Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 3 tháng 7 năm 2019 | 21:59

Lấy dự án thủy điện “làm bức bình phong” để khai thác cát lậu

Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa thành lập đoàn thanh tra để làm rõ và xử lý tình trạng lấy dự án thủy điện “làm bức bình phong”để khai thác cát lậu.

Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh vừa khảo sát thực tế và làm việc với các đơn vị liên quan để chỉ đạo xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép tại khu vực dự án Thủy điện A Lin B1 (huyện A Lưới) của Công ty cổ phần Thủy điện Trường Phú.

hue.jpg
Khai thác cát sỏi lậu tại khu vực dự án Thủy điện A Lin B1.(Nguồn: Dân Việt)

Theo đó, sau khi kiểm tra thực tế tại lòng hồ thủy điện A Lin và nghe báo cáo của UBND huyện A Lưới cũng như chủ đầu tư dự án, ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, cho rằng, việc khai thác cát sỏi trái phép tại sông A Lin có quy mô tương đối lớn, tuy nhiên ở đây chỉ phục vụ cho công trình thủy điện cho nên trách nhiệm là của chủ đầu tư.

Ông Định cho hay, vừa qua, huyện A Lưới đã kiểm tra, xử phạt hành chính hành vi vi phạm, nhưng như thế chưa đủ nên yêu cầu phải làm rõ hơn về khối lượng khai thác ngoài phạm vi mỏ được cấp phép, nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, trách nhiệm của đơn vị khai thác, để có chế tài xử lý cụ thể hơn.  

Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở TNMT phối hợp với  Phòng Cảnh sát môi trường, chính quyền địa phương thành lập đoàn thanh tra việc thực hiện khai thác cát, sỏi tại khu vực dự án. Đồng thời, thanh tra việc sử dụng khoáng sản của các đơn vị đang thi công, cụ thể việc nhập khoáng sản để thi công phải có chứng từ, hóa đơn rõ ràng, phải chứng minh được nguồn gốc. Đối với phần khai thác ngoài mỏ được UBND tỉnh cấp phép thì phải thực hiện truy thu, xử phạt.

Về phần chủ đầu tư dự án Thủy điện A Lin B1, ông Định yêu cầu báo cáo lại  nhu cầu sử dụng cát sỏi cho đến khi hoàn thành công trình, chịu trách nhiệm tổng thể trong quản lý khu vực triển khai dự án… Nếu doanh nghiệp này để tình trạng vi phạm tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng thì tỉnh sẽ đình chỉ, tạm ngưng hoạt động dự án để xử lý.

hue-1.jpg
Đã có lượng cát sỏi khổng lồ được khai thác trái phép tại khu vực dự án Thủy điện A Lin B1. (Nguồn: Dân Việt)

Trước đó, sau phản ánh của các cơ quan, báo chí về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tại sông A Lin, đoạn khu vực dự án Thủy điện A Lin B1 (xã Hồng Trung, huyện A Lưới), đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện A lưới đã và cuộc kiểm tra thực tế. 

Qua kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện tại đây xảy ra khai thác cát sỏi trái phép phục vụ dự án thủy điện. Khu vực này chạy dọc theo tuyến sông A Lin, thuộc địa phận xã Hồng Trung quản lý, với chiều dài khoảng 1km. Các đối tượng đã ngang nhiên bồi lấp làm đường dẫn ngay tại lòng sông thực hiện hoạt động vi phạm…  

 

Quảng Nam: Chưa giải quyết đền bù đã triển khai thi công làm thiệt hại hoa màu của dân?

Mặc dù dự án làm đường từ xã Tà Lu - thị trấn Prao - xã Zà Hung (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đã thi công được hơn 1 tháng, nhưng người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng, khiến cuộc sống của người dân nơi đây rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Gần đây, người dân bức xúc phản ánh đến các cơ quan chức năng, báo chí liên quan đến vụ việc tại khu vực thi công tuyến đường từ xã Tà Lu - thị trấn Prao - xã Zà Hung, đoạn qua thị trấn Prao, huyện Đông Giang, hàng nghìn mét khối đất đá do đơn vị thi công san ủi đã vùi lấp nhiều diện tích cây keo và ruộng lúa của người dân phía ta luy âm, điều này khiến người dân rất bức xúc.

