Tình trạng xây dựng “biệt thự”, nhà vườn trái phép tồn tại trong một thời gian dài không bị xử lý, và ngành chức năng vào cuộc chỉ đạo xử lý thì “quả bóng trách nhiệm” được “đá đi, đá lại”… người đứng đầu địa bàn để xảy ra sai phạm, phải bị xử lý nghiêm?
Trước tình trạng xây dựng biệt thự “khủng” sai phép của của ông Phạm Văn Huyên (49 tuổi) tại phường Lộc Phát, phường Lộc Phát, Thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ngày 15/4, UBND TP. Bảo Lộc mới ban hành Quyết định số 1353 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Phạm Văn Huyên.
Theo quyết định số 1353 có nêu rõ về thời hạn cho phép ông Huyên tự tháo dỡ là 15 ngày (kể từ ngày ông Huyên nhận quyết định - ngày 16/4/2021). Sau thời hạn trên, ông Huyên không tự tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.
Tuy nhiên, đến ngày 29/4, công trình vẫn chưa được ông Phạm Văn Huyên tiến hành tháo dỡ. Do đó, UBND Thành phố Bảo Lộc tổ chức buổi làm việc với các đơn vị để xem xét, thống nhất các nội dung chuẩn bị cho công tác thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Về phía Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng cũng có văn bản yêu cầu Bí thư Thành ủy Bảo Lộc chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành xác minh, làm rõ trách nhiệm, xử lý triệt để và không để tình trạng trên diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Thành ủy Bảo Lộc đã yêu cầu UBND TP. Bảo Lộc tiến hành xác minh, làm rõ trường hợp xây dựng không phép tại đường Lý Thường Kiệt, phường Lộc Phát như báo chí đã phản ánh; đồng thời xử lý nghiêm theo quy định trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm và không có ngoại lệ.
Thành ủy Bảo Lộc cũng chỉ đạo UBND TP. Bảo Lộc chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đã buông lỏng quản lý, để xảy ra trường hợp vi phạm tại căn biệt thự xây dựng không phép.
Đáng chú ý, dù chỉ đạo của Tỉnh ủy Lâm Đồng có từ ngày 13/3 nhưng tiến trình xử lý ngôi biệt thự không phép này bị kéo dài khó hiểu.
Ngày 16/4 vừa qua, Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan họp kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND TP. Bảo Lộc. Tuy nhiên, hiện chưa rõ hình thức kỷ luật các cá nhân, tập thể có vi phạm.
UBND TP. Bảo Lộc cho rằng, trong quá trình củng cố hồ sơ xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng của chủ đầu tư là ông Phạm Văn Huyên, UBND TP. Bảo Lộc đã có nhiều văn bản đề nghị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Bảo Lộc phối hợp với UBND phường Lộc Phát thực hiện việc đo vẽ hiện trạng công trình xây dựng vi phạm của ông Phạm Văn Huyên.
Tuy nhiên, quá trình phối hợp với UBND phường Lộc Phát và các cơ quan có liên quan của Thành phố thì Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Bảo Lộc đã thực hiện không tốt, chậm phối hợp; chưa chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố. Vì vậy, sau hơn 5 tháng kể từ ngày có văn bản đề nghị phối hợp đo vẽ hiện trạng công trình, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố mới có bản vẽ trích đo thửa đất.
“Việc chậm chễ đo vẽ hiện trạng công trình xây dựng vi phạm của ông Phạm Văn Huyên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến UBND TP. Bảo Lộc chưa kịp thời ban hành được quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng vi phạm về trật tự xây dựng của Chủ đầu tư là ông Phạm Văn Huyên” - UBND TP. Bảo Lộc nêu.
Do vậy, UBND TP. Bảo Lộc đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Văn Phòng Đăng ký đất đai tỉnh xem xét kiểm điểm, phê bình đối với Chi nhánh Văn phòng Đăng đất đai TP. Bảo Lộc; đồng thời có biện pháp chấn chỉnh để Chi Chi nhánh Văn phòng Đăng đất đai TP. Bảo Lộc có trách nhiệm phối hợp kịp thời thực hiện tốt các nhiệm vụ khi được UBND Thành phố giao, đề nghị phối hợp.
Dựng nhà vườn trái phép trên hồ thủy điện – Bí thư tỉnh "quyết xử lý vụ việc, không có vùng cấm dù đó là ai"?
Liên quan đến vụ tự ý mở đường, xây nhà vườn trái phép trên hồ thủy điện Đắk R’tih, thông tin với báo chí Bí thư tỉnh ủy Đắk Nông - Ngô Thanh Danh cho hay, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị và địa phương liên quan làm rõ việc các tổ chức, cá nhân tự ý san ủi đường, xây dựng khu nhà vườn trái phép trên rừng bán ngập tại hồ thủy điện Đắk R’Tih trên 2 địa bàn TP Gia Nghĩa và huyện Đắk R’Lấp.
“Đồng thời, có yêu cầu phải báo cáo cụ thể về Thường trực tỉnh ủy, nhưng đến nay, các đơn vị chưa có báo cáo cụ thể - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông cũng khẳng định. Về quan điểm cá nhân cũng như Tỉnh ủy Đắk Nông sẽ kiên quyết xử lý vụ việc, không có vùng cấm dù đó là ai. Chúng ta mở cửa kêu gọi đầu tư nhưng không “thả cửa” để ai muốn làm gì thì làm”, ông Danh nhấn mạnh.
Về tiến độ xử lý vụ việc xây dựng khu nhà vườn trái phép trên rừng bán ngập hồ thủy điện Đắk R’Tih tại thôn 8 xã Nhân Cơ, ông Nguyễn Thanh Cát – Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp cho hay, hiện nay đã hết thời gian xin tỉnh Đắk Nông gia hạn 15 ngày và đang tiếp tục xin gia hạn thêm để xử lý vụ việc.
