Sáng ngày 29/7, Tỉnh ủy Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (29/7/1930 - 29/7/2020).
Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong suốt 90 năm xây dựng và trưởng thành.Thanh Hóa là một trong số ít địa phương thành lập đảng bộ từ rất sớm, ba tổ chức Đảng liên tiếp được thành lập và sớm hợp nhất thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá. Sự ra đời của Đảng đã đánh dấu bước ngoặt trọng đại đối với con đường phát triển đi lên của tỉnh nhà.
Lịch sử ra đời, đấu tranh, xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng và truyền thống vẻ vang của quê hương Thanh Hóa anh hùng. Với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường, với tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa các quan điểm, nghị quyết, chủ trương của Trung ương Đảng, đề ra những quyết sách phù hợp với từng thời kỳ lịch sử. Bằng ý chí phấn đấu không ngại gian khó, không sợ hy sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên, bằng tinh thần đoàn kết, gắn bó máu thịt với Nhân dân.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Trung ương Đảng và Bác Hồ luôn dành cho Thanh Hóa niềm tin yêu và kỳ vọng đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần trực tiếp về thăm Thanh Hóa, nhiều lần người tặng Cờ thi đua Quyết thắng, cùng với hàng trăm bức thư, bức điện khen ngợi các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và chiến đấu.
Trong đó, lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa vào ngày 20/02/1947, Bác đã căn dặn: "Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”. Lời dạy của Bác đã trở thành tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Thực hiện lời dạy của Người, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh vừa đánh trả các cuộc tấn công, càn quét của địch, vừa xây dựng hậu phương vững mạnh cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội, được xem là “Thủ đô văn hóa trong kháng chiến”. Tỉnh đã huy động cao nhất sức người, sức của, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, được Bác Hồ khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh gian khổ và ác liệt, Thanh Hóa là một trong những địa phương của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chịu sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, song với lòng yêu nước và tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, trực tiếp chiến đấu, ra sức chi viện lớn nhất cho miền Nam ruột thịt. Với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai”, Nhân dân Thanh Hóa đã tích cực lao động sản xuất, chắt chiu từng hạt gạo, từng tấm vải, từng cân lương thực, thực phẩm gửi ra chiến trường, anh dũng bám đất, bám làng, phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực đánh trả quyết liệt các đợt tập kích của đế quốc Mỹ, bảo vệ thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, lực lượng vũ trang tỉnh ta được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đã có 4.610 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hung, 219 tập thể, 98 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động. Những phần thưởng cao quý và niềm vinh quang lớn lao đó mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn lực tinh thần to lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tự tin bước vào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực.
Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để lãnh đạo, điều hành xây dựng và phát triển quê hương, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc về mọi mặt.
Về tốc độ tăng trưởng nhanh và đột phá tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước đạt 12,5%, gấp 1,54 lần so với giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch tích cực, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước, vừa khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà.
Năm 2020 ước đạt trên 229 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước. Tốc độ thu bình quân hằng năm ước đạt 18,1%, là một trong các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước, năm 2020 dự kiến thu được khoảng 30.000 tỷ đồng, gấp 2,75 lần năm 2015 và gấp gần 7,5 lần năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 11 cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.670 USD, gấp 1,9 lần năm 2015.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển toàn diện; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, đã có 8 đơn vị cấp huyện, 367 xã và 940 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 16,7 tiêu chí/xã, là một trong số các tỉnh có kết quả xây dựng nông thôn mới tốt nhất cả nước. Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng đột phá, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 21,2%, đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước. Dịch vụ phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng và loại hình, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 9,1%, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, đặc biệt trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của COVID-19, tỉnh ta đã tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu kép đó là: Vừa kiểm soát và khống chế cơ bản thành công đại dịch COVID-19, vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong hội nghị xúc tiến đầu tư vào địa bàn, với 19 dự án có tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư, 15 dự án được ký ghi nhớ đầu tư với tổng mức đầu tư 12,5 tỷ USD.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, bình quân hàng năm giảm 2,56%; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được củng cố,vai trò, vị thế, uy tín của tỉnh Thanh Hóa ngày càng được nâng cao.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tiến hành nghiêm túc, bài bản, đúng quy định.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, là dịp để chúng ta ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong 90 năm qua, niềm tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng. Phát huy truyền thống 90 năm vẻ vang của Đảng bộ tỉnh và bề dày lịch sử hơn 990 năm Thanh Hóa, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nguyện đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; quyết tâm phấn đấu xây dựng Thanh Hoá đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, sớm thực hiện thắng lợi “khát vọng thịnh vượng” và trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Nhân dịp này, Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tặng Bằng khen cho 45 tập thể và 45 cá nhân tiêu biểu trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong giai đoạn 2015 -2020.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để chuyển hóa truyền thống cách mạng, văn hóa, lịch sử lâu đời, cần tiếp tục giữ gìn, cũng cố vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và các tầng lớp nhân dân, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trương ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh đó Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa, cần tiếp tục phát huy hơn nữa ý trí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, năng động, sáng tạo, phát huy mạnh mẽ nội lực là nhân tố quyết định chiến lược, cơ bản lâu dài, đồng thời tranh thủ tối đa ngoại lực từ bên ngoài để phát triển kinh tế bền vững và lâu dài.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.