Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 6 năm 2022 | 23:10

Nhiều công ty khai thác khoáng sản trái phép chưa bị xử lý

Nhiều sai sót, vi phạm trong công tác cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường... Nhiều doanh nghiệp khai thác vượt công suất cấp phép, kê khai thiếu… nhưng chưa được Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra xử lý...

Công trường đá “lậu” ngang nhiên hoạt động
 
Người dân sinh sống tại khu vực xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh (Phú Yên) bức xúc trước tình trạng khai thác đá trái phép hoạt động cả ngày lẫn đêm trên địa bàn, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn… tiếng máy móc ầm ĩ, xe hổ vồ vượt trọng tải chạy ngày đêm gây hoang mang cho người già, trẻ nhỏ mỗi khi ra đường.
 
Ngày nào cũng có cả đoàn xe tải vào vị trí khai thác đá trái phép “đánh cắp” tài nguyên vận chuyển về điểm tập kết làm của riêng. Điều đáng nói, hoạt động này diễn ra trong suốt thời gian dài, vị trí khai thác trái phép nằm gần trụ sở UBND xã nhưng vẫn không bị xử lý.
 
Hiện trạng được biết, có 2 chiếc máy xúc đang hoạt động đào bới sâu xuống lòng đất để lấy đá. Bên trong lều, có một số người đang nằm nghỉ ngơi.
 
Nằm sát mép đường, là một lán trại kiến cố phục vụ cho công nhân ăn ở. Có lẽ đang là giờ nghỉ trưa, bên trong nhiều công nhân đang nằm nghỉ ngơi. Bãi đất trống bên cạnh được sử dụng làm “kho” nhiên liệu nơi có đến hàng chục phi dầu nhiên liệu phục vụ máy móc hoạt động khai thác đá.
khai-thac-da.jpg
Vị trí khai thác đá chỉ cách trụ sở UBND khoảng 1,5km, nơi đây chẳng khác gì một công trường được được cấp khép khai thác. Cả một vùng đất rộng lớn bị khoét sâu vào lòng đất để lấy đá.
Tiến thêm vài bước chân, một khu vực lòng chảo hiện ra trước mắt chúng tôi, dưới kia một công trường đang khai thác đá. Dây điện chằng chịt khắp mọi nơi, tiếng máy khoan thủy lực nổ xình xình, 2 công nhân cặm cụi theo dõi mũi khoan đang nhích chậm chậm vào vách đồi để tách đá.
 
Cả một khu vực rộng lớn bị khoét sâu vào lòng đất để lấy đá. Hai bên bờ những khối đá đồ sộ được bới lên, nằm chồng chất lên nhau chờ xe đến vận chuyển về nơi tập kết.
 
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Ngọc Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường, huyện Sông Hinh (Phú Yên) khẳng định: “Trên địa bàn xã Đức Bình Tây không có bất kỳ vị trí nào được cấp khép khai thác đá. Vấn đề PV phản ánh tôi sẽ đề nghị lãnh đạo xã ra ngay hiện trường để kiểm tra. Để xảy ra tình trạng khai thác trái phép làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản là trách nhiệm nhiệm của xã. Bởi tài nguyên khoáng sản của địa phương xã phải là người trực tiếp quản lý”.
 
Về phía bà Huỳnh Thị Điệp, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây cho biết: “Người đưa phương tiện máy móc, con người vào khai thác đá trái phép là ông Tú - chủ Công ty cổ phần xây dựng thương mại Tú Mai có nhà máy đá Granite đóng chân trên địa bàn xã. Xã có nắm được ông này khai thác đá trái phép rồi cho xe vận chuyển về nhà máy nhưng không xử lý, chỉ nhắc nhở vì ông này là... hàng xóm láng giềng với tôi”.
 
Liên quan đến việc một đơn vị “rút ruột” tài nguyên khoáng sản của địa phương trong thời gian dài nhưng không bị xử lý, trao đổi với báo chí Đại tá Phan Thanh Tám, Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cho biết: “đơn vị sẽ chỉ đạo cho lực lượng công an tiến hành kiểm tra ngay. Sau khi có kết quả kiểm tra tôi sẽ thông tin lại cho báo chí”.