Nói về chủ trương làm tuyến đường này, ông Hồ Xuân Nhuận (trú thôn Tà Vạc, thị trấn Prao, huyện Đông Giang) cho rằng người dân địa phương rất ủng hộ chủ trương mở đường. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, sự hỗ trợ cho người dân còn chậm trễ. Ngoài ra, số lượng hoa màu bị ảnh hưởng bởi dự án đường này nhiều hơn so với diện tích đã đo đạc, kiểm đếm.

Cùng quan điểm với người dân, ông Nguyễn Quang Túc, Bí thư kiêm Trưởng thôn Tà Vạc, thị trấn Prao, cho biết Ban quản lý dự án chưa quan tâm trong quá trình thi công, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản của nhân dân. Rất nhiều cây cối, hoa màu của người dân bị đất đá trong quá trình san ủi mặt bằng đường vùi lấp, gây thiệt hại lớn.

hue-3.jpg
Diện tích đất trồng lúa của người dân cũng bị vùi lấp do quá trình san ủi mặt đường gây ra. (Nguồn: Báo CAND)

Bên cạnh đó, trong quá trình thi công đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương khiến gần 100 hộ dân thời gian qua sử dụng nguồn nước không đảm bảo.

Ông Túc đề nghị đơn vị thi công cần thống nhất, có cam kết với nhân dân thời gian thi công để nhân dân tận dụng những cây cối, hoa màu đã đền bù làm vật dụng cho gia đình.

Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Dương Văn Chung, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và quỹ đất huyện Đông Giang, cho biết tuyến đường từ xã Tà Lu - thị trấn Prao - xã Zà Hung được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt vào tháng 10-2018 có tổng chiều dài 6,35km do UBND huyện Đông Giang làm chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư của dự án gần 91 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh là gần 86 tỷ đồng, ngân sách huyện Đông Giang bố trí phần vốn còn lại khoảng 5 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo thiết kế được duyệt, tuyến đường từ xã Tà Lu - thị trấn Prao - xã Zà Hung được đổ bê tông dày 24cm, trong đó chỉ có 2km có mặt đường rộng 5,5m; 4,35km còn lại mặt đường chỉ rộng 3,5m.

Ngày 28/12/2018, UBND huyện Đông Giang có Quyết định số 2110/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu công trình đường từ xã Tà Lu - thị trấn Prao - xã Zà Hung, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH MTV Hữu Hay (Công ty Hữu Hay) với tổng giá trị gói thầu trúng thầu là gần 78 tỷ đồng. Hình thức hợp đồng là hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh; thời gian thực hiện hợp đồng là 1.020 ngày.

hue-2.jpg
Việc san ủi mặt đường cẩu thả của đơn vị thi công đã khiến nhiều diện tích cây trồng của người dân tại thị trấn Prao bị đất đá vùi lấp. (Nguồn: Báo CAND)

 

Theo thống kê, có 110 hộ dân của xã Zà Hung và thị trấn Prao bị ảnh hưởng bởi dự án này, trong đó hộ được giải tỏa đền bù với số tiền nhiều nhất là 450 triệu đồng, hộ ít nhất là 200.000 đồng.

Nói về việc mặc dù Công ty Hữu Hay đã triển khai thi công song đến nay người dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa được nhận tiền đền bù giải tỏa, ông Dương Văn Chung cho rằng do huyện chưa có nguồn để chi tiền cho người dân.

Hiện huyện Đông Giang đang xúc tiến vay tiền để chi trả tiền giải tỏa đền bù cho người dân. Theo kế hoạch, trong tháng 7-2019 người dân sẽ nhận được tiền đền bù (?!).

Còn về vấn đề đơn vị thi công san ủi mặt bằng làm vùi lấp cây cối, hoa màu của người dân tại thị trấn Prao, ông Chung cho biết thêm phía chính quyền thị trấn và Công ty Hữu Hay đang kiểm đếm mức độ thiệt hại để tiến hành hỗ trợ, đền bù cho người dân.

