Chiết Giang, giống gà VP2, gà Ri lai Lương Phượng, gà mía lai Lương Phượng, gà Móng, gà chuyên trứng UA…  đang được các hộ chăn nuôi đưa vào sản xuất. Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường hiện đã có hàng nghìn hộ chăn nuôi áp dụng, không những giải quyết triệt để mùi hôi thối do chất thải mà còn giúp gia súc, gia cầm tăng trọng nhanh, phòng chống được một số bệnh dịch.

Mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, hay ứng dụng công nghệ nhà lạnh trong bảo quản khoai tây giống là các giải pháp kỹ thuật được nhân ra diện rộng nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động, giải quyết khó khăn trong lúc thời vụ căng thẳng.

Tổng kết những mặt được và chưa được trong xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (TBKT) trong thời gian qua, một số bài học kinh nghiệm được rút ra là:

Mô hình khuyến nông chỉ là một khâu trong quá trình chuyển giao TBKT vào sản xuất nông nghiệp (tập huấn kỹ thuật - xây dựng mô hình - tham quan học tập - tuyên truyền - hỗ trợ ban đầu cho người áp dụng TBKT). Vì vậy, nếu chỉ có đầu tư mô hình rồi hy vọng mô hình tự nhân rộng trong điều kiện hiện nay là chưa đầy đủ. Cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân nắm được TBKT cũng như quy trình áp dụng vào thực tế. Việc đưa các công nghệ mới, giải pháp mới vào sản xuất ban đầu bao giờ cũng khó khăn về kỹ thuật, vốn, thị trường, đất đai…, rất cần sự vào cuộc và hỗ trợ của nhà nước, các cấp, ngành. Thực tế thời gian qua đã chứng minh các chính sách hỗ trợ của tỉnh Thái Bình về máy nông nghiệp, thiết bị kho lạnh bảo quản củ giống khoai tây, hỗ trợ thuốc trừ cỏ trong gieo sạ, gieo thẳng, hỗ trợ giống mới, hỗ trợ tập huấn… đã thúc đẩy việc đưa TBKT vào sản xuất, nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này chỉ nên tiến hành ở giai đoạn đầu để khuyến khích áp dụng công nghệ mới. Khi thị trường công nghệ và nền sản xuất hàng hóa phát triển, người nhận chuyển giao phải trả phí cho công tác chuyển giao và TBKT mà họ sử dụng.

Sự lan tỏa của mô hình khuyến nông còn phụ thuộc vào TBKT có phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và khả năng đầu tư của nông dân, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay yêu cầu của thị trường về số lượng, chất lượng sản phẩm quyết định mức độ, quy mô sản xuất. Điều này khẳng định cần phải có sự vào cuộc của nhà nước, doanh nghiệp, cũng như các hiệp hội ngành hàng để quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Tuy nhiên, lực lượng trực tiếp làm công tác chuyển giao TBKT nhân rộng mô hình còn bất cập. Khuyến nông viên cơ sở là lực lượng trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho bà con nông dân trong các khâu kỹ thuật quan trọng khi áp dụng TBKT, chưa được quan tâm đúng mức, đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chuyển giao. Do vậy, cần thiết phải kiện toàn đội ngũ này để thúc đẩy nhanh việc nhân rộng các mô hình khuyến nông ở cơ sở, phục vụ thiết thực chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và bền vững.  

Nguyễn Như Liên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top