Đã nhiều năm nay, nạn phá rừng khai thác gỗ và các phụ phẩm từ rừng ở xã Chiềng Khừa (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) diễn ra hết sức ngang nhiên, khiến cán bộ và người dân địa phương vô cùng bức xúc.
Mặc dù, một số cán bộ xã đã chủ động báo cáo sự việc lên các cấp có thẩm quyền nhiều lần, nhưng chưa có sự vào cuộc quyết liệt, rốt ráo nên lâm tặc vẫn ngang nhiên chặt phá rừng làm nương và khai thác gỗ, coi pháp luật như không tồn tại ở đây.
Hiện trường xẻ gỗ nghiến dạng thớt nằm trên bờ suối cạn.
Ngày 17/3/2019, nhận được tin báo rừng ở Chiềng Khừa đang bị tàn phá tại các bản Tòng, Ông Lý, Xa Lú, chúng tôi đã đến ngay địa bàn để tìm hiểu sự việc. Chúng tôi phải xuất phát từ huyện Mộc Châu từ 6h sáng, vượt gần 30 cây số để kịp vào rừng; sau 30 phút vật lộn với con đường rừng, chiếc xe máy của chúng buộc phải dừng bởi gặp một con dốc đứng thuộc địa phận bản Xa Lú.
Anh Lường Văn Vui (người dẫn đường) hướng dẫn chúng tôi giấu xe ở ven đường rồi tiếp tục leo bộ lên rừng. Ngay trên đường vào, ngổn ngang những khúc gỗ tròn có đường kính khoảng 40cm, dài chừng 60cm, anh Vui bảo: “Đó là gỗ đinh hương đấy”.
Tiếp tục đến một đỉnh núi, nhìn xuống một thung lũng sâu, chỉ xuống đống gỗ ngổn ngang, anh Vui khẳng định đó cũng là gỗ đinh hương, anh cho rằng khu rừng này chủ yếu là gỗ nghiến, đinh hương, chai và một số loại cây gỗ quý khác. Leo lên lưng chừng núi khoảng 1km nữa, chúng tôi bắt gặp một người dân đang chở gỗ dọc đường.
Hiện trường xẻ gỗ nghiến trên suối cạn.
Ngay hiện trường, nhiều bìa gỗ bị xẻ còn nằm ngổn ngang cạnh đường mòn với mùn cưa còn mới tinh. Anh Vui bảo, gỗ thành phẩm đã bị vận chuyển đi rồi, còn mang đi đâu thì chỉ có trời mới biết. Đi chừng 2km nữa, chúng tôi phát hiện một khoảng rừng 2.000m2 bị chặt hạ không thương tiếc, nhiều gốc cây còn đang chảy nhựa, dường như phát hiện sự có mặt của chúng tôi nên lâm tặc đã rời bỏ hiện trường.
Theo anh Vui, lâm tặc ở đây thường phát vén rừng, vừa được gỗ, vừa được đất làm nương, mạnh ai nấy làm, ai phát được coi như đất của mình luôn. Thật là “nhất cử lưỡng tiện”. Tiếp tục dẫn chúng tôi vào sâu trong rừng rậm, chúng tôi thấy có hàng chục cây nghiến bị chặt hạ. Trước khi cây bị chặt hạ, để tránh người khác khai thác nhầm, lâm tặc thường đánh dấu vài ký tự lên thân cây và cứ để như vậy cho đến khi cây khô mới xẻ thành ván, hộp rồi vận chuyển đi.
Khoảng 2.000m rừng phòng hộ ở bản Xa Lú vừa bị chặt phá.
Nhìn sang cánh rừng nghiến phía đối diện chỉ còn vài cây nhỏ ở trên đỉnh, anh Vui than thở: Tôi là một trong những người đứng lên đấu tranh với lâm tặc, nhưng lực bất tòng tâm. Ở đây người ta chẳng biết trồng rừng đâu, chỉ biết phá thôi.
