Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 4 năm 2019 | 16:23

Nhiều dấu hiệu sai phạm tại Đại học Thái Nguyên: Biết sai vẫn làm?

Không chỉ giáo viên chưa đủ tiêu chuẩn vẫn bổ nhiệm làm trưởng khoa, một số trường đại học thành viên Đại học Thái Nguyên còn chưa đủ điều kiện để mở ngành nhưng vẫn được kiểm định chất lượng và tuyển sinh đào tạo?!

1-4-2019-th-1.jpg

Ảnh: tnu.edu.vn

"Bùa hộ mệnh"?

Luật Giáo dục đại học (Luật GDĐH) hiện hành quy định quyền tự chủ trong đào tạo đại học, sau đại học của các cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt trường đại học); các trường có hành lang rất rộng để thiết kế chiến lược phát triển ngành, nghề đào tạo.  

Tuy nhiên, các cơ sở này phải đáp ứng yêu cầu chung của Luật GDĐH; các yêu cầu này là cơ sở tối thiểu để một cơ sở đào tạo trình độ đại học hoặc cơ sở tối thiểu để mở ngành, duy trì ngành đào tạo.

Để kiểm soát chất lượng giáo dục, Bộ GĐ&ĐT đã ban hành Thông tư số 12/2017/TT-BGDÐT, ngày 19/5/2017 về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, trong đó đưa ra 25 tiêu chí để phân loại đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục.

Ngay từ khi có Thông tư trên, các trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên đã đăng ký để được các trung tâm kiểm định chất lượng. Điều này hoàn toàn phù hợp và có ý nghĩa nếu các cơ sở làm đàng hoàng, chất lượng đến đâu đánh giá đến đó để công khai cho người học lựa chọn.

Tuy nhiên, một số trường thành viên chưa đủ điều kiện để được cấp chứng nhận kiểm định nhưng vẫn chấm “tốt, đạt”. Kiểm định chất lượng giáo dục đại học đang được xem là "bùa hộ mệnh" để tuyển sinh ở các trường thuộc Đại học Thái Nguyên?! 

 

Đề nghị Bộ GD&ĐT sớm vào cuộc làm rõ 

Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT và nay là Thông tư 22/2017/TT-BGDÐT quy định về điều kiện được xem xét để mở ngành đào tạo trình độ đại học nêu rõ: “Có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 01 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 03 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký”.

e51a1c750cefeeb1b7fe.jpg

 untitled.png

Bà Lê Thị Ngân là tiến sĩ văn học Việt Nam, được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Luật và Quản lý xã hội.

Song kết quả khảo sát thời điểm thẩm định thấy: Tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền khi mở chuyên ngành đào tạo cử nhân quản trị văn phòng đã tuyển sinh nhiều khóa (theo phản ánh tuyển sinh được 3 khóa - PV) nhưng không có bất kỳ cán bộ, giảng viên nào có trình độ tiến sĩ ngành quản trị văn phòng.  

Cũng tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, ngành truyền thông đa phương tiện được Đại học Thái Nguyên mở ra nhưng không có 01 tiến sĩ đúng với ngành được mở. Trong khi đó, bà Đỗ Thị Bắc là tiến sĩ Cơ sở toán học cho tin học lại được bổ nhiệm làm Trưởng khoa.

Tại Trường Đại học Khoa học được Đại học Thái Nguyên cho mở ngành đào tạo cử nhân Luật (thuộc Khoa Luật và Quản lý xã hội), theo phản ánh đến nay đã tuyển sinh được 05 khóa học, song tra cứu thông tin trên mục Ba công khai tại trường, không có tiến sĩ chuyên ngành luật cơ hữu nào.

Điều rất đáng ngạc nhiên, ngày 5/12/2018, bà Lê Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học ra quyết định bổ nhiệm lại bà Lê Thị Ngân, tiến sĩ văn học Việt Nam, giữ chức Trưởng khoa Luật và Quản lý xã hội, nhiệm kỳ 2018 - 2023.

1.png

Bà Đỗ Thị Bắc là tiến sĩ cơ sở toán học cho tin học, được bổ nhiệm làm Trưởng khoa truyền thông đa phương tiện Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông.

Với 3 dẫn chứng như trên thấy, câu hỏi về chất lượng thực chất kiểm định của các Trung tâm kiểm định giáo dục nội địa mà báo chí từng bàn và nghi ngờ chất lượng của một số trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên là có cơ sở.

Thông qua câu chuyện kiểm định chất lượng của cơ sở giáo dục đại học nêu trên cho thấy trách nhiệm của Đại học Thái Nguyên trong quản lý các cơ sở giáo dục trực thuộc có nhiều điểm không bình thường.

