Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 4 năm 2022 | 14:20

Ngăn chặn khai thác cát trái phép: Bài toán khó?

Trước hiện trạng khai thác cát trái phép xảy ra ở khắp nơi, ngành chức năng đã yêu cầu thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, song trên thực tế, số vụ vi phạm vẫn gia tăng.

"Cát tặc" ngang nhiên càn quét
 
Tại khu vực vùng rừng phòng hộ giáp ranh giữa 2 xã Hải Dương và Hải Quế của huyện Hải Lăng (Quảng Trị), đập vào mắt chúng tôi là đồi Con Voi bị khai thác thành những cái hố sâu hoắm, cây cối bị máy móc múc bật gốc chổng ngược lên trời. Xe cộ ngang nhiên vào ra khai thác, vận chuyển cát trái phép.
 
Đồi Con Voi đang bị băm nát nham nhở. Nhẩm tính có hàng trăm khối cát tại đây đã bị lấy đi. Không quan tâm sự xuất hiện của người lạ, các “đầu nậu” vẫn hô hét, chỉ đạo quân nhà mình tăng tốc múc đất cát đổ lên xe cơ giới đang chờ sẵn để vận chuyển đi nơi khác.
xe-đầu-máy-kobota-khai-thác-vận-chuyển-trái-phép-cát-trắng-ở-khu-vực-đồi-con-voi.jpg
Xe đầu máy Kobota khai thác, vận chuyển trái phép cát trắng ở khu vực đồi Con Voi
Ở khu vực giáp ranh giữa xã Triệu Lăng và Triệu Sơn của huyện Triệu Phong, nhiều đồi cát trắng cũng bị tận thu trái phép. Tại khu rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Triệu Sơn, hàng loạt mô cát trồng cây tràm hoa vàng nhiều năm tuổi bị băm nát, để lại nhiều hố sâu 3-4 m, rộng 10-15 m2. Nhiều cây tràm bị bật gốc, nằm ngổn ngang bên miệng hố. Rừng phòng hộ này có nhiều lối vào ra in sâu bánh xe cơ giới, dấu vết còn mới.
 
Ở khu rừng phòng hộ đối diện, quãng chừng cây số đường chim bay cũng xảy ra tình trạng tận thu cát, cây rừng bị bức tử. Nhiều đồi cát trắng cùng với rừng tràm hoa vàng nhiều năm tuổi đang bị các “cát tặc” băm nát, múc và vận chuyển trái phép đi nơi khác hàng trăm m3 đất cát mỗi ngày.
đồi-cát-trắng-trong-khu-vực-rừng-phòng-hộ-ở-2-huyện-hải-lăng-và-triệu-ph.jpg
Đồi cát trắng trong khu vực rừng phòng hộ ở 2 huyện Hải Lăng và Triệu Phong bị “cát tặc” băm nát.
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND xã Hải Dương Hoàng Cảnh cho rằng khu vực đồi cát trắng Con Voi nằm trong Khu kinh tế Đông Nam, trước đây thuộc địa phận của xã, song lúc hoạch định lại thì thuộc UBND xã Hải Quế quản lý. Trong khi đó, thông tin với PV, lãnh đạo UBND xã Hải Quế khẳng định khu vực đang bị khai thác cát trái phép kể trên thuộc địa phận xã Hải Dương (?).
 
Còn ông Nguyễn Hữu Vãn-Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn, tại thời điểm báo chí phản ánh sự việc, ông nói vẫn chưa nắm bắt được tình hình đất cát trên địa bàn bị khai thác trái phép (?!).
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Vũ Thành Công cho hay, huyện đã có văn bản gửi UBND các xã trên địa bàn, yêu cầu thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Việc lãnh đạo nhiều xã kể trên để xảy ra tình trạng khai thác đất cát trái phép này là không thể chấp nhận được.
 
Hàng loạt đồi cát trắng nằm trong khu vực rừng phòng hộ ở Quảng Trị nhiều năm nay bị khai thác trái phép. Điều này không được ngăn chặn, xử lý triệt để, dẫn đến tài nguyên khoáng sản bị thất thoát; cảnh quan, môi trường rừng bị đe dọa nghiêm trọng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trước việc hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra trên địa bàn huyện Thiệu Hóa và huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, báo chí đã vào cuộc và phản ánh tới nhiều cơ quan chức năng tỉnh này; thế nhưng, đã hơn 2 tuần trôi qua, vẫn chưa có cá nhân nào bị xử lý, cũng không ai phải chịu trách nhiệm trước hoạt động khai thác trái phép.

Ký hiệu tầu TH 0599, VRJ6040165, HD 02 và 2 tàu không số hiệu là những con tàu hút được xác định khai thác cát trái phép trên dòng sông Chu, địa bàn xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa ngày 31/3/2022. Song tới thời điểm này các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn không xác định được các tàu hút này.

Ông Lê Thế Ái, Trưởng phòng TNMT huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa thông tin báo chí: “Cái này chúng tôi đã liên lạc với Công an huyện và ngành thuế chịu quản lý các tàu này, nhưng mà tới thời điểm này chúng tôi vẫn chưa xác định được các tàu này".

Khi được hỏi về việc quy trách nhiệm của các cá nhân có liên quan để xảy ra khai thác cát trái phép, thì chỉ là hình thức nhắc nhở bằng… miệng.

