Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2019 | 14:37

Luật PPP: Dự án phải công khai, minh bạch, không “sân sau”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, yêu cầu khi xây dựng luật này là tạo thể chế đồng bộ, minh bạch, đảm bảo tính ổn định và thống nhất trong suốt vòng đời của dự án.

ppp.jpg
Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư đảm bảo dự án phải được thực hiện công khai, minh bạch, không “sân sau”.

Ngày 19/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP).

Đa số đại biểu cho rằng, cần phải sớm ban hành luật này để phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút và lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực nhằm giảm bớt gánh nặng cho đầu tư công.

Cần khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn

Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật PPP nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư.

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho biết, đầu tư theo hình thức đối tác công tư thời gian qua đã góp phần quan trọng trong phát triển các công trình lớn của đất nước; đã có hơn 300 dự án, huy động hơn 1 triệu tỷ đồng vào đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có những quy định cụ thể, chặt chẽ về mặt pháp lý trong hoạt động này, vì vậy, việc ban hành Luật PPP là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Hiện, quy mô tổng mức đầu tư của dự án theo quy định trong dự thảo luật không thấp hơn 200 tỷ đồng là không hợp lý, khó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia nhiều hơn vào các dự án. Đề nghị cân nhắc quy định này.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân là trọng tâm thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các dự án đầu tư cạnh tranh công khai, minh bạch, hiệu quả nhằm thu hút khu vực đầu tư tư nhân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, các dự án có hiệu quả hay không, công tác lựa chọn nhà đầu tư là tối quan trọng. Do đó, việc công khai, minh bạch, công tâm, không “sân sau”, lợi ích nhóm là rất cần thiết trong dự án luật. Trong đó, cần tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư.

“Nhà nước đóng góp bằng ngân sách hay tài sản khác. Nếu là tài sản khác, phải tính giá trị theo cơ chế thị trường, chứ không phải như thời gian qua góp vốn của Nhà nước bằng bất động sản cho các dự án BT. Nhà nước đổi những khu “đất vàng”, còn nhận lại công trình đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản công và gây dư luận không tốt”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Nên kiểm toán toàn bộ dự án PPP

Theo quy định trong dự thảo luật, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán phần vốn của Nhà nước trong dự án như đầu tư các công trình phụ lợi, hỗ trợ tái định cư... Các đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định như vậy là không hợp lý, vì như vậy rất khó quản lý những rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Tài sản hình thành từ các dự án là tài sản công nên phải được quản lý, sử dụng, thanh tra, kiểm toán theo đúng quy định và phải thuộc phạm vi của Kiểm toán Nhà nước.

Do đó, việc để Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ dự án PPP giúp cho Nhà nước có thêm kênh giám sát hiệu quả hơn và chắc chắn không làm ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư.

“Theo quy định, Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công và tài sản công, như vậy, Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán đối với các phần vốn nhà nước của các dự án PPP, còn toàn bộ giá trị xây lắp, kiểm toán, thu phí không thực hiện kiểm toán.

Vậy, cơ quan nào sẽ giúp Quốc hội kiểm soát vấn đề này, ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm. Về bản chất, đây là hoạt động đầu tư của Nhà nước, cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được tổ chức thu phí với mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị sử dụng đất. Chi phí đầu tư là cơ sở để xác định thời gian, mức thu phí của dự án, cho nên, nếu không kiểm tra, giám sát đầu tư thì làm sao xác định được mức thu phí, thời gian thu phí đối với công trình cho phù hợp”, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) phân tích.