Sự không bình thường nằm ngay ở chỗ chỉ với 03 ngành đào tạo mới của 2 trường đã nêu cho thấy khi quyết định cho phép mở ngành của 2 trường đều không bảo đảm điều kiện tiên quyết mà Luật GDĐH và quy định của Bộ GD&ĐT về mở ngành đào tạo và tổ chức đào tạo ngành trình độ đại học tại Thông tư 08/2011 (nay là Thông tư 22/2017/TT-BGDÐT) là điều kiện về tiến sĩ chuyên ngành đúng cơ hữu (không có) nhưng Đại học Thái Nguyên vẫn đồng ý cho phép mở tuyển sinh.

Để có thông tin đa chiều, khách quan, phóng viên đã liên hệ đặt lịch với ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhưng đến nay vẫn chưa có buổi làm việc chính thức.

Đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc làm rõ việc Đại học Thái Nguyên mở 3 ngành quản trị văn phòng,  truyền thông đa phương tiện (Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền);  Luật (thuộc Khoa Luật và Quản lý xã hội - Trường Đại học Khoa học) có thực hiện đúng theo Theo Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT và nay là Thông tư 22/2017/TT-BGDÐT quy định về điều kiện được xem xét để mở ngành đào tạo trình độ đại học?

Đồng thời làm rõ, các trưởng khoa, các ngành nói trên khi bổ nhiệm có đúng với quy định điểm a, khoản 2, Điều 15, Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường đại học hay ở đây có sự linh động khi bổ nhiệm?!

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Năm 2015, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã công bố hàng loạt sai phạm tại Đại học Thái Nguyên và các đơn vị thành viên.

Về bổ nhiệm:

Năm 2010, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh bổ nhiệm thạc sĩ Hoàng Thị Huệ làm trưởng khoa Quản trị Kinh doanh (lúc đó Thạc sĩ Huệ đang làm nghiên cứu sinh).

Trường ĐH Sư phạm bổ nhiệm Thạc sĩ Lê Bá Tứ - Trưởng khoa Vật lý không đủ tiêu chuẩn theo quy định (theo giải trình của trường ĐH Sư phạm, thời điểm đó khoa Vật lý không có cán bộ đủ tiêu chuẩn).

Năm 2011, Hiệu trưởng trường ĐH Y Dược bổ nhiệm Thạc sĩ Nông Phương Mai làm trưởng khoa Điều dưỡng cũng không đủ tiêu chuẩn theo quy định (theo giải trình của nhà trường, thời điểm đó chuyên ngành Điều dưỡng chưa có cán bộ đạt học vị Tiến sĩ).

Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm bổ nhiệm 1 hợp đồng lao động làm Phó Giám đốc thư viện không đúng quy định.

 

Về đào tạo: 

ĐH Thái Nguyên đã cho phép Trường ĐH Sư phạm đào tạo ngành tiếng Anh trình độ ĐH khi trường chưa đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ đúng ngành theo quy định.

Việc phân bổ chỉ tiêu và kết quả thực hiện chỉ tiêu của ĐH Thái Nguyên cho các đơn vị thành viên tổ chức đào tạo chưa hợp lý, đặc biệt là ngành quản lý giáo dục trình độ thạc sĩ. ĐH Thái Nguyên chưa có văn bản cụ thể phân bổ chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ và nghiên cứu sinh cho từng đơn vị thành viên trước khi tổ chức tuyển sinh. Cụ thể:

Năm 2011, tuyển sinh hệ văn bằng 2, liên thông, VHVL vượt 20% chỉ tiêu được giao. Năm 2013, ngành Bác sĩ nội trú tuyển vượt 90,8% so với chỉ tiêu được giao.

Đối với các đề án phê duyệt chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài sơ sài, không quy định rõ kế hoạch thực hiện, thời gian liên kết.

Theo kết luận của thanh tra, về công tác đào tạo, nhiều đơn vị ĐH Thái Nguyên đã sai phạm nghiêm trọng. Điển hình như trường ĐH Sư phạm, thời gian đào tạo liên kết của Trường ĐH Sư phạm với Trung tâm GDTX Phú Thọ và Trường CĐ Nghề Mỏ Hồng Cầm, chương trình đào tạo được phê duyệt là 3 năm nhưng thực tế chỉ học vào 4 học kỳ hè, mỗi học kỳ 3 tháng, chưa đảm bảo theo thông báo tuyển sinh.

Với Trường ĐH Y Dược đã sai phạm nghiêm trọng trong liên kết liên thông ngành Dược giữa trường với Trường ĐH Y dược Hải Phòng, tuyển sinh không đúng đối tượng. 

Đặc biệt, chuyên ngành Quản lý giáo dục trình độ thạc sĩ, giảng viên cơ hữu chỉ có 1 tiến sĩ đúng chuyên ngành chưa đảm bảo quy định. Phân công tiến sĩ kỹ thuật tham gia hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp chuyên ngành quản lý giáo dục không đúng quy định...

Theo Vietnamnet

 

 Bài 3: Giảng viên phân thân?

 

 

 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top