 

c364e48f-9125-4d91-994c-9aff034d9ea4.jpg
(Ảnh minh hoạ)

Ông Nguyễn Trọng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa: “Sau khi sự việc xảy ra chúng tôi cũng đã họp anh em lại để quán triệt, nhắc nhở kiểm điểm bằng miệng…”.

Liên quan đến những con tàu không số rút ruột lòng sông Mã, trên địa bàn xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc. Trưởng Công an huyện Vĩnh Lộc thừa nhận là những đó là những phương tiện khai thác trái phép, nhưng khó khăn trong việc tịch thu, bởi đây là tàu của ngư dân thuyền chài.

Thượng tá Nguyễn Hữu Hùng, Trưởng Công an huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa: “Chúng tôi đã tham mưu cho Chủ tịch và các ngành các cấp vào cuộc và có biện pháp xử lý dứt điểm vấn nạn khai thác cát trái phép. Chúng tôi cũng hứa với các đồng chí rằng sẽ không để câu chuyện khai thác trái phép diễn ra để báo chí không còn phản ánh, người dân không còn bức xúc…”.

Việc các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa không xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác cát trái phép sẽ dẫn đến tình trạng “nhờn luật”, các đối tượng khai thác cát trái phép sẽ tiếp tục ngồi trên pháp luật. Dù các quy định của pháp luật, các Nghị định, thông tư của Chính phủ đã có những chế tài rất rõ ràng khi để xảy ra vi phạm.

Bị phạt 9 tháng tù giam

Theo cáo trạng, xuất phát từ mục đích khai thác cát để bán lại cho các cá nhân có nhu cầu, khoảng 7h30 phút, ngày 27/11/2021, Nguyễn Văn Bình cùng cháu ruột của mình là N.B.C. (SN 1995, trú cùng thôn) điều khiển thuyền gỗ (trên thuyền gắn hệ thống động cơ, máy bơm, ống dẫn để khai thác cát) đi từ khu vực khe Cây Chay (thuộc địa phận thôn Đông Xuân) ra phía lòng hồ thượng nguồn sông Rác.

Đến khu vực khe Bờ Ao (giáp ranh xã Kỳ Tây với xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên), Bình thả ống hút xuống nước để hút cát từ lòng hồ lên khoang chứa của thuyền.

13h cùng ngày, khi cả 2 đang bơm cát lên bãi tập kết thì bị Công an huyện Kỳ Anh phát hiện, lập biên bản sự việc.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, số khoáng sản (cát) Bình và C. đã khai thác là 8,192 m3 cát, có giá trị hơn 1,8 triệu đồng.

Được biết, Nguyễn Văn Bình đã có 1 tiền án, bị TAND huyện Kỳ Anh tuyên phạt 9 tháng tù giam, phạt tiền 10 triệu đồng về tội “Đánh bạc” theo bản án số 23/HSST vào ngày 31/5/2021. Tại phiên xử phúc thẩm vào ngày 15/10/2021, TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên y án tại bản án số 126/2021/HS-PT.

Ngoài ra, Bình từng có 1 tiền sự, bị Công an huyện Kỳ Anh xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

N.B.C. là người đi khai thác cát cùng Bình. Tuy nhiên, xét thấy khối lượng cát C. khai thác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và C. chưa có tiền án, tiền sự về hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, do đó Công an huyện Kỳ Anh đã xử phạt vi phạm hành chính đối với N.B.C. theo quy định.

Hội đồng xét xử nhận định, việc khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản của Nguyễn Văn Bình đã vi phạm Luật Khoáng sản và ảnh hưởng đến môi trường. Sau khi xem xét các yếu tố tăng nặng, giảm nhẹ và căn cứ vào các quy định của pháp luật, TAND tỉnh đã tuyên phạt Nguyễn Văn Bình 9 tháng tù, phạt bổ sung 50 triệu đồng; tổng hợp mức án 9 tháng tù và mức phạt tiền 10 triệu đồng theo bản án 126 của TAND tỉnh trước đó, buộc hình phạt chung bị cáo phải chịu là 18 tháng tù, phạt bổ sung 60 triệu đồng.

 

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, để quản lý tốt hơn việc quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, nhất là cát, sỏi lòng sông, Bộ TN&MT đã đề nghị các địa phương, các Bộ liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục ban hành quy chế phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản. Đến nay đã có hàng chục tỉnh, thành phố ký kết quy chế phối hợp quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh, các lưu vực sông; cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

Theo đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, quá trình thực hiện xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do trong quá trình truy bắt, đối tượng luôn chạy sang địa bàn huyện khác hoặc tỉnh khác. Do đó, phải xây dựng cơ chế phối hợp xử lý cụ thể. Theo đó, cần báo cáo giao Bộ Công an thành lập Đoàn kiểm tra, trong đó có sự tham gia của lực lượng công tác các tỉnh, thành.

Đại diện này cũng đề xuất, về lâu dài, để từng bước hạn chế, giảm thiểu việc khai thác cát, sỏi lòng sông, cần khuyến khích cơ chế, chính sách nguyên liệu thay thế cát, sỏi lòng sông bằng nguyên liệu khác đang có tiềm năng của chính nước ta.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top