Thực tế, qua kiểm tra đối với các dự án BT, BOT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí giao thông đối với nhiều dự án BOT, giảm thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. “Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được dư luận đồng tình, vậy lý do tại sao dự thảo luật lại quy định không cho Kiểm toán Nhà nước kiểm toán dự án PPP như hiện tại?”, đại biểu Thưởng đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, theo quy định tại dự thảo luật, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán phần vốn đầu tư công chứ không kiểm toán toàn bộ dự án. Quy định này là không phù hợp, vì không xác định được toàn bộ rủi ro của dự án. Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ thẩm định cơ chế áp dụng, vậy Bộ Tài chính có phải là cơ quan chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực trong xác định thực chất của rủi ro hay không. Đây cũng là vấn đề chưa được làm rõ trong dự thảo luật.

Tính ổn định và thống nhất trong suốt vòng đời dự án

Giải trình về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết,  quy định này phù hợp với Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước, tức là chỉ kiểm toán đối với tài sản công và tài chính công. Theo kinh nghiệm quốc tế, nội dung hợp đồng cũng phải được Nhà nước xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định và có thể Kiểm toán Nhà nước ngay từ khâu lập dự án, có như vậy, nhà đầu tư mới áp dụng thực hiện được.

Theo ông Dũng, việc thu hút các nguồn lực từ xã hội để đầu tư và cung cấp các sản phẩm dịch vụ công của nhà nước, đặc biệt là hạ tầng thiết yếu là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực tế trong gần 30 năm qua, chúng ta cũng đạt được những kết quả nhất định, nhất là đã thu hút được một lượng vốn đầu tư đáng kể từ xã hội để đầu tư một số công trình hạ tầng quan trọng, góp phần cho việc cải thiện năng lực cạnh tranh cũng như thúc đẩy phát triển các lĩnh vực, các vùng miền và toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên, kết quả này còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, chưa huy động hết được các nguồn lực, chưa tận dụng hết được cho phát triển. Trong triển khai còn nhiều hạn chế, bất cập nên việc thể chế hóa hóa bằng các quy định của pháp luật đối với phương thức đầu tư PPP là hết sức cần thiết và có một ý nghĩa hết sức quan trọng để huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo xác định đây là dự án luật mới, khó, phức tạp, phạm vi áp dụng và đối tượng liên quan rất rộng, đòi hỏi phải có một thể chế hết sức đầy đủ, đồng bộ, chặt chẽ, hấp dẫn, minh bạch và phải đảm bảo hài hòa được giữa quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư, người dân và phải đảm bảo tính ổn định xuyên suốt, thống nhất trong suốt vòng đời của dự án.

Chính phủ đề xuất là dự án có quy mô lớn sẽ thực hiện theo hình thức PPP. Việc thực hiện dự án PPP, do tính chất dự án, do thời gian chuẩn bị, do chi phí rất phức tạp, rất lớn và có sự tham gia vốn của nhà nước nên cần phải tập trung trọng tâm, trọng điểm cho một số lĩnh vực, cho một số công trình thiết yếu, quan trọng và cần phải có sự tham gia của tư nhân, không mở rộng một cách tràn lan...

Đối với dự án có quy mô nhỏ, đơn giản, một là thực hiện bằng ngân sách nhà nước, hai là thực hiện theo phương thức đầu tư của tư nhân theo Luật Đầu tư.

Về hạn mức, quy mô vốn đầu tư cũng được các đại biểu hết sức quan tâm về mức tối thiểu 200 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, dự án PPP có thời hạn hoạt động dài, phức tạp nên việc chuẩn bị dự án cần phải kỹ lưỡng và để đảm bảo tính khả thi cùng tính hiệu quả, thời gian chuẩn bị sẽ kéo dài và chi phí chuẩn bị cao. Chính vì vậy, cần phải tập trung, tránh dàn trải.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan của Quốc hội tiếp tục rà soát để luật hóa tối đa các nội dung có thể luật hóa được và chỉ giao cho Chính phủ hướng dẫn những quy định có tính kỹ thuật hoặc để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành để đảm bảo ổn định và bền vững của bộ luật. 

 

Tuần tới, bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Từ ngày 25-27/11, 3 ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Biểu quyết thông qua: Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Nghị quyết về công tác tư pháp; Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015).


 


 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top