Làm việc với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch UBND thị trấn Prao, huyện Đông Giang, cho biết việc san ủi mặt bằng đường từ xã Tà Lu - thị trấn Prao - xã Zà Hung đã gây thiệt hại cây cối, hoa màu của 16 hộ dân của thị trấn. Đây là phần lỗi của đơn vị thi công nên công tác kiểm đếm thiệt hại đang được thực hiện để đơn vị thi công thỏa thuận hỗ trợ, bồi thường cho người dân.

Riêng vấn đề nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng do quá trình thi công dự án, phía Công ty Hữu Hay đã hỗ trợ 2.000m ống nước để khắc phục vấn đề này. Về lâu dài, UBND thị trấn Prao đề nghị các cơ quan liên quan đầu tư sửa chữa hệ thống dẫn nước để đảm bảo nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh cho người dân sử dụng.

 

Đắk Nông: Kiên quyết xử lý nghiêm vụ khai thác quặng thiếc trái phép

Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết, sau khi báo chí phản ánh về việc khai thác quặng thiếc trái phép trong khu vực quân sự, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương xác minh, có biện pháp mạnh và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan; báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông trong tháng 7/2019.

hue-4.jpg
Xuất hiện các loại máy móc cỡ lớn tại khu vực khai thác khoáng sản. (Nguồn: Báo TNMT)

Liên quan đến vụ việc nêu trên, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã ban hành liên tiếp 02 Văn bản với nội dung yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh diện tích, khối lượng khoáng sản tại khu vực khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời, báo cáo kết quả thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) gửi về UBND tỉnh Đắk Nông trước ngày 20/7/2019.

Trước đó, nhiều cơ quan báo chí đã có bài phản ánh, bắt đầu khoảng giữa tháng 02/2019, tại khu vực suối giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (thuộc khu rừng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông trực tiếp quản lý), nằm trên địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long xuất hiện một số đối tượng mang nhiều phương tiện, máy móc cơ giới lớn để khai thác khoáng sản (nghi là quặng thiếc) trái phép như chốn không người.

hue-5.jpg
Nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị cưa hạ để mở đường vào khu vực khai thác.  (Nguồn: Báo TNMT)

Đại diện lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin, Sở TN&MT đã gửi giấy mời Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và UBND huyện Đắk G’long đề nghị phối hợp với Đoàn thanh tra của Sở này để kiểm tra, xác minh thực địa nhằm có cơ sở tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông biện pháp xử lý, khắc phục. Tuy nhiên, theo đại diện Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông, sau khi nhận chỉ đạo, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông không tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương trong việc xác minh, kiểm tra việc khai thác quặng thiếc trái phép.

Theo Kế hoạch của UBND tỉnh Đắk Nông, trong những ngày đầu tháng 7/2019, UBND tỉnh Đắk Nông sẻ thành lập Đoàn kiểm tra, gồm: Đại diện Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông, Sở Công Thương, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và UBND huyện Đắk G’Long tiến hành kiểm tra thực địa tại hiện trường khai thác quặng thiếc trái phép trong khu vực phòng thủ quân sự.

Cầu Giấy (Hà Nội): Nhà văn hóa phường Mai Dịch bị sử dụng sai mục đích

Nhà văn hóa là công trình công cộng được đầu tư với mong muốn người dân có được nơi sinh hoạt để nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao tinh thần đoàn kết.


Nhà hàng Phở An hoạt động trên diện tích đất nhà văn hóa phường Mai Dịch. Ảnh: Xây dựng

Thế nhưng, người dân sinh sống tại phường Mai Dịch về việc một phần mặt tiền của Nhà văn hóa phường xuất hiện một nhà hàng mang tên Phở An kèm theo nhiều biển quảng cáo bia hơi, cơm văn phòng, bar cafe và các món nhậu... hoạt động một cách rầm rộ chiếm dụng diện tích sinh hoạt của người dân.

Theo ghi nhận của phóng viên, một nhà hàng được gắn biển Phở An với quy mô hai tầng kiên cố rộng hàng trăm mét vuông ngang nhiên tồn tại và hoạt động trên diện tích đất của Nhà văn hóa phường Mai Dịch, thậm chí cổng Nhà văn hóa cũng được sử dụng làm lối ra vào cho nhà hàng này.

Người dân sinh sống tại khu vực này cho biết: Nhà hàng này đã tồn tại được mấy năm nay với nhiều hoạt động kinh doanh, ngang nhiên lấn chiếm khuôn viên sân nhà văn hóa làm nơi để xe cho khách khiến cho diện tích càng bị thu hẹp, người dân mất đi diện tích vui chơi, sinh hoạt.

