Từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên (Lào Cai) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Lào Cai triển khai mô hình vỗ béo bò thịt tại xã Điện Quan; quy mô 100 con/35 hộ tham gia.
Các hộ dân tham gia mô hình được hướng dẫn sử dụng thức ăn chăn nuôi phù hợp.
Huyện Bảo Yên có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc chăn nuôi đại gia súc. Tổng đàn đại gia súc của huyện hiện đạt gần 20.000 con. Chăn nuôi trâu, bò là nguồn lợi quan trọng trong thu nhập của người dân, bà con có tập quán và kinh nghiệm nuôi từ lâu đời.
Tuy nhiên, từ xưa đến nay, người dân chỉ nuôi theo hình thức quảng canh, manh mún, nhỏ lẻ, tập quán thả rông gia súc vẫn còn phổ biến nên năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập đạt thấp. Ngoài ra, thả rông gia súc còn phá hoại sản xuất và không tận dụng được lượng phân chuồng lớn cho trồng trọt, đồng thời dịch bệnh trong chăn nuôi dễ phát sinh và khó kiểm soát, khống chế, dập dịch.
Để giải quyết các khó khăn và hạn chế trên, giúp người chăn nuôi nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị thu nhập, tạo sản phẩm an toàn cho cộng đồng, từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Lào Cai triển khai mô hình vỗ béo bò thịt tại xã Điện Quan; quy mô 100 con/35 hộ tham gia. Thời gian thực hiện từ tháng 6 - 10/2017. Định mức hỗ trợ của dự án là 50% vật tư cho các hộ tham gia, gồm cám hỗn hợp và các loại thuốc thú y tẩy giun tròn, sán lá gan, ngoại ký sinh trùng. Các hộ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc bò thịt, vỗ béo bò; hướng dẫn cách nhận biết và phòng trừ một số dịch bệnh thường gặp trên con bò.
Trước khi thực hiện dự án, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức họp thôn lựa chọn hộ tham gia đảm bảo các tiêu chí: Hộ chăn nuôi bò có kinh nghiệm, gần đường, thuận tiện chăm sóc và để các hộ tham quan học tập, là nông dân nòng cốt tiêu biểu, có khả năng tuyên truyền hướng dẫn người khác phát triển chăn nuôi bò thịt và vỗ béo; cam kết đối ứng vật tư: chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y và các yêu cầu kỹ thuật khác.
Đến nay, huyện đã tiến hành xong việc chọn hộ, chọn điểm, đo trọng lượng và phân loại bò theo nhóm tuổi, giống thể trạng, tầm vóc… và thực hiện tẩy nội ngoại ký sinh trùng trước khi đưa bò vào vỗ béo và cấp phát cám (50% tổng số thức ăn hỗ trợ) cho các hộ. Thành lập tổ, nhóm hộ nông dân thực hiện mô hình để hỗ trợ nhau trong chăn nuôi liên kết với thương lái, nhà hàng, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên tổ chức lớp tập huấn ngoài mô hình về kỹ thuật vỗ béo bò thịt. Tham gia lớp tập huấn có 30 học viên đến từ 2 xã Xuân Hòa, Điện Quan. Đây là những hộ nông dân tiêu biểu đã và đang nuôi bò, có nguyện vọng và nhu cầu được tập huấn kỹ thuật nhằm nâng cao kiến thức trong chăn nuôi bò, từ đó nhân rộng, vỗ béo đàn bò của hộ gia đình, nâng cao giá trị và tăng thu nhập.
Qua lớp tập huấn, các hộ được giảng viên của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trang bị những kiến thức cơ bản về: Chuẩn bị chuồng trại, công tác lựa chọn đối tượng bò vỗ béo, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản thức ăn chăn nuôi, các biện pháp phòng bệnh và công tác thú y trong chăn nuôi. Đặc biệt, giảng viên đã hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi cách ghi chép nhằm nâng cao biện pháp quản lý đàn và hạch toán chi tiết kinh tế trong chăn nuôi.
Trong chương trình tập huấn, học viên được đi tham quan thực tế mô hình vỗ béo bò thịt của hộ gia đình nhà ông Lý Seo Kính ở bản Khao B, xã Điện Quan. Tại đây học viên được thực hành cách phối trộn thức ăn cho bò. Ngoài ra, học viên còn trao đổi chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò vỗ béo, đồng thời được giảng viên trả lời những thắc mắc một cách tận tình.
Với những kiến thức tiếp thu được trong quá trình trao đổi, học tập và tham quan thực tế, học viên đã đúc rút thêm nhiều kinh nghiệm để áp dụng vào chăn nuôi bò của gia đình.
Nguyễn Thị Vân Anh
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.