Nhiều vi phạm trong cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản

Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi vừa công bố Kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật về cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Sở Tài nguyên và Môi trường; việc chấp hành pháp luật trong khai thác khoáng sản và nghĩa vụ tài chính tại 5 doanh nghiệp. Qua thanh tra phát hiện nhiều sai phạm.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi có nhiều sai sót, vi phạm trong công tác cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Việc chấp hành pháp luật và nghĩa vụ tài chính về khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp được cấp phép có sai phạm. Nhiều doanh nghiệp khai thác vượt công suất cấp phép, kê khai thiếu… nhưng chưa được Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, phát hiện, xử lý.

Qua thanh tra cho thấy, 14 mỏ khoáng sản đã quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày Giấy phép chấm dứt hiệu lực mà chủ đầu tư chưa nộp đề án đóng cửa mỏ cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi; 8 mỏ chậm nộp đề án đóng cửa mỏ là không đúng theo quy định của Luật Khoáng sản. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã tham mưu UBND tỉnh quyết định thu hồi 4 Giấy phép khai thác khoáng sản do đã khai thác hết trữ lượng xác định trong dự án đầu tư, thiết kế mỏ và giấy phép.

 

286971862_528621742394146_256044395397106106_n.gif
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều sai sót, vi phạm trong công tác cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản.

Kết luận Thanh tra cũng nêu rõ nguyên nhân dẫn đến những vi phạm này do công tác quản lý nhà nước về khoáng sản dùng làm vật liệu thông thường còn bất cập, chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn, còn thiếu các biện pháp hiệu quả, chưa kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm để xử lý chấn chỉnh. Công tác phối hợp giữa các bộ phận chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường chưa chặt chẽ, đồng bộ.

Công tác phối hợp giữa cơ quan tham mưu cấp phép với chính quyền địa phương nơi có mỏ khoáng sản còn hạn chế, chính quyền địa phương nơi có mỏ chưa nhận thức đầy đủ được trách nhiệm, quyền hạn của mình trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn do cấp trên cấp phép. Công tác thanh tra, kiểm tra của Sở còn chưa được thường xuyên và kịp thời để nhắc nhở, đôn đốc, chấn chỉnh và xử lý các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng có vi phạm quy định pháp luật về khoáng sản. Ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản chưa tốt, thực hiện chưa hết trách nhiệm và nghĩa vụ theo Luật khoáng sản sau khi được UBND tỉnh cấp phép khai thác.

Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Sở Tài chính chỉ đạo tổ chức họp để kiểm điểm đối với các sai sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quyết định các công việc cụ thể có sai sót, vi phạm thuộc trách nhiệm của Giám đốc sở và các Phó Giám đốc sở (qua các thời kỳ) về các nội dung được thanh tra gắn liền với việc đề ra từng giải pháp, lộ trình khắc phục những hạn chế, vi phạm.

Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

Phó Giám đốc Công ty bị bắt vì khai thác khoáng sản trái phép

Mới đây, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam 3 tháng đối với Lê Khả Châu (SN 1979), trú tại tổ 14, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.

Ông Châu là Phó Giám đốc Công ty TNHH Sơn Lâm, có trụ sở tại phường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang, để điều tra về tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Trước đó, Công an tỉnh Hà Giang và Công an huyện Bắc Quang đã phát hiện, bắt quả tang các đối tượng đang tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản (quặng) trái phép, tại thôn Buốt, xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

 

a-hg-1851.jpg
Lê Khả Châu tại cơ quan công an. (Ảnh: Công an Hà Giang).

Công an huyện Bắc Quang đã ra quyết định số 58 ngày 23/11/2021 khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm về thăm dò, nghiên cứu, khai thác tài nguyên.

Quá trình điều tra, Lê Khả Châu giữ vai trò đồng phạm, giúp sức để các đối tượng thực hiện hành vi khai thác quặng trái phép tại huyện Bắc Quang.

Căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam đối với Lê Khả Châu để tiếp tục điều tra làm rõ vụ án.

 

Tối đa hóa lợi ích quốc gia thông qua đấu giá tài nguyên khoáng sản

Thể chế hóa nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2045, Chính phủ, các bộ ngành đã khẩn trương triển khai nghị quyết, trong đó việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về đấu giá tài nguyên khoáng sản là một trong các bước đi cụ thể.

Về đấu giá khoáng sản, ngày 14/2/2022 Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã họp hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Theo các chuyên gia của Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 22/2012/NĐ-CP phải làm rõ, phân biệt giữa hai khái niệm “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” và “Tiền trúng đấu giá để được khai thác khoáng sản”. Mức giá khởi điểm để đưa ra phiên đấu giá phải căn cứ vào giá của mỗi tấn tài nguyên khoáng sản thô tại các nước có khoáng sản tương tự nước ta, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước trong dài hạn.

Quy định trước đây về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (quy định tại Điều 5 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP) được dùng làm mốc xác định giá khởi điểm cho phiên đấu giá khoáng sản, mà không căn cứ vào diễn biến thực tế của giá khoáng sản thô trên thị trường, có thể chưa gây thiệt hại trước mắt, nhưng về lâu về dài có thể thiệt hại cho nguồn thu ngân sách quốc gia, do giá khoáng sản biến động liên tục theo hướng tiệm tiến.

Đơn cử, Trung Quốc đã ban hành quy định về “giá quyền khai thác chuẩn trên thị trường”, là mức giá để doanh nghiệp được quyền khai thác các loại khoáng sản khác nhau xác định trong một khoảng thời gian nhất định, căn cứ theo các yếu tố như trữ lượng tài nguyên, mức độ khó hoặc dễ khai thác, nhu cầu sử dụng và mức độ bảo vệ tiết kiệm tài nguyên.

Đặc biệt, mức giá chuẩn thị trường của các loại khoáng sản thô này chỉ có hiệu lực trong 3 năm, sau đó điều chỉnh theo diễn biến thực tế.

Tại Ấn Độ, chính phủ nước này tổ chức đấu giá quyền khai thác quặng thô 2 năm một lần, kèm theo các điều kiện nhằm ràng buộc tổ chức trúng đấu giá vào khai thác. Chẳng hạn, lượng quặng thô mua qua cuộc đấu giá tối thiểu 10 nghìn tấn trở lên, giá trúng đấu giá chỉ có hiệu lực trong 90 ngày…, chưa kể tiền cấp quyền khai mỏ và thuế tài nguyên phải nộp.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là một quốc gia giàu tài nguyên, trong đó có khoáng sản niken để làm pin xe điện, hay khoáng sản bauxite, than cũng được đấu giá. Căn cứ xây dựng giá khởi điểm là giá thị trường tại thời điểm đấu giá của loại khoáng sản đó, tính trên đơn vị mỗi mét khối khoáng sản dạng nguyên khai.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, dự thảo nghị định lần này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu sửa quy định về đấu giá tài nguyên khoáng sản theo hướng xác định rõ sự ràng buộc người trúng đấu giá phải tiến hành làm thật, cấm hành vi trúng đấu giá - được cấp quyền khai thác xong lại chuyển nhượng công ty, xem như bán giấy phép khai khoáng để kiếm lời. Việc ràng buộc đặt ra theo mốc thời gian, nếu “anh” không triển khai trong 2 - 3 năm, “anh” sẽ bị thu hồi giấy phép.

“Ngoài ra, cơ quan soạn thảo nên tham khảo phương án đấu giá tài nguyên tính theo mỗi tấn sản lượng khoáng sản nguyên khai được đào lên; xây dựng mức giá khởi điểm phải sát giá thị trường, như cách Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc đang làm. Làm như vậy vừa tối đa hóa lợi ích từ tài nguyên khoáng sản cho ngân sách địa phương và nguồn thu quốc gia, vừa giúp tiết kiệm tài nguyên khoáng sản một cách căn cơ”, ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top