“Đã biết được chủ của khu nhà vườn xây trái phép trên rừng bán ngập hồ thủy điện Đắk R’Tih ở thôn 8, xã Nhân Cơ hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Mặc dù xã Nhân Cơ đã 3 lần mời lên làm việc nhưng chủ nhà liên tục cáo bệnh, chưa lên lần nào", ông Cát thông tin thêm.
Còn việc san ủi mở đường lấn chiếm hồ thủy điện Đắk R’Tih tại TP Gia Nghĩa, ông Thạch Cảnh Tịnh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa thông tin, “hiện nay các cơ quan chuyên môn chưa làm xong vì vướng nhiều việc như người dân tự ý san lấp nhiều. Khi anh em có báo cáo cụ thể chúng tôi sẻ xử lý ngay, quan điểm sai đâu xử đấy”, ông Tịnh cho hay.
Trước thông tin báo chí phản ánh về vụ việc vào cuối năm 2020, TP Gia Nghĩa và huyện Đắk R’lấp phát hiện các 2 tổ chức, cá nhân tự ý mở đường, xây khu nhà vườn trái phép trên đất rừng bán ngập thủy điện Đắk R’tih. Nhưng khi địa phương lập biên bản xử lý, một thời gian sau vụ việc bỗng rơi vào im lặng một cách khó hiểu.
Vụ việc gây xôn xao dư luận và tỉnh Đắk Nông đã mở cuộc họp báo để thông tin. Theo đó, tại cuộc báo ngày 9/4, ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông ra chỉ thị giao cho UBND huyện Đắk R’lấp và TP Gia Nghĩa phải giải quyết vụ việc trước ngày 30/4.
Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn gần 1 tháng nhưng cả huyện Đắk R’lấp và TP Gia Nghĩa vẫn đang “loay hoay” xử lý và chưa có kết quả cuối cùng.
Xử lý bằng tiền và phương án khắc phục hậu quả
Trước đây, tình trạng này chỉ diễn ra khá phổ biến ở thành thị, chủ yếu là do người dân cơi nới nhà để mở rộng không gian sinh hoạt. Nay tình trạng này lại chuyển dịch sang đối tượng là các doanh nghiệp (xây dựng nhà công trình sản xuất kinh doanh), chủ đầu tư các dự án, giới đầu nậu gom đất phân lô.
Thực tế cho thấy, giới đầu nậu phân lô thường hay ra các vùng đô thị mới, vùng quy hoạch đặc khu do ở những khu vực này việc quản lý còn lơi lỏng. Việc liên tục phát hiện nhiều công trình bề thế tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây đã nói lên điều ấy.
Số vụ vi phạm tại khu vực nông thôn và cả khu vực miền núi cũng đang có chiều hướng gia tăng do sự yếu kém về chuyên môn quản lý xây dựng của bộ máy chính quyền địa phương. Cùng với đó là thiếu lực lượng chuyên trách cũng như tình trạng nể nang, không xử lý triệt để.
Trước tình trạng xây dựng trái phép hiện nay, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP HCM có những chia sẻ về phương án xử lý sai phạm, tùy theo đối tượng và hành vi vi phạm, để áp dụng các chế tài tương ứng theo quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017. Biện pháp xử lý là phạt tiền, kèm theo khắc phục hậu quả, hình thức xử phạt bổ sung đối với chủ đầu tư, cá nhân sở hữu, đơn vị thi công.
Với trường hợp cấp phép sửa chữa cải tạo, tổ chức thi công xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị; phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa; phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng. Xử phạt từ 10 - 20 triệu, 20 – 30 triệu và 30 – 50 triệu đồng đối với vụ việc thi công sai giấy phép được cấp mới (theo từng loại công trình tương ứng).
Với hành vi không có giấy phép xây dựng, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa; phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị. Xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng mà không có giấy phép xây dựng sẽ bị phạt tiền từ 30 – 50 triệu.
Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Phạt tiền từ 50 – 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; công trình vi phạm chỉ giới xây dựng; công trình sai cốt xây dựng; công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống; cơi nới, lấn chiếm diện tích, không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.
Trong trường hợp đã bị lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm sẽ phạt từ 5 – 10 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, di tích; phạt 35 – 40 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ; phạt từ 300 – 350 triệu đồng đối với công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng,… Với hành vi tái phạm, tổ chức thi công, chủ công trình sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu, 70 – 80 triệu, từ 950 triệu – 1 tỷ đồng đối với những công trình tương ứng.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng đến 12 tháng đối với các hành vi tiếp tục vi phạm và tái phạm.
Khắc phục hậu quả
Luật sư Phượng cho biết, khi xảy ra sai phạm, bên vi phạm buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bổ sung phương tiện che chắn, khôi phục lại tình trạng ban đầu và có thể bị tháo dỡ công trình.
Đối với các công trình đang thi công, nếu bị phát hiện sai phạm sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu dừng thi công xây dựng công trình. Trong thời hạn 60 ngày, bên vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng.
Hết thời hạn trên, nếu không đưa ra được giấy phép sẽ bị buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Nếu đã được điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng thì phải tháo dỡ phần công trình đã xây không phù hợp mới được tiếp tục xây dựng.
Cũng theo luật sư Phượng, để tránh tình trạng cưỡng chế, tháo dỡ gây lãng phí, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xây dựng. Đồng thời cần áp dụng triệt để các chế tài từ việc xử phạt, buộc tháo dỡ, buộc khôi phục tình trạng ban đầu cho đến việc thu hồi đất nếu sử dụng đất sai mục đích quy định.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.