Tiếp tục hành trình trên dòng suối cạn của bản Ông Lý, từ UBND xã Chiềng Khừa ngược theo hướng huyện Mộc Châu khoảng 8km, rẽ vào con đường mòn chỉ 500m, chúng tôi đã thấy trên lòng con suối cạn ngổn ngang những gỗ hộp, gỗ ván. Trên đường đi, gặp một vài phụ nữ, thấy chúng tôi họ liền cất tiếng hú vọng vào trong rừng.
Anh Lường Văn Vui giải thích: “Họ báo hiệu cho nhau đấy!”. Vào sâu thêm trong rừng chúng tôi phát hiện nhiều ván gỗ đã buộc sẵn vào những chiếc gùi chờ vận chuyển đi; nồi niêu và dụng cụ nấu ăn vẫn nằm lăn lóc ở lối vào, ngay cạnh một cây gỗ mít rừng đường kính chừng 70cm đang bị “xẻ thịt” nằm chắn lối đi, nhưng không thấy bóng dáng một ai.
Có lẽ lâm tặc đã nhận được tín hiệu từ mấy người phụ nữ kia và đã lẩn trốn vào rừng. Chỉ một lúc sau lại có tiếng cưa máy vang lên từ phía sâu trong rừng, chúng tôi lập tức lần theo hướng tiếng động. Đi chừng vài trăm mét, chúng tôi bắt gặp 2 cậu bé chạc 15 - 18 tuổi đang dùng cưa máy cắt một cây gỗ (người địa phương gọi là gỗ trâm) đường kính cỡ 40cm thành từng khúc dài khoảng 60cm. Gặng hỏi xẻ gỗ làm gì? Những hộp gỗ đã xẻ là của ai? Cậu lớn tuổi hơn có tên là Thào A Thông, ở bản Xa Lú, thản nhiên: “Xẻ gỗ về làm củi thôi, những hộp gỗ kia không biết của ai đâu!”
Đến đây, anh Vui ra hiệu tiếp tục đi sâu vào phía trong, chừng 200m nữa, chúng tôi thấy một cây nghiến đường kính 1,2m đã bị chặt hạ, một số đoạn đang bị cắt xẻ làm thớt. Nhìn sang bên kia bờ suối cạn, thêm một cây gỗ mít đường kính 70cm đã bị chặt hạ và xẻ thành hộp; nhiều hộp đã được vận chuyển đi nơi khác, số còn lại đang nằm ngổn ngang bên bờ suối (cây gỗ này ước khoảng 4 - 5m3).
Anh Vui cho hay: Chỉ cần vào rừng khoảng 15 - 20 phút là lâm tặc đã có được 100.000 đồng rồi. Một khúc gỗ 20cm x 1,2m có giá 200 nghìn đồng, nên họ rất thích vào rừng xẻ gỗ. Rừng này ngày trước nhiều gỗ nghiến lắm, nhiều cây hàng trăm tuổi, nhưng giờ thì sắp hết rồi.
Một cây gỗ mít bị chặt và xẻ thịt ngày 17/3/2019.
Chứng kiến trên lòng con suối cạn dài trên 1km, chúng tôi đã thấy hàng trăm hộp gỗ, ván gỗ, gỗ khúc, gỗ dạng thớt nằm la liệt chẳng khác gì công trường đang thi công. Điều đáng nói là hiện trường xẻ gỗ chỉ cách trục đường chính vào xã khoảng 500m, vậy nhưng chính quyền địa phương cũng như lực lượng kiểm lâm lại “không hề phát hiện ra sự việc”.
Trao đổi sự việc với ông Bàn Văn Dũng - Kiểm lâm phụ trách địa bàn, chúng tôi nhận được câu trả lời ngày 15/3, Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu có phát hiện, xử lý một vụ xẻ gỗ trái phép cũng trên dòng suối cạn này, ở phía ngoài chứ không phải vào sâu trong rừng. Hạt Kiểm lâm đã thu giữ hơn 1m3 gỗ.
