Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 3 năm 2020 | 14:37

Mong Chủ tịch Nguyễn Đức Chung quyết liệt hơn

Mê Linh (Hà Nội) được biết đến là vựa rau và hoa ở miền Bắc. Hàng ngày, tại đây luôn có hàng trăm tấn rau và hoa được giao dịch,...

13ds.JPG
Tấp nập người, xe ở chợ đêm Tiền Phong.

 

Hoạt động đó phần lớn được triển khai ở trên mặt đường QL 23B (đoạn ngã tư Tiền Phong), gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và mỹ quan đô thị.

Tuyến đường huyết mạch

Quốc lộ 23B là con đường huyết mạch của huyện Mê Linh, có nhiều phương tiện qua lại suốt ngày đêm; từ sáng sớm cho đến gần khuya, nhiều tuyến xe buýt chạy qua đưa đón học sinh, sinh viên, cán bộ, người dân ra vào nội thành học tập, lao động, công tác,... Không chỉ có vậy, con đường này còn là tuyến đường chủ đạo để công nhân tới các khu công nghiệp Thăng Long và khu công nghiệp Quang Minh làm việc; cũng là con đường mà tư thương thường xuyên qua lại buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa các tỉnh trung du Bắc bộ với nội thành Hà Nội.

Ấy thế mà, từ nhiều năm nay, tại khu vực ngã tư Tiền Phong (Mê Linh) tự phát hình thành chợ đầu mối rau, quả, hoa các loại; mỗi ngày tại đây có hàng trăm tấn rau được trao đổi, mua bán. Hoạt động mua bán ở đây không chỉ có người dân trong xã, trong huyện mà còn có tư thương quanh các tỉnh lân cận; việc mua bán thường diễn ra từ 3 giờ cho đến 6 giờ sáng mỗi ngày. Khi ấy ở đây mật độ người và phương tiện khá đông, tắc đường thường xuyên; xe buýt hoạt động vào sáng sớm và công nhân làm ca về gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển.

Cần sớm có chợ đầu mối rau - hoa

Ông Nguyễn Văn Tý (thôn Trung Hậu, xã Tiền Phong) bộc bạch: Nhà tôi chủ yếu là bán lẻ rau. Muốn bán được rau, tôi phải đi rất sớm, thậm chí còn phải mang rau ra chiếm chỗ ngoài đường từ chiều hôm trước. Chúng tôi biết ngồi bán rau ngay trên mặt đường là cản trở giao thông nhưng do nhiều người bán, nhiều người mua, mặt bằng chật hẹp nên cố gắng chen chúc bán cho xong. Nhiều năm nay, nhân dân xã đề nghị xây dựng chợ đầu mối để người dân có chỗ họp chợ rộng rãi, đảm bảo an toàn giao thông; hạn chế tình trạng tranh giành chỗ mua, chỗ bán, gây mất trật tự như hiện nay.

Ông Phùng Văn Sinh, một tư thương buôn rau bằng ô tô tải từ Vĩnh Phúc xuống cho biết: Khu vực bán rau ở Tiền Phong khá đông, hàng hóa nhiều nhưng không có chợ, không có khu vực để xe; tất cả đều bán, đỗ xe trên mặt đường. Do ở xa nên hàng đêm, tôi đều chở rau xuống đây từ 2 giờ sáng, hôm nào đắt hàng tầm 4 giờ đã bán xong, có hôm tới 6 giờ mới hết hàng; nếu có chợ, có chỗ gửi xe rộng rãi thì việc buôn bán sẽ thuận tiện hơn, không phải đi quá sớm, giữ được bạn hàng ổn định,...

Một người dân ở xã Đại Mạch (Đông Anh) chia sẻ: Là người địa phương khác về đây bán hàng nên tôi thường phải đứng rất xa ngã tư đèn xanh, đèn đỏ (Trung tâm của khu vực buôn bán). Tôi mong nơi đây sớm có chợ để những người như chúng tôi có khu vực bán hàng rõ ràng, thuận tiện.

Ông Ngô Minh Cường, Phó chủ tịch UBND xã Tiền Phong, cho biết: UBND xã thường xuyên chỉ đạo lực lượng công an xã tăng cường công tác dẹp chợ, tích cực tuyên truyền tới người dân về ý thức trong việc bày bán hàng hóa, không lấn chiếm vỉa hè lòng đường làm chợ,... Do lực lượng an ninh mỏng, người mua, người bán nhiều nên đôi lúc còn ùn tắc giao thông khu ngã tư vào sáng sớm. “Trước đây, tại thôn Yên Nhân, xã cũng đã có đề án xây dựng trung tâm thương mại. Thời gian qua, chúng tôi cũng đề nghị UBND huyện Mê Linh điều chỉnh dự án thành chợ đầu mối nông sản”, ông Cường nói.

Cùng trên tuyến Quốc lộ 23B, cách khu vực bán rau đêm Tiền Phong khoảng 1km là khu chợ hoa xã Mê Linh; chợ này được xây dựng hơn chục năm trước, diện tích nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Để buôn bán được nhiều hoa, bên cạnh các cửa hàng mặt tiền của các hộ, người dân nơi đây còn phải dựng cửa hàng ngay trên ruộng của gia đình, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và tiêu thụ hoa.

Tháng 3/2018, trong chuyến làm việc với huyện Mê Linh về vấn đề tiêu thụ và giải cứu nông sản, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp với UBND huyện Mê Linh sớm xây dựng chợ đầu mối rau - hoa để thuận tiện cho việc tiêu thụ nông sản của người dân. Rất mong chính quyền huyện Mê Linh sớm thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

 

 

Đình Hợi
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top