Phong trào làm vườn giỏi theo gương Bác Hồ vĩ đại đã đạt được nhiều kết quả.
Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với GS. TS. Ngô Thế Dân, Chủ tịch Trung ương HLV Việt Nam để biết thêm về phong trào này.
PV: Theo GS. TS, đâu là khởi nguồn của phong trào làm vườn giỏi theo gương Bác Hồ vĩ đại?
GS.TS Ngô Thế Dân: 10 năm sau khi Bác mất, tưởng nhớ công lao vĩ đại của Bác, đặc biệt là với nông dân, năm 1979, Bộ Nông nghiệp và Bộ Thủy sản phát động phong trào Vườn cây Bác Hồ và Ao cá Bác Hồ trên toàn quốc.
Khi còn sống, Bác rất quan tâm đến nông dân, phát triển vườn, trồng cây để cải thiện môi trường và đời sống. Với Bác, ngay trong Phủ Chủ tịch, bên nhà sàn của Bác là vườn cây, ao cá. Sau mỗi ngày làm việc, Bác ra vườn, chăm ao cá để thư giãn, thư thái hơn.
Ngày xưa làm vườn để tự cấp, tự túc, có cảnh cá bơi lượn dưới ao rất đẹp, là nơi đàm thoại của các cao nhân. Hay, khi lập nghiệp, người dân sẽ đào ao lấy đất làm nền nhà cao, tạo ao, sau nhà trồng cây ăn trái, trên đường vào nhà là hàng cây xanh, vừa tạo cảnh quanđẹp, tạo thành nơi đáng sống, vừa để phục vụ bữa ăn hàng ngày.
Các cụ vẫn nói, nhất canh trì, nhì canh viên. Nuôi cá và làm vườn còn cao hơn làm ruộng.
Để tưởng nhớ Bác, cũng như để cải thiện đời sống nông dân, thực hiện phong trào của Bộ Nông nghiệp, đồng chí Nghiêm Xuân Yêm (Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam), đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu (Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) cùng một số lão thành Bộ Nông nghiệp đã đề xuất Ban Bí thư việc thành lập Hội những người làm vườn Việt Nam, nay là Hội Làm vườn Việt Nam.
Ngay từ khi ra đời, lãnh đạo Hội đã hiểu rằng, nếu làm tốt được phong trào sẽ phát triển được ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp cũng liên tục phát động thi đua làm vườn giỏi.
PV: Thực hiện phong trào làm vườn giỏi theo gương Bác Hồ vĩ đại, HLV đã đạt được kết quả như thế nào thưa GS. TS?
GS.TS Ngô Thế Dân: Phong trào Vườn cây, Ao cá Bác Hồ hợp ý Đảng, lòng dân, đề ra đúng nguyện vọng của nhân dân nên phong trào phát triển nhanh. Ở mỗi thời kỳ đều đạt được những thành tích nhất định.
Giai đoạn đầu sau chiến tranh, đất nước nghèo đói, 60-70 % trẻ em thiếu dinh dưỡng. HLV đưa ra chủ trương làm ô dinh dưỡng, trồng cây ăn quả, nuôi thêm con cá, con gà cải thiện bữa ăn cho con cháu.
Giai đoạn 2 là xóa đói giảm nghèo, HLV phát động phong trào phát triển VAC xóa đói giảm nghèo. Giai đoạn 3, phát triển VAC theo hướng hàng hóa, xuất khẩu.
Khoảng 5-10 năm gần đây, phát triển VAC theo hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Trọng tâm là sản xuất ra nông sản sạch. Nhất là phong trào làm VAC theo hướng năng suất cao, chất lượng tốt, sạch, phục vụ xuất khẩu.
Gần đây, các mô hình của Hội Làm vườn tập trung chuyển giao kỹ thuật, vận động hội viên sản xuất sạch, tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng đúng quy trình, liều lượng, từ đó cho ra sản phẩm năng suất cao, chất lượng tốt và an toàn.
Chủ động xây dựng mô hình theo nhu cầu của các địa phương. Từ đó phát hiện nhiều mô hình tiên tiến, hàng năm có đánh giá, tổng kết để nhân rộng.
Kết quả, diện tích vườn tạp, ao hoang thu hẹp dần. Phong trào VAC không chỉ trong khuân viên của gia đình mà đưa ra cả ngoài đồng. Người dân không làm lúa thuần tuý mà đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả. Trên đồi phát triển vườn rừng; phát triển cây ăn quả, trồng rau, chăn nuôi, đào ao thả cá, phát triển thành vành đai mang lại hiệu quả rất lớn cho nhân dân.
