Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 19 tháng 6 năm 2021 | 17:1

Ngỡ ngàng trước hình thức góp vốn và chia lợi nhuận “siêu khủng” của CDP Toàn Cầu!

Hình thức góp vốn và chia lợi nhuận “khủng” của Công ty CP Thương mại CDP Toàn Cầu (CDP Toàn Cầu, phường Tân Thịnh, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) khiến dư luận “giật mình” và không khỏi “hoài nghi” về những dự án của doanh nghiệp này!?

Có hay không dự án “bánh vẽ”?

Những thông tin được CDP Toàn Cầu “vẽ ra” và đăng tải trên Website có nội dung khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng… Đại loại như: có nhiều dự án tầm cỡ, mang tính chiến lược và được điều hành bởi những nhà lãnh đạo tài năng. Các dự án về lĩnh vực nông nghiệp; khai thác khoáng sản; sản xuất phân bón vi sinh; xây dựng, kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng; xây dựng nhà máy chế biến bơ.

Trong đó, dự án trồng bơ được triển khai theo đề án, chủ trương của Chính phủ; độc quyền trồng và bao tiêu toàn bộ miền Bắc - sản phẩm về bơ và cây bơ; sản phẩm đã có thương hiệu trong khối ASEAN 5 năm; đầu ra sản phẩm có nhiều đối tác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Israel…

hoa-binh.jpg
Dự án trồng bơ xuất khẩu được CDP Toàn Cầu giới thiệu, quảng bá rầm rộ.

CDP Toàn Cầu đặt mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu trồng bơ theo cấp số nhân. Theo đó, năm 2019 là 400ha; năm 2021 mở rộng lên 4.000ha; năm 2023 tổng diện tích tăng lên 10.000ha. CDP Toàn Cầu cho biết, trước mắt trồng bơ tại 4 tỉnh là Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ và Sơn La.

Tiếp đến là dự án nhà máy sản xuất phân bón vi sinh được CDP Toàn Cầu giới thiệu xây dựng trên phần diện tích giai đoạn 1 là 1.000m2, giai đoạn 2 mở rộng thêm 3.000m2 (địa chỉ tại tổ 8, đường Âu Cơ, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình). Dự án đi vào hoạt động  tháng 10/2019, công suất 3 triệu tấn/năm – đủ cung ứng cho 30.000ha và 2/3 tổng số lượng sản xuất ra là phục vụ vào lĩnh vực của doanh nghiệp, 1/3 còn lại bán thương mại ra thị trường.

Bên cạnh bơ, CDP Toàn Cầu còn “nổ” thêm dự án khai thác khoáng sản tại tỉnh Bắc Kạn với tổng diện tích khoảng 44,3ha, mức lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 – 500 tỷ đồng mỗi năm. Đối tác tiêu thụ khoáng sản là doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam. Số lượng cung ứng cho đối tác khoảng 3 triệu tấn/năm.

Dự án thứ 4 của CDP Toàn cầu là Xây dựng khu sinh thái nghỉ dưỡng Bảo Thọ quốc tế Hòa Bình, tổng diện tích 150ha, địa chỉ tại xóm Nút, xã Dân Hạ (Kỳ Sơn - Hòa Bình). Thời gian dự kiến khởi công tháng 8/2020 đến tháng 12/2022. Doanh thu ước tính của dự án  80 – 100 tỷ đồng.

Bên cạnh “nổ” có trong tay những dự án lớn nêu trên, CDP Toàn Cầu còn cam kết chi trả lợi nhuận cho nhà đầu tư góp vốn lên đến 80%/2 năm. 

ai-tin-tưởng-vào-mức-lợi-nhuận.jpg
Ai tin tưởng vào mức lợi nhuận "khủng" sau 24 tháng hết hợp đồng?

Cam kết lợi nhuận “siêu khủng”?

Trong vai nhà đầu tư, PV được tư vấn nếu rót vốn sẽ được CDC Toàn Cầu cam kết chia lợi nhuận liên tiếp hàng tháng cho đến khi hết hạn hợp đồng. Kỳ hạn để chia lợi nhuận tính theo thời hạn là 6, 12, 18 và 24 tháng, kèm theo mức lợi nhuận hấp dẫn!? Mức lợi nhuận tỷ lệ thuận với số tiền bỏ ra như sau: Nhà đầu tư càng bỏ ra số tiền lớn trong thời hạn càng lâu thì mức lợi nhuận được chi trả càng cao, bỏ vốn trong vòng 24 tháng, mức lợi nhuận thu về có thể lên đến con số 80%/2 năm.

Ví dụ khách đầu tư 250 triệu đồng trong vòng 24 tháng sẽ nhận lại số tiền cả gốc lẫn lãi là 450 triệu đồng; góp vốn 1 tỷ 250 triệu đồng trong vòng 24 tháng sẽ được hưởng lợi nhuận cả gốc và tiền lãi lên đến 2 tỷ 250 triệu đồng. Như vậy, tính bình quân nhà đầu tư sẽ được chia lợi nhuận là hơn 41 triệu đồng/tháng; sau khi kết thúc hợp đồng 24 tháng, nhà đầu tư sẽ thu về mức sinh lời tròn 1 tỷ đồng. Đây quả thực là mức “ siêu lợi nhuận” cho các nhà đầu tư góp vốn hợp tác kinh doanh với CDP Toàn Cầu.

Bên cạnh hợp tác với CDP Toàn Cầu được chia lợi nhuận “khủng”, nhà đầu tư còn thường xuyên được giao lưu học hỏi các kỹ năng, được cùng các đối tác họp với lãnh đạo hàng tháng; hàng tháng được đi tham quan các dự án của doanh nghiệp; được tham dự các buổi chia sẻ về kiến thức phòng và chữa bệnh, được biết thêm nhiều mối quan hệ, mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội; được chia lợi nhuận liên tiếp hàng tháng đến khi hết hạn hợp đồng.

Dư luận cho rằng, hình thức huy động góp vốn kiểu này là một dạng đa cấp biến tướng, vì thực tế không có một dự án, hình thức kinh doanh nào có thể mang lại lợi nhuận lớn đến như vậy?

Hay nói chính xác hơn, đây chính là hình thức lấy tiền của người sau trả cho người trước. Khi không tìm kiếm được nhà đầu tư mới, hệ thống này sẽ sụp đổ, người đã tham gia có thể rất khó lấy lại số tiền bỏ ra, người tham gia sau sẽ chịu phần lớn thiệt hại. Ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư khi mà thông tin về dự án còn rất mập mờ, không minh bạch thậm chí là chưa được cấp phép? Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top