Điều đáng nói, địa điểm trên nằm ngay đối diện trụ sở UBND phường Mai Dịch đã khiến dư luận hoài nghi, phải chăng UBND phường đang cố tình làm ngơ cho nhà hàng này hoạt động sai mục đích trên diện tích Nhà văn hóa?

Trao đổi với báo chí, bà Đoàn Thị Bích Ngọc, Phó chủ tịch UBND phường Mai Dịch, cho biết: Nhà hàng Phở An nằm trên phần diện tích đất liền kề do UBND phường giao cho Nhà văn hóa quản lý. Tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí, sắp tới phía UBND phường Mai Dịch cũng tiến hành chấm dứt hợp đồng với nhà hàng Phở An và xây dựng căng tin của Nhà văn hóa, phục vụ người dân đến tham gia sinh hoạt tại đây. Việc xây dựng căng tin sẽ tạo thêm thu nhập để trả phụ cấp cho anh em phục vụ tại Nhà văn hóa.

Bà Ngọc nhấn mạnh, sẽ cố gắng càng sớm càng tốt để nhà văn hóa phường được hoạt động đúng mục đích.

 

Hà Nội "cảnh cáo" Hải Phát Invest về các sai phạm tại KĐT mới Tân Tây Đô

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) nghiêm túc khắc phục các sai phạm tại dự án Khu đô thị mới Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng).

Văn bản nêu rõ, ngày 21/11/2017, Sở TN&MT Hà Nội có Văn bản số 9930 và ngày 29/6/2018, Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội có Văn bản số 5608 gửi Công ty CP Đầu tư Hải Phát yêu cầu liên hệ với các Sở, ngành của thành phố để khắc phục sai phạm về đầu tư, đất đai, quy hoạch, kiến trúc, các nghĩa vụ tài chính liên quan đến dự án tòa nhà chung cư CTAB, CT2B, HHB - KĐT mới Tân Tây Đô. Làm cơ sở để Sở TN&MT Hà Nội thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án này.

Tiếp đến ngày 25/3/2019, Sở TN&MT có Văn bản số 2295 gửi các Sở KH-ĐT, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài chính đề nghị hướng dẫn Hải Phát Invest hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch, kiến trúc, các nghĩa vụ tài chính liên quan đến dự án tòa nhà chung cư CTAB, CT2B, HHB – KĐT mới Tân Tây Đô.

Tuy nhiên cho đến nay, Hải Phát Invest vẫn chưa báo cáo đầy đủ việc khắc phục các nội dung trên. Để đảm bảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư với Nhà nước và người mua nhà theo quy định. Sở TN&MT đề nghị Hải Phát Invest nghiêm túc thực hiện, khẩn trương liên hệ các Sở, ngành liên quan để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, kiến trúc, các nghĩa vụ tài chính theo quy định.

ha noi canh cao hai phat ve cac sai pham tai khu do thi tan tay do
Hà Nội "cảnh cáo" Hải Phát Invest về các sai phạm tại khu đô thị Tân Tây Đô.

Ngoài ra, trong thời gian chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục nêu trên, Sở TN&MT yêu cầu Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội tạm dừng tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở tại dự án tòa nhà chung cư CTAB, CT2B, HHB – KĐT mới Tân Tây Đô. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành các nghĩa vụ liên quan thì Sở TN&MT sẽ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án trên.

Được biết, dự án KĐT mới Tân Tây Đô do Hải Phát Invest làm chủ đầu tư đã bàn giao nhiều căn hộ cho cư dân kể từ năm 2014. Cụ thể, tháng 1/2014 tòa nhà HHB thuộc KĐT mới Tân Tây Đô chính thức bàn giao. Cũng trong 5 năm bàn giao thì dự án đầy tai tiếng này liên tục nhận được những lời kêu cứu từ chính cư dân nơi đây: từ việc nguồn nước nhiễm asen, cơ sở hạ tầng xuống cấp, công trình nhà cao tầng vi phạm các quy định về an toàn PCCC, thiếu hụt diện tích sử dụng chung,…

 

              

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top