Trước đây, thiếu lương thực, ta tập trung sản xuất lúa, hiện lúa, gạo xuất khẩu tốt. Giờ đây, Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển VAC, kết quả năm 2019, giá trị xuất khẩu rau quả đạt gần 4 tỷ USD, trong kết quả đó có sự đóng góp rất nhiều của Hội Làm vườn .
Đặc biệt, trong xây dựng NTM, Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh xin ý kiến Hội Làm vườn Việt Nam về thực hiện mô hình vườn mẫu, xây dựng NTM vào tới tận vườn, tận nhà dân. Từ đó, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân.
Sau khi triển khai, HLV đã đúc kết, báo cáo Chính phủ về kinh nghiệm xây dựng mô hình vườn mẫu và giải pháp xây dựng vườn mẫu. Kết quả được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hoan nghênh, đánh giáo cao, nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Hiện nay, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh,... đang triển khai rất tốt. Bộ Nông nghiệp và PTNT giao cho HLV thực hiện mô hình vườn mẫu ở 3 tỉnh miền núi.
Với sự đóng góp của mình, Hội Làm vườn được tặng nhiều huân chương và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước.
PV: Theo GS. TS, hiện nay, Hội Làm vườn Việt Nam đang gặp khó khăn gì khi thực hiện phong trào làm vườn giỏi theo gương Bác?
GS. TS Ngô Thế Dân: Thách thức lớn nhất là, trước đây Hội có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước. Hiện, nước ta đã là nước có thu nhập trung bình nên nhiều tổ chức quốc tế không tổ chức nhiều dự án ở nước ta, do đó, Hội phải phát triển các dịch vụ phục vụ cho làm VAC để có thu nhập.
Trước đây nặng về hội họp, bây giờ phải thay đổi cách làm, thay đổi cách suy nghĩ, áp dụng công nghệ thông tin vào làm việc, đội ngũ con người cũng phải có sự thay đổi.
PV: Thời gian tới, HLV Việt Nam có kế hoạch, việc làm cụ thể ra sao ,thưa GS. TS?
GS. TS Ngô Thế Dân: Hội Làm vườn đã và đang triển khai 3 nhiệm vụ cụ thể gồm:
Xây dựng vườn mẫu ở 3 tỉnh miền núi, sau triển khai Hội sẽ đánh giá, đúc kết, rút ra bài học để nhân rộng ra nhiều tỉnh ở miền núi.
Nhu cầu xây dựng ngôi nhà đáng sống ở đô thị rất lớn, Hội có chủ chương xây dựng vườn thành phố, tận dụng đất đai có thể trồng hoa, cây ăn quả xung quanh nhà, phát triển cây ăn quả trên tầng thượng, ban công. Phát triển mô hình chậu, vườn treo, vườn giàn, vườn không đất...
Phát triển dịch vụ phục vụ cho các chủ trang trại, gia trại trồng rau, trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. Hiện, HLV Nghệ An đang phát triển mô hình dịch vụ vườn trong phố tương đối tốt.
PV: Với vai trò là Chủ tịch HLV Việt Nam, GS. TS có chia sẻ gì với hội viên HLV nói riêng, người làm vườn nói chung về phong trào làm vườn giỏi theo gương Bác Hồ vĩ đại?
GS. TS Ngô Thế Dân: Nghề làm vườn có từ thời ông cha, gắn bó mật thiết với con người. Tổ chức hoạt động của HLV là rất cần thiết, không chỉ tăng thu nhập, giải quyết lao động nhàn rỗi, làm cho con người thanh thản, nhà sạch, vườn đẹp, thành nơi đáng sống. Nghề này không thể mất đi được mà sẽ tồn tại mãi mãi. Chỉ có điều, phải năng động, tự bươn chải, không trông chờ ỉ lại, nếu không chịu xông sáo, năng nổ thì không có gì hết.
Hoạt động đúng tính chất của hội nghề nghiệp, không bao giờ hết việc, muốn được như vậy, Hội phải đi sâu đi sát vào nhân dân, nắm bắt nhu cầu người dân cần gì để mình giúp.
Xã hội thay đổi, bây giờ HLV cũng phải thay đổi, đổi mới cách làm, đặc biệt phải học, muốn được nông dân thuê mình thì mình phải học, học để dậy cho nông dân, để nông dân thuê.
Trân trọng cảm ơn ông!
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.