Tuy mới hoạt động hơn một năm, nhưng Tổ liên kết sản xuất nhãn Châu Thành (Đồng Tháp) đã phát huy hiệu quả trong chia sẻ, giúp các thành viên phát triển kinh tế.
Hỗ trợ sản xuất an toàn
Từ năm 2017, nhận thấy bà con sản xuất nhãn còn nhỏ lẻ, không chỉ hiệu quả kinh tế thấp mà còn ảnh hưởng đến môi trường do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng, ông Nguyễn Văn Ba, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khuyến nông xã An Phú Thuận vận động các thành viên cùng thành lập Tổ liên kết sản xuất nhãn Châu Thành (ông Ba làm Tổ trưởng) với 76 nhà vườn đăng ký tham gia, sản xuất 35ha.
Xác định việc sản xuất nông nghiệp an toàn là kim chỉ nam, tổ luôn cập nhật tiến bộ kỹ thuật. Hàng tháng, họp các thành viên với nội dung xoay quanh các kỹ thuật sản xuất nhãn như: tỉa cành, tạo tán, cách canh tác; phương pháp hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học nhưng vẫn đảm bảo được năng suất. Tổ được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành hỗ trợ đầu tư nhà kho và hệ thống tưới phun tự động trên cây nhãn; hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất nhãn rải vụ...
Ông Ba cho biết: “Các thành viên trong tổ được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đồng hành, hỗ trợ kinh phí vật tư nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP; thông tin tình hình dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm sản xuất... Qua đó giúp nhà vườn nắm vững tiến bộ kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Là một trong những thành viên tham gia ngay từ những ngày đầu thành lập tổ, ông Nguyễn Văn Ửng cho biết: “Trước đây, chúng tôi trồng nhãn theo hình thức chăm bón truyền thống, chất lượng trái không cao; đầu ra chủ yếu là cung ứng tại các chợ địa phương do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, từ khi tham gia tổ, tôi được tập huấn, hướng dẫn sản xuất theo quy trình an toàn, tuân thủ nghiêm ngặt về làm đất, bón phân, sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, đặc biệt là thời gian cách ly khi sử dụng thuốc BVTV và vệ sinh môi trường xung quanh, nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn khá nhiều”.
Bà Trương Thị Kim Ngân, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành, cho biết: “Thời gian qua, ngoài việc tập trung hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, huyện luôn quan tâm kết nối các công ty, doanh nghiệp và hệ thống siêu thị,... tìm đầu ra ổn định cho trái nhãn và các loại nông sản khác. Trong đó, kết nối với Công ty CP xuất - nhập khẩu Vina T&T trong việc đầu tư nhà máy sơ chế thu mua nhãn; phối hợp Sở Công Thương Đồng Tháp tổ chức thông tin chuyên đề “Tiêu chuẩn, quy cách và phương pháp đưa nông sản vào hệ thống Siêu thị Co.op mart...”.
Nâng cao thu nhập
Quy trình sản xuất nhãn theo hướng VietGAP được Tổ liên kết sản xuất nhãn Châu Thành thực hiện tương đối đơn giản và không vất vả về khâu chăm sóc. Cách này giúp giảm hơn 50% nhân công và đặc biệt sâu bệnh ít xuất hiện. Các tổ viên được canh tác trong môi trường sạch, an toàn, đảm bảo sản phẩm sạch mới cung ứng cho thị trường.
Ngoài việc hạn chế sử dụng phân bón, trong quá trình sản xuất, nông dân trong tổ luôn có nhật ký và bố trí mật độ cây trồng phù hợp; thường xuyên thăm vườn, cắt tỉa nhãn để nuôi trái lớn; duy trì việc đo độ pH để kiểm soát tốt sinh thái đất. Trong mỗi vụ, nông dân sử dụng phân hữu cơ vi sinh khoảng 3 lần xen kẽ. Sau khi thu hoạch, để giúp cây sớm phục hồi, bà con sử dụng phân hữu cơ kết hợp phân chuồng; xử lý vôi nhằm khử clorat, kali còn tồn dư, nấm bệnh dại trong đất.
Ông Nguyễn Hoàng Sang, thành viên tổ cho biết: “Ngày trước, do sử dụng thuốc không tuân thủ quy định 4 đúng nên sản lượng và chất lượng trái nhãn thấp. Từ khi tham gia vào tổ sản xuất theo hướng VietGAP, sản phẩm nhãn được thương lái và doanh nghiệp thu mua với giá cao nên thu nhập cao hơn trước khoảng 30%”.
Ông Ba đánh giá: “Qua hơn 1 năm hoạt động, tổ đã tạo được lòng tin của nông dân bằng chính hiệu quả kinh tế và các hoạt động hỗ trợ nhau trong sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật..., góp phần đưa phong trào trồng nhãn ở xã An Phú Thuận nói riêng và huyện Châu Thành nói chung phát triển ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.