Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 2 năm 2022 | 11:27

Mong sớm “thay máu” đặc sản nhãn Kông Chro!

Một thời, nhãn ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) được ưa chuộng bởi hạt nhỏ, cơm dày, vị ngọt thanh. Song những năm gần đây, nhiều vườn nhãn bị thoái hóa, cho năng suất và chất lượng thấp. Theo đó, rất cần “thay máu” cho vườn nhãn nơi đây.

Khi cây đặc sản nguy cơ xuống cấp

Với huyện Kông Chro, nông nghiệp được xem là nguồn thu chính của người dân. Những loại cây trồng chủ lực của huyện cũng chỉ xoay quanh mía, bắp (ngô) lai, dưa hấu… Theo đó, trồng cây ăn quả để thay thế dần những loại cây trồng kém hiệu quả đang là hướng đi của huyện. Trong đó, cải tạo vườn nhãn vốn có từ rất lâu đang là mong muốn không chỉ của ngành Nông nghiệp mà còn là của những chủ vườn nhãn nơi đây.

Toàn huyện  hiện có trên 700ha cây ăn quả các loại, trong đó, xoài trên 100ha, mít khoảng 100ha, nhãn hơn 150ha… Ông Võ Tấn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Cây nhãn có mặt ở  Kông Chro từ rất lâu theo các chương trình định canh định cư, kinh tế mới hay theo chân những người dân từ huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) vào lập nghiệp cách đây trên 20 năm. Tuy nhiên, với trên 150 ha nhãn hiện có thì có đến 50ha là giống cũ, cây đã thoái hóa, quả kém chất lượng, giá bán không cao.

Cũng theo ông Hưng, cây nhãn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của một số vùng trong huyện. Một thời, nhãn Kông Chro được biết đến với đặc điểm quả to, cơm dày, ngọt thanh. Tuy nhiên, gần đây, nhiều diện tích nhãn đã xuống cấp nghiêm trọng, một phần do khâu chọn giống không chuẩn, phần nữa do chăm sóc chưa thực sự hợp lý.

 

2.jpg
Người dân huyện Kông Chro mạnh dạn chuyển đổi sang trồng nhãn,  mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hồng Thi

 

Mong muốn từ những chủ vườn

Xã Chơ Long (huyện Kông Chro) có 12ha nhãn. Một thời, nhãn Chơ Long được nhiều người ưa thích bởi quả to, hạt nhỏ và cơm dày, đặc biệt có vị ngọt thanh.

Ông Vũ Văn Tám quê ở huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương), vào lập nghiệp ở thôn 9 (xã Chơ Long) theo diện kinh tế mới từ năm 2001. Khi đi, ông mang theo một ít giống nhãn từ quê nhà vào trồng nơi vùng đất mới. Thời gian đầu, cây nhãn phát triển tốt, chất lượng quả không hề thua kém nhãn ở quê nhà. Thấy vậy, ông về quê lấy thêm giống vào trồng. Tuy nhiên, do phát triển thiếu định hướng nên vườn nhãn cứ dần xuống cấp, năng suất và chất lượng cũng xuống theo.

Ông Võ Văn Hưng cho biết thêm: “Mong muốn của huyện là từ các chương trình, dự án, vườn nhãn của địa phương được ghép giống chất lượng cao hoặc phát triển các loại giống mới phù hợp, cho năng suất, chất lượng cao. Từ đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện. Đặc biệt, từng bước hướng đến thương hiệu “Nhãn Kông Chro”.

Ông Tám cho biết, gia đình có 3,5ha nhãn với trên 20 loại giống khác nhau. Riêng giống siêu ngọt có 1,7ha với khoảng 350 cây, được trồng 5 năm về trước. “Giống nhãn siêu ngọt dễ trồng, quả ngọt, năng suất đạt khoảng 14 tấn/ha. Tuy nhiên, giống này da xấu, sau khi thu hái một ngày thì quả bị thâm đen và chảy nước, do vậy, không để lâu được, rất khó bán để vận chuyển đi xa”, ông nói.

Cũng theo ông Tám, vụ nhãn  2020-2021, nhãn siêu ngọt bán sỉ cho thương lái với giá 12 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhãn giống T6 từ 5 đến 10 ngàn đồng. “Tôi rất mong có một chương trình cải tạo vườn nhãn, ghép cải tạo những giống đã thoái hóa, đồng thời phát triển thêm giống mới cho năng suất, chất lượng cao”, ông Tám bày tỏ mong muốn.

Yang Trung là một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất huyện Kông Chro. Toàn xã có 52 ha nhãn, tập trung ở 40 hộ thuộc thôn 9 và thôn 10. Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Brơn cho biết: Hiện có đến 8ha là giống cũ kém chất lượng, giá bán thấp và rất khó tiêu thụ do không bảo quản được lâu. Số còn lại là các giống như: Hương Chi, T6… Những giống này cho năng suất cao, chất lượng tốt, thương lái tìm mua tận vườn với giá cao. Tuy nhiên, để cải tạo lại vườn nhãn thì người dân không thể tự làm được bởi thiếu vốn, thiếu kiến thức.

Ông Huỳnh Hữu Nhân (làng Hle Hlang, xã Yang Trung) có 2ha nhãn trồng từ năm 2000 theo Dự án định canh định cư. Theo ông Nhân, vườn nhãn của gia đình cho năng suất tương đối cao, nhưng hạt to, cơm lại mỏng. “Hạn chế lớn nhất là nhãn sau khi thu hái không để được lâu, chỉ 1-2 ngày là quả bị sạm đen ngoài vỏ và bắt đầu chảy nước. Do vậy, thương lái không thích thu mua do vận chuyển đi xa không được”, ông Nhân cho hay.

Cũng theo ông Nhân, đầu vụ vừa rồi, giá chỉ được 10 ngàn đồng/kg, thậm chí cuối vụ chỉ còn 7 ngàn đồng/kg, trong khi giống nhãn T6 bán được 25-30 ngàn đồng/kg. “Mong có dự án đầu tư của Nhà nước để cải tạo vườn nhãn nhằm tăng năng suất, chất lượng để tăng thu nhập cho những người trồng nhãn”, ông Nhân nói.

Còn với Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Brơn thì mong muốn: “Nhà nước và ngành Nông nghiệp có chương trình, dự án hỗ trợ cho bà con cải tạo vườn nhãn như ghép giống mới cho năng suất, chất lượng cao, góp phần cải thiện đời sống người trồng nhãn trên địa bàn”.

 

Trần Bình Định
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

  • Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, những năm qua, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã khuyến khích nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao.

  • TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 là giống lúa được người sản xuất bún, bánh ở miền Trung rất chuộng. Theo tính toán, 1 kg gạo TBT132 sẽ làm ra hơn 3kg bún tươi, nhiều hơn so với các loại gạo khác từ 10 - 15%.

Top