Một hộp gỗ còn nằm trên đường vào suối cạn.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày hôm sau (17/3) chúng tôi đã thấy gỗ xẻ nằm rải khắp lòng suối cạn kể cả vị trí ông Dũng vừa nói ở trên. Điều đó cho thấy lâm tặc đang lộng hành, coi thường pháp luật, ngang nhiên khai thác gỗ ở khu vực này.
Vậy tại sao chính quyền xã, cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi tình hình?
Ông Lò Văn Hương - Chủ tịch UBND xã Chiềng Khừa cho biết: Phá rừng như thế là không ổn rồi! Xã vẫn thường xuyên bám sát nắm địa bàn, tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ và phát triển rừng ở các bản trên địa bàn. Xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, triển khai công tác tuần tra, huy động các tổ đội làm tốt công tác kiểm tra.
Một trong những cây gỗ nghiến ở bản Tòng bị chặt từ đầu năm 2018. Sau một năm, chúng bị xẻ lấy gỗ. (Ảnh chụp ngày 17/3/2019).
Nhớ lại sự việc ngày 23/9/2014, chúng tôi phát hiện lâm tặc phá rừng làm nương và khai thác gỗ ở bản Ông Lý. Hàng chục cây gỗ lớn bị chặt và xẻ thành hộp, hàng chục đống gỗ hộp, gỗ ván xếp la liệt bên đường mòn trong rừng, có hàng chục cái lán được dựng lên để chứa gỗ.
Vậy nhưng khi chúng tôi phản ánh sự việc với ông Đào Mạnh Phong - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu, ông cho biết sẽ xử lý nghiêm những đối tượng phá rừng và có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng. Nhưng đến nay tình trạng chặt phá rừng làm nương, khai thác gỗ vẫn diễn ra ngang nhiên và không có dấu hiệu dừng lại.
Tiếp tục đến đầu tháng 01/2018, tại khu rừng ở bản Xa Lú và bản Tòng, đã có hơn 30 cây gỗ nghiến đường kính từ 40 - 80cm và rất nhiều cây gỗ khác đã bị đốn chặt, xẻ ván, xẻ hộp. Chúng tôi cũng đã phản ánh vụ việc với Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu, nhưng hiện nay vẫn chưa giải quyết xong, những cây nghiến nói trên cứ dần khô kiệt và đang bị xẻ lấy gỗ.
Theo báo cáo của UBND xã Chiềng Khừa, xã có trên 6.200ha rừng, trong đó có gần 4.000ha rừng phòng hộ. Năm 2018 đã phát hiện và xử phạt 7 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, 6 vụ phá rừng làm nương trái pháp luật, 1 vụ san ủi vào đất rừng (không có vụ chặt phá và khai thác gỗ nghiến)… các vụ việc đã được lập biên bản xử lý tại xã, xử phạt hành chính… trên 19 triệu đồng!
Xã đã tập trung chỉ đạo các bộ phận chức năng tăng cường phối hợp tổ chức kiểm tra, ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác, buôn bán lâm sản trái phép; thường xuyên tăng cường kiểm tra các điểm thường xảy ra khai thác trái phép về lâm sản... Đó là báo cáo, còn thực tế việc phá rừng làm nương, khai thác gỗ vẫn diễn ra hết sức phức tạp, dường như năm nào chúng tôi cũng nhận được tin báo từ người dân về sự việc này.
Dư luận đang đặt câu hỏi phải chăng chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm bất lực trước lâm tặc? Liệu có sự tiếp tay nào cho những kẻ đang hủy hoại rừng? Người dân và những cánh rừng xã Chiềng Khừa đang chờ đợi câu trả lời thích đáng và mong mỏi có sự vào cuộc quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng trên; xử lý nghiêm khắc những đối tượng phá rừng.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.